ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 20 (14-5-1988)
VỀ VẤN ĐỀ VĂN HỌC PHẢN ÁNH HIỆN THỰC LÊ NGỌC TRÀ Thế là rút cục sau nhiều năm do dự, thì thầm, lần đầu tiên chúng ta đã có can đảm nói to lên, nói công khai một sự thật: Văn học cách mạng của chúng ta còn nghèo nàn. Dĩ nhiên cũng có người chưa chịu. Người ta vốn thương yêu quá khứ của mình. Nhưng lịch sử, có lẽ không biết đến lòng tự ái, nên bình tĩnh và khách quan hơn. Đối với lịch sử, cái quan trọng chủ yếu không phải ở chỗ con người đã làm những gì mà ở chỗ con người đã để lại những gì thực sự quý giá cho đời sau, đã giảm bớt bao nhiêu đau khổ và mất mát để có được hạnh phúc, đã mở ra con đường đi đến một xã hội phát triển bình thường và nhân đạo như thế nào. Chúng ta cần nhìn lại ngày hôm qua bằng quan điểm ấy. Tình trạng nghèo nàn của văn học cách mạng trong mấy chục năm vừa rồi có nhiều nguyên nhân: sự lãnh đạo đối với văn nghệ, mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, trình độ tư tưởng và nghề nghiệp của người sáng tác v.v... Các bài viết và các cuộc thảo luận trong thời gian gần đây đã nói khá nhiều về những vấn đề này. Song theo chúng tôi, còn một mặt quan trọng nữa và có ý nghĩa lý luận và thực tiễn lớn cần "tháo gỡ" trong nhận thức của giới lãnh đạo, sáng tác và cả lý luận phê bình, đó là vấn đề văn học và hiện thực. Từ mấy chục năm nay, không hiểu chính xác là bắt đầu từ lúc nào, chúng ta luôn luôn nghe nhắc đi nhắc lại mệnh đề: Văn học là sự phản ánh hiện thực, nhiệm vụ chủ yếu của văn học là phản ánh hiện thực, vinh dự lớn lao nhất của nhà văn là phản ánh cho được đời sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân. Có lẽ ai đó lúc đầu cũng thấy nói như vậy chưa thật đầy đủ, còn ngờ ngợ, nhưng vì để cho "tiện" và đỡ phiền phức, cũng cứ nói ào ào theo, rồi lâu ngày quen dần, thấy hình như cũng chẳng có vấn đề gì, cứ nói dài dài theo kiểu ấy. Đó là không kể thế hệ những người cầm bút trẻ - cả sáng tác, nghiên cứu và phê bình - từ trong nhà trường đã được dạy hiểu văn học theo cách như vậy, thành ra khi lớn lên, bắt đầu viết thì phần đông khó tránh khỏi những khuyết điểm do quan niệm về sáng tạo nghệ thuật một cách phiến diện gây ra. Việc nhấn mạnh quá mức bản chất phản ánh và nhiệm vụ mô tả hiện thực của văn học là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "suy tư tưởng" của khá nhiều tác phẩm văn học trong mấy chục năm qua. "Suy tư tưởng" ở đây không phải là sai lầm về quan điểm, lập trường (về mặt này văn học ta còn "cường tráng" nữa là khác!) mà về chất triết học, chiều sâu của sự khái quát, khả năng vươn tới những tư tưởng có tầm nhân loại cũng như cách lý giải hiện thực độc đáo, bộc lộ bản lĩnh và cách nhìn riêng của nhà văn về thế giới. Lâu nay nhiệm vụ đặt ra đối với người sáng tác chủ yếu là phản ánh đời sống cho chân thực và phù hợp với quan điểm của Đảng. Về sau này đối với phần lớn nhà văn đã thành quen thuộc, nên cũng không phải là khó lắm. Còn lại chỉ là làm sao tránh được ba điều: mô tả có tính chất "tô hồng", "bôi đen" hoặc "tự nhiên chủ nghĩa". Nhưng cái đó đối với người khôn ngoan sau đôi ba lần vấp váp đã trở nên "có kinh nghiệm" thì cũng dễ tránh thôi. Rút cục, người sáng tác - cố ý hoặc không cố ý - phần đông đều chọn cách viết an toàn nhất, mà lại "đúng" nữa, là tập trung ghi chép, mô tả, kể cho thật nhiều về đời sống, miễn sao cho đừng phạm vào mấy điểm trên, còn cái quan trọng là bản thân anh, chính anh, riêng anh nghĩ gì, đau gì thì hoặc lờ đi, giấu biến đi, hoặc thành