ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Văn nghệ quân đội, Hà Nội, số 5-1988 ĐÃ NGHĨ LỐI MỚI HAY VẪN NGHĨ LỐI CŨ? LẠI NGUYÊN ÂN Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 12-1987 có đăng bài Mấy ý kiến về đổi mới tư duy trong lý luận phê bình văn học... của Phan Cự Đệ. Nhan đề ấy đi với tên tác giả ấy đã dễ gây ngạc nhiên. Một anh bạn phê bình đã bình luận khẽ vào tai tôi: "Đến ông Phan Cự Đệ mà cũng nói "đổi mới tư duy" thì thời thế quả là đã khác rồi". Tôi bèn nhớ một lời bình luận miệng khác, được nghe hồi tháng Tư năm ngoái: "Người như ông Nguyễn Khải mà quyết định tham chính thì thời thế đã khác lắm rồi đấy". Nhưng có cái khác của thời thế, lại có cái khác của con người. Những dòng viết dưới đây, tôi muốn cùng bạn đọc đọc kỹ bài viết của Phan Cự Đệ để xem việc "đổi mới tư duy"được ông quan niệm ra sao. Hy vọng rằng công việc này sẽ giúp trả lời điều nên ở nhan đề bài viết này. Về mục thứ nhất - ghi chú bổ sung và bình luận Bài viết của ông Phan Cự Đệ có 2 mục. Mục thứ nhất có tiêu đề: Đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận, trong đó ông nêu một nhận xét về một khía cạnh của tình hình tư tưởng văn nghệ là "Từ giữa năm 1979... đã xuất hiện... khuynh hướng phủ nhận nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta", và "Gần đây khuynh hướng muốn phủ nhận nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa lại xuất hiện trong một số bài viết với giọng điệu gay gắt hơn, triệt để hơn" (Văn nghệ quân đội, 12-1987, tr.108). Có lẽ với tinh thần công khai hiện nay, cần ghi chú bổ sung về những tác giả của các ý kiến mà ông Đệ biết rất rõ khi trích dẫn để xếp họ vào "khuynh hướng phủ nhận" khét tiếng này. Về năm 1979, dưới các ý kiến được ông Đệ trích dẫn hẳn là có các nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến, Ngô Thảo. Kể ra nếu không tự kiềm chế, ông Đệ hẳn đã dẫn tên tuổi các nhà văn như Nguyễn Minh Châu với một số ý kiến trong các bài tiểu luận hồi ấy, và nhất là nhà văn Nguyên Ngọc với bài thuyết trình "đề dẫn" chưa bao giờ đăng báo và bản thảo cũng khó tìm lại được. Về những ý kiến "gần đây" mà ông Đệ xếp vào "khuynh hướng phủ nhận" thì bên dưới những dòng được dẫn ra, tôi đoán rằng những người bị ông Đệ lần lượt kết tội "phủ nhận" là: Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Trần Văn Giàu (người viết những dòng này mà được xếp chung vào giữa hai tác giả nổi tiếng như thế, cũng thật là vinh dự khó mơ ước!). Cũng cần ghi chú giúp ông Đệ về danh sách những người có công "đánh dẹp" khuynh hướng "phủ nhận" hồi 1979 - 80 mà ông Đệ mới chỉ dẫn ra tên tuổi của hai nhà lãnh đạo văn nghệ hiện giờ và hồi ấy là Trần Độ và Hà Xuân Trường. Tất nhiên, chỉ những chuyên viên tư liệu cần mẫn làm thư mục quốc gia mới ghi được hết tên những người có bài được đăng hồi ấy mà ông Đệ gọi là "một số đồng chí khác". Ai cũng biết hồi 1980, sau những bài của hai nhà lãnh đạo đăng ra, lần lượt bao nhà hùng biện đã "nhào dô" cái cuộc "đá bóng một gôn" và ai cũng trở thành "tiền đạo ghi bàn" được cả, bởi hai cột gôn thì kéo ra đến hai mép phạt góc, mà cả hàng phòng ngự lẫn thủ môn đội bạn lại đều bị thẻ đỏ mất rồi!! Trong số những "tiền đạo" nổi