ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 50 (10-12-1988)

 

MẤY SUY NGHĨ VỀ MỐI QUAN HỆ
THẨM MỸ GIỮA ĐIỂN HÌNH VĂN HỌC
VÀ ĐIỂN HÌNH CUỘC SỐNG XÃ HỘI

LÊ CHÍ DŨNG

Cả chủ thể sáng tạo nhà văn, cả những người thưởng thức và đánh giá văn học nhà lý luận, phê bình, bạn đọc đông đảo, đều thống nhất với nhau rằng: tác phẩm nghệ thuật đạt tới sức mạnh tối đa của mình về giá trị nhận thức xã hội, thẩm mỹ tư tưởng, khi nó tạo dựng được những hình tượng điển hình.

Thế nhưng trong vấn đề quan trọng này, nhiều điều chưa được làm sáng tỏ về mặt lý luận. Trước hết đó là câu hỏi tưởng như nhàm chán, cũ mèm: thế nào là điển hình cuộc sống xã hội?

Mỗi con người, mỗi sự vật, mỗi hiện tượng là sự thống nhất của hai mặt đối lập: cái riêng và cái chung, chúng không tách rời nhau mà liên hệ với nhau, xuyên thấm vào nhau. Cái chung không bao giờ tồn tại thiếu cái riêng và ngoài cái riêng mà thường được phản ánh trong cái riêng, bộc lộ qua cái riêng. Và cái riêng luôn luôn chứa trong bản thân mình những đặc điểm của giống loài. Thế nhưng cái riêng có thể bằng những cách khác nhau thể hiện trong nó cái chung: cái riêng có thể là sự thể hiện đặc biệt rõ ràng, tích cực, đồng ý nghĩa của cái chung, cái giống loài, cái bản chất, hay có thể phản ánh cái chung một cách mờ nhạt, hoặc hoàn toàn yếu ớt, chẳng có ý nghĩa gì. Trong những điều kiện như vậy, điển hình cuộc sống, xã hội liệu có phải là "sự khái quát hóa, trừu tượng hóa những đặc điểm bản chất một hiện tượng nào đó để tìm ra tính phổ biến", như người ta quen định nghĩa hay không? Không phải như vậy! Đây chỉ là thao tác của loại hình học (typologie), tức là phân loại các hiện tượng, các sự vật, những con người riêng lẻ thành các nhóm, các giống loài, các tầng lớp, các giai cấp xã hội... khác nhau trên cơ sở những thuộc tính chung của chúng, bỏ qua những nét riêng của mỗi hiện tượng, sự vật, con người. Định nghĩa vừa nhắc tới về điển hình cuộc sống xã hội không có gì khác hơn là sự đồng nhất nó với cái phổ biến, cái tồn tại ở khắp mọi nơi, "cái đại trà". Định nghĩa này cùng loại với quan niệm nhầm lẫn coi điển hình là cái trung bình, cái "đại diện" cho đa số, "xấu đều hơn tốt lỏi". Những quan niệm như vậy dù muốn hay không sẽ dẫn đến xem thường hoạt động sáng tạo, xem thường việc thúc đẩy cuộc sống xã hội tiến lên phía trước của cả khoa học, cả nghệ thuật. Bởi vì, nếu theo những quan niệm như vậy, thì khoa học và nghệ thuật phải thụ động chờ sự xuất hiện cái "tiêu biểu" cho số đông, cái sẽ nảy nở rộng khắp, phải hướng vào cái "thường thường bậc trung", tẻ nhạt, thiếu sinh khí, không có triển vọng phát triển. Và nếu vậy, khoa học và nghệ thuật còn có lý do gì để tồn tại?

Trong khi đó các nhà khoa học thực hiện những thí nghiệm và nghiên cứu của mình trên những biểu hiện điển hình như thế nào của quy luật này hay quy luật kia của sự sinh thành cuộc sống? Xin mời các bạn đọc theo dõi chi tiết thú vị sau đây trong tiểu thuyết của Vladimir Dudincev Trang phục màu trắng. Người ta gieo những hạt giống lúa mỳ đã được phóng xạ bằng tia gamma vào mảnh đất thí nghiệm. Vô số cây lúa mỳ quái thai mọc lên. Trong số những cây non ấy có hai cây tốt. Chính hai cây này đã mở đầu cho một giống lúa mỳ năng suất cao, được gieo trồng rộng rãi. Hai cây đó chính là hiện tượng điển hình. Các nhà khoa học am hiểu những nguyên nhân của sự xuất hiện những hiện tượng này, đã hành động để hiện tượng đó nảy sinh, rồi nhân nó thành phổ biến, thành hiện tượng bình thường. Các nhà khoa học lại nghiên cứu, thí nghiệm, tìm kiếm những điển hình mới, năng động hơn, mạnh mẽ hơn... thay thế cái đã trở nên quen thuộc, không tránh khỏi thoái hóa nay mai. Còn các nghệ sĩ? Họ bị cuốn hút bởi những đại biểu ưu tú nhất, sáng chói nhất của thời đại mình và biến những đại biểu này thành những nguyên mẫu của những nhân vật hư cấu trong văn học, nghệ thuật.

