ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Quân đội nhân dân (11-7-1987)

 

MẤY Ý KIẾN VỀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC

LẠI NGUYÊN ÂN

Trên thực tế ở nền văn học Việt Nam mới (từ sau tháng Tám 1945) gần như chưa cần có ngay ngành phê bình chuyên nghiệp. Trong điều kiện đội ngũ văn nghệ sĩ được thống nhất lại về tổ chức, công việc phê bình văn học trở thành lĩnh vực đặc trách của các cán bộ làm công tác quản lý văn nghệ và của những văn nghệ sĩ giữ các chức vụ lãnh đạo các đoàn thể, các cơ quan văn nghệ. Tổ chức và chỉ đạo, tổng kết và đánh giá, định hướng và uốn nắn, chủ yếu là về tư tưởng xã hội chính trị của tác giả và tác phẩm, – đó thường là những mục tiêu được chú ý trước tiên của loại phê bình này.

Dĩ nhiên, bên cạnh đó vẫn có loại phê bình thông thường: điểm sách, bình thơ, giảng văn, phê bình đặc sắc của một tác giả, giá trị của một tác phẩm. Nhưng loại phê bình này thường không mấy khi tạo nên được những tác động thật mạnh trong khí hậu văn học chung mặc dù chúng ta cũng đã có một số phê bình được công chúng tín nhiệm và trân trọng.

Đầu những năm 1960, sau những cuộc đấu tranh rộng lớn trong văn nghệ, một loạt những cây bút phê bình xuất hiện và có điều kiện để trở thành một lực lượng chuyên nghiệp. Nhưng những nhà phê bình chuyên nghiệp đầu tiên của nền văn học mới trong hoạt động của mình thật ra chưa tạo được nét gì khác biệt so với các nhà phê bình kiêm lãnh đạo nói trên. Không giữ các chức vụ như vậy, nhưng tư thế phê bình, nội dung phê bình của họ vẫn không có gì khác thế, mặc dù đối tượng phê bình của họ có chi tiết hơn: một cuốn sách, một tác giả, một luận điểm, một xu hướng v.v... "Canh gác", "trực chiến" về tư tưởng xã hội chính trị cho văn học – đó vẫn là một mẫn cảm hàng đầu trong số các mẫn cảm văn học của họ.

Phải thừa nhận rằng cả hai (thực chất là một) loại phê bình nói trên đã có đóng góp không nhỏ vào viêc tạo ra một diện mạo văn học phù hợp như chúng ta đã thấy. Đóng góp này là cả một sự kiện văn học sử không thể bị phủ nhận. Nhưng ở vào thời điểm cần nhấn mạnh một cái nhìn phê phán, nhìn thẳng vào những điểm yếu nhất, như thời điểm hiện nay đòi hỏi, thì có lẽ phải chú ý tới một nét nổi bật, nó là hệ quả không tránh khỏi trong sự hình thành ngành phê bình của nền văn học mới. Đó là sự thống trị quá ư tuyệt đối của giọng phê bình quyền uy, của tư duy quyền uy trong phê bình.

Tất nhiên, có thứ quyền uy chính đáng, nó thuộc về những tổ chức trong thiết chế xã hội và những người đứng đầu các tổ chức ấy: không có quyền uy thì họ không thể thực hiện được chức năng xã hội của mình. Ở đây tôi nói tới quyền uy không phải theo nghĩa danh từ mà theo nghĩa một tính từ, hoặc hẹp hơn nữa, tức là tính chất quyền uy bộc lộ ở những chỗ thái quá, do say mê quyền uy và lạm dụng quyền uy, quên mất rằng ở lĩnh vực văn hóa văn nghệ cũng như ở lĩnh vực khoa học thì quyền uy không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết các vấn đề.

Được phát ngôn như là những kết luận bất di bất dịch của những người quản lý nền văn học, thứ phê bình quyền uy này như là muốn dứt khoát "đóng đinh" những nhận xét, những luận điểm nhất định lên các hiện tượng, các vấn đề văn học. Tranh cãi và thảo luận thật sự trở nên rất khó khăn nếu không muốn trở thành hình thức. Chân lý không nảy sinh trong tranh cãi một khi nó đã dứt khoát thuộc về ý kiến của ai có chức vụ cao hơn: luận điểm "không có bi kịch" đã ra đời và tồn tại được một thời gian, chính là trong một khí hậu như thế. Mà đây lại chỉ là một trong số không ít các ví dụ. Đôi khi vẫn có tranh cãi và thảo luận, nhưng chỉ có những người phê phán lên tiếng, còn người bị phê phán thì không được phép đăng ý kiến trả lời.

