ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ,  Hà Nội, số 18 (30-4-1988)

 

VỀ KHẢ NĂNG PHẢN ÁNH PHỦ ĐỊNH CỦA
CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

LÊ CHÍ DŨNG

Trong những năm gần đây bạn đọc đã chứng kiến sự xuất hiện không ít các sáng tác nghệ thuật phê phán những mặt tiêu cực của cuộc sống xã hội. Bạn đọc đã chào đón, khẳng định những sáng tác như vậy. Nhưng tất nhiên cũng xuất hiện thái độ ngược lại: lên án, phủ định chúng. - Trong lúc xã hội đang thai nghén những thay đổi lớn hoặc đang xảy ra bước ngoặt lịch sử, việc nảy sinh những cách đánh giá đối lập nhau về mỗi hiện tượng của hiện thực - là điều bình thường. Những thái độ tích cực hoặc tiêu cực nói trên đối với các tác phẩm phê phán sự trì trệ, bảo thủ, sự suy thoái, cái xấu trong cuộc sống của chúng ta có thể được giải thích bằng nhiều nguyên nhân về lịch sử - xã hội, về tâm lý. Việc tìm kiếm những nguyên nhân này dành cho các nhà sử học, xã hội học, và tâm lý học. Ở đây tôi chỉ đặt cho mình nhiệm vụ cắt nghĩa hiện tượng đối cực ở trên bình diện khác: hiểu như thế nào khả năng phản ánh phủ định của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa?

Các nhà lý luận nghệ thuật đã chỉ ra sự ưu thắng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa so với chủ nghĩa hiện thực phê phán về nhiều phương diện. Một trong những phương diện ấy là khả năng phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội. Về khả năng này, ở nước ta, trong nhiều năm lưu hành rộng rãi quan niệm cho rằng: chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đặc trưng cho khả năng mô tả khẳng định cái mới, cái tiến bộ, cách mạng; còn chủ nghĩa hiện thực phê phán thì điển hình cho khả năng mô tả phủ định cái cũ, cái lạc hậu, cái xấu. Đáng tiếc là quan điểm phiến diện như vậy, trong mức độ đáng kể, đã trở thành tri thức "chung" của xã hội về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa hiện thực phê phán. Tác hại của nó về mặt đánh giá và thưởng thức nghệ thuật là không nhỏ và không phải là không lâu dài. Nó là một nguyên nhân làm nảy sinh trong độc giả sự liên hệ những sáng tác phê phán những mặt tiêu cực trong cuộc sống xã hội của chúng ta với những tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Từ đó người ta kết án các tác giả của những sáng tác đó là "bôi đen" chế độ mới, "phủ định lý tưởng xã hội chủ nghĩa", "làm bậy", "phá hoại"... Trên thực tế, thái độ kiểu này chỉ là sự khuyến khích trong văn học của chúng ra những tác phẩm "tô hồng" hiện thực, những tác phẩm "đồ thức", "minh họa" các ý tưởng có sẵn, những tác phẩm "đánh bóng lại" lịch sử, chiều theo "gu" của một số người. Ở những tác phẩm loại đó, thiên chức nghệ sĩ của các tác giả của chúng bị tước bỏ.

Sẽ không công bằng nếu nói rằng các nhà lý luận phê bình ở nước ta không nhắc tới "nhiệt tình phê phán" khi họ bàn về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng đối với họ, "nhiệt tình phê phán" chỉ có quyền hướng vào cuộc sống xã hội cũ, còn nếu chĩa vào những mặt tiêu cực trong chủ nghĩa xã hội, thì những mặt tiêu cực này chỉ là "tàn dư" của phong kiến, đế quốc, tư sản hoặc chỉ là những biểu hiện tiểu tư sản. Ở những ai tuân phục thái độ đó thì nhiều hiện tượng xấu xa, thậm chí tội ác, không khúc xạ được vào các tác phẩm của họ, bức tranh phê phán trở nên phiến diện, thiếu chân thực, không đáng tin đối với bạn đọc. Nghệ thuật như vậy không làm cho công chúng chú ý đúng mức đến cái xấu, cái ác, căm thù để hành thiện, làm cho cuộc sống đẹp hơn. Nghệ thuật như vậy còn mang trong bản thân mình sự chân thật và chủ nghĩa nhân đạo lý do tồn tại của mọi nghệ thuật chân chính nữa không? Nghệ thuật như vậy mà nhân danh "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa" là nghệ thuật lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết phân tích các mâu thuẫn và giải quyết chúng một cách hợp quy luật để cải tạo thế giới, làm nhận thức luận và ý thức hệ của mình xứng đáng sao?