Như vậy, cái điển hình có thể đồng nghĩa với cái phi thường, cái hiếm, độc đáo, cái đầy sức mạnh. Nói cách khác mức độ cao của tính sáng tỏ và tính tích cực, năng động của sự thể hiện cái chung và cái riêng ở hiện tượng này hay hiện tượng khác, làm cho nó thành mẫu mực, thành hiện tượng điển hình.

Cái điển hình, vì thế, là cái có triển vọng phát triển mạnh mẽ, dữ dội nhất, và với thời gian nó có thể trở nên "đại trà", thành cái bình thường, hàng ngày. Đó là sự khác biệt về mặt chất lượng của cái điển hình so với những hiện tượng cùng giống loài với nó. Cái điển hình, vì thế thoạt tiên là cái cá biệt nhưng lại là cái mang tính phổ quát cao: là hiện tượng có khả năng lặp đi lặp lại, nên là cái bản chất nhất, cái mang tính quy luật của quá trình này hoặc quá trình kia của cuộc sống xã hội. Bởi vì những hiện tượng trung bình hoặc yếu kém cùng giống loài với nó, đều có thể tìm thấy ở cái điển hình những đặc điểm của chúng. Đó là sự giống nhau về mặt định tính giữa những hiện tượng cùng loại với cái điển hình và chính nó.

Những hiện tượng điển hình tích cực cũng như những hiện tượng điển hình tiêu cực đều có chung những đặc điểm nói trên. Do đó, sự xuất hiện và phát triển của điển hình tích cực có lợi cho cuộc sống bao nhiêu, thì sự nảy sinh và lan tràn của điển hình tiêu cực có hại đối với xã hội bấy nhiêu.

V. I. Lênin kêu gọi mọi người "nên nghiên cứu cẩn thận những mầm non của cái mới, hết sức quan tâm đến chúng, dùng mọi cách giúp đỡ chúng trưởng thành và "chăm sóc" những mầm còn non yếu đó" (V. I. Lênin Về văn học và nghệ thuật, tiếng Nga, Moskva, 1960, tr.411). Tuy nhiên, Lênin không nói rằng tất cả những mầm non ấy đều có sức sống mạnh mẽ, đều là những điển hình. Trong số những mầm non này có thể có một số sẽ chịu đựng được những thử thách của hoàn cảnh và thời gian nên sẽ có vị trí quan trọng trong cuộc sống. Hiển nhiên, thái độ chăm sóc những mầm non, cái mới của Lênin hoàn toàn xa lạ với sự áp đặt "cái mới", "cái điển hình" vào cuộc sống xã hội bởi ý chí luận, bởi những hoang tưởng.

Văn học nghiên cứu và tìm hiểu bằng những cách khác nhau các điển hình cuộc sống xã hội, để rồi tái hiện và tái tạo chúng thành những điển hình nghệ thuật, ở đấy là sự tổng hợp phức tạp vốn sống, vốn nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ của nghệ sĩ, khát vọng của công chúng, hiện thực của thời đại.

