ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 45 (5-11-1988)

 

 

VỀ NHỮNG TRANG VIẾT HÔM NAY

LÊ VĂN THẢO

Như có một tấm màn được vén lên, phút chốc đời sống tinh thần của xã hội ta bỗng được mở, thoáng mát, bao nhiêu điều được nói ra, nhiều sự thật được phanh phui, nhiều điều cấm kỵ được cởi bỏ... Nguyên nhân do đâu? Có thể kể nhiều lắm, nhưng cái chính vẫn là sự đòi hỏi tất yếu của lịch sử. Xong một ngày làm việc ta còn kiểm điểm lại công việc làm của mình huống chi là cả một chặng đường lịch sử, những 10 năm, 20 năm với biết bao biến cố, biết bao cái hay cái dở, cái được và cái không được. Đã đến lúc phải đánh giá lại, rà soát lại, khẳng định và tự khẳng định công việc làm đã qua của mình.

Là người sáng tác, cũng như đồng nghiệp của mình, giờ đây hơn lúc nào hết, tôi thấy có dịp để nghĩ lại mình, nhớ lại những gì đã viết, đã mơ mộng, đã ước ao. Và cũng hơn lúc nào hết, giờ đây trước mỗi lần ngồi trước trang giấy là tôi thấy băn khoăn, day dứt, thấy khó khăn, khổ sở như mình chưa từng biết viết như thế nào. Vậy mà bao nhiêu trang giấy đã được viết ra rồi! Bỗng nhiên tôi thấy nên dừng lại một chút để có những suy nghĩ định hướng mới. Rõ ràng viết như cũ là không được rồi, nhưng viết mới là như thế nào đây?

Ngẫm nghề văn này kể cũng lạ: người ta viết bao nhiêu điều về nó, tốn bao nhiêu giấy trắng mực đen để phân tích, lý giải, tìm ra bao nhiêu là chức năng để rồi cuối cùng cuốn sách đến với người đọc chỉ đơn giản có hai loại: sách hay và sách không hay. Và con đường sách đi đến với người đọc hình như cũng theo một ngõ riêng: ban ngày ta đọc báo, nghe đài, ngồi ở quán cà phê bàn tán ồn ào bao nhiêu điều, nhưng đêm đến ngồi một mình với sách, ta lại có cách cảm nhận riêng của ta, dường như chỉ có ta với sách, ta hiểu, ta cảm thông nhưng không thể giãi bày, chia sẻ những điều ta đón nhận được từ trong sâu thẳm của cuốn sách.

Người ta nói nhiều đến một thời văn nghệ minh họa, văn nghệ tô hồng, văn nghệ một chiều v.v... Có hay không có chuyện đó? Khó có thể nói trong những năm qua tôi bị bắt phải viết như thế này thế nọ, rằng có ai đó đã uốn cong ngòi viết của tôi. Thật tình là do tôi sống, nghe thấy rồi từ sự chân thật của lòng mình mà viết ra sự chân thật dù có đơn giản, sơ lược đến đâu thiết nghĩ cũng đóng góp được chút nào đó vào kho tàng chữ nghĩa chung của đất nước. Không thể phủ nhận, cũng không thể xóa đi cả một nền văn học trong bối cảnh của hai cuộc kháng chiến cực kỳ đau thương, cực kỳ ác liệt, do cả một đội ngũ nhà văn có tâm huyết, từng trang viết đều đẫm mồ hôi, nước mắt và máu nữa. Giờ đây, những cuốn sách vẫn còn đó, vẫn là chứng tích cho một thời máu lửa. Nhưng chứng tích thôi chưa đủ. Cho nên cũng thật tình mà nói - có thể nói, đắng cay, xót xa mà nói - cái sự nghe thấy của tôi trong những năm qua vẫn còn thiếu một cái gì đó, có một lỗ hổng nào đó khiến cho cái sự nghe thấy của tôi bị méo mó đi hoặc đâm giản đơn, thẳng đuồn đuột. Ra khỏi ngõ gặp anh hùng, người ta nói với tôi như thế và tôi cứ yên tâm như thế mà viết, yên tâm phản ánh hiện thực bằng cách cứ kể hết chuyện này tới chuyện khác. Nhưng người đọc cần gì kiểu phản ánh hiện thực như thế, cần gì những chuyện kể không hay gì hơn chính đời sống của họ. Ôi người viết mà yên tâm, thật đáng buồn biết chừng nào! Vậy đâu là sự trăn trở, day dứt, giằng xé vốn là điều cần thiết, điều không thể thiếu được trong bất cứ đời người làm văn nào? Bây giờ nghĩ lại quả tình tôi không hiểu do đâu, tại sao, tự nhiên cứ thấy như thế thôi, con đường trước mắt từ lúc nào cứ thấy rộng mở, cứ thế thẳng tới mà đi, mọi lo toan, ngẫm ngợi đều có người khác bao cấp hết rồi. Tôi viết về chiến tranh mà không có chết chóc (hoặc nếu có thì tỷ số cũng không quá bán); viết về chia ly mà không có nước mắt, nhớ thương; viết về đấu tranh mà không có mất mát, chỉ có được là được thôi; các lý lịch nhân vật thì cứ theo sơ đồ vẽ sẵn của khuôn mẫu có áp bức có đấu tranh còn giá trị lao động theo tiêu chuẩn ngược lại là bút ký đáng giá hơn truyện ngắn, truyện ngắn đáng giá hơn tiểu thuyết. Rồi lại còn chuyện địch ta nữa. Tôi đánh thắng địch từ xa mà miêu tả thì gần, tôi miêu tả thằng địch tỉ mỉ, trang nào cũng có, bởi tôi cần mâu thuẫn cần đối kháng, thằng địch cứ thế đi đứng, ăn nói tự nhiên trong các trang sách của tôi, mặc tình làm hàng rào ngăn cách, rạch ròi một cách hiển nhiên trong lúc đó tôi lại quên mất thằng địch nhiều khi có ở trong tôi, trong mỗi con người chúng ta, những con người không thể bỗng chốc thay đổi theo với ngày hôm trước, ngày hôm sau của cách mạng mà từ từ, chậm chạp, có khi đi vòng vo, có lúc lại lộn ngược trở lại. Những con người tất yếu phải phức tạp, đa dạng, rối rắm như chính cuộc đời của họ vậy.

