ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Nhân dân, Hà Nội (31-1-1988)

 

 

CƠ CHẾ HÀNH CHÍNH QUAN LIÊU BAO CẤP
VÀ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA VĂN NGHỆ

 

LẠI NGUYÊN ÂN

 

Hiện nay, khi việc xóa bỏ triệt để cơ chế hành chính quan liêu bao cấp đang là nhiệm vụ cơ bản trước mắt trong mọi ngành thì trong các ngành văn hóa văn nghệ cũng có vấn đề đặt ra.

Biểu hiện rõ nhất của cơ chế này là: tuy các văn nghệ sĩ được tập hợp trong các hội sáng tác, nhưng cơ cấu và cách làm việc của các hội này chủ yếu vẫn giống như mọi cơ quan hành chính sự nghiệp của nhà nước. Văn nghệ sĩ chuyên nghiệp là những cán bộ trong biên chế, những viên chức ăn lương để sáng tác. Điều này có những mặt tốt, đã từng phát huy được hiệu quả. Nhưng cạnh đó lại có những mặt hạn chế, làm phát sinh tiêu cực.

Do cơ chế này cho nên quy luật sàng lọc tài năng không phát huy tác dụng. Số lượng văn nghệ sĩ chuyên nghiệp đến một lúc nào đó sẽ vượt quá tỷ lệ cần thiết so với số dân, đồng thời cũng quá tải so với khả năng cung cấp vật chất của kinh tế đất nước.

Do bị "viên chức hóa", văn nghệ sĩ không sống chủ yếu bằng sáng tác. Kết quả là trong đội ngũ này, con đường sự nghiệp diễn ra theo nhiều hướng khác nhau. Một số người trở thành quan chức đầu ngành ngoài các quyền lợi của những viên chức cấp cao, nếu vẫn sáng tác, họ còn được mặc nhiên hưởng đặc quyền của lối "khen chê theo chức vụ" và khả năng quan liêu hóa, xa rời đời sống nhân dân lại nhiều hơn các đồng nghiệp khác. Một số khác, dần dà tỏ rõ không có tài năng đặc biệt, nhưng không bị luật sàng lọc gạt bỏ để chuyển nghề, cho nên rất dễ tìm đến các đề tài nhất thời, cục bộ, dễ chạy theo minh họa cho các chủ trương vốn chỉ có ý nghĩa nhất thời ngắn ngủi, tạo ra một số lượng quá lớn những tác phẩm xoàng xĩnh, nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt, hạ thấp trình độ chung của văn nghệ. Một số khác nữa, có thể không nhiều, dần dà tỏ rõ tài năng, tâm huyết, muốn tìm tòi và thể nghiệm để đạt tới những thành tựu có chất lượng, để đóng đúng cái vai trò của nghệ sĩ trong xã hội, nhưng ở họ rất dễ nảy sinh xung đột giữa thiên chức khám phá, dự báo, phát hiện của nghệ sĩ thực thụ với nghĩa vụ của một viên chức là phục tùng, nói xuôi theo ý trên.

Xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu ở lĩnh vực này như thế nào là việc của nhiều cấp, nhiều ngành, là phối hợp suy nghĩ và đề xuất của nhiều người. Nghị quyết mới đây của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về văn hóa văn nghệ đã nêu lên nhiều phương hướng cơ bản. Trên cơ sở vận dụng tinh thần của Nghị quyết xin nêu một số điểm sau đây:

1 - Cần mau chóng sửa đổi chế độ nhuận bút để nhà văn và nghệ sĩ khác có thể sống bằng nhuận bút. Làm sao để nhuận bút có thể đủ nuôi sống bản thân, bảo đảm được gia đình con cái, ít nhất cũng ngang mức thu nhập của một lao động chính ngoài xã hội.

2 - Các hội sáng tác cần được củng cố và chấn chỉnh để vừa là hội của những nghệ sĩ chuyên nghiệp vừa được nắm một số cơ sở xã hội kinh doanh văn hóa văn nghệ (báo chí, xuất bản, nhà in, xí nghiệp giấy, xưởng phim, nhà hát v.v...) đủ sức đảm bảo sử dụng được hết tiềm năng lao động nghệ thuật của hội viên.

