ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Sông Hương, số 31 (3-1988)

 

VỀ MỘT PHƯƠNG DIỆN CỦA QUAN HỆ
GIỮA VĂN NGHỆ VÀ CHÍNH TRỊ

LẠI NGUYÊN ÂN

Khi bàn tới những vấn đề không đơn giản như quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, thiết tưởng chẳng những cần xét xem về mặt logic lý luận thì nên quan niệm thế nào cho thỏa đáng, mà còn cần xét về mặt lịch sử, quan hệ này đã được biểu hiện ra sao, thực chất của nó là gì, v.v... Chính trị cũng như văn nghệ là những phạm trù lịch sử. Chủ thể của cả hai loại hoạt động này đều là con người. Chính trị và văn nghệ không phải là những thực thể tự vận động bên ngoài hoạt động của con người. Tương tác giữa chúng không phải là tương tác máy móc giữa hai sự vật có sự độc lập tự thân. Là biểu hiện sự hoạt động của con người, quan hệ giữa chúng không nhất thành bất biến mà luôn nằm trong một quá trình vận động, biến đổi. Tính chất của quan hệ giữa chúng cũng vậy, nó không như nhau trong các thời kỳ lịch sử, các môi trường xã hội, quốc gia khác nhau.

Về thực chất, quan hệ giữa chính trị và văn nghệ là quan hệ giữa những người cầm quyền, đứng đầu quốc gia, lãnh đạo đất nước và những người sáng tạo văn nghệ, những trí thức sáng tác nghệ thuật. Đó cũng là quan hệ giữa hai loại "bá quyền" trong xã hội: quyền lực hành chính, quyền lực cưỡng chế hết sức mạnh mẽ trong hiệu lực đương thời, tức khắc của nó, một bên, và một bên nữa là "quyền lực" (nếu có thể gọi như vậy, với ít nhiều ước lệ) của tri thức, của các giá trị văn hóa nhân bản. Xu hướng của bá quyền chính trị là áp đặt, chi phối, phổ cập sự điều khiển của mình lên toàn bộ lãnh thổ, toàn bộ cư dân của mình, toàn bộ các lĩnh vực hoạt động trong xã hội của mình, không loại trừ lĩnh vực nào, kể cả lĩnh vực sáng tạo tinh thần, văn hóa, khoa học, nghệ thuật. Xu hướng của những người sáng tạo văn hóa văn học nghệ thuật – đặt trong từ trường cực mạnh của bá quyền chính trị nói trên − là cố gắng giành lấy những khoảng trời rộng rãi để tự do sáng tạo ra những giá trị tinh thần mới, những khám phá mới làm giàu tri thức, làm giàu thêm những giá trị nhân bản, thúc đẩy sự phát triển, sự tiến bộ về mặt xã hội của cộng đồng mình. Xét trong tương quan toàn bộ của quan hệ này, rõ ràng, loại "quyền lực" của giới sáng tạo văn hóa, khoa học, nghệ thuật dù sao cũng ở vào thế yếu, ít nhiều bị động, và xung đột nội tại, mâu thuẫn nội tại của quan hệ này đã có vô số biểu hiện khác nhau trong lịch sử. Nhưng "bá quyền chính trị" không phải là không chịu tác động ngược chiều. Chính sự phát triển văn hóa, tư tưởng, khoa học, nghệ thuật sẽ góp phần nâng cao trình độ của ý thức xã hội, của "dân trí", làm nảy sinh trong toàn xã hội cái nhu cầu tìm tòi và xác lập một thể chế chính trị hợp lý hơn, tiến bộ hơn.