Bên cạnh những ý kiến quyền uy lại nảy sinh những ý kiến phê bình xu phụ, nó nghe ngóng xem ý kiến của cấp trên ra sao để lựa lời viết tâng công hoặc lập công, nó tạo ra một loạt những công thức-bẫy, dùng để đánh bẫy những ai vì nói hớ mà phạm phải những kiêng kỵ, ví dụ trót nói thế nào đó để có thể bị quy thành luận điệu "nhân tính chung chung" "nhân đạo trừu tượng" "mâu thuẫn thế giới quan và sáng tác" hoặc "tỏ thái độ phủ nhận thành tựu" v.v... và v.v... Quy kết trở thành thủ đoạn chủ yếu của loại phê bình xu phụ này; và phê bình xu phụ vừa là đầy tớ, vừa là bạn đường của phê bình quyền uy.

Phê bình quyền uy đẻ ra tư duy. Tư duy này được phổ biến và trở thành thói quen suy nghĩ, lập luận của rất nhiều người không có quyền uy. Tư duy này thích công bố các nhận định tùy tiện mà không cần chứng minh. Gieo vào một mảnh đất mà óc suy lý chưa thật phát triển, tư duy mà có sức thao túng không nhỏ. Không ít hiện tượng và vấn đề, không ít tác giả và tác phẩm, của quá khứ của và hiện tại, dường như chỉ được định giá một lần, không cần tính đến sự kiểm nghiệm của đời sống, của thời gian và công chúng. Không ít tác phẩm trung bình hoặc kém cỏi được cố ý đề cao một cách giả tạo; bên cạnh đó, không ít tác phẩm bình thường hoặc xoàng xĩnh bị dựng thành những hiện tượng "độc hại", thành những vụ "om sòm"! Lây nhiễm lối tư duy ấy, không ít nhà nghiên cứu và phê bình thích lặp đi lặp lại các nhận định của mình từ quyển sách này sang quyển sách khác, không cần một lần chứng minh đến nơi đến chốn. Không ít nhà phê bình đã tập cho mình cái thói quen coi mình là người duy nhất sở hữu chân lý, người duy nhất đáng được nói kết luận sau cùng trong các vấn đề văn học. Tâm thế "tranh ngôi chính thống" như vậy tự nó đã bác bỏ thái độ lắng nghe, bác bỏ sự đối thoại và thảo luận: người ta không đối chiếu quan niệm với nhau, người ta chỉ chăm chăm bác bỏ, "tiêu diệt" quan niệm của người khác.

Phê bình quyền uy cũng đẻ ra lối lập luận tùy tiện, đẻ ra những sáo ngữ, những lối viết trang trọng đầy nghi thức, dài dòng và rất ít lượng thông tin. Nó đi kèm với bệnh hình thức và hoa hòe hoa sói giả tạo trong ngôn ngữ phê bình.

Thật ra ngay ở những thời điểm mà phê bình quyền uy có sức chi phối mạnh mẽ nhất, trong dư luận công chúng vẫn tồn tại những "đối trọng"; đó là tiềm năng dân chủ trong ý thức công chúng (công chúng trong và ngoài giới văn học). Phản ứng lại sự áp đặt, ý thức này luôn tìm mọi cách "cân bằng" trở lại, có khi khá công bằng, có khi khá bất công. Bởi vậy, có tình trạng là một tác giả, một tác phẩm, một luận điểm nào đó có khi chính vì bị phê bình quyền uy lên tiếng đả kích nên lại hóa thành "cao giá" trong công chúng, đôi khi cao hơn cả cái mức nó vốn có và đáng có. Đó cũng không phải là một trạng thái lành mạnh. Ấy là chưa kể có những cuốn sách trở thành nạn nhân của sự xung đột giữa phê bình quyền uy và những lực "đối trọng" với nó.

