ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Lý luận và văn học, Nxb Trẻ Tp.HCM, 1990, tr.66-70.
NGHỆ SĨ LÊ NGỌC TRÀ Nghệ sĩ đích thực ở một phương diện nào đó chính là một kiểu Jesus về tinh thần. Anh ta phải đau nỗi đau của xã hội, của đời người để từ đó cất tiếng nói diễn đạt nỗi đau chung của nhân loại. Khổ đau và khó nhọc chiếm một nửa kiếp người. Nỗi đau vì vậy dễ trở thành ngôn ngữ chung của nhân loại. Khả năng truyền bá rộng rãi của hình tượng Jesus, một phần nằm trong chính cuộc đời bị nạn của nhà truyền đạo ấy. Nghệ sĩ có thể sống sung sướng không kém thiên hạ về vật chất, nhưng anh ta không có quyền đau khổ và dằn vặt ít hơn mọi người. Nỗi đau đời là một trong những nét đặc trưng cơ bản nhất của tâm hồn nghệ sĩ. Người ta vẫn coi nhà thơ như kẻ than vay khóc mướn là vì vậy. Thúy Vân cười chị mình "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa" khi đứng trước mộ của Đạm Tiên cũng vì vậy: Thúy Kiều đâu phải chỉ là một cô gái hồng nhan mà còn là nghệ sĩ - làm thơ như "tay tiện gió táp mưa sa" và chơi đàn nghe như trời cao sông rộng. Trong đời, gặp cảnh ngộ đau thương mà khổ tâm là lẽ tự nhiên, ai cũng vậy, chẳng nói làm gì, cũng như đứng trước cảnh đẹp mà vui thì không có gì lạ. Nghệ sĩ khác đời là ở chỗ người ta khổ một anh ta khổ hai, người ta vui ít anh ta vui nhiều và thậm chí buồn trong cả khi vui. Bởi lẽ có cái vui nào lại không gắn liền với mất mát và có hạnh phúc nào cho dù thật to lớn là vĩnh viễn đâu. Đó là chưa kể rằng niềm vui do cái đẹp mang lại bao giờ cũng kèm theo nỗi buồn về sự bất lực của con người muốn vươn tới lý tưởng, đạt đến sự hoàn thiện. Cái đẹp, sự hoàn thiện là vô tận, vô cùng, trong khi đời người chỉ là một "cõi nhân gian bé tí". Từ đó mà sinh ra khát vọng, ra nỗi buồn. Niềm vui và nỗi buồn gắn với lý tưởng ấy chính là anh em sinh đôi, là bạn đồng hành trên mọi con đường sáng tạo. Nói nghệ thuật là nỗi buồn về cái đẹp chính là trong nghĩa đó. Nghệ sĩ vốn không khác biệt hẳn với người thường (M. Gorki: "Con người bản tính là nghệ sĩ"). Điều đó giải thích vì sao mọi người đều có thể gần gũi với nghệ thuật, có thể đọc truyện, nghe nhạc, xem tranh. Nhưng từ người bình thường đến nghệ sĩ thực sự là cả một khoảng cách bề ngoài đôi khi tưởng như mong manh nhưng lại không dễ gì vượt qua nổi. Có người viết văn, làm thơ chỉ là do chút ít năng khiếu nào đó về chữ nghĩa, còn trí tuệ và tâm hồn thì chẳng có gì đặc biệt. Tác phẩm của họ chủ yếu là sự diễn dịch thành văn xuôi hoặc văn vần những ý nghĩ chung chung và những cảm xúc dễ dãi. Có người thì có tài văn chương hẳn hoi nhưng lại sáng tác chủ yếu bằng cái đầu, bằng trí tuệ. Đọc văn người ta thấy sự thông minh của thời gian nhiều hơn là sự phong phú của cuộc đời, tình yêu và sự day dứt của nhà văn về những điều trông thấy. Có người lại chỉ viết văn bằng trái tim, bằng những cảm xúc hồn nhiên, bằng tấm lòng chân thật. Tác phẩm của họ rất dễ làm lay động lòng người nhưng lại thường thiếu đi bề rộng, chất triết học, một chút siêu hình để cho nó đủ sức sống qua thời gian, năm tháng. Văn học thực sự đòi hỏi cả tài năng và tâm hồn, cả sự thông minh và lòng trắc ẩn, cả cảm xúc và sự chiêm nghiệm vượt lên trên thời