thật tin một cách thơ ngây là nó nhỏ bé, vô nghĩa, không đáng được thể hiện. Hình như Đảng nghĩ là đủ, Đảng nói rồi thì ta nói lại. Cứ thế nhà văn thì được "an toàn", còn văn học thì lại nghèo đi. Việc khuyếch đại nhiệm vụ mô tả hiện thực và coi nhẹ nguyên lý tìm tòi - thể hiện tư tưởng trong nghệ thuật không chỉ làm cho văn học nghèo nàn về nội dung, mà còn làm cho nó đơn điệu và nhợt nhạt về phương diện hình thức. Người sáng tác bị ám ảnh bởi tâm lý "hiện thực lớn", chỉ lo mình không diễn tả, truyền đạt hết được, phần đông ngợp và thỏa mãn trong "vùng tư liệu của mình", nghĩ rằng chỉ cần nói lên một phần những điều mình biết, ghi chép cũng đã là quý lắm rồi. Bản thân tâm lý ấy đã hạn chế sự tìm tòi về hình thức trong tác phẩm văn học, dẫn đến chỗ các tác phẩm hao hao giống nhau, chẳng có phong cách gì nổi bật. Đó là chưa kể việc bản thân yêu cầu "phản ánh hiện thực" có khi bị hiểu máy móc, lâu ngày sinh ra thị hiếu đơn giản, cho rằng tác phẩm nghệ thuật cứ phải miêu tả giống như thật, dễ hiểu mới hay, mới đúng, còn cách viết, cách vẽ tượng trưng, phúng dụ thì bị xem là "không rõ ràng" về tư tưởng và "lai căng", "tư sản" về hình thức nghệ thuật. Khuynh hướng nhấn mạnh đến thiên lệch mặt phản ánh hiện thực trong văn học bộc lộ cả trong nghiên cứu và phê bình. Các nhà lý luận và phê bình văn học không chỉ biện giải, cổ vũ cho khuynh hướng nói trên trong sáng tác, mà còn thực thi theo nguyên tắc này trong lĩnh vực của mình. Viết về "hình tượng người lính", "hình tượng người nông dân", "hình tượng người phụ nữ" v.v... so sánh trực tiếp hình tượng tác phẩm với nguyên mẫu ngoài đời - trở thành cách phân tích văn học yêu thích và phổ biến trên báo chí, trong nhà trường, từ phổ thông cho đến đại học. "Tính hiện thực", "chất hiện thực", "chủ nghĩa hiện thực" luôn luôn được nhắc tới bên cạnh tính đảng và tính nhân dân như là tiêu chuẩn cao nhất của tác phẩm. Đến văn học cổ cũng bắt đầu bị đem ra đánh giá máy móc chủ yếu theo tiêu chí của chủ nghĩa hiện thực, xét hay dở căn cứ vào chỗ nó phản ánh hiện thực bên ngoài được nhiều hay ít. Chính vì bị xiềng bởi quan niệm trên đây mà từ nhiều năm nay chúng ta lúc thì giục giã nhau, lúc thì bứt đầu gãi tai sốt ruột tự hỏi: tại sao chúng ta chưa có tác phẩm lớn, hay là có rồi nhưng chưa được công nhận? Văn học phản ánh hiện thực, mà hiện thực đất nước chúng ta thì lớn, hùng vĩ như vậy, lẽ nào không thể có văn học lớn, tác phẩm lớn! Rút cục là lỗi lại quy về cả cho các nhà văn! Nhưng nói cho công bằng, dù nhà văn có cố phản ánh "hiện thực lớn" kia đến đâu, cũng khó ai dám chắc được rằng nhờ thế mà văn học ta sẽ có tác phẩm lớn. Đời sinh ra văn hay cũng giống như sinh ra một người đẹp, người tài nhiều khi rất lạ. Có thời loạn lạc, cay đắng lại đẻ ra tác phẩm bất tử, như Truyện Kiều của Nguyễn Du đó. Truyện Kiều vĩ đại chủ yếu cũng không phải vì nó phản ánh được hiện thực xã hội chủ nghĩa lúc ấy mà trước hết là những câu thơ lung linh như vầng trăng, đáy nước, ở tấm lòng và giọt nước mắt của Tố Như; mà trong văn chương thì hình như nỗi đau, lời buồn dễ còn lại với đời sau hơn là niềm hân hoan và những câu chúc tụng. Sự khuyếch đại nhiệm vụ phản ánh hiện thực của văn học nói trên đây bắt nguồn từ đâu? Về phương diện lịch sử, ở ta khuynh hướng này có hai nguồn gốc trực tiếp: tư tưởng văn nghệ Diên An (Trung Quốc) và cách hiểu nghệ thuật một cách dung tục trong mỹ học và lý luận văn học Xô viết. Còn về phương diện nhận thức, chủ trương này gắn liền với hàng loạt quan niệm thiếu chính