Bạn đọc đã làm quen với truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc Người biết mùi hun khói được viết năm 1922, khi chủ nghĩa thực dân còn phủ đêm đen lên các lục địa Á, Phi, Mỹ Latinh, thì nước Nga Xô viết còn là quốc gia xã hội chủ nghĩa độc nhất trên thế giới vừa ra khỏi cuộc nội chiến và sự can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc, khắp nơi còn ngổn ngang cảnh tàn phá, đổ nát, đói rét, tật bệnh. Nhưng qua sự mô tả trực tiếp của tác giả về cuộc diễu hành quần chúng và lời kể của Kimengo – nhân vật trung tâm của tác phẩm, – người đọc hiểu được Cộng hòa Liên hiệp Phi đã đạt tới xã hội cộng sản chủ nghĩa, chế độ thực dân đẫm máu đã bị đẩy lùi vào quá khứ. Tạo dựng nhân vật Kimengo như một nô lệ của chủ nghĩa thực dân trở thành lãnh tụ kiểu mới của phong trào giải phóng dân tộc "am hiểu tường tận mọi sự kiện của thời đại", có khả năng thức tỉnh và đoàn kết các dân tộc da đen và da trắng trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc, dẫn dắt nhân dân tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Nguyễn Ái Quốc vẽ ra trước mắt bạn đọc hình mẫu con người toàn diện, hoàn thiện – hài hòa với xã hội, hài hòa với thiên nhiên – của đấu tranh cách mạng và của xã hội tương lai. Ở đây chỗ dựa của tính chân thật là những kinh nghiệm nghệ thuật của phương Đông và phương Tây, như nghệ thuật gián cách không gian, thời gian, nghệ thuật mô tả cuộc sống trong hình thức cụ thể lịch sử, những tác phẩm thuộc thể loại có tính chất viễn tưởng: Suối hoa đào của Đào Uyên Minh, Thành thị mặt trời của Campanela, Trên phiến đá trắng của A. Phrăng... Tâm lý lạc quan lịch sử có tầm vóc vũ trụ trong những năm 1920 của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới tiên cảm thắng lợi của cuộc cách mạng toàn cầu đang xích lại gần làm cho truyện ngắn Người biết mùi hun khói có sức lay động và thấm sâu. Nhưng chỗ tựa không thể thay thế được của tính chân thật nghệ thuật ở hình tượng Kimengo và nước Cộng hòa Liên hiệp Phi chính là Lênin vĩ đại, những phẩm chất lãnh tụ cách mạng đã được rèn luyện và tích lũy ở Nguyễn Ái Quốc, chính là nước Nga Xô viết, là các dân tộc thuộc địa đang thức tỉnh. Ở đây bộc lộ khả năng phi thường của văn học chăm chú theo dõi, tìm kiếm và khám phá những nguồn mạch vận động của cuộc sống xã hội trong một hệ thống lớn hơn - hệ thống mang lại những quan hệ mới, những tác động qua lại mới, những phương tiện mới, hệ thống, nhờ nó, nhà văn có thể nhận thức đúng hơn và rõ hơn sự phát triển của hệ thống nhỏ. Nhờ vậy, văn học có thể đưa ra trước bạn đọc những điển hình nghệ thuật chưa có những nguyên mẫu trong cuộc sống xã hội ở hệ thống nhỏ ấy, nhưng sớm muộn chính ở đấy sẽ xuất hiện những điển hình hiện thực tương hợp trong mức độ này hay mức độ khác với những điển hình nghệ thuật đó. Văn học còn có cách khác thông thường hơn để khám phá những tiềm năng của hiện thực. Nếu nhà khoa học tự nhiên nghiên cứu và dự liệu những điều kiện cần và đủ làm nảy sinh những hiện tượng ấy, thì nhà văn cố gắng nắm bắt những xung đột, mâu thuẫn như nguồn gốc sẽ đẻ ra những biến cố lịch sử, khuynh hướng tư tưởng của những đại biểu ưu tú của xã hội, tâm trạng của đông đảo nhân dân, để phán đoán và đưa ra những mách bảo trong sáng tác của mình cho mọi người. Hãy lấy M. Gorki làm ví dụ. Lúc đầu, nhà văn không hiểu được động lực chủ yếu đang thúc đẩy xã hội Nga tiến lên, ông hướng những tìm tòi nghệ thuật của mình vào những người lang thang rách rưới nhưng đầy lòng tự hào "thà đói, mà tự do!", rồi ông lại đặt hy vọng vào những nhân vật phi thường của huyền thoại. Về sau, hấp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và dấn thân vào cách mạng, Gorki không chỉ dự cảm cuộc nổi dậy của nhân dân sắp nổ ra, mà còn nhìn thấy giai cấp công nhân là người chủ chân chính tương lai của đất nước, thể hiện ở câu nói nổi tiếng của nhân vật Nin trong vở kịch Bọn trưởng giả: "Ai lao động, người ấy là chủ nhân". Lời tiên tri ấy vang lên trong thế giới nghệ thuật của nhà văn vô sản vĩ đại năm 1901 và bốn năm sau bùng lên trận chiến đấu đầu tiên của giai cấp công nhân Nga để giành lấy quyền, làm chủ cuộc sống từ trong tay bọn quý tộc, tư sản...