gian - lịch sử. Nghệ sĩ có cái hạnh phúc hơn người là được làm một thứ lao động tự do nhất - lao động sáng tạo, được làm việc theo cảm hứng chứ không phải do cưỡng bức, theo giờ giấc, quy trình. Không phải ngẫu nhiên mà K. Marx mơ ước về xã hội tương lai như là xã hội mà ở đó mỗi người là một Raphael[1]. Nhưng bù vào đó nghệ sĩ phải đưa tâm hồn ra hứng chịu nỗi đau của cuộc đời, phải nếm trải cả nỗi đắng cay mỗi lần thất bại, mỗi khi lòng tự ái bị đụng chạm đến tận cùng, đến mức muốn bỏ nghề, gác bút. Nghệ sĩ được hưởng những niềm vui mà người bình thường không có. Nhưng anh ta lại có những giọt nước mắt mà đời không thấy, những vết thương mà người thường không phải chịu. Đó là hạnh phúc và nỗi đau của những ai dấn thân, của những người sáng tạo. Thời nào thì cũng vậy thôi. Nghệ sĩ không tốt hơn mà cũng không xấu hơn người đời, nhưng vinh quang và cay đắng thì có lẽ anh ta nhiều hơn thiên hạ. Bởi vì nghệ sĩ thực sự bao giờ cũng chính là một người sáng tạo, dấn thân. Nói đến nghệ sĩ là nói đến tài năng thì cũng thường tình. Không tài hơn người làm sao làm được nghệ sĩ. Cái tài ấy người đời bao giờ cũng thấy, cũng chiêm ngưỡng, thán phục. Nhưng nói rằng cái tài cũng chính là cái tình thì không phải ai cũng nhận ra ngay, mặc dù đó mới là cái phần cốt lõi của thiên tài, của nghệ sĩ. Với nhạy cảm đặc biệt về sự yếu ớt của cái đẹp, về cái riêng, về quyền sống, quyền tự do dân chủ của từng mỗi con người, nghệ sĩ giữ một mối quan hệ phức tạp với nhà chính trị. Khi chính trị trùng với lương tri, họ là bạn đường, khi chính trị dẫm đạp lên lương tri, họ là địch thủ. Đó là điều ai cũng thấy. Nhưng ngay cả khi chính trị theo đuổi một mục đích tốt đẹp thì nhà văn vẫn khác nhà chính trị. Và mặc dù khác nhau, cả hai đều cần cho xã hội, bởi vì cuộc sống luôn luôn cần những tiếng nói đa dạng. Không phải mọi sự khác biệt đều dẫn tới xóa bỏ nhau mà ngược lại có thể bổ sung cho nhau để xã hội được cân bằng, để chính trị trở nên nhân bản hơn, còn văn học thì cao rộng và đúng đắn hơn. Khi trả lời câu hỏi vì sao Lênin yêu thích M. Gorki, nữ văn sĩ Xô viết nổi tiếng M. Saghinian, người đã từng viết nhiều tác phẩm về Lênin cho rằng sở dĩ Lênin yêu thích M. Gorki là vì Lênin "cần M. Gorki một cách sống còn". Bà viết tiếp: "Ai nghĩ rằng trong thư từ với Gorki chỉ có Lênin dạy cho Gorki và chỉ có Lênin đơn phương cần cho Gorki thôi thì thật sai lầm. Nếu đọc kỹ từng chữ trong những lá thư này anh sẽ cảm thấy một Gorki hoang mang, nhượng bộ, một Gorki bướng bỉnh, nhạy cảm, tài năng rực rỡ cần thiết đến chừng nào cho Ilich (tức Lênin) đang nghiền ngẫm về tình bạn của họ, về những câu trả lời của một con người hình như là không giống mình, khác mình, xa lạ với mình - nhà chính trị cần nghệ sĩ như cần không khí, bánh mỳ, như tay phải cần tay trái...". Không phải ai cầm bút, bấm máy, cầm cọ đều là nghệ sĩ. Chỉ khi nào anh sống trọn đời vì nghệ thuật, xa lánh mọi thứ bon chen chính trị, đau nỗi đau của đời, mải miết đi tìm cái đẹp và những giá trị tinh thần, chỉ khi nào tác phẩm của anh cần cho đời như không khí, bánh mỳ, lúc đó anh mới thực sự xứng đáng với danh hiệu ấy. Nguồn: Lý luận và văn học, Nxb Trẻ Tp.HCM, 1990, tr.66-70.
|