NHỮNG CÂU HỎI VỀ TRIỂN VỌNG CỦA Phỏng vấn nhà văn LÊ LỰU
PHÓNG VIÊN: - Anh hình dung sự đổi mới phải được thể hiện ở Đại hội Nhà văn sắp tới như thế nào? LÊ LỰU: - Tôi mong phá bỏ được cái không khí người ta đến Đại hội là để thì thầm và hau háu xem ai sẽ được vào Ban Chấp hành, vào Ban Thư ký, vào chức Tổng thư ký. Phải làm sao cho những câu hỏi về triển vọng tới đây của văn học trở thành mối băn khoăn chính của các nhà văn đến Đại hội. Làm được điều này mới là đổi mới. Phải cùng nhau nghĩ xem đã có chưa những tác phẩm ngang với tầm vóc đời sống, hiện trạng sáng tác thế nào, làm sao vươn tới những tác phẩm lớn. Cái đau đáu, trằn trọc trong mỗi nhà văn phải là ở đó, phải nghĩ trả lời các câu hỏi đó. Tôi mong Điều lệ mới cũng như hoạt động của Hội sau Đại hội phải hướng vào việc làm sao ra được những tác phẩm hay, mang những quan niệm mới về sáng tạo văn học. Bộ máy lãnh đạo Hội, dù gồm những ai, tôi nghĩ tựu trung có hai việc chính. Một là cầm chịch, bảo lãnh, ủng hộ, tạo điều kiện cho quyền tự do sáng tạo, cho những quan niệm sáng tác mới mẻ, đồng thời phải làm tham mưu cho các cấp lãnh đạo bên trên chấp nhận những tìm tòi thể nghiệm của nhà văn. Thứ hai, bằng mọi hoạt động năng động (đề xuất các chính sách chế độ, tiến hành các hoạt động kinh tế trong văn hóa...) tạo cho nhà văn có đời sống vật chất tàm tạm, ít ra là đỡ nheo nhóc đói khổ để có thể tập trung sáng tác. Đã là nhà văn thì quan hệ với nhau, tình cảm dành cho nhau phải là công việc sáng tác và tác phẩm chứ không phải quan hệ đẳng cấp, chức tước. Phải tạo cho Hội một không khí vui, kích thích hứng thú sáng tác, thúc đẩy nhau làm việc, sáng tạo chứ không phải hội hè nhăm nhăm giành giật những lợi ích và uy tín ngoài tác phẩm. Ban lãnh đạo phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm cho hội viên được sử dụng đầy đủ quyền tự do sáng tác, phải lo tới đời sống của hội viên, phải tạo cho hội viên có điều kiện tiếp xúc với các nền văn hóa khác, được tai nghe mắt thấy cuộc sống các dân tộc khác chứ không phải chỉ bưng bít trong sinh hoạt văn chương của nước mình với đủ thứ hù dọa không biết từ đâu đến. Hoạt động của ban lãnh đạo Hội phải công khai mọi lĩnh vực, phải có trách nhiệm đầy đủ với toàn bộ số hội viên trong Hội chứ không phải chỉ chu đáo riêng cho một nhóm, một khu vực nào. Tôi thấy nên áp dụng thường xuyên hàng năm hoặc nửa năm một lần nguyên tắc thăm dò tín nhiệm trong hội viên để đưa ra khỏi Ban Chấp hành, Ban Thư ký những người không vì hoạt động chung, không vì lợi ích chung, không quan tâm đến quyền lợi hội viên. P.V. - Anh có đề nghị gì về việc bầu cử, và nói chung, về cách thức tiến hành Đại hội? L.L. - Tôi mong họp đại hội toàn thể. Là nhà văn thì chẳng ai đại diện được cho ai, mỗi người có tiếng nói riêng, những suy nghĩ riêng, có cách đóng góp riêng. Tất nhiên có băn khoăn về kinh phí, nhưng nếu tất cả nỗ lực vận động các ngành các địa phương giúp đỡ vẫn