xác về triết học và lý luận nghệ thuật. Trước hết phải kể đến việc biến quan điểm của triết học duy vật biện chứng và phản ánh luận duy vật về nghệ thuật thành chính bản thân lý luận về nghệ thuật. Theo phản ánh luận Lênin, ý thức là phản ánh của vật chất, ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội. Nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc thù, phản ánh hiện thực xã hội. Xét từ góc độ này, toàn bộ nội dung tác phẩm văn học - kể cả tư tưởng - tình cảm của nhà văn và hiện thực được mô tả trong đó - xét đến cùng cũng chỉ là phản ánh của đời sống xã hội. Ở đây phản ánh hiện thực là thuộc tính chứ không phải là nhiệm vụ của văn học. Chính Lênin trong bài báo Lev Tolstoi như tấm gương của cách mạng Nga, khi phân tích thế giới quan và trước tác của nhà văn (trong đó có các tác phẩm nghệ thuật) đã xuất phát chủ yếu từ góc độ này, góc độ của nhà triết học, góc độ của lý luận phản ánh. Cần lưu ý là bài báo trên đây Lênin viết vào tháng 9 năm 1908, nghĩa là cùng thời điểm với cuốn Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908) là tác phẩm triết học chủ yếu trình bày lý luận phản ánh của Lênin. Xem xét ý thức của Lev Tolstoi từ góc độ nhận thức luận chứ không phải từ góc độ của lý thuyết sáng tạo nghệ thuật, Lênin cho rằng toàn bộ tư tưởng của L. Tolstoi với tất cả tính phức tạp, mâu thuẫn của nó chẳng qua chỉ là sự phản ánh ý thức xã hội Nga trong thời kỳ chuẩn bị cách mạng, có điều vì L. Tolstoi là nghệ sĩ lớn, có trực cảm nhạy bén, nên trong ý thức của ông, quá trình này được phản ánh đầy đủ và rõ nét hơn. Cần hiểu ý Lênin về "tấm gương của cách mạng" hay câu nói thường được trích dẫn để đề cao nhiệm vụ phản ánh hiện thực của văn học. "Nếu trước mắt chúng ta là một nghệ sĩ thực sự vĩ đại thì thế nào anh ta cũng phải phản ánh trong các tác phẩm của mình chí ít là vài ba khía cạnh của cuộc cách mạng" - theo nghĩa đó. Ở đây Lênin không nhằm kêu gọi văn học phản ánh hiện thực, đòi hỏi tác phẩm phải trở thành "tấm gương" của cách mạng, lại cũng không xem đó như tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá tác phẩm. Lênin chỉ nhằm phân tích một hiện tượng ý thức xã hội, xuất phát từ quan điểm của phản ánh luận duy vật và nhiệm vụ đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản ở nước Nga trong thời kỳ đó. Đáng tiếc là nhiều nhà nghiên cứu khi "áp dụng" những tư tưởng của Lênin, đã tuyệt đối hóa phương pháp phân tích các hiện tượng văn học theo quan điểm lý luận phản ánh, biến cách xem xét nghệ thuật chỉ từ góc độ và quan điểm của triết học duy vật biện chứng thành phương pháp chủ yếu để phân tích tác phẩm văn học, biến bản thân sự vận dụng phản ánh luận và nghệ thuật thành nguyên tắc cơ bản duy nhất, quan trọng nhất, trên cơ sở đó xây dựng toàn bộ lý luận về sáng tạo nghệ thuật. Từ đây do thành thật không hiểu hay cố tình không hiểu vì sợ húy kỵ đụng đến giáo điều, "uy tín", người ta đúc kết thành công thức và lắp đi lắp lại ở khắp nơi rằng đối với Lênin vấn đề phản ánh hiện thực, nghệ thuật như "tấm gương" là vấn đề cơ bản nhất, rằng giá trị cơ bản nhất của L. Tolstoi nằm ở chủ nghĩa hiện thực, ở chỗ nhà văn đã phản ánh trung thành hiện thực nước Nga. Cứ thế uy tín của "tính hiện thực", "nhiệm vụ phản ánh hiện thực" lớn mãi lên, có khi át hết tất cả. Người ta cứ dẫn Lênin, trong khi thật ra Lênin đâu có nghĩ phiến diện và nghèo nàn như vậy. Để củng cố quan niệm trên đây, nhiều người còn dựa vào cả Mác và Ăngghen, cho rằng đại khái Mác và Ăngghen cũng nghĩ như