tiếng hồi ấy, tôi nhớ có nhà thơ Chế Lan Viên với những bức "thư cuối năm đọc lúc đầu năm" rất riêng kín mà cũng rất hùng hồn, phải gửi qua khắp mặt thiên hạ mới vòng lại để tới các địa chỉ đông phòng hay tây phòng gì đó cách bàn viết của nhà thơ vẻn vẹn có mấy bước. Rồi nhà thơ Chính Hữu nữa (các nhà thơ rất hay đi tiên phong) với một bài viết lần đầu tiên bộc lộ tiềm năng lý luận. Rồi còn các "danh nhân" khác nữa như giáo sư Hà Minh Đức, Nhất Văn và cả Phan Cự Đệ nữa chứ – ông Đệ khiêm tốn nên không tự kể tên mình ra đó thôi! Rồi còn các nhà lý luận chỉ lúc ấy mới xuất hiện như Lê Xuân Vũ, Kiều Vân v.v... và v.v... Hẳn không ít bạn còn nhớ hồi ấy có diễn giả đang đà hùng biện khi nhắc đến cái gọi là "khuynh hướng phủ nhận" này đã chém mạnh bàn tay, ra ý bảo rằng phải vả vào miệng những kẻ ấy kia mà. Nhưng tôi phải tạm dừng dòng hồi ức này để nhường cho công việc chuẩn xác của các nhà tư liệu. Còn về công phát hiện "khuynh hướng phủ nhận" nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở thời gian gần đây thì, khỏi phải "ăn chia" gì nữa, quả là chỉ của một mình Phan Cự Đệ, nếu tính đến bài viết chúng ta đang bàn: ông phát giác những dấu hiệu của một "vụ 87" sờ sờ ra đó mà cả giới còn chưa ai thấy kia mà! Lời bình 1 Thật ra, tất cả những nhận xét khác nhau về những nhược điểm trong cơ chế, quan niệm của phê bình và lý luận văn nghệ thời gian trước đây cũng mới chỉ được nêu lên rất ít, và khá dè dặt. Nếu dẫn ý của cố viện sĩ M. Kravchenco "sức mạnh của các công trình lý luận là ở tính phê phán của nó", thì chúng ta còn phê phán quá ít và đó là lý do vì sao ta chậm đổi mới. Nhưng ông Đệ chưa bằng lòng ở mức khái quát rằng đấy là các nhận xét phê phán hoặc tự ý thức; – ông nhất quyết gọi nó là sự phủ nhận. Mà lại phủ nhận cả nền! Người ta nêu mệnh đề "văn học phải đạo", văn học nghiên cứu về cái phải có hơn là cái vốn có (kể cũng khá gần với quan niệm rằng văn học là nghiêng về tính lý tưởng, nhẹ về tính hiện thực mà Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức thường nói), coi như góp phần xác định một đặc điểm, liền bị Phan Cự Đệ quy cho tội "phủ nhận". Người ta nhận xét mức độ chân thực của văn học ta, ví như mới nói "sự thật một nửa" – cũng bị Phan Cự Đệ khép vào tội "phủ nhận". Người này nêu một nhược điểm, người kia nhận xét một tình hình, người nọ phát biểu một cảm tưởng về những yếu kém của văn học hoặc của lý luận phê bình v.v... – tất cả đều bị Phan Cư Đệ chụp cho cái mũ "phủ nhận". Cứ theo cái đà quy chụp ấy, chẳng rõ tinh thần tự phê bình tại Đại hội VI của Đảng sẽ được đánh giá ra sao dưới cái nhìn độc đáo của Phan Cự Đệ. Phải nói rằng, cái lối sính quy chụp (vốn không dễ tránh trong nghề phê bình) thật ra có lúc cũng vô hại, nhưng có lúc lại gây nguy hiểm.Vốn ít thích đùa, ông Phan Cự Đệ thậm xưng trong ngôn từ như vậy là do sở thích riêng hay là còn có dụng ý khác? Chúng ta biết, từ "phủ nhận" cũng giống như các nhóm từ "mâu thuẫn giữa thế giới quan và sáng tác", "thừa nhận có nhân tính" v.v... ở những thời điểm khác nhau của văn nghệ ta, đã được đưa vào danh mục các loại tội phạm về quan niệm tư tưởng văn học. Nó đã được đối xử giống như các mục tội "phạm