ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Sống với văn học cùng thời

Hà Nội, 1997: Nxb Văn học, tr.243-255

ĐỔI MỚI ĐIỀU KIỆN SỐNG
LÀ ĐIỀU KIỆN SỐNG CỦA ĐỔI MỚI

 

(Tham luận tại hội thảo về đổi mới lý luận phê bình do
Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội
trong hai ngày 22 và 23 tháng 5- 1990)

LẠI NGUYÊN ÂN

Đề tài nêu ở đây có thể bị xem như là quá rộng, ít ra là rộng hơn so với yêu cầu tập trung bàn luận về vấn đề đổi mới trong hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học. Tuy nhiên, kinh nghiệm và những thử nghiệm đổi mới trong hoạt động này một vài năm qua chứng tỏ sự hệ lụy, "rút dây động rừng": việc đổi mới hoạt động lý luận phê bình văn nghệ thế nào cũng động đến hệ thống báo chí xuất bản, và đến lượt nó, hoạt động báo chí xuất bản lại động đến hệ thống quản lý tư tưởng và văn hóa; trên thực tế, hệ thống này, với tất cả những sửa chữa và bổ sung, vẫn chưa có sự đổi mới về căn bản.

Tôi nghĩ cả giới văn học lẫn công chúng đều không đến nỗi quá cả tin và ngây thơ để cho rằng sau lời tuyên bố đổi mới, "cởi trói" từ trên vang xuống là lập tức mọi thứ đều đổi mới. Ấy là chưa nói đến những hiện tượng "cởi trói ngập ngừng", tuyên bố xong ít lâu lại thấy không đủ sức kiểm soát nên muốn trói lại.

Bởi vậy hãy còn chưa muộn để một lần nữa nhận thức lại một cách khái quát về "điều kiện sống" cũ, cơ chế cũ, - cũ nhưng vẫn là hiện hành, với đôi nét sửa đổi, - cái cơ chế, cái điều kiện đã chi phối hoạt động tư tưởng văn hóa trong đó có hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn nghệ.

Có một sự thật đơn giản, dễ chấp nhận là: hoạt động của người làm nghiên cứu, lý luận, phê bình văn nghệ (cũng như hoạt động của giới nghiên cứu các khoa học xã hội, các khoa học nhân bản) thực chất là hoạt động sản xuất ra tư tưởng, nó thể tất phải là một loại lao động cá thể; sản phẩm của nó, - tư tưởng, tri thức, - là sản phẩm thuộc sở hữu của cá nhân, sở hữu tư nhân. Mọi tư tưởng đều có tác giả của nó (Việc nó được xã hội hóa ra sao, tức là sau khi công bố, sau khi được "vào đời", nó có được thừa nhận hay không, được coi là có giá trị hay không, được người khác sử dụng hay không, sử dụng ở mức rộng hay hẹp v.v... - đó là khâu thứ hai). Thế nhưng lại có một sự thật khác, sự thật của cơ chế cũ: cơ chế này về căn bản, về nguyên tắc là không thừa nhận hoạt động sản xuất tư tưởng, không thừa nhận đặc tính của nó như là sở hữu tư nhân, là sản phẩm của lao động cá thể.(Điều này là có thể hiểu được nếu ta nhớ rằng cơ chế cũ không thừa nhận sở hữu tư nhân và kiên trì tiến hành hạn chế và xóa bỏ lao động cá thể).

Trong cơ chế cũ, hoạt động sản xuất ra tư tưởng không được coi là hoạt động bình thường, phổ biến trong toàn xã hội; nó chỉ là đặc quyền và độc quyền của người có vị trí cao nhất trong xã hội, - của các lãnh tụ, của nhóm lãnh đạo tối cao. Vốn liếng tư tưởng được dùng cho toàn xã hội chỉ gồm các nghị quyết, các bài nói bài viết của lãnh tụ và một số tác gia kinh điển được thừa nhận. Tại mọi thời điểm, vai trò chủ đạo là thuộc về tư tưởng của lãnh tụ đương nhiệm, của nhóm lãnh đạo đương quyền; tư tưởng của các lãnh tụ tiền nhiệm và của các tác gia kinh điển chỉ là vốn "thế chấp" và thường được dùng để minh họa cho tư tưởng của lãnh tụ đương nhiệm.