thế. Nhưng bây giờ đọc kỹ lại mới thấy - điều này có vẻ như hết sức lạ lùng và không thể tin được! - là cả Mác và Ăngghen chưa bao giờ coi phản ánh hiện thực như nhiệm vụ quan trọng nhất của văn học và chủ nghĩa hiện thực là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá tác phẩm nghệ thuật. Không thấy chỗ nào Mác nói về chuyện này. Còn Ăngghen thì cho rằng "Yêu cầu hết sức cao, thậm chí là cao nhất" đối với tác phẩm văn học chính là "sự thống nhất hoàn toàn của chiều sâu tư tưởng lớn, của nội dung lịch sử được nhận thức với tính sinh động kiểu Shakespeare và sự phong phú của hành động" mà theo Ăngghen chỉ có thể có được trong văn học tương lai (C. Mác và Ph. Ăngghen - Toàn tập (tiếng Nga) tr.29, tr.495, 492). Chủ nghĩa hiện thực mà Ăngghen định nghĩa như "sự miêu tả các tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình" đối với Ăngghen trước hết không phải là yêu cầu về ý nghĩa nhận thức - phản ánh của văn học mà chủ yếu là cách phản ánh hiện thực trong tác phẩm. Thuật ngữ "chủ nghĩa hiện thực" ở Ăngghen diễn tả một khái niệm thuộc về nội dung có tính chất loại hình của tác phẩm văn học chứ không phải thuộc mặt nội dung lịch sử - cụ thể của nó. Không phải ngẫu nhiên mà trong bức thư gửi M. Hacnet, Ăngghen đã đề cập đến chủ nghĩa hiện thực khi ông đang bàn về cách thể hiện quan điểm tư tưởng của tác giả trong tác phẩm văn học. Thắng lợi vĩ đại nhất của chủ nghĩa hiện thực của Balzac, theo Ăngghen, không phải ở chỗ Balzac miêu tả trung thực xã hội Pháp thời đó mà chủ yếu ở chỗ nhà văn không bóp méo hiện thực, không miêu tả nhân vật theo cảm tình cá nhân và lập trường giai cấp của mình, trái lại "bắt chúng hành động" đúng như trong cuộc sống, theo quy luật tâm lý thực của mỗi nhân vật. Ai đọc kỹ bức thư Ăngghen và không bị ràng buộc bởi định kiến cũng đều thấy rõ điều đó. Bởi vậy nếu chỉ căn cứ vào mấy chữ "chủ nghĩa hiện thực" của Ăngghen để khuyếch đại nhiệm vụ phản ánh hiện thực của văn học là mới chỉ dựa vào lời chứ chưa phải vào ý. Đó là chưa nói đến chuyện dẫu Mác, Ăngghen hay Lênin có nghĩ như vậy thật, thì cũng không nên xem tất cả đã là chân lý tuyệt đối, vĩnh cửu. Việc đề cao quá mức đặc tính phản ánh và nhiệm vụ mô tả hiện thực của văn học đã dẫn đến chỗ hiểu lệch bản chất của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, coi nhẹ sự tìm tòi tư tưởng và thể hiện những suy nghĩ của cá nhân nghệ sĩ trong tác phẩm. Nhiều năm qua hình như tự nhiên chúng ta cứ quen dần với cách nghĩ rằng hễ cái gì thuộc về cá nhân thì nhỏ bé, "tiểu tư sản", tư tưởng gì của riêng cá nhân thì khó tránh khỏi "chủ quan" mà đã "chủ quan" là "duy tâm" sai lập trường. Chúng ta rơi vào một tình trạng kỳ quặc: chỗ cần duy "vật" thì chúng ta lại duy "tâm" để đến mức nhiều khi cứ như bay lượn ở đâu đâu, mơ mộng hão huyền, lúc nào cũng nói đến "lịch sử", "tương lai" trừu tượng, chẳng để ý gì đến miếng cơm manh áo và mất mát của ngày hôm nay, rồi đến khi đổ vỡ hết cả, chẳng ai buồn mơ ước xa xôi, chỉ khao khát bình thường cũng đã được xem là lãng mạn. Ngược lại chỗ cần duy "tâm" chúng ta lại quá duy "vật" đến mức tầm thường, chẳng còn coi gì thiêng liêng nữa, mọi cái hư vô siêu hình nằm ngoài giới hạn của nhận thức và trực quan - trong tiềm thức cũng như trong những bí ẩn của tự nhiên và đời người - đều là "vớ vẩn", "nhảm nhí" dẫn đến chỗ kẻ xấu làm điều ác không sợ bị trừng phạt, con người khi yếu đuối bất lực chỉ còn nghĩ đến cái chết. Trong khung cảnh ấy mặt "duy vật", "phản ánh" của nghệ thuật dễ được đề cao, còn