3 - Phần chi cho văn hóa văn nghệ trong ngân sách nhà nước chẳng những không nên cắt bỏ hoặc cắt giảm, ngược lại cần tăng lên theo nhịp độ phát triển kinh tế xã hội. Có điều, phần ngân sách này cần được sử dụng hợp lý hơn, có tham khảo ý kiến của các hội sáng tác; tốt nhất là phần ngân sách này được dùng để đầu tư cho các cơ sở sản xuất kinh doanh văn hóa văn nghệ thuộc các hội sáng tác.

4 - Văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, là phúc lợi của toàn dân, bởi vậy cần xây dựng "Quỹ văn hóa Việt Nam" như một tổ chức xã hội, nhằm huy động mọi nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân trong nước, của Việt kiều và những người nước ngoài có thiện ý, dùng quỹ này tài trợ và đầu tư cho sự nghiệp văn hóa văn nghệ. Cũng cần khuyến khích và cho phép thành lập các loại "Quỹ văn học", "Quỹ điện ảnh", "Quỹ mỹ thuật" v.v... do các hội sáng tác quản lý. Để cho các quỹ này có thể hoạt động, điều rất cấp bách hiện nay là phải sớm có các văn bản nhà nước quy định, các nguồn thu ổn định cho các quỹ đó (mức đóng góp bắt buộc trích từ nhuận bút của các tác giả có tác phẩm được công bố; nhuận bút của các tác giả quá cố mà người thừa kế đã hết thời hạn hưởng bản quyển; mức trích nộp bắt buộc của các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các hội sáng tác v.v...).

Chuyển hoạt động văn hóa văn nghệ ra khỏi quỹ đạo của cơ chế quan liêu bao cấp là một việc làm tất yếu, phù hợp với quá trình đổi mới hiện nay. Tuy vậy, không thể thực hiện việc này một cách dứt điểm ngay tức khắc. Một mặt, cần nhận thức rằng, chỉ khi văn nghệ sĩ có thể sống được bằng sáng tác, chứ không phải bằng suất lương tháng của viên chức, chỉ khi các hội sáng tác hoạt động được một cách độc lập, bản lĩnh xã hội độc lập, tư cách xã hội độc lập của hoạt động văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội. Mặt khác, lại cũng cần nhận thức rằng văn hóa văn nghệ trước hết không phải là hoạt động thuần túy sản xuất kinh doanh để có thể tự tồn tại và phát triển theo lối lấy thu bù chi. Nó là một hoạt động xã hội, một phúc lợi tinh thần mà nhà nước cần tài trợ, và cũng chỉ khi có sự tài trợ thì nó mới có thể phát triển theo hướng nâng cao.

Việc nhất loạt áp dụng biện pháp tự cân bằng thu chi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh văn hóa văn nghệ hiện nay là một biện pháp nóng vội và đang gây thêm nhiều khó khăn trước mắt cho hoạt động văn hóa văn nghệ, đồng thời kéo theo những hậu quả không mong muốn. Giá bán (sách báo, vé vào rạp v.v...) tăng lên đột ngột vượt quá khả năng tiêu dùng của những người lao động hưởng lương (thường là bộ phận công chúng tiên tiến chủ yếu của văn nghệ). Trong điều kiện đó, yêu cầu lấy thu bù chi dẫn tới xu hướng thương mại hóa, chạy theo các loại thị hiếu tầm thường, chạy theo những thứ "bán chạy", "ăn khách" v.v... mà trên thực tế phục vụ cho những người có nhiều tiền (bất kể loại nào) một xu hướng hạ thấp nghệ thuật mà các nghệ sĩ chân chính và các hội sáng tác không hề mong muốn...

Xét về lâu dài, việc giải phóng các hoạt động văn hóa văn nghệ ra khỏi cơ chế quan liêu bao cấp là một tất yếu không thể trì hoãn nữa.

Nguồn: Nhân dân, Hà Nội (31-1-1988)

 Mục lục

6-9-08