húy", "khi quân", "phản chủ" thời xưa. Con đường tối ưu cho sự khái quát của nhà nghiên cứu phê bình giờ đây là cố sao quy được cho ai đó trong số các đồng nghiệp khác ý kiến với mình vào trong số những tội đã ghi trong danh mục. Một khi sự tố giác đã hoàn thành thì mọi thứ đều xong xuôi cả! chỉ còn có sự tự vận hành của cái máy chém mà thôi. Thành thử, công việc khái quát, quy kết của nhà nghiên cứu ở đây, dẫu cố tỏ ra khoan thai, vẫn không giấu được một lời kêu gọi ngầm: kêu gọi đàn áp, kêu gọi khủng bố bằng quyền lực hành chính, chứ không phải kêu gọi đối thoại dân chủ. Thật khó nói là lối quy chụp như trên lại có điểm gì chung – nếu không phải là trái – với tinh thần của Nghị quyết Bộ Chính trị mới đây về văn hóa văn nghệ: chỉ đặt một "vùng cấm" rất hẹp và hợp lý, còn lại là đặt tất cả sáng tác và tư tưởng học thuật trong sự luận bàn công khai, dân chủ của dư luận. Lời bình 2 Trong không khí đổi mới, chắc hẳn cả giới văn nghệ ở ta (chứ không chỉ riêng các nhà văn học sử) sẽ phải rà soát lại các sự cố, các vụ việc trong lịch sử nền văn nghệ Việt Nam mới. Ít nhất sẽ là các vụ 79, vụ 74, vụ 64, (bây giờ với bài báo của mình, ông Đệ còn định dựng ra "vụ 87" nữa!) Về vụ 79 mà ông Đệ nhắc tới, có lẽ không phải là khinh suất nếu nói rằng sự kết luận hồi ấy, dẫu là kết luận chính thức đi nữa, cũng không thể là kết luận cuối cùng. Chẳng những thời gian và công luận cũng như óc nghĩ độc lập của các thế hệ sau này luôn luôn rà soát lại, bất chấp các nhận định có sẵn, ngay lợi ích đổi mới đời sống văn nghệ đã buộc chúng ta phải nhìn lại nhiều điều trong những kinh nghiệm vừa trải qua. Luôn tiện, về "vụ 79" mà đến bây giờ còn khá rõ dấu tay của tất cả những ai can dự đến, xin được nói vài ý kiến riêng. Theo tôi, nếu xâu chuỗi những ý kiến bị quy tội "phủ nhận" (như ông Đệ nêu trên) với hàng loạt sự kiện xã hội, kinh tế, chính trị kể từ thời gian đó cho đến tận Đại hội VI của Đảng thì ta có thể thấy rõ cái gọi là "vụ 79" trong văn nghệ là gì, ý nghĩa của nó như thế nào. Xin bạn đọc nhớ rằng khá lâu sau đó trong dư luận mới lộ ra chuyện "khoán chui" rồi từ những ý định "dẹp khoán" đến chỗ thừa nhận tác dụng của "khoán". Rồi từ nông nghiệp "khoán" lan sang công nghiệp mở rộng thành "sự chủ động của cơ sở xí nghiệp sản xuất kinh doanh". Rồi nữa, đến phong trào chống hành chính quan liêu bao cấp, đến những tư tưởng đổi mới vĩ đại của Đại hội VI. Nếu trong cả một "văn cảnh" (chữ mà các nhà nghiên cứu thời nay rất thích dùng) xã hội rộng như vậy trong sự tiến triển chung của xã hội chúng ta (tất nhiên, với những chệnh choạng, những sự trả giá khá đắt) thì công bằng mà nói – giới văn học vẫn còn có những mẫn cảm khá sớm. Điều đáng tiếc không chỉ là những mẫn cảm xã hội được bộc lộ ra còn quá ít ỏi, dưới các dạng thức khá hẹp, khá quanh co và mơ hồ (những lời sấm tiên tri xưa kia nghe ra cũng khá mơ hồ!) Điều đáng tiếc nhất là người ta mang tư duy cũ, nhiệt tình canh gác kiểu cũ, và bằng cả sức mạnh quyền uy nữa, để chặn đứng những mẫn cảm đó lại, bắt những người có mẫn cảm phải mang mặc cảm có tội. Thành thử, nếu thật sự đem tư duy mới vào "vụ 79" thì cái "tội" phủ nhận, hoài nghi, dao động chỉ là huyền thoại, còn