Trong lịch sử nếu đã từng có bao nhiêu dạng thức thể chế chính trị thì cũng có bấy nhiêu dạng thức quan hệ (thái độ, chính sách) của nhà nước cầm quyền đối với văn hóa, văn nghệ, đối với trí thức sáng tác nghệ thuật và phát minh khoa học. Ngoài ra, tư chất cá nhân của người cầm quyền đôi khi cũng làm cho quan hệ ấy có thêm những diện mạo độc đáo: có kẻ cầm quyền đốt sách, chôn nhà nho, trục xuất văn nghệ sĩ... thì cũng đã từng có các bậc minh quân kiêm mạnh thường quân đứng ta lập sân khấu cung đình, tao đàn cung đình, salon văn hóa cung đình, Viện Hàn lâm hoàng gia v.v... Từ đấy mà có một dạng thức văn nghệ đặc biệt (chưa từng có trong văn nghệ khi chưa xuất hiện nhà nước) đó là văn nghệ chính thống, quan phương (officiel), văn nghệ được bao cấp bởi bộ máy quan liêu, diễn đạt trực tiếp tiếng nói, quan điểm, ý chí, xu hướng của người cầm quyền. Nói rằng văn nghệ chính thống của một xã hội bao giờ cũng phục tùng, phục vụ những nền tảng, những yêu cầu của việc xây dựng và củng cố chế độ ấy là đúng nếu coi từ "chính thống" là đồng nghĩa với "quan phương" chứ không phải là đồng nghĩa với "văn học hợp pháp" (legal) dưới một thể chế nào đó. Bởi vì không phải ở bất cứ xã hội có nhà nước nào cũng có văn nghệ quan phương, văn nghệ cung đình. Văn nghệ hợp pháp là văn nghệ không bị nhà nước nghiêm cấm, ngoài ra, nó có thể không hoàn toàn phục tùng, phục vụ cho lợi ích của nhà nước ấy, thậm chí nó lại tạo ra một cơ sở ý thức mới nhằm đưa tới việc cải cách hoặc cách mạng, thay đổi chế độ hiện hành (văn nghệ khai sáng tồn tại hợp pháp dưới thể chế quân chủ, nhưng lại dọn đường cho cách mạng tư sản).

Xã hội loài người có văn nghệ từ rất lâu trước khi có nhà nước. Hình thái ý thức nghệ thuật có từ lâu trước khi có hình thái ý thức chính trị. Ý thức nghệ thuật cũng không bị "cấm cửa" trước các mối quan tâm, các lợi ích chính trị của toàn xã hội. Dù đồng tình hay phản đối ý thức quan phương trên cùng một vấn đề thì nó vẫn đứng ở một chỗ khác so với lập trường quan phương. Ví dụ cùng "chủ chiến" trong một cuộc chống ngoại xâm, nếu lý do ở ý thức quan phương trước hết là vì sự tồn vong của nhà nước, thì lập trường phi quan phương lại nhìn nó ở sự tồn vong dân tộc, nhân dân, cộng đồng... Ý thức chính trị quan phương (ý thức chính trị của nhà cầm quyền) không độc quyền được toàn bộ ý thức chính trị trong xã hội đương thời, hơn nữa trình độ của nó lại thường thấp hơn so với trình độ tiến bộ của ý thức chính trị phi quan phương; và chỉ sau một cải cách, một chuyển biến nào đó nó mới được nâng lên theo đòi hỏi của tiến bộ xã hội, nhưng khi đó thì nhu cầu tiến bộ của ý thức ngoài xã hội lại cũng đã được nâng lên một mức mới, một yêu cầu mới nữa rồi. Văn nghệ quan phương do vậy bao giờ cũng bị hạn chế về mặt tính nhân dân, bị hạn chế so với yêu cầu tiến bộ xã hội, nó bao giờ cũng hạn hẹp về tầm nhìn, về phạm vi quan tâm, về mức đòi hỏi những sự đổi thay, cải biến đối với cuộc sống xã hội. Những nghệ sĩ lớn, dù bị "điều kiện hóa", bị kiềm tỏa trong vòng vây của văn nghệ quan phương, thì thường vẫn không bao giờ chỉ bằng lòng làm "con hát cung đình", làm kẻ diễn đạt tư tưởng và ý chí, lợi ích và mục đích trước mắt của các bậc quân vương, dù là minh quân đi nữa. Trước sau rút cục họ sẽ "vượt rào" để đóng đúng vai trò cần phải có là đại diện thực sự cho lương tri nhân dân, lương tri thời đại, đại diện thực sự cho văn hóa dân tộc (Sự bất hòa của họ khác với một dạng thức "bất hòa" khác, cũng thường nảy sinh trong giới những đứa con ngoan của nghệ thuật quan phương: bất mãn vì không được khen thưởng, cưng chiều như ý). Như vậy, trong lịch sử nếu đã có trường hợp những nghệ sĩ tuyên bố từ chối chính trị thì thực chất đó không phải là sự quay lưng lại chính trị nói chung, mà là sự từ chối chính trị của những người cầm quyền cụ thể. Thêm nữa, sự "tuyên bố" ấy cũng có nghĩa là tỏ rõ một thái độ chính trị nhất định, và việc họ tập trung tư tưởng sáng tác vào một khu vực khác với những khu vực đang là thời sự trong mắt những người cầm quyền − cũng không phải là sự quay lưng lại chính trị nói chung. Đúng ra, điều này lại chứng tỏ họ nhìn thấy những nhu cầu khác của đời sống văn hóa tinh thần vốn là rộng hơn và có thể là còn ở ngoài tầm chú ý của người cầm quyền (phạm vi quan tâm của chính trị thường là hẹp hơn, và khác với phạm vi quan tâm của nghệ thuật, của văn hóa tinh thần, – điều này nhiều ý kiến khác đã nói rõ).