mặt sáng tạo, chủ quan của nghệ thuật thì bị xem nhẹ, chuyện đó cũng chẳng có gì khó hiểu. Không phải những người khuyếch đại nhiệm vụ phản ánh hiện thực của văn học không nói đến sáng tạo của nghệ sĩ, đến tính tích cực chủ quan của nhà văn. Nhưng đây vẫn chỉ là cái nằm trong khuôn khổ tính tích cực của sự phản ánh, nghĩa là phản ánh có suy nghĩ, có đánh giá lựa chọn v.v... chứ chưa phải tính tích cực như nguyên lý tổng quát của sáng tạo nghệ thuật. Trên bình diện lý luận nghệ thuật (khác với trên bình diện lý luận phản ánh), văn học trước hết không phải là phản ánh hiện thực mà là sự nghiền ngẫm về hiện thực. Tác phẩm nghệ thuật thể hiện cách nhìn của nhà văn về cuộc sống, sự khao khát công lý xã hội: nó là lời tâm sự hay sám hối, là tiếng nói của tình yêu cái đẹp không đạt được, là gánh nặng ưu tư về lẽ đời, lẽ còn mất của nhân sinh và vũ trụ. Văn học chủ yếu không phải là ghi chép, mô tả hiện thực mà là hành động tự nhận thức của nhà văn, nhờ đó tác phẩm nghệ thuật trở thành mảnh đất nuôi dưỡng tình cảm con người, thành khu vườn nơi tâm hồn con người đến đơm hoa kết trái, như hình thức tồn tại và phát triển độc đáo của đời sống tinh thần nhân loại. Văn học không phải không phản ánh, mô tả hiện thực, nhưng đừng nên xem đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, nhiệm vụ hàng đầu và bao trùm của nó. Nội dung của tác phẩm văn học vì vậy cũng chứa đựng trước hết không phải hiện thực được phản ánh, mà là tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Điều này ngay Lê Quý Đôn cũng đã nói từ hai trăm năm trước: "Ta thường cho làm thơ có ba điều chính: một là tình, hai là cảnh, ba là sự... lấy tình tham cảnh, lấy cảnh hội việc, gặp việc thì nói ra lời, thành tiếng" (Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới, 1981, tr.93). Rõ ràng sẽ là không đúng nếu để mặt "tình" trong nghệ thuật xuống hàng thứ hai. Đó là một bước thụt lùi so với cách nghĩ của cha ông ta xưa. Do không chú ý đến mặt chủ quan của nội dung nghệ thuật, tư tưởng của tác phẩm văn học thường chỉ được xem xét chủ yếu trong giới hạn của tính khuynh hướng và trước hết là tính nhân dân, tính đảng. Vì vậy, mặc dù tính tư tưởng có vẻ như vẫn được nhắc đến, thậm chí được đề cao, nhưng thực chất nó chỉ còn lại như một thứ tư tưởng chung chung, tư tưởng của Đảng, của tất cả mọi người, một thứ quan điểm lập trường dùng làm chỗ dựa để phản ánh cho "đúng", cho "hùng hồn" mà thôi. Còn bao nhiêu suy nghĩ tâm huyết của nhà văn, những điều mình nghiền ngẫm, giày vò, cho là phải trái, những niềm vui nỗi buồn hết sức đơn giản của đời người thì ít khi được thể hiện trong tác phẩm. Sáng tác nghệ thuật mất dần tính chất của một cuộc hành hương đi tìm chân lý. Lâu ngày rồi chính bản thân nhà văn, từ chỗ ban đầu e ngại, giữ cho "an toàn" cũng đi dần đến chỗ lười suy nghĩ, học hỏi, nên khi có dịp được nói, "cho nói" thì khá đông người lại chẳng có gì để nói, đâm ra nói như cũ, giống như chú gà nuôi trong ống lâu ngày, khi thả ra ngoài vẫn không quen, cứ đi ngật ngưỡng. Văn học rất cần sự thật, nhưng sự thật trong văn học không phải chỉ là sự thật của các tính cách và sự kiện được mô tả mà còn là sự thật của cách nhìn, của thái độ, cách đánh giá của nhà văn đối với những hiện tượng được phản ánh, tức là tính chân thực lịch sử của tư tưởng - tình cảm tác phẩm. Yêu ghét cũng có công lý, tính khách quan của nó. Yêu cái đáng yêu, ghét cái đáng ghét cũng là một biểu hiện quan trọng của sự thật trong văn học, của chân lý nghệ thuật. Muốn phản ánh