HY VỌNG Ở CÁC ĐẠI HỘI LÊ CÔNG THÀNH Sắp đến ngày đại hội của các hội văn học nghệ thuật trong cả nước. Trên báo Văn nghệ đã có những cuộc trao đổi bổ ích, không chỉ riêng cho Hội Nhà văn mà còn chung cho các hội khác nữa. Là một người hoạt động trong một ngành nghệ thuật, tôi muốn được nói lên một đôi điều suy nghĩ. Như nhiều người đã nói: trình độ quản lý của chúng ta còn yếu, năng lực sáng tạo của chúng ta chưa được phát huy, đó là nguyên nhân của mọi sự việc đòi hỏi phải được khắc phục. Theo tôi còn có một vấn đề này nữa: Các hội của chúng ta trong những năm vừa qua ít nhiều còn mang tính phong trào, quần chúng. Trước kia trong kháng chiến, việc tập hợp tất cả mọi lực lượng, mọi khả năng có dính ít nhiều đến văn học nghệ thuật vào sự nghiệp tuyên truyền giết giặc là rất cần thiết. Ai biết võ vẽ gì đều có thể đem ra dùng hết, và đều có hiệu nghiệm, đều được coi là văn nghệ sĩ xứng đáng được động viên và ca ngợi. Trước kia phải thế, bây giờ thì khác. Bây giờ văn học nghệ thuật đòi hỏi phải có chất lượng thực sự, phải thật đẹp, phải thật hay. Một trong những công việc phải làm đầu tiên là sàng lọc, xác định lại lực lượng. Công việc này không thể không đụng chạm đến từng con người cụ thể. Đó là tâm lý đầu tiên mà mỗi người phải sáng suốt nhận định lại mình để đấu tranh vượt qua. Không ai ngoài mình có thể làm được điều này một cách êm đẹp đúng mức. Chúng ta đã có một quá trình giỏi giang trong việc tập hợp lực lượng đông đảo quần chúng vào sự nghiệp chung, ngày nay các hội đang phải chuyển sang một quan điểm làm việc kiểu khác, lấy chất lượng làm mục đích, sử dụng người tài làm trọng tâm. Các hội phải đảm nhiệm trách nhiệm đi đầu trong việc bảo đảm chất lượng trước Đảng và Nhà nước của những giá trị văn hóa nghệ thuật trong đời sống xã hội. Nói đến tài năng không ai tránh khỏi dè dặt. Làm thế nào mà biết được người tài? Tìm đâu ra người tài? Nhưng không còn cách nào khác, các hội phải khẳng định vai trò của mình để có một sự chuyển hướng mạnh dạn, thoát ra khỏi những quan niệm và những thói quen cũ. Quản lý người tài có khó. Người tài thì ít. Họ thường không dễ thuần phục, lại hay đụng chạm đến tự ái xung quanh. Nhưng họ là người trung thực, không dối trá. Làm được thì nói là làm được. Làm không được thì không làm. Không xun xoe nịnh bợ, không bon chen vụn vặt. Họ chỉ tiếp thu những điều gì mà họ cho là đúng, là cần thiết đối với họ. Không lấy nguyên tắc và giáo lý ra mà sáng tạo. Quản lý họ có khó hơn quản lý những người hiền lành, chừng mực, nhu mì, dễ bảo. Lãnh đạo tài năng đòi hỏi phải có bản lĩnh. Lãnh đạo số đông có thể một lúc giải quyết được một khối lượng công việc rất nhanh và rất lớn nhưng cũng dễ dẫn đến sự lười biếng, dựa dẫm, ỷ lại của một số người kém cỏi, thiếu năng lực, lạm dụng chức năng văn học nghệ thuật cho quyền lợi rất nhỏ nhen của một cá nhân hoặc một nhóm người. Chính họ là nguyên nhân gây ra lắm sự rắc rối vặt vãnh tốn thời giờ, đánh lạc hướng mục đích cao đẹp của văn học nghệ thuật, chưa nói đến sự lũng đoạn khi họ đã trở thành số đông có thế lực. Lãnh đạo tài năng văn học nghệ thuật không phải là việc đề cao nâng đỡ, tách họ ra với xung quanh, mà chủ yếu là kịp thời khai thác năng lực của họ vì lợi ích của đông đảo con người, và giúp cho họ có được một mối liên hệ chặt chẽ với xung quanh. Chúng ta đã có được những nhà văn, những nghệ sĩ xứng đáng được mọi người yêu quý và khâm phục. Khi một trong những con người ít ỏi ấy mất đi, là một tổn thất to lớn, không thể lấy số đông mà thay thế vào đó được. Nếu thực sự muốn có những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, trước mắt phải dựa vào những người tài, mặc dầu còn ít ỏi. Không thể bình quân trong việc khai thác tài năng (chăm lo mỗi người một ít, lắng nghe mỗi người một ít, khai thác sử dụng mỗi người một ít), để chiếu cố cho rộng lớn, đồng đều. Đối với những con người có tài, nên tôn trọng công việc của họ, nên lắng nghe ý kiến của họ. Không có những kinh nghiệm quý báu nào, không có những ý kiến đáng tin cậy nào lại có thể tách ra khỏi những con người cụ thể mà mọi người đều biết đến. Ngày nay nhiều giá trị đang trong cơn khủng hoảng rối bời, phải tìm cho ra những con người, những khởi điểm để mà vươn đến và vượt qua. Sự mất thăng bằng trong cơ thể của đời sống xã hội, không chỉ cần có những lang y tận tình mà còn đòi hỏi những danh y có những quyết định sáng suốt, rút ngắn những cuộc tranh cãi chân lý kéo dài. Sự chậm chạp có thể làm tổn thương đông đảo con người trong đời sống xã hội. Phải có những cá nhân có năng lực và dũng cảm dám thức tỉnh đông đảo con người trong cơn mê mệt kiệt sức. Những nhà văn, những nghệ sĩ tài năng đều ở trong quần chúng mà ra, nhưng ở họ có những điều mà có thể người thường không có. Họ có một sức tiếp thu nhạy bén, một năng lực phát hiện táo bạo, có khả năng nắm bắt điều cốt lõi. Họ có lòng dũng cảm đảm nhận trách nhiệm của mình. Họ cũng có thể thất bại, nhưng không chịu dẫm chân tại chỗ để lún sâu trong sình lầy. Trên thực tế, có thể một số chúng ta chưa có được những năng lực và phẩm chất như vậy, nhưng vươn đến đấy là điều phải làm nếu muốn thật sự là văn nghệ sĩ xứng đáng với danh hiệu cao quý này. Hội, tổ chức của lực lượng văn học nghệ thuật chuyên nghiệp cũng phải đòi hỏi ở mỗi người một thực chất như vậy. Hiện nay chất lượng là vấn đề hàng đầu. Tôi hy vọng rằng các đại hội sắp đến là đại hội tập họp những con người như vậy, và những con người đang vươn đến như vậy. Với những con người ấy, công việc sẽ trở nên nhẹ nhàng và sáng sủa hơn. Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 28 (9-7-1988) 20-2-09 |