Thực ra, phản ánh khẳng định cũng không phải là độc quyền của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực phê phán cũng mô tả khẳng định những con người ưu tú, những thế giới ấm áp tình người. Chỉ có điều trong nghệ thuật của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực phê phán, những người ưu tú thường đơn độc, không hòa hợp với xung quanh, còn những cõi đời ấm áp tình người thì chỉ tồn tại trong ý chí, ước mơ của những nhân vật tích cực, chỉ là mô hình hóa tư tưởng khát vọng của các nhà nghệ sĩ, chứ không có cơ sở để hiện thực hóa trần thế. Trái lại trong nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, là những con người ý thức được những khả năng của thời đại, tích cực hành động, biến những khả năng ấy thành thực tế, là những quan hệ cuộc sống tốt đẹp, mới mẻ như chính hiện thực sinh động, đầy sức thuyết phục, rất đáng tin. Khả năng phản ánh hiện thực như vậy là ưu thắng không thể bác bỏ được của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa so với chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực phê phán.

Sự phản ánh phủ định cũng không phải là độc quyền của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng phản ánh phủ định. Và sự phủ định dù ở chủ nghĩa hiện thực phê phán hay ở chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đều hướng tới khẳng định lý tưởng tốt đẹp. Nhưng nếu trong chủ nghĩa hiện thực phê phán, số phận xã hội bi đát của con người được bóc trần, những thế lực xã hội thối tha và độc ác bị phê phán, trật tự xã hội bất công có khi bị những người "nổi loạn" động đến, nhưng rút cục cuộc sống không tiến lên phía trước, thì ở thế giới nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, những người nô lệ đứng dậy làm người, giữa họ hình thành những quan hệ cũ, họ không chỉ ý thức rằng có khả năng thực tế tiêu diệt áp bức, bóc lột, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, mà còn đấu tranh lật đổ xã hội cũ, tạo dựng xã hội mới...

Nhưng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không tự hạn chế khả năng phản ánh phủ định của mình vào chỉ mỗi việc mô tả sự sụp đổ của thế giới cũ, già nua về mặt lịch sử. Nó phải phát hiện và phê phán những mặt tiêu cực ngay trong thế giới mới đang được xây dựng. Đó không chỉ là sự sống lại những tàn dư của chế độ phong kiến, của chế độ tư bản chủ nghĩa trong cuộc sống của chúng ta, trong mỗi người chúng ta. Đó không chỉ là những tư tưởng và lối sống từ hệ thống tư bản chủ nghĩa thẩm lậu vào thế giới xã hội chủ nghĩa. Đó còn là những cái dở, cái yếu kém, cái xấu vừa mới xuất hiện ngay trong lòng của chế độ mới, bởi vì những người xây dựng nó có thể không nắm vững các quy luật vận động của cuộc sống, thiếu tri thức, thiếu kinh nghiệm, duy ý chí, say sưa với những thắng lợi đã giành được, và đảng cầm quyền, Nhà nước của chúng ta là sự lãnh đạo và tổ chức tất yếu của chế độ xã hội mới, nhưng đồng thời trong Đảng và Nhà nước cũng xuất hiện sự thoái hóa, những mặt trái: quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, sự hạn chế, thậm chí bóp nghẹt quyền dân chủ, quyền con người của công dân... Tất cả những có đó nếu không được bóp chết "từ trong trứng", khắc phục kịp thời thì chúng sẽ sinh sôi nảy nở, và tai họa sẽ giáng xuống số phận hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí cả một hệ thống chính trị - xã hội, kinh tế... Ngày nay nguy cơ của một tai họa như vậy là rõ như ban ngày, buộc chúng ta phải đánh giá đúng, khách quan toàn bộ những công việc đã làm trong thế kỷ này, cải tổ toàn diện cuộc sống.