Cả một xã hội, cả một đất nước suy nghĩ bằng một cái đầu; một cái đầu nghĩ thay cho cả xã hội và truyền những gì nghĩ ra được vào cả xã hội, - đó là một phương diện thực chất của cơ chế cũ. Điều đó có vẻ kỳ quái, nhưng chỉ là kỳ quái nếu ta đặt vào bối cảnh của thế kỷ XX, vào điều kiện của những dân tộc mà C. Marx và F. Engels gọi là "các dân tộc hiện đại", chứ không hề kỳ quái nếu ta đặt vào bối cảnh của các xã hội trung đại, nơi mà độc quyền hoạt động tư tưởng là thuộc về nhà nước và nhà thờ.

Cả một đất nước tại một thời điểm chỉ có một người duy nhất (hoặc một nhóm xã hội duy nhất có địa vị cao nhất) được quyền công khai làm nhà tư tưởng, và sản phẩm tư tưởng duy nhất đó ngay lập tức được phổ cập, được coi là chân lý một cách vô điều kiện! Liệu có phải là không đúng chỗ để dẫn ra ở đây một ý kiến phản tỉnh vào năm 1956 của Johanes Robert Becher mà chỉ đến năm 1988 vừa qua mới được công bố, trong đó nhà thơ Đức, một người thành đạt trong chủ nghĩa xã hội hiện thực, nhận xét rằng cái mặt bên kia của tệ sùng bái cá nhân chính là sự vô ngã hóa phổ quát của đám đông nhân dân quần chúng còn lại. Ngoại trừ cá nhân lãnh tụ duy nhất, ngoại trừ nhóm lãnh đạo cao nhất, không ai được phép có khuôn mặt của mình trong tư tưởng, trong văn hóa. Đây có lẽ không phải là điều quá xa lạ. Chỉ xin nhớ lại một chi tiết nhỏ: danh từ xưng hô "nhà văn hóa" tại các đại hội văn hóa toàn quốc 1946 và 1948 đã biến mất như thế nào tại các đại hội văn nghệ về sau. Khi cơ cấu thực chất đã định hình thì những cao hứng ngoại lệ, lỡ lời trước đó tất bị bác bỏ. Đám đông còn lại không được ai có quyền làm "nhà văn hóa", "nhà tư tưởng", - đó là quy tắc. Một loại quy tắc không thành văn nhưng còn quyết định hơn nhiều quy tắc thành văn.

Hẳn là sẽ có không ít người phản đối nhận xét nêu trên. Họ sẽ bảo là trong xã hội ta lâu nay vẫn có những người hoạt động tư tưởng, văn hóa, khoa học, vẫn có các "nhà văn hóa", các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học. Lại còn những học vị cao của hàng ngàn công dân Việt Nam do các cơ quan khoa học nước ngoài phong tặng v.v... Dĩ nhiên không có lý do gì để không xác nhận những sự việc như vậy. Nhưng ở đây đang nói đến mô hình khái quát, đến nguyên lý vận hành chứ không phải nói đến diện mạo thực tiễn cụ thể. Ấy là còn chưa nói đến vô vàn sắc thái vô hiệu hóa, biến tướng biến dạng, những "cây hoa chậu cảnh" các loại, những kiểu lợi dụng lẫn nhau. Nhưng chung quy không thể thoát ra ngoài mô hình. Đối với những trường hợp có vẻ như "ngoại lệ", nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy đó là những con rối, những họa tiết trang trí, tô vẽ. Vả chăng người ta cũng khó có cách sống nào khác: không là con ngoan thì đành là con hư, nhưng hư mấy cũng phải còn là con thì mới còn đất sống, có khi phải là người hơi hơi bị mang tiếng hư thì mới dễ đóng vai "nói ngược", làm sang cho chế độ!