Mặc dù đã được khắc phục khá nhiều, nhất là trong tiến trình văn học mấy năm gần đây, nhưng cho đến nay, kiểu phê bình quyền uy vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản. Để khắc phục nó, chỉ có cách là tạo ra một không khí thật sự dân chủ trong phê bình văn học, chỉ có cách là đề cao tinh thần thảo luận, tranh luận, đối thoại...

Gần đây, người ta hay nói đến đối thoại. Có khi như một thứ mốt. Nhưng để có sự đối thoại thật sự, ít nhất cần có hai điều: Một là không khí dân chủ, tình thế dân chủ, quan hệ dân chủ giữa hai phía đối thoại. Và hai là, ở mỗi người tham gia đối thoại nhất thiết phải có "một cái gì đó" của mình. Đối với người làm phê bình nghiên cứu văn học, "một cái gì" của mình – đó vốn là tri thức, là trình độ hiểu biết, là năng lực khái quát và phân tích trong lĩnh vực làm việc của mình, là khả năng lựa chọn và vận dụng những phương pháp tư duy thích đáng. "Một cái gì", ở mức cao, đó là một quan niệm riêng đủ sức đứng vững trước các quan niệm khác.

Tất nhiên, ngay khi đã có người "có một cái gì đó" của mình, sẵn sàng tham gia đối thoại, thì vẫn chưa thể đối thoại được nếu chưa có quan hệ dân chủ, chưa có "thể thức" dân chủ thật sự cho sự đối thoại. Chưa thể có không khí đối thoại dân chủ nếu người ra cứ giữ những quan niệm đẳng cấp kiểu phong kiến để đối xử với các "hạng" nhà phê bình: Người này là cấp dưới thì không thể nói tới những điều vốn chỉ là quan tâm của cấp trên, người này là học trò của người kia, vậy thì trò không được nói ngược với thầy, không được chê bai, "vô lễ" với thầy v.v... Cần chú ý là khi xuất hiện với tư cách nhà phê bình tức là xuất hiện như một tiếng nói có trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm trước xã hội, trước văn hóa là cái cần đòi hỏi trước hết ở nhà phê bình, chứ không phải là cần xem xét con người cá nhân và quan hệ cá nhân của anh ta ra sao để cho phép hoặc không cho phép anh ta nói điều này hoặc điều khác. Đóng góp riêng, đặc sắc riêng của nhà phê bình là tiếng nói của anh ta, là nội dung ý kiến của anh ta. Về mặt này, cần thấy rằng ý kiến và nhân cách nhà phê bình chưa hề được coi trọng. Các nhà biên tập quyền uy của báo chí văn học thường lấn át nhà phê bình vốn chỉ là những cộng tác viên tự nguyện nhưng hờ hững của mỗi tờ báo hoặc tạp chí. Báo chí định đoạt bất chấp các nhà phê bình. Họ không được tự chịu trách nhiệm về ý kiến của mình, thậm chí họ phải viết theo giọng của các nhà biên tập quyền uy, nếu không muốn bài vở bị cắt xén, sửa đổi tùy tiện. Tất nhiên mỗi tờ báo cần có chủ kiến của mình, nhưng cũng cần tôn trọng chủ kiến của nhà phê bình. Có những người viết phê bình lâu năm, nhạy cảm với khí hậu nói trên, đã tâm sự về tính chất tẻ nhạt trong công việc phê bình: Ý kiến không được tôn trọng, năng khiếu không được nuôi dưỡng... Có rất nhiều loại điều kiện cần phải được tạo ra cho nhà phê bình rộng đất hoạt động, phát triển. Nhưng quan trọng nhất tựu trung vẫn là việc dân chủ hóa các thể thức làm việc với báo chí. Không có dân chủ thì tài năng phê bình phát triển là thừa, nếu không phải là chỉ phát triển cái tài nghe ngóng ý kiến cấp trên và ý kiến của các nhà biên tập quyền uy. Phê bình văn học chỉ phát triển được trong quá trình dân chủ hóa ý thức xã hội, nhưng tất nhiên nó cũng không thể phát triển thực sự nếu nó không tham gia hết mình vào quá trình chung ấy.

 

w Nguồn: Quân đội nhân dân (11-7-1987)

 Mục lục

4-4-10