Từ lâu lắm rồi, ngay từ những năm sau Cách mạng Tháng Mười, Maiakovski đã ý thức sâu sắc phải phê phán những mặt tiêu cực trong chế độ mới, để bảo vệ nó, củng cố nó, phát triển nó. Vì vậy ông không chỉ là tác giả của những tác phẩm toát lên mạnh mẽ những cảm hứng khẳng định như 150.000.000, Tấm hộ chiếu Xô viết, trường ca V. I. Lênin, mà còn là người sáng tạo các vở kịch Nhà tắm, Con rệp và bài thơ Những kẻ loạn họp đầy tràn cảm hứng phủ định. Các nhà lý luận, phê bình văn học Liên Xô đã từng dẫn các tác phẩm Nhà tắm, Con rệp của nhà thơ vô sản vĩ đại và Mười hai chiếc ghế, Con bê vàng của Info và Petrov như những sáng tác mẫu mực của một trong những dòng phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa - dòng phong cách phê phán. Những tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong đó chiếm ưu thế là nội dung phê phán là sự khẳng định cái mới thông qua cuộc đấu tranh chống tất cả những ai, tất cả những gì cản trở sự phát triển của chủ nghĩa xã hội và con người mới - đều là thuộc dòng phong cách này. Nghệ sĩ của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa có thể và thực ra đã sáng tạo những tác phẩm trong đó chỉ có nội dung phê phán những mặt tiêu cực trong cuộc sống. Ngày nay, khi tiêu cực xã hội đang phát triển thì việc xuất hiện hàng loạt các tác phẩm như vậy là cần thiết và đó là hiện tượng bình thường trong nghệ thuật. Ở đây những tác giả của các tác phẩm phê phán cần được đánh giá cao. Tôi đồng cảm với suy nghĩ của Lâm Vinh: "Khi chưa biết căm thù những tai ương chướng họa mà tư tưởng cũ, cơ chế cũ gây ra cho cuộc sống của con người, làm băng hoại nhiều quan hệ xã hội, gây tổn thất đổ vỡ đến tận gốc rễ làng xã, gia đình như hiện nay thì làm sao hiểu được nỗi đau của các nhà văn khi phê phán xã hội" (Văn nghệ, số 12, ngày 19-3-1988). Khả năng phản ánh phủ định phải được phát triển và trên thực tế đang được khai thác rộng rãi hơn, sâu sắc hơn và công chúng đang thức tỉnh, đang hành động để lấy lại vị trí ưu thắng trong xã hội cho sự thật, cho lẽ phải, cho cái thiện, chống cái giả, cái tà, cái ác. Làm như vậy, các nhà văn đang nâng cao bản lĩnh của mình, đang ý thức sâu sắc hơn tính đảng cộng sản của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Bạn đọc không chỉ có thể bình tĩnh, mà còn vui mừng trước hiện tượng như vậy.

Trong cuộc sống của chúng ta cái mới hôm nay, có thể ngày mai đã trở thành cái cũ của ngày kia. Vấn đề không phải ở chỗ trân trọng hay phỉ báng cái đã trở thành lịch sử. Vấn đề là ở chỗ cái mới cần được ra đời và phát triển, nhưng cái cũ thì ngăn trở, không chịu tự nguyện nhường vị trí của mình cho cái mới. Vì thế ở đây xuất hiện chức năng khách quan sự phản ánh phủ định cái cũ vừa mới đây thôi còn là cái mới của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nghệ thuật của chúng ta phải báo động kịp thời cho xã hội biết cái gì đã trở nên lạc hậu, cần phải thay thế, để cuộc sống tiến lên. Nếu làm được như vậy, thì ở đây tính đảng cộng sản của nghệ thuật sẽ được thể hiện thật mạnh mẽ, có tầm xa.