Có thể hình dung sơ đồ đời sống tư tưởng trong cơ chế cũ như một hình chóp nhọn: trên đỉnh là các tư tưởng và nguyên tắc tư tưởng của giới lãnh đạo cao nhất; ở dưới thấp là hoạt động văn hóa tư tưởng trong xã hội; mọi tìm tòi, phát ngôn, nghiên cứu, xét về mặt tư tưởng, chỉ được hạn chế trong phạm vi giữa hai cạnh kẻ xuống từ đỉnh tháp, tuyệt đối không được vượt ra ngoài. Sơ đồ này thậm chí còn tồn tại nguyên vẹn đến hôm nay.

Không ít người bảo là ở ta lâu nay làm gì có sở kiểm duyệt, ý muốn nói không hề có sự hạn chế nào cả, chỉ có những biểu hiện hẹp hòi thô bạo cá biệt mà thôi. Thật ra, cần thấy sự kiểm duyệt ở trong cơ chế vận hành chứ không phải ở hình thức có hay không có một nhiệm sở. Nhiều người hoạt động trong giới văn hóa, khoa học gần đây nói đến sự "tự kiểm duyệt" đã mặc nhiên hình thành. Song, cần thấy sự vận hành của cả một bộ máy.

Có một bộ máy vận hành đời sống tư tưởng văn hóa không phải là điều đáng phàn nàn. Cái đáng quan tâm là nguyên lý vận hành, là quy tắc hoạt động của nó. Thực tiễn mấy chục năm qua cho thấy bộ máy ấy chủ yếu chỉ thực hiện hai chức năng chính. Một là chế biến, tổng hợp, "luận chứng bổ sung" những tư tưởng của lãnh đạo cấp cao và phổ biến nó vào xã hội, trang bị nó cho những người hoạt động tư tưởng văn hóa. Chính ở chức năng "hệ thống hóa" này, các tư tưởng, luận điểm từ bên trên sẽ được điều chỉnh, bổ sung, nhấn mạnh hoặc lược bỏ, và, quan trọng hơn, được biến thành một hệ thống tư tưởng quan phương, được độc chiếm địa vị cao nhất trong thang bậc giá trị. Cơ chế xác định bậc giá trị được đề ra từ đây. Cơ chế ấy dẫu quanh co mấy vẫn cứ là: ai có chức quyền cao hơn, tư tưởng người ấy đúng đắn, sáng suốt hơn! Chức năng thứ hai là giám sát toàn bộ các hoạt động tư tưởng văn hóa trong toàn xã hội, chủ yếu là phát giác những dấu hiệu "khác lạ", "không thể chấp nhận", "không được phép" v.v..., để tìm ngay các biện pháp răn đe, uốn nắn, ngăn chặn, vô hiệu hóa, hoăc hạn chế, không cho phổ biến, v.v... Một trong những cách thức thường gặp là tạo ra các quy phạm. Mỗi sự cố là một lần để người ta đề xuất thêm các quy phạm. "Văn nghệ cách mạng không nên nói nỗi buồn", "văn nghệ không được bôi đen", "văn học thời đại thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới thì không được viết bi kịch", "văn nghệ không được rơi vào vũng bùn xét lại, vào chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng", v.v... và v.v... Cho đến rất gần đây, chúng ta vẫn chứng kiến cái cố gắng không mệt mỏi nhằm tạo ra các quy phạm tư tưởng. Nào là "đổi mới nhưng không được phủ nhận thành tựu", "dân chủ nhưng phải có lãnh đạo", "khác ý kiến chỉ được nói lúc đang bàn cãi, khi đã biểu quyết rồi thì phải nói theo quyết định của đa số", v.v... và v.v... Mọi quy phạm, từ đặc tính cố hữu của nó, chỉ tác động theo hướng hạn chế, răn đe, bắt tuân thủ, chứ không theo hướng thuyết phục bằng luận chứng, bằng đối thoại. Hình như nghệ thuật quản lý tư tưởng văn nghệ là nghệ thuật tạo ra và điều chỉnh các quy phạm, là nghệ thuật tạo ra và duy trì những "tabou", những kiêng khem, húy kỵ. Và ai nắm được nghệ thuật ấy thì có sức chi phối người khác. Vì thế mới có chuyện những người chỉ là giảng viên, chỉ là người viết lách thông thường, không giữ chức vụ chính thức nào, nhưng lại có thể thao túng, chi phối đời sống văn nghệ, có thể liên kết với các quan chức đầu ngành, được sự tin dùng của các nhân vật quyền uy!