hiện thực cho chân thực, nói chung cái yêu ghét của nhà văn phải đúng. Nhưng đồng thời nghệ sĩ cũng phải biết và dám nói thật. Văn học là lương tâm của xã hội, vì vậy tự nó đã xa lạ với những gì phi đạo đức. Những tình cảm xa lạ với lương tri con người, dù thành thật đến đâu, cũng đều có hại cho nghệ thuật. Song văn học lại thường rất rộng lượng với những lầm lạc về nhận thức, với sự vấp ngã của con người trên con đường đi tìm chân lý. Chân lý càng phức tạp và vĩ đại, lầm lạc của nhà văn càng lớn, nhưng nếu nghệ sĩ thực sự chân thành thì tác phẩm của anh ta sẽ toát lên hào quang và sự hấp dẫn của cái chết tử vì đạo. Bởi vậy trong nghệ thuật, quan trọng không phải chỉ là chuyện đúng sai mà là vấn đề thật giả. Nói thật một cách sai lầm thường vẫn không đáng ghét như là nói dối một cách đúng đắn. Mặt khác phải thấy rằng nói thật và nói sự thật không phải bao giờ cũng là một. Có khi anh chân thành đấy, nhưng vì nói một chiều, định hướng của anh sai, nên thành ra chỉ mới nói được một nửa sự thật. Chẳng phải mấy chục năm qua phần đông nhà văn chúng ta cũng tin mình nói thật đó sao? Mà có lẽ đúng như vậy. Nhưng bây giờ thì trừ những người "yêu quá khứ" vì quá yêu mình ra, mấy ai nghĩ rằng văn học ta đã nói hết được sự thật? Như vậy rõ ràng mối quan hệ giữa văn học và hiện thực rất phức tạp. Một mặt đó là tiếng nói, cái nhìn của nhà văn về hiện thực, mặt khác là bản thân hiện thực được phản ánh, ghi lại trong tác phẩm. Tính chân thực trong văn học, do đó, cũng không phải chỉ là tính chân thực của sự phản ánh, mà còn là tính chân thực lịch sử của thái độ, cách đánh giá và sự trung thực của nhà văn. Nếu xét riêng vấn đề văn học phản ánh hiện thực thì ở đây yêu cầu mô tả đời sống cho chân thực cũng có nhiều mặt. Việc tranh luận thế nào là "hiện thực" và "không hiện thực" đụng chạm không phải chỉ đến chuyện quan niệm mà còn cả đến cách dùng thuật ngữ, liên quan không phải chỉ đến nội dung phản ánh của văn học mà còn đến cả cách phản ánh hiện thực trong tác phẩm, tức là vấn đề phương pháp nghệ thuật ("chủ nghĩa hiện thực", "chủ nghĩa quy phạm") hay hình thức miêu tả (ước lệ, tả thực). Tạm để sang một bên các vấn đề phức tạp này, chúng tôi chỉ xin bàn dưới đây một vài khía cạnh thuộc về vấn đề nội dung phản ánh của văn học, có liên quan đến thực tiễn sáng tác hiện nay. Trước hết cần tránh cách hiểu đơn giản cho rằng giá trị hiện thực của tác phẩm chủ yếu nằm ở các chi tiết xã hội học, ở việc ghi chép, mô tả cho nhiều các sự kiện, hoạt động bên ngoài của con người. Hiện thực độc đáo của văn học là thế giới tinh thần, tình cảm tâm lý của con người trong xã hội. Miêu tả đời sống quần chúng, quan trọng là nói lên tâm tư, nguyện vọng, khám phá những cứ liệu thông sử mà như nhân chứng về cách nghĩ, cách cảm của con người trong một thời. Lịch sử văn học chính là lịch sử tâm hồn nhân loại. Nhà văn không thể không phản ánh trong sáng tác của mình những sự kiện, những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Nhất là trong tình hình khi đời sống còn nhiều điều bất công, không hợp lý, khi sự thật về quá khứ còn nằm bí mật trong các kho lưu trữ và ký ức con người; nhiều việc còn bị bưng bít; xã hội thiếu thông tin, tác phẩm văn học đúng là còn nhiều lúc vẫn phải đóng vai một thứ "nói bóng nói gió" chính trị hoặc can dự trực tiếp vào chính trị, làm công việc của chính luận. Nhưng nhiệm vụ chủ yếu và lâu dài của văn học trong việc phản ánh hiện thực vẫn là mô tả số phận con người, khắc họa các tính cách con người. Nhiều năm