ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, số 2 (14-1-1989)

 

NGHĨ VỀ CÔNG VIỆC
PHÊ BÌNH VĂN HỌC HÔM NAY

LÊ ĐÌNH KỴ

Tác phẩm văn học một khi ra đời trở thành tài sản chung của xã hội, phê bình là đại diện cho dư luận xã hội, cho sự tiếp thu, cho yêu cầu và mong mỏi của công chúng đối với sáng tác. Do chức năng xã hội trực tiếp, do phê bình mà làm tốt tức là "thể hiện sự chỉ đạo cụ thể của Đảng đối với sáng tác" (Trường Chinh), phải công nhận là người phê bình được giao cho trách nhiệm quá lớn.

Trước đây, cách này hay cách khác, vô hình trung đã hình thành những con đường mòn, những khuôn khổ có tên hay không tên. Đi trên đường mòn, tự đặt mình trong khuôn khổ thì mọi việc cũng đơn giản hơn, đường đi nước bước trở thành như đã thông thuộc. Bây giờ thì văn nghệ sĩ đã được dành cho một không gian rộng lớn, chân trời cứ lùi xa mãi không còn cố định như trước. Tuy nhiên, sáng tác cũng như phê bình không phải không có lúc cảm thấy choáng ngợp, tưởng chừng như mất hướng.

Một khi chức năng của văn học không còn được quan niệm một cách thực dụng và thiển cận, một khi văn học được trở về đúng quỹ đạo của nó thì ranh giới giữa hay dở, đúng sai cũng trở thành linh lung, khó nắm bắt hơn. Khi chính trị mà nhuyễn vào đời sống, vào "biện chứng pháp của tâm hồn" thì các hiện tượng văn học cũng trở thành tinh vi, phức tạp, khó ước lượng hơn. Văn học là chuyện con người, chuyện cuộc đời. Ở nước ta hiện nay, khi đời sống còn khó khăn phức tạp và đầy thử thách thì văn học càng có trách nhiệm thức tỉnh lương tâm cho con người biết xấu hổ và phẫn nộ trước cái xấu, cái ác, từ đó càng cảm kích, thiết tha trân trọng cái tốt, cái thiện đúng theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa - lý tưởng mà do cuộc sống còn khắc nghiệt đang có nguy cơ bị không ít người lãng quên, dè bỉu.

Nói rằng phê bình của chúng ta còn yếu kém, trận địa phê bình bị thả nổi chắc cũng khó có ý kiến ngược lại. Số người tham gia đã quá thưa thớt, lại không có ai là chuyên nghiệp, hầu hết đều viết bằng tay trái, không ai tự coi mình có nhiệm vụ làm công tác phê bình. Một khó khăn đáng kể nhất là đối với tâm lý người Việt Nam vốn thiên về tình cảm và dĩ hòa vi quý, là sợ đụng chạm. Đụng chạm với tác giả được phê bình, đụng chạm đã đành, mà khen cũng chưa chắc đã thỏa mãn được tác giả, đụng chạm với các tác giả khác do so sánh, so bì này nọ! đụng chạm với đủ cỡ người đọc vì sự đánh giá, khen chê, thích hay không thích có thể bị phản bác trên từng ý, từng câu, từng chữ của người viết phê bình: "văn chương tự cổ vô bằng cứ" mà!

Dù sao trách nhiệm chính để bỏ rơi trận địa trước hết thuộc người làm phê bình, nhưng nói trách nhiệm còn về phía lãnh đạo cũng không oan uổng chút nào. Phải nhìn thẳng vào cái thực tế là sau thời kỳ háo hức ban đầu, những người viết phê bình khi bắt đầu có tên tuổi thì quay lưng viết nghiên cứu, sách dễ được in, cả danh cả lợi đều có phần được hơn, khỏi phải viết về những cuốn sách hay ít dở nhiều, khỏi phải đụng chạm lôi thôi. Tuy phê bình không đòi hỏi tài năng gì lắm so với sáng tác, nhưng số người viết phê bình thì lại chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với số người sáng tác. Ở tuổi 20, sáng tác có thể làm nên chuyện, còn phê bình thường phải đến tuổi 30 trở đi. Người sáng tác làm việc trông chờ nhiều ở cảm hứng, ở trực giác, trong lúc viết phê bình đòi hỏi nhiều hơn ở suy luận, phân tích, hệ thống. Từ đó có thể nghĩ rằng, so với sáng tác, việc đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức những người phê bình lại có thể có hậu quả trực tiếp, cụ thể hơn. Nói trách nhiệm thuộc về phía lãnh đạo là ở chỗ đó. Trong phê bình chỉ cần có một tổ chức quy tụ năm bảy cây bút, có sinh hoạt đều đặn, mách cho nhau những tác phẩm cần đọc, thu thập dư luận, trao đổi, tranh cãi, cuối cùng đi đến phân công chấp bút đảm bảo sẽ có được bài phê bình, hay thì không dám chắc, nhưng dù sao cũng hơn là đơn thương độc mã, ít nhất cũng phá tan được cái "im lặng đáng sợ". Đương nhiên như thế không phải bài phê bình chỉ là một trung bình cộng của các ý kiến khác nhau, trao đổi, đóng góp của tập thể là một việc, còn sử dụng, xử lý như thế nào là hoàn toàn do sáng kiến, bản lĩnh của cá nhân người được phân công viết.