Quan hệ chứa đựng khả năng nảy sinh mâu thuẫn và xung đột giữa người cầm quyền và giới trí thức sáng tạo nghệ thuật, khoa học, nguy cơ hình thành một loại văn nghệ quan phương không phải đã hoàn toàn mất ý nghĩa ở những nơi mà Đảng Cộng sản đã giành được chính quyền, bắt tay vào cải tạo xã hội và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, vấn đề quan hệ giữa đảng cầm quyền và trí thức văn nghệ sĩ là một trong những vấn đề lớn trong chính sách xã hội, trong chiến lược phát triển văn hóa. Nếu như sự nghiệp cách mạng chân chính của đảng là cơ sở đầy sức thuyết phục đã có tác dụng tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ dưới ngọn cờ của đảng, phấn đấu vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, thì trên thực tế lịch sử cũng đã có những thiếu sót, sai lầm trong việc xử lý mối quan hệ nói trên. Bởi vậy điều cần thiết là nhận ra những cơ chế đã bộc lộ những mặt trái, dẫn tới những thiếu sót sai lầm ấy.

Trước hết, việc tổ chức các hội sáng tác rập theo cùng một dạng với các cơ quan hành chính sự nghiệp của nhà nước, biến văn nghệ sĩ chuyên nghiệp thành viên chức nhà nước, bên cạnh những mặt tốt, lại bộc lộ những mặt trái. Mô hình nhà văn viên chức, nhà văn cán bộ chưa phải là mô hình tốt nhất. Nói đúng ra, mô hình này là sản phẩm rất "chuẩn" của cơ chế quan liêu bao cấp đối với công tác văn hóa văn nghệ. Nó thu hẹp chức năng xã hội của nghệ sĩ, hạn chế ở họ khả năng đại diện cho lương tri nhân dân, cho lợi ích văn hóa dân tộc. Nó hạn chế sự sàng lọc tự nhiên đối với các tài năng, vô tình duy trì và tăng cường trong đội ngũ văn nghệ sĩ cả những người thiếu tài năng, tạo ra sự mất cân đối giữa khả năng đảm bảo khách quan của nền kinh tế xã hội với số lượng quá lớn trong đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Thứ hai, việc đối xử san bằng, coi nghệ sĩ như bất cứ loại cán bộ cấp dưới nào với bổn phận tuân thủ, chấp hành, v.v... đã hạn chế khả năng nghiên cứu, phát hiện, dự báo của nghệ sĩ, mặt khác tạo ra sự ngăn cách quá lớn giữa những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước với các đại diện ưu tú của trí thức văn hóa nghệ thuật (nếu có những sự xúc tiếp thì thực ra cũng không có sự đối thoại); khả năng đề xuất ra được những nhân vật văn hóa lớn, tiêu biểu trở nên hết sức hạn hẹp, khó khăn.