qua văn học có công xây đắp hình tượng LỊCH SỬ, TỔ QUỐC, NHÂN DÂN, QUẦN CHÚNG. Nhưng chúng ta quá say sưa với những cái có tính chất "sử thi", với các hình tượng tập hợp về con người mà ít chú ý đến việc mô tả các số phận, xây dựng những hình tượng độc đáo về cá nhân con người, về đời người, CON NGƯỜI thường chỉ được mô tả qua vài nét chấm phá trong bức tranh chung vẽ cả khối quần chúng nhân dân vĩ đại. Một trong những yêu cầu đối với các tác phẩm về chiến tranh và cách mạng là nhà văn phải miêu tả được số phận con người trong cơn lốc của lịch sử. Văn học không nên phản ánh con người chỉ thông qua mô tả lịch sử mà cần phản ánh lịch sử thông qua mô tả số phận con người. Để khắc họa chân thực bức tranh về con người và xã hội, ngoài việc "được phép" mô tả, ngoài thái độ dũng cảm ra, nhà văn còn phải có cách nhìn đời từng trải, đa dạng. L. Tolstoi có lần nói: "Một trong những lầm lẫn vĩ đại nhất khi xét đoán về con người là chúng ta hay gọi và xác định người này thông minh, người kia ngu xuẩn, người này tốt, người kia ác, người thì mạnh mẽ, người thì yếu đuối, trong khi con người là tất cả: tất cả các khả năng đó, là cái gì luôn luôn biến đổi". Trong cuộc sống, cái tốt và cái xấu, cái được và cái mất tồn tại cạnh nhau, gắn chặt với nhau, vì vậy nếu chỉ nói cái tốt hoặc cái được là chỉ mới nói một phần sự thật. Chúng ta ngại nói đến cái bi vì lẫn lộn cái bi trong đời và trong nghệ thuật. Khi tự mình nhìn thấy đau thương chết chóc, người ta có thể yếu đuối và bi quan, nhưng khi tiếp xúc với cái bi trong nghệ thuật, con người trở nên từng trải hơn, hiểu sâu sắc hơn tính chất phong phú, phức tạp của cuộc sống, tập đối mặt với sức mạnh của cái ác. Lúc xem phim, đọc sách mà buồn và khóc là lúc người ta trong sáng, cao thượng. Cứ thế tác phẩm nghệ thuật chân chính mỗi lần làm rơi nước mắt con người lại làm họ trở nên trong sạch hơn, hoàn thiện hơn. Với cái xấu cũng vậy. Phải chăng trên đời cũng có nhiều điều ác thì lại càng có thêm nhiều cớ để viết văn? Lòng tự trọng chân chính, công lý và tình yêu cái đẹp bị xúc phạm nhiều khi thúc đẩy người ta cầm bút không kém gì cảm hứng lãng mạn về chính nghĩa và cái đẹp. Không nên xem hễ viết về cái xấu là "bôi xấu", "bôi đen". Hãy để cho nhà văn nói thật về cái xấu, cái ác trong xã hội và bằng cách đó hỗ trợ cho cuộc đấu tranh không ngang sức giữa thiện và ác, bởi vì trong đời cái đẹp thì mong manh, dễ vỡ, lòng tốt thì vụng dại, ngây thơ, còn cái ác, cái đểu cáng thì dạn dĩ, liều lĩnh, thông minh - phải nham hiểm và khôn ngoan thế nào mới có thể ác và xấu được. Đã thế sức tàn phá của cái xấu lại lớn hơn gấp trăm lần sức mạnh của cái đẹp. Tà áo trắng chỉ cần một vết mực nhỏ cũng mất giá trị, một gam chất độc cũng đủ giết chết bao nhiêu mạng người. Phá bao giờ cũng dễ hơn xây là vì vậy. Văn học cần miêu tả cái xấu để người ta nhận diện nó, lên án nó, chống lại nó. Tuy nhiên, cũng không nên nghĩ rằng nói nhiều về cái về cái xấu là nói sự thật. Trong nghệ thuật diễn tả cái tốt cho hay khó hơn mô tả cái xấu, vì bản thân cái xấu tự nó đã có cái gì ma quái, hấp dẫn. Thêm nữa khi mô tả cái xấu, người viết phải đứng cao hơn nó, cả về phương diện văn hóa và nhân bản. Văn học không phải là lĩnh vực của sự căm thù con người. Nhà văn phải cảm thấy khổ tâm cay đắng khi nói về sự lầm lạc và thói xấu của người đời chứ không được phỉ báng, trút giận, hoan hỉ khi mỉa mai người khác. Anh có quyền giận dữ nhưng không được hể hả. Trong khi các tác phẩm văn học châm biếm sâu sắc, xuyên qua nụ cười