Trong đời sống văn học, trên cùng một vấn đề, một tác phẩm, rất có thể có ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Vậy phải làm gì? Không có cách nào khác hơn là cùng nhau trao đổi, bàn bạc - trong nhóm phê bình, bằng hội thảo rộng rãi, bằng tranh luận trên báo chí. Đã là sáng tạo, tìm tòi, không ít thì nhiều khó tránh khỏi sai lầm, nên coi đó là chuyện bình thường. Đúng sai, hay dở trong văn nghệ ít khi có thể làm sáng tạo hai năm rõ mười, việc trao đổi qua lại trên tinh thần xây dựng sẽ giúp ta bớt chủ quan phiến diện, biết người biết mình, tiếp cận được chân lý.

Không đòi hỏi nhiều tài năng như sáng tác, nhưng phê bình quả là một công việc "khó khăn và tế nhị". Không kể những động chạm phiền phức bản thân, việc đánh giá một tác phẩm vừa mới ra đời chưa được thời gian thử thách đã là một việc phiêu lưu rồi. Phê bình đòi hỏi tính tư tưởng cao trong sáng tác, nhưng nó không thể "vì chạy theo lý tưởng mà quên mất hiện thực" (Ăngghen). Phê bình khuyến khích các đề tài mũi nhọn, nhưng không thể vì "cái gì" mà bỏ qua "cái như thế nào". Trên đời này không có chân lý trừu tượng, chân lý luôn luôn là cụ thể, điều này lại càng đúng với chân lý nghệ thuật. Phê bình không thể lẫn lộn lạc quan cách mạng với lối thỏa mãn hời hợt, không đánh động cảm hứng khẳng định với lối tô hồng, biểu dương ca ngợi một chiều nhưng không đem đối lập lạc quan cách mạng với cảm hứng bi kịch, với việc bóc trần phê phán những mặt tiêu cực trong đời sống.

Sự tồn tại của phê bình như một ngành độc lập nói lên sự cần thiết của nó đối với công chúng cũng như đối với sáng tác. Cần thiết, nhưng cũng đầy nghịch lý. Phê bình có chỗ dựa vững chắc là hiện thực đời sống, nhưng như Lênin đã khẳng định tác phẩm nghệ thuật không đòi hỏi phải xem nó như là bản thân hiện thực nghĩa là không thể trực tiếp lấy cái có thực, cái đã xảy ra trong đời sống để mà xác định cái thực của tác phẩm được. Phê bình tưởng có chỗ dựa vững chắc là công chúng nhưng ý kiến của công chúng cũng thường mâu thuẫn, lại có thể là ấu trĩ, hay sai lầm. Phê bình phải rạch ròi, nhất quán, bản thân tác phẩm văn học là một khối mâu thuẫn: khách quan và chủ quan, thực và hư, chung và riêng, khái quát mà cá thể, tất yếu mà ngẫu nhiên, thiên nhiên mà nhân tạo, lý trí mà tình cảm, phản ánh mà sáng tạo v.v... Sự đánh giá có thể đúng ở vế này mà lệch ở phía kia trong từng cặp mâu thuẫn trên. Phê bình mác-xít đặt tính ưu việt vào nội dung nhưng nội dung mà không đi đôi với hình thức nghệ thuật, không có sự chuyển hóa vào nhau giữa nội dung và hình thức thì không còn là nội dung, là giá trị văn học nữa.

Cuối cùng, dù cho sự đánh giá khen chê có đúng về cơ bản đi nữa thì vẫn còn vấn đề này: mức độ hay dở của một tác phẩm là vô cùng, giữ cho đúng mức là điều đòi hỏi phải hết sức tinh tế. Ngay phương châm "khen chê đúng mức" cũng không phải không đẻ ra lắm vấn đề. Bởi vì không thể đòi hỏi một cái mức như nhau giữa tác giả mới vào nghề với tác giả lâu năm, giữa tác giả người Kinh và người dân tộc, giữa tác giả phái mạnh và phái yếu, giữa những đề tài nóng hổi về đề tài muôn thuở. Đành phải chấp nhận một cái mức khá tương đối, mà văn học thì lại ít chấp nhận cái tương đối, cái gần đúng.

Tóm lại, giữa bao nhiêu điều phiền phức, bao nhiêu điều nghịch lý, phê bình càng đòi hỏi phải có bản lĩnh để truy tìm và khẳng định chân lý, để vượt lên trên những va chạm hay những cảm tình cá nhân. Hơn bao giờ hết, cần tổ chức đội ngũ phê bình, sao cho phê bình xứng đáng là người bạn đường của sáng tác, là người trợ thủ của công chúng.

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 2 (14-1-1989)
 

 Mục lục