Tại sao có tình trạng đó? Là do chiến tranh ư? Quả thật chiến tranh có quy luật khắc nghiệt của nó, nhất là đối với cuộc chiến tranh quá dài, quá bi thảm, chính nó nhiều khi bắt ta phải nhìn về một hướng mà quên đi nhiều mặt khác của cuộc sống. Một cuốn sách được viết ra bao giờ cũng do từ hai nơi: một là người viết, hai là người đọc, cả hai đều đòi hỏi một sự nỗ lực như nhau về suy ngẫm, một khoảng cách thời gian để tìm đến nhau. Một cuốn sách hay phải là một người tri kỷ, theo chiều sâu thầm kín chứ không phải ồn ào bên ngoài, thậm chí do một sự áp đặt nào đó về cách đánh giá, về cách hiểu, cách đọc, dần dần chuyện không bình thường trở thành bình thường, người đọc sách thì ít mà người ồn ào quanh cuốn sách thì nhiều rồi người ta còn vượt qua cả cuốn sách để đấu lý với nhau, bình luận thời sự chính trị, quan điểm đạo đức thay cho chuyện văn học.

Vậy thì người đọc ở đâu? Có ai để ý đến người đọc không? Đâu là sự "Lấy dân làm gốc"?

Người đọc cần xúc cảm nghệ thuật chứ không phải cái gì khác. Từ lâu rồi, từ lúc ta còn học ở trường phổ thông, ta nghe giảng bài thơ Mẹ Suốt, truyện Sống như anh, ta chỉ được nghe nhiều về hành động anh hùng của bà mẹ Suốt, của anh Trỗi mà ít được nghe về vẻ đẹp của bài thơ, cuốn truyện đó. Xúc cảm nghệ thuật cứ dần dần bị lấn át, thay thế như thế, sự thụ cảm nghệ thuật của người đọc cũng dần dần đơn giản, dễ dãi đi, cứ thế người viết dẫn dắt người đọc, người đọc tác động lại người viết, cộng với chuyện thời sự chính trị, chuyện đời sống kinh tế khiến đời sống nghệ thuật bị chìm lỉm đi trong mớ rối rắm đời sống thực dụng.

Trước mắt chúng ta có thực hiển nhiên là có nhiều cuốn sách được viết vội vã, được in mau chóng, được người đọc đón nhận ồn ào rồi cũng quên đi rất mau. Rõ ràng đây là một tình trạng xấu cần phải lên án một cách kiên quyết. Nhưng một mặt ta cũng phải phân biệt giữa biện pháp hành chính của các cơ quan có chức năng xuất bản với công việc của giới văn học. Vả chăng như đã nói ở trên, nguyên nhân của tình trạng trên không phải có từ bây giờ mà có từ lâu rồi kia, do vậy việc phê phán là quan trọng, nhưng việc xây dựng một nền văn học hay, hấp dẫn, có sức cuốn hút để lôi kéo người đọc về phía mình lại càng quan trọng hơn...

Rõ ràng sự trăn trở, day dứt của nhà văn trong giai đoạn chuyển biến quan trọng này đã có kết quả, tuy mới chỉ là bước đầu và cũng mới chỉ manh nha trong từng tác giả, tác phẩm, nhưng cũng đã thấy cái "phép biện chứng" của tâm hồn vốn rất thiếu trong nền văn học của ta lâu nay.

Với những suy nghĩ như trên, tôi hy vọng nhiều ở những cuốn sách tương lai của chúng ta.

 

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 45 (5-11-1988)

Mục lục

7-3-10