Hình như khi đề xuất ra các quy phạm, người ta thường rất suy tính để có thể dựa thật chắc vào tình trạng "dân trí" ít phát triển, ý thức dân chủ ít phát triển; người ta triệt để lợi dụng tính chất khép kín, tự vệ của ý thức làng xã. Kết quả là, các quy phạm vốn xuất hiện từng lúc với những dụng ý cụ thể, dần dần lại trở nên phổ biến, phổ cập, biến thành quan niệm của công chúng, thành tâm niệm của người làm chuyên môn văn hóa tư tưởng. Đây là cơ sở cho sự hình thành những khuôn hình (stereotype) của tư duy, trong đó yêu cầu răn cấm từ bên trên có sự gặp gỡ và kết hợp với các yếu tố lạc hậu, bảo thủ từ bên dưới. Sống trong môi trường đã bị điều kiện hóa bởi các quy phạm răn cấm, bởi các khuôn hình tư duy có sẵn và bởi nhiều yếu tố tác động khác, những ai dám tìm kiếm, sáng tạo một cái gì mới, một cái gì khác với những chuẩn mực hiện hành thường bị lâm vào tình cảnh của những con chiên ghẻ lạc bầy, bị cộng đồng xua đuổi, ruồng bỏ, trừng phạt tùy cách tùy lúc. Con đường tìm tòi trong cô độc của họ nếu không bị dở dang nửa vời do thỏa hiệp, do bị lung lạc thì cũng bị còi cọc biến dạng do không được giao tiếp đối thọai cùng thời với công chúng, với bạn nghề.

Tôi miêu tả bộ máy quản lý đời sống tư tưởng văn hóa như một khâu của cơ chế cũ chứ không bảo nó là một cơ quan cụ thể nào, bởi lẽ phạm vi của bộ máy ấy rất rộng. Về mặt tiềm năng, khó có ai hoạt động trong các giới sáng tác, văn hóa lại thiếu điều kiện tham gia bộ máy ấy, nhất là khi bộ máy ấy lại có cả một thiết chế hành chính làm cơ sở. Một bằng chứng là có rất đông tác giả tham gia vào một bộ môn nghiên cứu hết sức phát triển ở ta là "khoa học về đường lối", sử dụng một cách khéo léo tài tổ hợp, kết hợp các loại trích dẫn từ nguồn kinh điển và nguồn "văn kiện" để viết những chuyên luận khá dày trang: "phát hiện ra mặt trời" trở thành bộ môn có đông đảo chuyên gia nhất.

Phải thừa nhận rằng hệ thống vận hành của cơ chế cũ ở lĩnh vực tư tưởng văn hóa đã tỏ ra là rất hiệu quả. Đời sống tư tưởng văn hóa tuy nghèo nàn nhưng ổn định, - cái ổn định trong ao tù. Nhiều kiến thức sơ đẳng được đẩy lên thành chân lý tuyệt đối, cuối cùng. Nhiều định kiến được đẩy lên thành tiêu chuẩn bất di bất dịch. Mục tiêu là gìn giữ, canh gác chứ không phải là phát triển. (Nếu cần phát triển thì đó là văn hóa quần chúng, văn hóa nghiệp dư, - ở đấy lúc nào cũng thấy những mầm những nụ, mọc được hay không, nở ra hay không vị tất đã cần thiết, bởi nếu mọc thật, nở thật hết cỡ thì sẽ có lắm chuyện phiền cho bộ máy kiểm soát, quản lý).

***

Nhìn lại khái quát về cơ chế cũ, hệ thống vận hành cũ trong hoạt động tư tưởng văn hóa của xã hội ta sẽ thấy nó bất lợi cho yêu cầu phát triển, đổi mới.

