Nguồn: Tạp chí Cộng Sản, Hà Nội, số 7 (7-1988)
QUAN HỆ GIỮA VĂN NGHỆ VÀ CHÍNH TRỊ LÊ XUÂN VŨ Có người nói: gần đây trong quá trình đổi mới văn nghệ xuất hiện một lý luận "mới" chứng minh rằng văn nghệ và chính trị là hai "bá quyền" luôn luôn mâu thuẫn và xung đột nhau. Lại có người nói: làm gì có, đấy chẳng qua chỉ là một cách dùng chữ. Vậy sự thật là thế nào? Hãy căn cứ vào những gì đã diễn ra trong đổi mới. Thoạt đầu là những lời phàn nàn, phê phán sự gò ép, trói buộc, can thiệp thô bạo, cấm đoán vô lý, mất dân chủ trong văn nghệ, cản trở tự do sáng tạo và do đó hạn chế tính phong phú, đa dạng của nền văn nghệ mới. Tuy có chỗ quá lời do bực tức ấm ức lâu ngày cần được thông cảm, sự phàn nàn, phê phán ấy nói chung là đúng. Đúng, vì nó cần thiết cho đổi mới (không thể đổi mới mà không phê phán triệt để cái cũ sai lầm hay lỗi thời; hơn nữa còn phải tổng kết một cách có hệ thống để rút ra bài học về dân chủ hóa sự lãnh đạo và quản lý văn nghệ). Đúng, vì nó đã dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá công bằng, khách quan nền văn nghệ mới: thành tựu to lớn song khuyết điểm sai lầm cũng không ít, nhất là xét từ yêu cầu của công cuộc đổi mới ngày nay. Nhưng liền sau đó có sự thiên lệch. Một số người chỉ còn thấy có khuyết điểm và sai lầm, trói buộc và cấm đoán, đánh giá nền văn nghệ cách mạng hầu như chẳng có gì đáng kể. Nào là, mấy chục năm qua còn lại vài truyện ngắn. Nào là hãy nói to lên, nói công khai một sự thật là văn học cách mạng ta mấy chục năm qua còn nghèo nàn. Nào là, đó là nền văn học tuyên truyền, văn chương tuyên huấn. Nào là, đó là giai đoạn văn học minh họa cần phải đọc lời ai điếu cho nó. Đó không phải là văn nghệ đích thực. Đó là văn nghệ quan phương, văn chương cung đình, văn nghệ "tao đàn" ăn lương nhà nước và sáng tác theo "cảm hứng nhà nước", vân vân và vân vân. Công chúng giật mình trước những lời đánh giá ngày càng thiên về hướng phủ nhận toàn bộ đó, nhất là khi biết rằng trong số những người quá trớn có những cây bút vừa mới đây thôi, vào dịp kỷ niệm 35 năm rồi 40 năm văn học cách mạng, đã ca ngợi rất hay không chỉ mặt tư tưởng chính trị mà cả mặt "đặc sắc nghệ thuật", những tác phẩm "thực thụ nghệ thuật" không gì thay thế được, "cá tính, phong cách nghệ thuật khác nhau", "nghệ thuật mới" của nền văn học cách mạng. Dễ dàng nhận thấy rằng sự phủ nhận một chiều như vậy là nhất quán với nguyên nhân mà một số người đã nêu là do lâu nay "xu hướng đồng nhất văn nghệ với chính trị là xu hướng chủ đạo, bao trùm. Chính trị cần tuyên truyền thì đẻ ra văn nghệ minh họa. Văn nghệ do làm cái việc tình cảm hóa những nội dung chính trị nên không có văn nghệ lớn"[1]; là do "đã quá gắn với một xã hội lấy chính trị làm thống soái"[2]. Văn nghệ cứ bị chính trị chi phối không "bung ra" được, là do "sự lãnh đạo đối với văn nghệ", do "quan hệ giữa chính trị và văn nghệ"[3]. Cũng theo cái lối coi những khuyết tật, ung nhọt trên cơ thể con người là toàn bộ con người, có những tiếng kêu la rằng trong văn nghệ ta chỉ thấy toàn là canh gác, trói buộc, cấm đoán, lâu ngày lại nổ ra một vụ án văn chương... Rồi từ cái ngày hôm qua chưa hay bằng cái ngày hôm nay, từ cái sợ đến cái hèn của người cầm bút, tất cả đều được quy kết là do chính trị, do những người cầm quyền tạo ra cả! Thậm chí có người còn nói bừa rằng "lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ"[4], "coi văn nghệ sĩ như con nít"[5], rằng "chưa bao giờ văn nghệ sĩ bị khinh rẻ như bây giờ". Nguyên nhân đã là do chính trị lãnh đạo thì, theo logic, phải "đặt lại vấn đề" quan hệ giữa văn nghệ và chính trị theo một hướng khác. Thế là bắt đầu hình thành lý luận hai "bá quyền". Nào là "văn nghệ có tính độc lập với chính trị"[6]. Nào là văn nghệ và chính trị chi phối lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau[7]. Nào là "chính trị là vị lợi trước mắt, văn nghệ thì lại vô tư", "chính trị là pháp quyền, là cả một cơ chế quan phương, chính thống, trong khi đó nghệ thuật lại là ý thức phi quan phương, là sự tự ý thức của nhân dân", "sự đụng độ giữa ý thức nghệ thuật và ý thức chính trị quan phương vẫn tồn tại ngay trong văn nghệ dưới thời Đảng Cộng sản cầm quyền..."[8] v.v... Người góp gió, kẻ góp củi và lý luận hai "bá quyền" văn nghệ và chính trị luôn luôn mâu thuẫn, xung đột nhau được Lã Nguyên trên Văn nghệ, số 10-1988 và nhất là Lại Nguyên Ân trên Văn nghệ, số 9 (27-2-1988) và trên tạp chí Sông Hương, số 31 (tháng 5 và 6-1988) trình bày khá rõ: "Về thực chất, quan hệ giữa chính trị và văn nghệ là quan hệ giữa những người cầm quyền, đứng đầu quốc gia, lãnh đạo đất nước và những người sáng tạo văn nghệ, những trí thức sáng tác nghệ thuật. Đó cũng là quan hệ giữa hai loại "bá quyền" trong xã hội". "Bá quyền" chính trị thì hoặc là bác bỏ, đàn áp như nhà Tần, như Hitler, hoặc là ưu ái, bảo trợ mà mức cao nhất là đẻ ra văn nghệ quan phương, kiểu "tao đàn" của Lê Thánh Tông. Văn nghệ quan phương đó, theo Lại Nguyên Ân, là đồng nghĩa với văn nghệ chính thống của một xã hội, là thứ văn nghệ "bao giờ cũng phục tùng, phục vụ những nền tảng, những yêu cầu của việc xây dựng và củng cố chế độ ấy"; nhưng văn nghệ quan phương lại không phải là nghệ thuật chân chính. Nó "khó mà có giá trị cao, vì nó gắn với "cảm hứng nhà nước", "diễn đạt tư tưởng của nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước. Trong khi đó, nghệ thuật chân chính phải phát ngôn ý thức nhân dân, ý thức thời đại. Những nghệ sĩ trung bình có thể sống yên ổn trong ý thức quan phương, còn những nghệ sĩ lớn bao giờ cũng phải "bung ra" khỏi ý thức ấy". Xưa đã vậy, nay cũng chẳng khác bao nhiêu, nhất là khi ở Việt Nam ta "đã biến văn nghệ sĩ thành cán bộ nhà nước, thành viên chức ăn lương để làm văn nghệ − một tình trạng na ná "tao đàn" của văn nghệ quan phương"[9]. Thực tế là "chính các đảng cầm quyền cũng phạm không ít sai lầm trong đường lối", "đã có không ít bất đồng nảy sinh trong quan hệ giữa đảng cầm quyền với văn nghệ sĩ, trí thức ở Hungari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Xô nữa"... Lý luận hai "bá quyền" văn nghệ và chính trị thực chất là mâu thuẫn, xung đột giữa nhà cầm quyền với văn nghệ sĩ này còn được tuần báo Văn nghệ quan tâm liền trong hai số kép 29-30 và 30-31 bằng cách lưu ý bạn đọc về cách đọc và hiểu truyện ngắn Vàng lửa song song với việc cho đăng truyện ngắn Phẩm tiết, "Trong nhiều ý nghĩa dồn nén vào một truyện ngắn hàm súc có thể tìm thấy phép so sánh nhà chính trị và nghệ sĩ về tầm nhìn, tầm suy nghĩ, về lòng tốt, tư duy chính trị và tư duy nghệ thuật, về vai trò tác động của từng kiểu nhân vật đó trong đời sống xã hội, lịch sử, và từ đó là mối quan hệ giữa nhà chính trị và nghệ sĩ. "Ông không coi Nguyễn