tội lỗi thật sự, trách nhiệm thật sự thuộc về những người đã dựng ra vụ việc ấy, cản trở văn nghệ tham gia vào một tiến trình đổi mới đã được dạo đầu từ những năm ấy. Nếu chúng ta không dám nói to lên điều này thì trong công cuộc đổi mới văn nghệ sắp tới, những nỗi sợ hãi ngại ngần sẽ còn níu chặt lấy chúng ta từng bước một, bởi hình như cái bản án can tội "phủ nhận" lúc nào cũng sẵn sàng chụp xuống đầu chúng ta, vì những người như ông Phan Cự Đệ luôn thảo sẵn các bản án ấy đệ trình lên những người có quyền lực, chỉ cần điền thêm tên người, tên bài báo, quyển sách mà có vẻ ông Đệ theo dõi rất sát với một cách đọc khá đặc biệt. Lời bình 3 Ông Đệ luôn quy tội "phủ nhận" cho các ý kiến ông trích dẫn, nhưng hình như không muốn bàn gì về sự "phủ nhận" nói chung. Không rõ ông Đệ còn rộng lượng chấp nhận "phủ định của phủ định" hay không? Và theo ý nghĩa này, tư duy chính trị mới lấy "đối thoại" thay cho "đối đầu", lấy "chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau" thay cho "cách mạng thường trực, cách mạng vô sản toàn thế giới"... – chẳng phải là những sự phủ định hay sao? Cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa chẳng phủ nhận cơ chế hành chính quan liêu bao cấp đó sao? Nghĩ theo "luật số lớn" thì phải thấy những chuyển đổi kinh tế xã hội mới thật sự "kinh thiên động địa", còn văn chương nghệ thuật dù sao cũng là vừa phải thôi, nào đã lật đổ được ai! Và trong cái lĩnh vực tư tưởng tinh thần này, có lẽ nên nắm bắt lấy cái thần thái thực chất đằng sau các phát ngôn hơn là chăm chăm bắt bẻ các ngôn từ. Thời đầu sau Cách mạng Tháng Mười người ta còn hô lên phải vứt Puskin vào sọt rác kia mà, ấy vậy mà nhà thơ này mãi mãi còn là niềm tự hào của dân tộc Nga đó thôi? Khi các nhà sáng tác muốn tự đổi mới, họ phải bứt rứt nhiều điều, phải "hò hét", phải "niệm chú" để lấy đà chán chê thì may ra mới ít nhiều dứt khỏi các khuôn cũ, mà các khuôn cũ chưa hẳn đã có tội (mỗi thời rút cục sẽ tạo ra các "khuôn"của nó!). Phát biểu của các nhà văn trước hết là tâm trạng, là tâm niệm của họ ở thời điểm ấy. Tâm niệm kia có thành tư tưởng được không, có đáng chú ý hay không, còn trông vào thực tế sáng tác của họ, vào sự kiểm nghiệm của thời gian. Hình như ông Đệ rất ít chiếu cố đến điểm này. Đối với ông, cái đáng kể là họ đã có những tư tưởng "phủ nhận", và mọi sự "phủ nhận" thì đều có tội cả! Cứ theo luận lý của ông thì tốt nhất là đừng có cái tổ, đổi mới gì hết, bằng không thì khó mà thoát vòng tội lỗi vậy. Về đề mục thứ hai- tiếp tục bình luận Mục thứ hai trong bài viết của ông Đệ có tiêu đề Đổi mới tư duy trong công tác lý luận phê bình văn học hiện nay, nhưng nội dung này hình như ông đã bàn tới ngay ở nửa cuối của đề mục thứ nhất, tiếc là khuôn khổ đăng tải không cho phép chúng ta dừng lại bàn bạc kỹ với tác giả. Chỉ xin phép toát yếu một số điểm và bình luận ngắn gọn. Như vừa nhận xét, đây là phần chính của bài viết. Đối với tác giả, đây là một cương lĩnh cho hoạt động phê bình lý luận trước mắt. Song đối với cả giới phê bình nghiên cứu, có lẽ chỉ nên xem đây là một trong rất nhiều những sự đề xuất. Lời bình 4 Đối với ông Đệ, cơ sở và tiền đề thứ nhất của "đổi mới tư duy" là "không