Từ đặc tính cố hữu của nó, cơ chế cũ dị ứng kịch liệt với các loại "ý kiến khác", "quan điểm khác", thậm chí với các loại "ý kiến riêng", "quan điểm riêng". Thế mà trong khoa học, trong tư tưởng xã hội, sự phát triển chỉ có thể diễn ra thông qua việc đề xuất các quan điểm riêng, quan điểm khác, thông qua sự cọ xát, đối thoại giữa các loại quan điểm, ý kiến khác nhau. Đời sống tư tưởng có những quy luật riêng của nó. Cấm đoán, "uốn nắn", bài xích một tư tưởng nào đó, - không phải là đã đảm bảo tiêu diệt được nó. Khẳng định, chính thức hóa một tư tưởng nào đó, - có khi lại là mở đường cho sự thoái hóa của nó. Một tư tưởng muốn thật sự sống động phải biết đối thoại và có năng lực đối thoại với những tư tưởng khác, phải chịu được sự đối thoại của những tư tưởng khác.

Cơ chế quản lý tư tưởng cũ tỏ ra không chịu nổi, không hoạt động được trước một cục diện có nhiều tư tưởng ngang giá trị nhau, tồn tại ngang quyền nhau, đối thoại thường xuyên với nhau. Cơ chế ấy chỉ quen hoạt động trong một luồng tư tưởng thống nhất duy nhất; nó dùng quyền uy để gán chân lý cho tư tưởng của mình và dìm tư tưởng khác, ý kiến khác, quan niệm khác vào im lặng, nó mặc nhiên dung dưỡng cho lối viết lách minh họa, biện hộ, "tái sản xuất giản đơn" luồng tư tưởng của mình. M. Gorki có lần dẫn ý kiến một nhà văn nói rằng: hễ đã có người "hỏi mua" một thứ triết lý có thể biện hộ cho giai tầng thống trị thì thế nào cũng sẽ có những kẻ đem một thứ "dấm ớt" như thế ra chào mời! Dễ hiểu là văn thơ xướng tụng phụ họa, nghiên cứu phê bình ăn theo nói leo đã có đất sống màu mỡ như thế nào trong cơ chế cũ.

Không thể đổi mới, phát triển tư tưởng, học thuật trong "điều kiện sống" cũ, trong cơ chế cũ. Vấn đề là phải đổi mới điều kiện sống, đổi mới cơ chế.

Nếu cơ chế cũ xác lập đặc quyền và độc quyền sản xuất tư tưởng cho nhóm có vị trí lãnh đạo tối cao thì vấn đề đổi mới cơ chế trước tiên là xóa bỏ đặc quyền và độc quyền ấy. Dư luận xã hội gần đây đã lên án tình trạng đặc quyền đặc lợi vật chất, nhưng chưa thấy là nó đồng bộ với tình trạng đặc quyền và độc quyền trong hoạt động tư tưởng, tinh thần. Hoạt động sản xuất lưu hành và trao đổi tư tưởng, sản xuất lưu hành và trao đổi các giá trị văn hóa tinh thần, - là hoạt động bình thường của xã hội của con người. Hoạt động này dù sao vẫn cứ diễn ra ngay khi có các loại các kiểu can thiệp, từ dịu dàng đến thô bạo. Chẳng lẽ đã tuyên bố coi trọng dân, "lấy dân làm gốc" mà lại không để cho nhân dân tự do hoạt động tư tưởng? Và lẽ nào giới những người hoạt động văn hóa, khoa học lại không ở trong nhân dân, không thuộc về nhân dân, diễn đạt những tiếng nói khác nhau trong nhân dân?

Một khi hoạt động tư tưởng được bình thường hóa thì hệ quả tiếp theo hiển nhiên là không cần có một bộ máy quản lý giám sát quá ư cồng kềnh, phiền phức. Sự quản lý về mặt nhà nước cố nhiên là rất cần thiết, nhưng nó chỉ nên là việc "đảm bảo trật tự" thông thường. Ngay như việc lập ra cơ quan chuyên trách kiểm duyệt cũng là điều hợp lý, thông thường. Vả chăng cái quan trọng lại là sự đảm bảo vật chất cho hoạt động tư tưởng văn hóa ở quy mô toàn xã hội. Nhà nước thu thuế từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhân dân thì chính nhà nước phải thay mặt nhân dân để chi trả, thanh toán cho sự tiêu dùng về văn hóa tinh thần của nhân dân.