Du ra gì, hoặc có thể ông coi Nguyễn Du là một con ngựa giống tốt trong cả đàn ngựa, lợn, bò, gà mà ông chăn dắt" − thông qua cách nhìn nhận của Gia Long về Nguyễn Du, ta thấy phần nào địa vị người nghệ sĩ dưới con mắt nhà chính trị trong quá khứ. Cái quan hệ người chăn dắt và đàn gia súc đó trong truyện ngắn Vàng lửa tuy có được láy lại trong truyện ngắn Phẩm tiết, "vua gà, vua vịt", nhưng ở Phẩm tiết mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nhà chính trị, giữa cái đẹp và quyền lực đã đảo ngược: nhà chính trị tiến bộ hay phản động, Quang Trung hay Gia Long cũng đều cạn hẹp, tầm thường, đê tiện, đều thèm muốn bần thần trước cái đẹp nhưng không sao chinh phục nổi cái đẹp, mà trái lại đều bị cái đẹp làm cho xây xẩm mặt mày, chết không nhắm mắt, thậm chí thứ nước thải của nó cũng khiến cho bậc đế vương phải thở dài, ngã quay ra đất, ngất lịm đi... Không chỉ bôi nhọ anh hùng dân tộc Quang Trung, truyện ngắn Phẩm tiết còn có một tầng "ý nghĩa dồn nén" lại như vậy đó? *** Rõ ràng là đã có một lý luận "hai bá quyền" văn nghệ và chính trị, nhưng tôi nghĩ rằng những đồng chí dựng lên lý luận ấy có lẽ cũng xuất phát từ thiện ý và nhiệt tâm muốn "dân chủ hóa" nền văn nghệ ta. Ở đây, không nên có sự suy diễn chủ quan và cũng đừng ai lái vấn đề sang một phía khác, như kiểu mấy người Mỹ hỏi nhà văn Lê Lựu: "Bây giờ nói sự thật công khai, thì ra văn nghệ các anh trước đây nói dối? Nay nói phải cởi trói, vậy ai đã trói các anh?". Không, chúng ta coi việc công khai bày tỏ ý kiến của mình và thảo luận dân chủ là một thành tựu của đổi mới. Chúng ta tin rằng những đồng chí dựng lên lý luận "hai bá quyền" chỉ muốn nhanh chóng đổi mới, đã thẳng thắn nói lên ý kiến của mình − và chúng ta tôn trọng quyền dân chủ đó của các đồng chí ấy − nên về mặt tri thức khoa học còn chưa kịp chú ý đến những thiếu hụt, sai sót và về mặt phương pháp đã chủ trương "hò hét, niệm chú để lấy đà", sau đó cứ lệch dần, cộng thêm một chút bực bội cá nhân, đi đến cực đoan trong đánh giá cũng như trong truy cứu nguyên nhân. Chẳng hạn, chẳng phải là trong văn nghệ ta không có minh họa dẫu rằng minh họa cũng có ba bảy đường, không phải là không có sự đồng nhất văn nghệ và chính trị ở mức độ nào đó v.v... nhưng lại bơm to lên thành nền văn nghệ quan phương, "tao đàn", coi sự đồng nhất văn nghệ và chính trị là xu hướng bao trùm, văn học ta chỉ là văn học tuyên truyền, thấp, không phải là văn học nghệ thuật v.v... để đặt thành vấn đề "mâu thuẫn nội tại" và "xung đột nội tại" của quan hệ văn nghệ và chính trị, "bá quyền" văn nghệ và "bá quyền" chính trị... Nhưng dù sao thì lý luận "hai bá quyền" cũng đã xuất hiện, và chúng ta không thể chấp nhận nó được. Phê phán và khắc phục sự đồng nhất văn nghệ với chính trị là đúng, nhưng trong xã hội có giai cấp không thể tách văn nghệ ra khỏi chính trị, coi văn nghệ là vô tư, độc lập với chính trị, đứng trên hay đứng ngoài chính trị. Chính trị là quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, các quốc gia. Nói đến chính trị là nói đến các tư tưởng chính trị, đến chế độ nhà nước, đến hoạt động của các giai cấp, đảng phái, các tập đoàn xã hội v.v... Chính trị phản ánh trực tiếp và gắn chặt với cơ sở kinh tế, với lợi ích căn bản của các giai cấp, nên nó có sức mạnh chi phối mọi mặt đời sống tinh thần của xã hội. Văn nghệ cũng như tất cả mọi hình thái ý thức xã hội khác hợp thành đời sống tinh thần của xã hội đều phát triển dưới tác động lãnh đạo và hướng dẫn của chính trị. Đương nhiên văn nghệ cũng "tác động trở lại kinh tế và chính trị, nhiều khi với một sức mạnh phi thường"[10] nhưng nó không thể đứng ngoài mà phải ở "trong kinh tế và chính trị"[11], bao giờ cũng biểu hiện một ý thức chính trị nhất định. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp thống trị tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước để thực hiện những tư tưởng chính trị của nó, cũng tức là quản lý đất nước theo đường lối, chính sách, cương lĩnh chính trị của nó. Văn nghệ thống trị trong xã hội do đó cũng là văn nghệ của giai cấp thống trị, "ở trong chính trị" của giai cấp thống trị. Nó là văn nghệ chính thống của xã hội, thì dĩ nhiên là nó thống nhất với chính trị của giai cấp thống trị rồi. Dù có tách ra làm văn nghệ chính thống tức văn nghệ quan phương và văn nghệ hợp pháp thì ngay cả văn nghệ hợp pháp cũng vẫn là "ở trong chính trị" của giai cấp thống trị, khách quan vẫn là phù hợp với chính trị của giai cấp thống trị. Cho nên, văn nghệ chính thống của một xã hội dù mang nhiều màu sắc và ở những mức độ khác nhau bao giờ cũng phục tùng, phục vụ việc xây dựng, bảo vệ và củng cố xã hội ấy. Chỉ có văn nghệ không chính thống tức văn nghệ của những giai cấp bị trị, của những ai không tán thành và chống lại chế độ xã hội đó − kể cả của những người từ giai cấp thống trị, từ nền văn nghệ chính thống phân hóa ra vào lúc chế độ xã hội đó thoái hóa, suy tàn − mới mâu thuẫn và xung đột giữa hai "bá quyền" văn nghệ và chính trị mà là giữa những thứ chính trị phản ánh những lợi ích khác nhau. Chính Lại Nguyên Ân cũng đã nói rõ trên Sông Hương, số 31: "Trong lịch sử nếu đã có trường hợp những nghệ sĩ tuyên bố từ chối chính trị thì thực chất đó không phải là sự quay lưng lại chính trị nói chung, mà là sự từ chối chính trị của những người cầm quyền cụ thể". Rõ ràng là không thể có sự đối nghịch giữa một bên là "bá quyền" văn nghệ nói chung và bên kia là "bá quyền" chính trị nói chung. Chỉ có sự đối nghịch giữa một thứ văn nghệ cụ thể biểu hiện một chính trị cụ thể với một chính trị cụ thể khác. Không phải mỗi nhà chính trị đều có ý thức nghệ thuật, nhưng mỗi nhà nghệ thuật dù tự giác hay không đều bị một ý thức chính trị nhất định chi phối. Dựng lên sự đối nghịch giữa văn nghệ và chính trị, lý luận "hai bá quyền" đã giải thích rằng chính trị là "một cơ chế quan phương, chính thống" còn "nghệ thuật lại là ý thức phi quan phương", "là sự tự ý thức của nhân dân". Điều đó phải chăng cũng có nghĩa là: 1. Cái gì gắn với chính trị, thì không phải là nghệ thuật; hoặc 2. văn nghệ chính thống phục vụ việc xây dựng và củng cố chế độ xã hội đương thời là văn nghệ quan phương, không phải là nghệ thuật chân chính, nó "khó mà có được giá trị cao"? Nếu thế thì lịch sử văn nghệ hay nói hẹp hơn, lịch sử văn học nước nhà và đông, tây, kim, cổ sẽ còn lại những gì? Phải vứt bỏ tất cả Cáo, Hịch, Văn thơ Lý Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Bà huyện Thanh Quan v.v...? Văn nghệ chính thống của một triều đại phong kiến đang lên, văn nghệ tư sản thế kỷ 18, 19 v.v... đều không phải là nghệ thuật chân chính? Hễ ca tụng thì đều là "tao đàn", là "nghệ sĩ trung bình" bị trói buộc trong ý thức quan phương, không "phát ngôn