được phủ nhận". Ông dẫn văn kiện Đảng đánh giá thành tựu nền văn nghệ của chúng ta để đi tới kết luận "trong những thành tựu chung đó có thành tựu của lý luận phê bình nghiên cứu văn học" (tr.109). Nếu như ở ngoài xã hội hiện giờ khá thịnh hành cái từ "ăn theo" thì trong văn học, đây còn là ví dụ khá hiếm hoi: phê bình, lý luận được tính "ăn theo" văn nghệ rồi đấy, với bài viết của ông Đệ. Không rõ các nhà nghiên cứu phê bình đàn anh có được "ăn theo" ông Đệ hay không, chứ lớp tuổi chúng tôi thì mong manh lắm. Sau lưng chúng tôi làm gì đã dám có danh mục "cùng một tác giả" ngày một dài để mà đóng thành container nhất quyết gửi theo tàu suốt đến tương lai không chừa bất cứ cuốn sách bài viết nào đã có? Nếu các nhà sáng tác nói lý luận để mà tâm niệm lấy đà thì hình như các nhà lý luận cũng nói lý luận để mà tự vệ. Nhưng đến nước này thì quả là phê bình chẳng có chỗ đứng "độc lập tương đối" nào cả, trong văn học! Lời bình 5 Ông Đệ có đưa ra một sự tổng kết của ông về những thành tựu lý luận phê bình đã đạt được. So với nhiều bài viết trước của ông, ở đây có hai điểm khác biệt nổi bật. Một là ông không còn nêu thành tựu mà ông thường gọi là đấu tranh chống ảnh hưởng của chủ nghĩa cấu trúc trong phương pháp luận nghiên cứu, – những điều trước đây ông viết khá rõ trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (tập I), thực tế là nhằm mô tả cuộc tranh luận trên Tạp chí Văn học hồi những năm 1971-1972 mà đối tượng phê phán khi ấy là một số ý kiến của ông Nguyễn Văn Hạnh. Về sự kiện này, khi quên được nó và thôi không dán nhãn hiệu cho nó nữa, thì hình như ông Đệ đã có một nhận thức mới, đáng đồng tình! Một điểm mới nữa trước đây có lẽ ông chưa kịp khái quát, là theo ông, những năm 1979-1981 chúng ta có thành tựu "phê phán một cách tập trung và có hệ thống những ảnh hưởng của các quan điểm mao ít trong văn học, (tr.109). Điểm này tôi ngờ ngợ. Trong văn học thì việc này thấy quá ít, tuy rằng ngoài văn học thì thấy nhiều hơn, nhưng trên thực tế là một số nhà nghiên cứu đã viết bài phê phán thẳng vào chủ nghĩa Mao, chứ không phải là vào những ảnh hưởng của nó như ông Đệ nhận định. Bởi nếu nói đến "những ảnh hưởng... trong văn học" thì phải phân tích đối chiếu sáng tác văn học của ta với các nguyên tắc văn nghệ mao ít – công việc này hầu như chưa có ai tiến hành. Vả chăng cho đến nay, hầu hết các nhà văn vẫn không thừa nhận là có sự ảnh hưởng nào như vậy cả. Tinh thần bản báo cáo tại Đại hội III Hội Nhà văn Việt Nam chứng tỏ điều đó. Lời bình 6 Sau khi nêu thành tựu của công tác lý luận phê bình mấy chục năm qua, ông Đệ đề nghị chúng ta "cần kiểm tra lại nhận thức của mình, sớm lĩnh hội được những quan điểm mới, kiên quyết gạt bỏ những quan niệm sai lầm"... Ông đã nêu ra những quan niệm sai lầm – của giới lý luận phê bình chứ không phải của ông – như đơn giản, ấu trĩ về lý luận, mà tựu trung là chưa thấy hết đặc trưng thẩm mỹ của văn học, hoặc các quan điểm xã hội học dung tục, hoặc "lúng túng trong cơ chế đánh giá tác phẩm", hoặc những biểu hiện phê bình "quy kết, lên án, chụp mũ tràn lan" v.v... Phải nhận rằng trong các nhược điểm mà ông Đệ nêu lên cũng thấy bóng dáng những nhận xét của các