ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Phụ nữ, Tp.HCM (28-6-1995)

 

 

VẤN ĐỀ CỦA HỘI NHẬP: TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH

LÝ TÙNG HIẾU

Thế kỷ XXI đã đến gần, và cùng với nó là một kỷ nguyên mới của văn minh nhân loại: kỷ nguyên của nền kinh tế dịch vụ, kỷ nguyên thông tin và xã hội tri thức. Tất cả đã và đang đưa tới một sự biến đổi căn bản đối với phương thức làm việc của chúng ta. Tỷ lệ những người kiếm sống bằng công việc chế tạo đang tụt giảm một cách bi thảm trong thế giới công nghiệp hóa. Ngày nay, những công việc chính ở Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản là các ngành dịch vụ mà con số không ngừng gia tăng...

Thông tin và tri thức

Nếu 20 năm trước, chẳng ai dự đoán nổi một phát minh như vi mạch (microchip) đã có thể làm nên một bước nhảy dài cho công nghệ sản xuất máy vi tính, thông tin kỹ thuật số và người máy công xưởng, thì bước vào thế kỷ sau, sự bùng nổ trong công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, hay thậm chí trong những công nghệ chưa thể hình dung được, cũng có thể làm nảy sinh một làn sóng những canh tân tương tự.

Trong quá trình đó, có một điều chắc chắn là: thông tin và tri thức sẽ trở thành cái gì cực kỳ cốt tử. Khả năng đọc viết trên máy vi tính sẽ là một đòi hỏi cơ bản ngang với khả năng đọc viết bình thường. Khả năng giải quyết các vấn đề bằng cách vận dụng thông tin thay cho thực hiện các đáp án thường lệ, sẽ được đánh giá cao hơn tất cả. "Nếu bạn ném tầm nhìn về phía trước 10 năm", ông Peter Bonfield, Chủ tịch ICL - cơ sở sản xuất máy tính lớn nhất nước Anh - nói, "thì sẽ thấy rằng các dịch vụ thông tin sẽ lan tỏa khắp. Chúng sẽ là phương thức mà bạn tiến hành công việc".

Mặt khác, nền sản xuất tự động hóa cao cũng sẽ làm chuyển hóa tương quan giữa công nhân và người quản lý trong cách phân chia truyền thống. Trong cuốn Xã hội hậu tư bản, nhà nghiên cứu bậc thầy về quản lý là Peter Drucker đã chứng minh rằng, mọi người rồi sẽ chẳng còn được phân hạng thành "cổ cồn trắng" và "cổ cồn xanh" (quản lý và công nhân), mà là những nhân viên tri thứcnhân viên dịch vụ. Thấu suốt sự khác biệt đó giữa hai thời đại chính là chìa khóa để đạt tới thành công kinh tế.

Quản lý và điều hành. Năng động và năng suất

Trong tương lai, số phận của các công xưởng kiểu cổ điển chắc chắn sẽ ít sáng sủa. Từ năm 1982 đến 1990, khoảng 800.000 chỗ làm của ngành chế tạo đã được tạo thêm ở Hoa Kỳ - hầu hết trong số đó đều dành cho các nhà quản lý và điều hành. Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi kinh tế gần đây (tháng 2/1992 - 4/1993) sau đợt suy thoái bắt đầu từ tháng 6-1990, có đến hai triệu chỗ làm mới đã được tạo ra trong các ngành dịch vụ ở nước Mỹ, so với con số tương ứng của các ngành sản xuất hàng hóa là... 11.000 - một mức chênh lệch kỷ lục đặc trưng cho giai đoạn chuyển từ nền kinh tế chế tạo sang kinh tế dịch vụ tự động hóa. Đi đôi với xu hướng tụt giảm số lượng chỗ làm dành cho những công nhân sản xuất trực tiếp là "sự gia tăng nhu cầu đối với những người có kỹ năng" - như nhận định của Robert Lawrence, giáo sư của trường Nhà nước Kennedy thuộc Học viện Harvard. Lý do theo ông, là sự thoát ly khỏi lối sản xuất tiêu chuẩn hóa và gia tăng sự chế tạo linh hoạt, theo ý khách hàng.

Năm ngoái, Phòng Thống kê lao động Mỹ đã công bố một danh mục những nghề nghiệp sẽ mở rộng thêm hoặc thu hẹp lại một cách nhanh chóng nhất. Trong đó, ưu thắng thuộc về các phân tích viên hệ thống, các khoa học gia máy tính, các trợ tá y khoa, lập trình viên máy tính, và phân tích viên quản trị. Còn những nghề bị thu hẹp là: thợ lắp ráp hàng điện tử, thợ đứng máy dệt, thợ đứng máy công cụ, và thợ điều phối điện. Trong mỗi trường hợp, tác nhân được xác định chính là năng suất. Những công việc có năng suất cao, đặc biệt trong các dịch vụ và sản phẩm thương mại, sẽ đem lại đồng lương cao một cách chắc chắn. Những công việc năng suất thấp sẽ không có sự gia tăng lương bổng và có xu hướng tự động biến đi hoặc được chuyển đến những quốc gia có mức tiền lương thấp hơn.

Giáo dục là nền móng

Như chúng ta đều biết, trong nền kinh tế - kỹ thuật hiện đại, năng suất phụ thuộc trước hết vào tri thức của người lao động. Do vậy - như ý kiến của Tom Alexander, Giám đốc về giáo dục, nhân công, lao động và quan hệ xã hội của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD): "Nếu hệ thống giáo dục tụt hậu, sẽ không thể tạo ra sự chuyển biến hướng tới những công việc lấy tri thức làm cơ sở, bởi vì nhân dân sẽ không có đủ kỹ năng". Ở Việt Nam, ví dụ điển hình là trường hợp các khu chế xuất (Tân Thuận, Linh Trung ở thành phố Hồ Chí Minh...) đang khan hiếm gay gắt nhân công kỹ thuật cao do hệ thống giáo dục địa phương không được đầu tư phát triển.

Trong khi đó, chính một số quốc gia giàu có cũng đang dần dần nhận thức rằng, khuyết điểm lớn nhất của họ là đã xao nhãng những lời dự báo và bỏ mặc nền kinh tế không được chuẩn bị cho tương lai. Lord Eatwell - đang giảng dạy kinh tế học tại Học viện Cambridge - nói: "Sự tinh xảo được quy định bởi cạnh tranh quốc tế. Thách thức đối với phương Tây hiện nay là phải phục hồi các lĩnh vực đầu tư và đào tạo. Nếu năng lực của giới trí thức không được tận dụng thì các khoản đầu tư sẽ không đến". Đó là một thực tế đặc biệt của ngày nay, khi mà những quốc gia như Hàn Quốc và Singapo đang đào tạo nhân viên của họ theo những tiêu chuẩn tối ưu. Giáo dục là một nhân tố có sức cạnh tranh đối với một quốc gia có mức lương thấp, nhưng chỉ trong trường hợp nó đem lại một sự tiến bộ về kỹ năng trên diện rộng. Vì vậy, hơn lúc nào hết, nhà cầm quyền ở những quốc gia nghèo cần phải nhận thức cho được tầm quan trọng có tính quyết định của giáo dục - và cùng với nó là tri thức, thông tin - những vật liệu nền móng của nền kinh tế mới - để tập trung đầu tư phát triển, đưa đất nước thoát khỏi lạc hâu, đói nghèo.

(Soạn theo tư liệu báo Newsweek Washington Post)

 

w Nguồn: Phụ nữ, Tp.HCM (28-6-1995)

16-1-11