Thứ ba, những quan điểm đơn giản, thô thiển, mang nặng tính thực dụng về tác dụng xã hội của văn nghệ đã dẫn tới những chủ trương đòi sáng tác phải phục vụ sát vào các chính sách chủ trương nhất thời, cục bộ. Hậu quả là hầu như tách văn nghệ khỏi những vấn đề lớn lao, lâu dài của con người, xã hội, dân tộc, lịch sử, là tạo điều kiện cho sự tồn tại vững vàng mà vô ích của những nghệ sĩ kém tài, chỉ quen dùng ngòi bút để minh họa cho các chủ trương nhất thời của cấp trên, hạn chế sức phát hiện, đề xuất các vấn đề đáng quan tâm của những nghệ sĩ có nhiều suy nghĩ và tâm huyết v.v...

Những vấn đề trên đây cũng như các vấn đề khác nữa chỉ có thể được giải quyết một cách đồng bộ với việc đổi mới mọi mặt sinh hoạt xã hội, từ quan niệm đến việc làm. Dân chủ hóa sinh hoạt xã hội, dư luận xã hội là cơ sở hết sức quan trọng.

Việc cải tiến tổ chức các hội sáng tác theo hướng là hội nghề nghiệp theo kiểu cơ cấu một tổ chức xã hội (chứ không phải cơ cấu kiểu cơ quan nhà nước), việc nâng dần khả năng tự đảm bảo độc lập về kinh tế của các hội sáng tác, việc cải tiến chế độ nhuận bút và thực hiện chế độ bản quyền, tiến đến chỗ người sáng tác có thể sống được bằng nhuận bút v.v... – là những tiền đề khác nhau nhằm nâng dần tính độc lập và uy tín xã hội của văn nghệ sĩ.

Việc đảm bảo và tạo điều kiện cho sự tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ cũng là một loại tiền đề khác, rất quan trọng. Đây là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn trước khi là một vấn đề lý luận. Trước đây có một ý niệm khá phổ biến: hình như trong giới những người vạch chính sách quốc gia thì không có sai lầm và (bởi vậy chăng?) giới sáng tác nghệ thuật thì không được mắc sai lầm (trót sai một lần thì gần như bị xã hội chính thức khai trừ vĩnh viễn). Thực tế gần đây đã chứng tỏ tính chất ảo tưởng, ấu trĩ của quan niệm ấy. Cả hai giới nói trên đều có thể mắc sai lầm và có "quyền được sai lầm", tất nhiên người sai lầm phải chịu trách nhiệm về mức thiệt hại do mình gây ra, nhưng ở đây cần nhấn mạnh vai trò của việc luận bàn công khai, phê bình công khai, dân chủ. Lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật lại càng cần đến bàn luận, tranh luận công khai xung quanh các tác phẩm, các hiện tượng và vấn đề, bởi ở lĩnh vực này không chỉ cần sự phân biệt đúng/sai mà còn thường xuyên cần những xác định về mức độ, xu hướng, tính chất v.v...

Với việc nâng cao dần dần vị trí xã hội, uy tín xã hội của văn nghệ sĩ, chúng ta hy vọng rằng đến một lúc nào đó từ đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ xuất hiện những nhân vật văn hóa lớn, đủ tư cách đại diện cho văn hóa dân tộc, lương tri nhân dân, cho cầu nhu phát triển của con người.

Trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền, quan hệ giữa những người nắm quyền lực nhà nước và những người sáng tạo văn học nghệ thuật vẫn còn chứa đựng khả năng phát sinh những xung đột, mâu thuẫn, vấn đề, nhưng không phải là hoàn toàn không giải quyết được ở một mức nhất định. Dân chủ hóa các quá trình xã hội, tạo ra một trật tự xã hội mà ở đó quyền quản lý hành chính chỉ nhằm điều chỉnh và đảm bảo (chứ không phải là khống chế, ngăn chặn, vi phạm) quyền sáng tạo ra các giá trị văn hóa tinh thần, – đó là những con đường thực tế, phù hợp với xu hướng phát triển lịch sử.

w Nguồn: Sông Hương, Huế, số 31 (3-1988)

 Mục lục

 

27-3-10