đồng nghiệp khác, nhất là các bài được ông coi như là ví dụ về "khuynh hướng phủ nhận", có điều là ông biết gia giảm mức độ để cho từng ý kiến đó đều có vẻ dễ nghe hơn và hoàn toàn trở thành luận điểm của ông. Tôi cứ nghiệm như nhận xét của tôi về "phê bình quyền uy" mà ông Đệ không thể đồng tình, dẫu vậy hình như nó cũng có ích cho ông để ông nhận xét "tình trạng quá phụ thuộc vào ý kiến cá nhân của một đồng chí lãnh đạo...". Tất nhiên ở chỗ này xin bạn đọc cứ tính đến sự chủ quan của tôi, bởi chính tôi cũng có thể nhận nhầm! Về phương hướng hoạt động, ông Đệ đề ra nhiệm vụ khắc phục những rơi rớt của tư duy phong kiến, tàn dư tư sản, những rơi rớt trong lối nghĩ của những người sản xuất nhỏ (đây hãy còn là những phạm trù thuần túy xã hội học, chưa phải là các phạm trù của lý luận phê bình, văn học!). Ông đề xuất 3 điểm: 1. Phát huy trừu tượng khoa học để tổng kết lý luận...; 2. Đổi mới kiến thức, cách nghĩ và phương pháp luận; 3. Mở rộng các cuộc đối thoại, tranh luận dân chủ và bình đẳng (tr.113-114). Dẫu còn chưa thỏa mãn với các đề xuất này, nhưng cũng vẫn đáng đồng tình, về căn bản, trên nét lớn. Lời bình 7 Tuy vậy, cảm tưởng chung khi đọc những ý kiến nhận xét hoặc đề xuất trên đây là ít thấy sự mới mẻ. Vì sao vậy? Tư duy mới lấy dân chủ, công khai làm phương châm, nguyên tắc. Ông Đệ hình như không dùng hoặc bất đắc dĩ lắm mới tạm dùng các từ này. Đọc lại bài của ông mới thấy một sự nhất quán đến kỳ lạ. Thì ra, nhìn vào thành tựu phê bình lý luận, ông chỉ thấy hết cuộc đấu tranh này đến cuộc đấu tranh kia, chống và chống, sau đó là xây dựng (ông kể những cái xây được không nhiều) và cuối cùng là bình công: "biểu dương kịp thời những tác phẩm có giá trị" v.v... Chỉ quan hệ của lý luận phê bình với công chúng là không thấy ông nói gì đến. Người đọc không hề có vị trí gì trong quan niệm về phê bình lý luận của ông. Đó là một phía. Từ một phía khác, khi nhận xét thiếu sót còn "lúng túng trong cơ chế đánh giá một tác phẩm", ông Đệ cũng chỉ tính đến những trường hợp khi "nhiều người có thẩm quyền đánh giá khác nhau" (tr.111). Nói không ngoa, ý kiến người đọc, dư luận công chúng vẫn "chưa là cái đinh" gì trong quan điểm văn học của ông Đệ. Khi cần, ông chỉ trông lên, chỉ nhìn vào "những người có thẩm quyền" – đối với ông, chỉ thế cũng đủ định đoạt số phận tác phẩm rồi. Nền lý luận và phê bình của ta, cùng với sự luận chứng của ông Đệ, đã tìm được một "tháp ngà" đặc biệt: nó chỉ có đường dây liên hệ với "những người có thẩm quyền"! Liệu thế đã phải là đổi mới tư duy hay chưa khi đem so với những chủ trương "lấy dân làm gốc", "dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra"...? Tư duy mới do hình thành trong điều kiện thế giới xã hội chủ nghĩa tự phê phán để tiến lên, nên có một nét đặc sắc là cảm hứng sám hối - nó không hề hạ thấp, sỉ nhục con người, ngược lại, nó cho thấy tính tự giác cao, phẩm chất trách nhiệm của con người, của người cộng sản. Chúng ta đổi mới vì chúng ta thấy chính mình cũng can dự vào những sự trì trệ, những sự bảo thủ có quy mô toàn xã hội. Khi nói lỗi lầm, ta xét nó như những lỗi lầm lịch sử, nó nặng hơn, hệ trọng hơn, và khác nhiều so với phạm vi những phẩm