Lâu nay các nhà lý luận, phê bình văn học thường khuyên các nghệ sĩ phải viết cả cái mới còn đang mầm, đang nụ, cần vun xới những chồi mới còn non tơ, để nó phát triển thành hoa, thành trái, thành vườn quả sum xuê cho đời. Người ta ít đòi hỏi, các nghệ sĩ của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng phải quan tâm như thế đối với cái "mầm", cái "chồi", cái "nụ" của những hiện tượng tiêu cực, trong khi phản ánh phủ định. Thế nhưng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa có nhiệm vụ không chỉ phê phán những mặt tiêu cực phổ biến trong xã hội, bóc trần những sự suy thoái đang được che giấu dưới nhiều hình thức, mà còn chỉ ra cả cái xấu, cái ác còn chưa xuất hiện, dù là dưới dạng "mầm", "chồi", "nụ" nhưng nếu chúng xuất hiện thì xã hội sẽ chịu những thảm họa không thể lường trước được. Ở đây khả năng phản ánh phủ định của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đạt tới đỉnh điểm, vì nó báo trước cho mọi người cái thảm họa tương lai, kêu gọi họ tìm mọi cách để không cho thảm họa đó xảy ra. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ưu thắng hơn so với chủ nghĩa hiện thực phê phán không chỉ ở khả năng phản ánh phủ định những mặt tiêu cực trong cuộc sống, là như vậy!

Khả năng phản ánh phủ định của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tóm lại được thể hiện ở mấy "cấp độ" sau: 1 - Phản ánh phủ định thế giới cũ; 2 - Phản ánh phủ định những tàn dư của thế giới cũ trong thế giới mới; 3 - Phản ánh phủ định những mặt tiêu cực của thế giới mới; 4 - Phản ánh phủ định cái cũ và cái mới đây còn là mới, không chịu nhường bước cho cái mới; 5 - Phản ánh phủ định cái xấu, cái ác còn chưa xuất hiện, báo trước cho xã hội thảm họa có thể xảy ra, để mọi người tìm cách ngăn chặn.

Những tác phẩm nghệ thuật Việt Nam phê phán những mặt tiêu cực trong cuộc sống của chúng ta đã đạt tới bề rộng như thế nào, đã ở "cấp độ" nào trong những "cấp độ" trên? Những câu trả lời dành cho các nghệ sĩ, các nhà lý luận, phê bình nghệ thuật và công chúng. Chẳng hạn, Lâm Vinh cho rằng: "Văn học chưa nói được gì, chưa đề cập đến loại nhân vật tầm cỡ con buôn quốc tế, cỡ giám đốc nông trường cao su làm chuồng nhốt người như ở Đắc Lắc, cỡ một tay Mười Vân nào đó thao túng cả tỉnh ủy, hoành hành ngang dọc hơn cả một tỉnh trưởng ngụy xưa kia, cỡ như bọn ác bá Khuyển Ưng, Khuyển Phệ ở thôn Cống Lương, Bình Định v.v... Viết bấy nhiêu đã ăn nhằm gì mà vội cho là bôi đen. Chưa viết gì về nạn mại dâm và tệ tham nhũng đang gia tăng, thì sao đã gọi là tự nhiên chủ nghĩa" (Văn nghệ, số đã dẫn).

Xin nhắc lại rằng: vào cuối thế kỷ trước, Nguyễn Trường Tộ đã không ngần ngại chỉ ra những cái xấu của đồng bào mình: ích kỷ, biếng nhác, mê tín, ông đã dâng điều trần, đòi cải cách, mong mỏi nước nhà đổi mới, phú cường, có thể giữ được độc lập, tự do trước họa xâm lược của phương Tây. Đầu thế kỷ này, các nhà nho yêu nước và duy tân đã chỉ trích bọn hủ nho: phung phí thì giờ, tiêu ma tài trí vào những việc vô ích, chỉ nghĩ đến mình, bàng quan với việc nước, việc dân, bằng lòng với cuộc sống thấp kém, không biết đến cuộc sống rộng lớn, cao đẹp. Bọn hủ nho đã phản công lại các nhà nho chủ trương cứu nước và duy tân đất nước, kết án họ là "bội đạo", "ly kinh" - những tội danh đối với nhà nho còn nặng hơn tội làm giặc chống lại triều đình. Không nao núng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền v.v... vẫn đi con đường của mình. Ngày nay, một lần nữa, xã hội Việt Nam lại ráo riết đòi hỏi sự tự phê phán để tiến lên. Văn học và các nghệ thuật khác đang góp phần tích cực vào công việc trọng đại đó. Công chúng của nghệ thuật đang góp phần tích cực vào công việc trọng đại đó. Nghệ thuật và công chúng của nó đang bộc lộ mạnh mẽ tính đảng cộng sản của mình.

Mong rằng không một ai mắc lại sai lầm của bọn hủ nho hồi đầu thế kỷ.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 18 (30-4-1988)

Mục lục

 

28-8-10