được ý thức nhân dân, ý thức thời đại", "diễn đạt nhu cầu phát triển con người và xã hội cao nhất của thời đại và dân tộc", nó khẳng định rằng "quan hệ chứa đựng khả năng nảy sinh mâu thuẫn và xung đột giữa người cầm quyền và giới trí thức sáng tạo nghệ thuật, khoa học, nguy cơ hình thành một loại văn nghệ quan phương không phải đã hoàn toàn mất ý nghĩa ở những nơi mà Đảng Cộng sản cầm quyền, bắt tay vào cải tạo xã hội và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa" (Sông Hương, số 31, tr.54). Đồng thời nó lại nhận định rằng nền văn nghệ cách mạng nước ta cũng ở vào "một tình trạng na ná "tao đàn" của văn nghệ quan phương", "lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ", "coi văn nghệ sĩ như con nít". Đúng là chúng ta đang đấu tranh xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp trong nhà nước ta. Cũng đúng là văn nghệ ta còn có bệnh ấu trĩ, công thức, sơ lược, minh họa, v.v... cần khắc phục. Nhưng chẳng lẽ nhà nước ta và nhân dân ta, văn nghệ ta và nhân dân ta ngày nay vẫn ở thế "lưỡng lập" theo kiểu hai "bá quyền" văn nghệ và chính trị luôn luôn mâu thuẫn và xung đột nhau? Chẳng lẽ nhà nước ta không phải là nhà nước nhân dân, văn nghệ ta chỉ là "tao đàn" của văn nghệ quan phương "không phát ngôn cho ý thức nhân dân, cho sự tự ý thức của lịch sử"? Chẳng lẽ mấy chục năm qua, nhân dân ta, văn nghệ sĩ ta tốn bao xương máu, cống hiến bao trí tuệ và tài năng, tâm huyết vô ích ư? Chẳng lẽ trong thời đại mới, vẫn đối lập nhà nước với nhân dân, đối lập nền văn nghệ cách mạng đã có với một nền "văn nghệ chân chính" nào đó, hoặc phủ nhận nền văn nghệ cách mạng hiện có để đi tìm một nền "văn nghệ chân chính" nào đó? Lý luận hai "bá quyền" văn nghệ và chính trị đặt câu hỏi: "Nếu như một nghệ sĩ (lớn hoặc chưa được coi là lớn) không đồng ý với đảng cầm quyền thì sẽ phải xử sự ra sao để đảm bảo tự do sáng tác, tự do công bố tác phẩm? Làm sao để hầu như không còn bao giờ trót trù dập một ai đó để rồi về sau lại phải khôi phục?". Lần đầu, lý luận ấy tự giải đáp mà vẫn như không: "Câu trả lời tất nhiên nằm ở chỗ "dân chủ hóa" nhưng..."[12]. Lần sau, trên Sông Hương, số 31, lý luận ấy đã đưa ra mấy giải pháp cụ thể như quyền tự quản của các hội văn học nghệ thuật, chính sách đối với văn nghệ sĩ có tài. Đó là những kiến giải theo hướng đúng đắn, đáng hoan nghênh. Nhưng, như thế là "dân chủ hóa" ở trong chính trị của ta, ở trong nền văn nghệ chính thống của ta hôm nay. Nếu vẫn coi là có hai "bá quyền" trong xã hội, mà văn nghệ thì đòi độc lập với chính trị, bung ra khỏi ý thức quan phương của nhà nước ta, khỏi nền văn nghệ cách mạng ta bị coi là quan phương na ná "tao đàn"... thì quả là không biết "dân chủ hóa" như thế nào! Phải chăng vì vậy mà có người đã mách nước một cách lấp lửng rằng: "nói đến sự lãnh đạo trong giới nhà văn... không phải là nói đến việc lãnh đạo tư tưởng sáng tác... Sáng tác là công việc của từng người, nó rất tự do, nên lãnh đạo dù cao nhất của Hội cũng không thể "quản lý"...". Không thể ra lệnh, gò ép văn nghệ sĩ viết cái này hay cái khác, thế này hay thế khác, nhưng chẳng lẽ dân chủ là không cần lãnh đạo gì cả sao? *** Lý luận hai "bá quyền" văn nghệ và chính trị luôn luôn mâu thuẫn và xung đột nhau thật ra không đáng là một lý luận, bởi tự nó đã mâu thuẫn với nó. Nhưng để nó khỏi làm rối công cuộc đổi mới văn