hạnh cá nhân. Có lẽ do nhận thức như vậy nên gần đây một số bạn phê bình trẻ đã có lúc đề nghị các bậc đàn anh làm gương "sám hối", những mong tìm được lý do để kính trọng trở lại về nhân cách đối với các bậc đi trước có nhiều công lao nhưng không ít lỗi lầm. Tiếc thay về mặt này chúng ta chưa tìm được dù chỉ một ví dụ. Đọc bài viết của ông Đệ tôi cũng mong bắt gặp được những dòng chữ hiếm hoi như vậy để mà vui mừng, nhưng quả là chưa thấy. Gặp chỗ ông nhắc tới quan điểm dung tục máy móc, tôi chỉ mong xuất hiện dù là trong ngoặc đơn hay trong dấu chú thích dưới trang thôi (đúng chỗ biết bao và đẹp biết bao nếu có cử chỉ ấy) về cái điều mà một lần bạn Ngô Thảo đã nêu trên báo Văn nghệ về công thức vạn năng "hạn chế về vốn sống và thế giới quan" mà ông Phan Cự Đệ đã dùng để giải thích mọi trường hợp sáng tác. Nhưng tôi đã mừng hụt. Ông Đệ chỉ phê phán người khác thôi, ông không nói về mình. Dẫu ông có đề nghị "chúng ta phải vừa phê bình vừa tự phê bình", dẫu ông có xác nhận: "trong cái sai lầm ngày hôm qua có những hạn chế lịch sử và những sai lầm mà cá nhân chúng ta phải chịu trách nhiệm" (tr.114) nhưng đó là ông nói chung, nói để hướng dẫn cả giới phê bình, không phải nói về ông. Hình như tự ông chưa thấy mình có sai lầm gì đáng kể. Nghe giọng ông thì biết. Cái giọng tự tin lắm, rất tự tin. Mà hình như là giọng nói từ trên cao xuống, toàn những câu khẳng định, những câu chất vấn, những câu mệnh lệnh. "Chúng ta nên", "chúng ta phải", "chúng ta cần phải" – đó, kiểu câu thông dụng trong bài ông Đệ, bạn đọc có thể tự kiểm tra lại, cũng như bạn có thể tự kiểm tra lại các phần quy tội "phủ nhận" để thấy kiểu câu mô tả trong tay nhà nghiên cứu đã biến thành kiểu câu tố giác như thế nào! Thay lời kết, mấy cảm tưởng Bài viết của Phan Cự Đệ bàn về đổi mới tư duy trong công tác lý luận phê bình, nhưng đọc kỹ, ta thấy phần nghĩ mới quá ít, trong khi đó nếp nghĩ cũ lại quá nhiều. Nhờ mấy lời toà soạn hướng dẫn rằng ở bài viết đó "có thể có những ý kiến đồng tình hoặc không đồng tình", tôi mới yên tâm viết những điều mình chưa đồng tình. Nghĩ ra được cả một chiến lược đổi mới tư duy trong phê bình, nghiên cứu văn nghệ quả là việc khó, hầu như quá sức chúng tôi. Thiết thực nhất, xem đây là cả một quá trình, chúng tôi nghĩ cần hành động như lời khuyên của đồng chí Tổng Bí thư khi gặp gỡ văn nghệ sĩ: cần "tự cứu" và "cởi trói". Cần nhận ra dần những chỗ đang bị trói buộc, những chỗ nhói buốt nhất, nói to lên và cùng nhau tháo gỡ. Nhưng chỉ e rằng... chỉ e rằng mỗi lần có ai đó nêu lên một điểm nào đó còn bị trói buộc, thì người ấy lại lập tức bị ông Phan Cự Đệ hoặc những người tương tự chụp cho cái mũ "phủ nhận" và đề nghị trừng phạt! Không rõ khi ở cùng một tình cảnh chung, cùng bị "trói" như nhau, ông Phan Cự Đệ có thấy thoải mái hơn người? Hay là ông được "trói" cách riêng nên vẫn rộng tay trong phạm vi có thể để mà trói chặt những người khác, ít nhất là để họ đừng động chạm đến những gì ông đã viết ra trước khi có "tư duy mới"? Cái luật tự vệ, cái luật bảo vệ "văn mình" mới là lý do chủ yếu – nó nhỏ thôi – để chúng ta có thể ít nhiều đồng cảm với ông.
w Nguồn: Văn nghệ quân đội, Hà Nội, số 5-1988 8-4-10 |