bao giờ cũng có những giọt mà đời không thấy, là vì vậy. Đành rằng văn học cũng giống như cuộc sống, không phải mọi thứ đều tốt đẹp và hoàn thiện. Đã hoàn thiện rồi lại không còn là văn học nữa. Người viết có thể mang vào tác phẩm những tâm trạng nông nổi, những ý nghĩ bồng bột của mình. Nhưng nếu nhà văn không tốt hơn mà cũng không xấu hơn người đời thì văn học lớn, văn học chân chính bao giờ cũng phải nhân đạo hơn, tốt hơn cuộc sống. Lợi dụng việc miêu tả cái xấu để đả kích cá nhân, "thanh toán" nhau, thông qua việc xây dựng hình tượng hoặc thậm chí đặt tên nhân vật để bôi nhọ người mình không ưa là hiện tượng không lành mạnh, cần báo động trong đời sống văn học hiện nay; nó không chỉ hạ thấp nhân cách người cầm bút mà còn hại đến uy tín của văn học, hạn chế ý nghĩa phê phán của tác phẩm. Nói thật và nói sự thật bao giờ cũng phải kèm theo một điều kiện: quyền được nói thật và nói sự thật. Nhiều năm qua văn học ta chưa hoàn toàn có quyền ấy. Hãy để cho nhà văn được nói sự thật về cuộc sống. Đó cũng là một cách cứu xã hội và cứu văn học. Khả năng tự phê phán, dám nghe sự thật về mình, chịu được những ý kiến khác mình là thử thách ghê gớm, nhưng đồng thời cũng là dấu hiệu của một xã hội văn minh, của đầu óc thực sự dân chủ và lành mạnh. Cấm đoán nhà văn nói sự thật, viết sự thật sẽ đẩy người cầm bút vào tình huống lựa chọn bi đát, vì chọn con đường nào cũng đều dẫn tới hủy hoại. Hoặc là anh chấp nhận hy sinh, xả thân vì chân lý, dám nói điều mà mọi người đều thấy, đều biết, nhưng không dám nói. Song nếu thế thì phải đánh đổi trang viết bằng chính cuộc đời mình. Cái giá phải trả cho chân lý quá đắt, thường chỉ có người chân tài và bản lĩnh lớn lắm mới làm được, mà dẫu có làm được thì đời lại cũng không còn gì! Bởi thế nhiều người buộc phải chọn con đường thứ hai là "bẻ cong ngòi bút", dối mình, dối mọi người, tức là phạm vào cái điều thiêng liêng nhất của sự sáng tạo, và điều cần gìn giữ trước tiên đối với người cầm bút như người con gái gìn giữ sự trong trắng của mình. Trong tình hình đó muốn cứu văn học phải cứu lấy nhà văn, cứu không chỉ phần xác mà cả phần hồn, nhân cách của người cầm bút. Thời gian gần đây không khí xã hội ta đã bắt đầu cởi mở hơn, dù mới chỉ là đôi chút. Quả bóng có vẻ như đang trả về sân giới sáng tác. Mọi người đang chờ xem nhà văn có dám nói thật không và có thể nói sự thật đến mức nào. Nhưng rõ ràng là cứ phải nói đi mới được. Cứ nói thì mới biết "được phép" nói đến chừng nào là vừa, còn cứ chờ xem thử "được nói" đến đâu mới viết thì không khéo cái quyền thiêng liêng kia lại sẽ thu hẹp chỉ vừa đúng với sự dè dặt của anh thôi. Như vậy xét theo một khía cạnh nào đó, vấn đề văn học phản ánh hiện thực cũng là vấn đề tính công khai của xã hội và sự thành thật của nhà văn. Thành thật và công khai là một trong những bí quyết và sức mạnh của sự sống, sự phát triển. Che đậy, khép kín, đóng cửa là dấu hiệu của sự yếu ớt, sẽ dẫn đến tự tiêu diệt. Khi đã già, L. Tolstoi vẫn chép vào vở câu nói của nhà văn Anh John Ruskin: "Hãy sống cho công khai cởi mở. Ở đâu còn bưng bít là ở đó còn tội ác và hiểm họa. Những gì tốt đẹp và an lành của đời sống con người đều trực tiếp phụ thuộc vào thái độ công khai cởi mở ấy". Văn học hôm nay sẽ còn lại với mai sau không chỉ là bức tranh hiện thực về số phận con người mà còn là ký ức về bộ mặt tinh thần của xã hội chúng ta, là nhân chứng về bản lĩnh và nhân cách của con người cầm bút. w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 20 (14-5-1988)
23-5-10 |