Nghịch lý trong lý luận và thực tiễn là ở chỗ người ta dễ dàng chấp nhận văn học mô tả những hiện tượng - chủ yếu là những hiện tượng tích cực, - chưa hình thành, trong khi ấy lại phê phán sự phản ánh cái gọi là những hiện tượng cá biệt, riêng lẻ. Có thật là văn học không có quyền thể hiện cái cá biệt, riêng lẻ? Thật là kỳ cục, khi vừa đòi hỏi ở văn học tính nhạy cảm đối với những biến động của cuộc sống xã hội, vừa đặt ra câu hỏi chung chung như vậy. Thật ra, cái cá biệt, riêng lẻ nào nếu là điển hình thì có khả năng khúc xạ vào tác phẩm nghệ thuật. Nhà văn có con mắt tinh đời chính là ở chỗ này: có thể phân biệt cái cá biệt, riêng lẻ nào sẽ chết yểu, chết non, với cái cá biệt, riêng lẻ nào có khả năng phát triển, thi gan với thời gian, để thành cái phổ biến. Anh ta có quyền đưa vào tác phẩm của mình cái cá biệt, riêng lẻ loại sau, cả cái cá biệt, riêng lẻ tích cực, cả cái cá biệt, riêng lẻ, tiêu cực. Ở đây không chỉ bộc lộ trí tuệ sắc sảo của nhà văn, mà còn tỏ rõ trách nhiệm cao của anh ta trước nhân dân và đảng của mình. Ở đây chính là văn học chăm sóc cái mầm, cái chồi, cái nụ để có vườn cây và hoa thơm trái ngọt cho đời: phá cái xấu, cái ác từ khi chúng mới chỉ là mầm, chồi nụ, không cho chúng lây lan như cỏ dại ăn hết màu mỡ của ruộng lúa, nương khoai.

Song, khi "cơ cấu mới của cuộc sống" - lời của Lênin - đã vận hành trong hiện thực của chúng ta, thì sự phản ánh khẳng định của nghệ thuật ở góc độ mô tả cái bình thường, hàng ngày và những thành viên bình thường của xã hội có một ý nghĩa thuyết phục đặc biệt về tình cảm-thẩm mỹ, nhận thức-tư tưởng đối với hàng triệu, hàng chục triệu công chúng. Ở đây nghệ thuật không dự báo, đề xuất điển hình, cũng không chăm sóc "mầm non" của điển hình mà đã trở thành phổ biến, "đại trà". Bằng cách đó, nghệ thuật làm nổi bật sự ưu thắng của nền dân chủ mới đã ngập tràn trong mọi tế bào của xã hội, trong lòng người, thành tình cảm, hành vi tự nhiên trong cuộc sống của chúng ta. Văn học chúng ta - văn học của tính chân thật và chủ nghĩa nhân đạo đã được nâng lên tầm cao tính đảng cộng sản - có trách nhiệm tăng cường sự mô tả phủ định những hiện tượng tiêu cực, tích cực góp phần phá tan những chướng ngại và sự chống đối trên con đường đổi mới ấy.

Như vậy, xét về quan hệ thẩm mỹ với quá trình phát sinh và phát triển của những điển hình cuộc sống xã hội, những điển hình văn học có thể có ba "cấp độ": 1. Những điển hình văn học mô tả những điển hình cuộc sống xã hội sẽ xuất hiện; 2. Những điển hình văn học phản ánh những điển hình cuộc sống xã hội như những hiện tượng cá biệt, riêng lẻ; 3. Những điển hình văn học tái hiện và tái tạo những điển hình cuộc sống xã hội đã trở nên phổ biến, bình thường.

Mỗi nhà văn có thể tiếp cận với một, hai hoặc cả ba "cấp độ" đó, có thể có sở trường mô tả cả những điển hình tích cực, cả những điển hình tiêu cực hoặc chỉ một trong hai loại ấy. Sự tiếp cận như vậy là một trong những mặt quan trọng hàng đầu cho thấy anh ta thực hiện như thế nào thiên chức cao đẹp của người nghệ sĩ trước con người và cuộc sống.

 

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 50 (10-12-1988)

 Mục lục

12-7-10