chưa đủ thì nên đặt vấn đề từng hội viên tự túc lấy. Những người đi các hội hè nào có kinh phí tài trợ gì đâu mà cũng cơm đùm cơm nắm đi được dăm ba ngày? Ai không muốn thì thôi, có sao đâu. Nhưng nói như thế cũng không có nghĩa là mọi người có tên trong danh sách hội viên đều nên đến dự hết. Theo tôi, những ai đã lâu không còn hoạt động văn học gì nữa thì cũng không nên đến Đại hội. Và nói rộng ra, những ai chỉ định lấy văn chương làm phương tiện để giành những cái khác thì cũng đừng nên đến Đại hội. Về bầu cử, tôi đề nghị để hội viên được hoàn toàn tự do lựa chọn và trực tiếp bầu ra tất cả những cơ quan và chức vụ chủ chốt: Ban Chấp hành, Ban Thư ký, Tổng thư ký. Chọn người vào các chỗ này, theo tôi, cứ lấy tiêu chuẩn là đại diện tiêu biểu cho hội viên về các mặt chứ đừng "cấu tạo", "cơ cấu" theo vùng. Có vùng có vài ba hội viên, thậm chí chỉ một hội viên, lấy đâu ra đồng nghiệp là quần chúng để anh đại diện, mà để anh làm một đại diện chung thì càng khó hơn. Không nên "cơ cấu" cho đủ thành phần. P.V. - Chúng ta có thể chuyển đề tài nói chuyện một chút được chăng, ví dụ bàn về sáng tác văn học gần đây, nhất là văn xuôi. L.L. - Gần đây có những ý kiến về việc đánh giá những cái đã viết ra lâu nay và gần đây. Tôi không quan niệm những cái đã viết ra từ lâu nay là hỏng cả, và những cái viết ra gần đây là được cả. Những cái đã viết, nếu mang được nhiều tâm huyết nhất với xã hội và con người thì sẽ còn lại, còn những cái hời hợt, giả dối thì thời nào cũng thế cả thôi. Bây giờ, viết về cái tốt chưa hẳn đã là "cũ", viết về cái xấu chưa hẳn đã là "mới". Cái quan trọng là bằng tác phẩm, nhà văn đã đối thoại được điều gì với xã hội và bạn đọc thời mình sống? Nếu cái nghĩ của anh không sâu, không đến tầm chín, thì bạn đọc sẽ làm cho anh trở nên cũ đi. Tôi thích cách làm báo công khai, dân chủ của tuần báo Văn nghệ. Phải đưa lên báo ý kiến nhiều chiều. Vì thế tôi cũng thấy phải hoan nghênh một bạn đọc như ông Đặng Bửu, dám nói thẳng ý kiến của mình, cũng như một người trong Hội là anh Phan Cự Đệ, dám nói thẳng quan niệm của mình trên tạp chí Văn nghệ quân đội (số 12-1987). Ít nhất, cách này cũng tốt hơn là thì thào dấm dúi ở đâu đó để hù dọa người khác. Nhưng anh đã dám lên án người khác thì anh cũng phải chịu trách nhiệm về sự lên án sai lầm của mình, phải chịu sự lên án trở lại mình từ phía những người khác, nếu anh không đúng. Không phải anh có quyền lên án người khác thế nào cũng được, còn người khác thì không có quyền nói lại. Việc đăng những ý kiến xung quanh bức thư của ông Bửu là rất hay. Tôi nghĩ từ nay trở đi, từ người dân thường đến Tổng Bí thư Đảng, từ một bạn đọc bình thường đến Tổng thư ký Hội Nhà văn, nếu có ý kiến gì xin cứ nói công khai và cho phép người ta trả lời lại. Phải bỏ mọi trò thậm thụt, bô báo, hù dọa, đồn thổi ở đâu đó. Phải thấy là ở giữa công chúng với người viết hiện nay không còn những ngăn cách về nhận thức văn nghệ. Có