Tư tưởng được tự do tương tác với tư tưởng, - đó sẽ là "mô hình" về cơ chế tự quản lý. Không có tư tưởng nào vốn giả tạo, thiếu sức nặng, thiếu căn cứ... lại có thể sống lâu. Điều quan trọng là đừng nên dùng các biện pháp nhân tạo để ấn định từ đầu rằng, chẳng hạn, tư tưởng này là của bậc trưởng lão nên nó cực kỳ đúng đắn, tư tưởng kia là của loài "dị giáo" nên phải cấm cửa ngay v.v... Sự ấn định trước ấy (từ phía những người có quyền lực) không khác gì hơn, chính là sự tự tín, tự thị, cho mình độc quyền nắm chân lý, lấy ý mình làm thước đo duy nhất của lẽ phải, - ảo tưởng này chính là đặc tính của cơ chế cũ, cơ chế đặc quyền, độc quyền, độc thoại.

Mức độ tính chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về số đông. Nhân loại đã có không ít kinh nghiệm về việc những chủ thuyết lớn, sáng tạo lớn, phát hiện lớn từng phải chịu số phận cô độc, số phận bị nguyền rủa suốt nhiều năm dài. Đảm bảo quyền khác ý kiến của thiểu số - là một yêu cầu của dân chủ hóa. Dĩ nhiên nếu cho phép "ý kiến khác", "ý kiến thiểu số" được quyền bảo lưu nhưng cấm nó phát ngôn, trao đổi, thì cũng gần như vô hiệu hóa cái quyền này. Người ta giữ ý kiến riêng của mình không phải để chỉ nói với "đầu gối" mình, không phải để đào sâu chôn chặt nó vào im lặng. Tự do ngôn luận, tự do báo chí chính là nội dung của dân chủ hóa sinh hoạt tư tưởng tinh thần. Những nội dung ấy vốn đã được long trọng ghi nhận trong hiến pháp, cần phải được thực hiện ngay trong đời sống thực tế hàng ngày.

Đổi mới "điều kiện sống" của hoạt động tư tưởng văn hóa chỉ là điều kiện cho sự đổi mới của hoạt động ấy chứ chưa phải là nội dung đổi mới của tư tưởng, văn hóa, của nghiên cứu lý luận phê bình văn nghệ. Tuy vậy, nếu chưa có sự đổi mới của các "điều kiện sống", các thủ tục có tính chất tiền đề, thì những cố gắng đổi mới hoặc thử nghiệm đổi mới trong các lĩnh vực này đều sẽ rất ít hứa hẹn kết quả.

Dẫu sao chúng ta vẫn có thể lạc quan nhìn về phía trước. Chúng ta lưu ý đến một sự kiện là, với cuộc đổi mới lần này, lần đầu tiên sau mấy chục năm dài, sở hữu tư nhân lại được chính thức thừa nhận. Chúng tôi không định lạc sang lĩnh vực kinh tế, chỉ xin ghi nhận rằng sở hữu tư nhân suy cho cùng chính là cơ sở xã hội - vật chất của tự do cá nhân, tự do nhân cách, tự do sáng tạo, của dân chủ trong kinh tế và xã hội. Quyền được sản xuất tư tưởng, quyền được có ý kiến riêng, quan điểm riêng thật ra đã có tiền đề ở việc thừa nhận sở hữu tư nhân. Có lẽ chỉ vì còn có khoảng cách, có sự chậm trễ hơn, lạc hậu hơn ở lĩnh vực tinh thần tư tưởng so với lĩnh vực kinh tế hạ tầng, nên một sự đồng bộ tất yếu còn chưa được thể hiện rõ rệt trong thực tiễn. Và chúng tôi không muốn nghĩ đấy chỉ là một giả tưởng.

 

w Nguồn: Sống với văn học cùng thời

(Phê bình - tiểu luận của Lại Nguyên Ân), Hà Nội, 1997: Nxb Văn học, tr.243-255
 

Mục lục

15-5-10