nghệ trong sự nghiệp đổi mới đất nước ta, cũng cần nhắc lại điều không mới này: không hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn nghệ, nhưng văn nghệ không phải là một "bá quyền", trí thức văn nghệ sĩ không phải là một lực lượng xã hội độc lập với chính trị. Chỉ có những chính trị khác nhau tranh giành quyền lực mượn sức mạnh của văn nghệ, văn nghệ không nên tự huyễn hoặc mình là độc lập với chính trị, là có mục đích chính trị tự thân. Đúng là chúng ta chưa thấy hết và chưa quan tâm đầy đủ đến tác động trở lại của văn nghệ đối với chính trị. Trong quá trình phát triển của văn nghệ "ở trong chính trị" của ta cũng đã và vẫn có thể sẽ còn có những chỗ trục trặc, bất đồng, không thông suốt với nhau, nhưng nguyên nhân không phải là "bá quyền" chính trị, là văn nghệ cao rộng, chính trị cạn hẹp. Nguyên nhân thường thấy ở ta là do khác nhau về trình độ hiểu biết tình hình chính trị - xã hội, về các công việc quản lý đất nước, do một số nhà chính trị không thấy rõ văn nghệ có đối tượng và hình thức phản ánh đặc trưng của nó, do cơ chế điều hành quan liêu mệnh lệnh, theo xu hướng "nhà nước hóa" v.v... Trong khi chính trị phản ánh quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, các nhà nước bằng các tư tưởng chính trị thì văn nghệ phản ánh toàn bộ cuộc sống và con người trong cuộc sống đó bằng các hình tượng nghệ thuật, nó có chức năng xã hội và quy luật phát triển đặc thù của nó. Chính là ở điểm này dễ phát sinh nhiều bất đồng và mâu thuẫn nhất. Muốn không có bất đồng và mâu thuẫn giữa văn nghệ sĩ và cán bộ lãnh đạo văn nghệ thì một mặt phải nâng cao trình độ hiểu biết của văn nghệ sĩ về các công việc quản lý đất nước; mặt khác phải dân chủ hóa, đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước đối với văn nghệ, chứ không phải là "bung ra" khỏi hay tầm thường hóa sự lãnh đạo và quản lý đó. Cho nên, vấn đề đặt ra cho chúng ta hiện nay là hãy xếp ra một bên cái lý luận "hai bá quyền", để trên cơ sở đánh giá đúng đắn nền văn nghệ cách mạng, tìm cho đúng những nguyên nhân yếu kém, sai lầm của nó, nhận thức lại cho đúng vai trò và chức năng xã hội của văn nghệ trong thời đại hiện nay, cùng nhau thiết thực đẩy mạnh dân chủ hóa văn nghệ, đặc biệt là dân chủ hóa lãnh đạo và quản lý văn nghệ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI và Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ. Đó mới là nội dung quan trọng nhất của đổi mới văn nghệ, cần đến sự đóng góp sáng tạo của mỗi người chúng ta, không trừ một ai. w Nguồn: Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, số 7 (7-1988)
[1] Nguyễn Đăng Mạnh. Phê bình văn học trong tình hình mới. Văn nghệ, số ra ngày 29-8-1988 & Văn nghệ, số 9-1988: thảo luận "bàn tròn". [2] Ngô Thảo. Văn nghệ, số 10-1988: thảo luận bàn tròn. [3] Lê Ngọc Trà. Văn nghệ, số 20-1988. [4] Nguyễn Đăng Mạnh. Văn nghệ, số 42-1987 và Văn nghệ, số 47 & 48-1987. [5] Nguyễn Đăng Mạnh. Văn nghệ, số 42-1987 và Văn nghệ, số 47 & 48-1987. [6] Hồ Ngọc. Văn nghệ, số 47 & 48-1987. [7] Nguyễn Văn Hạnh. Văn nghệ, số 19-1988. [8] Lã Nguyên. Văn nghệ, số 10-1988: thảo luận "bàn tròn"... [9] Văn nghệ, số 9-1988. [10] Trường Chinh. Về văn hóa và nghệ thuật. Nxb Văn học, Hà Nội, 1985, tập 1, tr.59. [11] Hồ Chí Minh. Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr.20. [12] Lại Nguyên Ân. Văn nghệ, số 9-1988.
|