khi một bạn đọc bình thường lại viết được những điều rất hay bằng lời rất hay. Vậy thì không nên tạo ra các khu cấm; chỗ này chỉ nhà văn hoặc nhà phê bình chuyên nghiệp được nói, chỗ kia chỉ lãnh đạo được nói v.v... Thời bây giờ không còn là lúc có thể ấn cho người ta những suy nghĩ thiển cận của một vài người có quyền, bắt người ta nghe theo. Không khí có tranh luận trao đổi từ nay đến Đại hội, trong Đại hội và từ Đại hội về sau, nếu duy trì được, sẽ là khí hậu tốt cho những tác phẩm hay ra đời. Và cũng tránh được hiện tượng đã từng có: người không làm việc hoặc chỉ làm ra của giả thì được trọng, còn người làm ra của thật thì bị vùi dập. P.V. - Nhưng cũng có những ý kiến trong giới ta cho rằng những cái được hoan nghênh gần đây, dẫu sao vẫn chưa phải là văn học "thứ thiệt"... L.L. - Ở ta có thói quen nhận xét nhau một cách vụng trộm. Cứ nói đâu đâu rằng cái này cái nọ không văn học, nhưng không dám nói thẳng trên báo chí cho công chúng xem họ thấy thế nào. Đó là thứ xúc xiểm, xúi bẩy, không tốt. Ở giới ta cũng có thói quen cảm xúc hộ người khác, ta cảm nghĩ thế này thì không cho người khác cảm xúc thế khác. Nếu công chúng rất thích những sáng tác văn học nói sự thật như vừa rồi, mà đó lại không phải loại viết lách rẻ tiền, thì tại sao anh lại không cho họ thích thú, hưởng ứng? Còn anh muốn có nhiều khái quát, triết lý v.v... thì nên nhớ đây là những cái đang mở ra, thậm chí như các phóng sự thì đây là cả một sự hồi sinh của thể loại, nào đã phải đoạn cuối, hoàn thiện của nó? Tốt hơn hết, đã là nhà văn, không thích, không thừa nhận được loại sáng tác này thì anh hãy làm ra, đưa những tác phẩm theo anh là văn học hơn ra cho công chúng thưởng thức xem họ nói sao? Tệ nhất là không làm mà cứ phán, như trò đàn bà ngồi lê đôi mách, rách chuyện. P.V. - Một cảm nghĩ tóm tắt của anh về triển vọng của văn xuôi? L.L. - Không ai muốn xã hội dẫm chân trong các chuyện tiêu cực, trong các bi kịch nặng nề. Nhưng phải nói thực, chính cái hiện trạng ấy lại là mảnh đất tốt cho văn xuôi. Tư tưởng của Đảng trong nói thật, nhìn thẳng sự thật càng thuận lợi cho văn xuôi. Tôi tin và mừng vì những ngày ta đang sống và những ngày tới, văn xuôi có thể đi rất xa. Bên cạnh những anh những chị đã thành đàn anh cả như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Xuân Cang, Ma Văn Kháng, Dương Thu Hương v.v... thì những cây bút mới như Trần Huy Quang, Nguyễn Trọng Tín, Hồ Anh Thái và những anh em rất trẻ, tuổi ngoài 20, đều có những trang truyện làm ngạc nhiên cho những người làm văn xuôi, biên tập văn xuôi. Tài năng như đang nằm sẵn trong bộ phận công chúng gần văn học, nó sẽ làm văn xuôi rầm rộ lên. Có thể trong sự xuất hiện của từng người có cái được bên cạnh cái chưa được, nhưng nếu biết ưu ái, trân trọng, vun trồng, từ đó mà nhân lên, thì còn rất nhiều hứa hẹn. (L.N.Â. thực hiện) Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 16 (16-4-1988)
24-11-08 |