ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 53 (31-12-1988)

 

VỀ MỘT VÀI VẤN ĐỀ VĂN HỌC
ĐANG ĐƯỢC THẢO LUẬN

MAI QUỐC LIÊN

 

Thế giới ngày nay đang đổi thay sâu sắc, ngày nay có rất nhiều vấn đề lý luận, trong đó có lý luận văn học phải được nghiên cứu lại. Đó là một việc làm quá sức chúng ta. Con đường đổi mới là con đường mới, con đường đang khám phá; con đường sống còn của chủ nghĩa xã hội cũng là "con đường qua thống khổ" của việc nhận thức chân lý. Tôi không tự lượng sức mình, cũng muốn được góp lời bàn bạc đôi điều về một vài vấn đề lý luận đang được đặt ra.

Sự thật và nỗi đau - sự thật và chủ nghĩa nhân đạo

Sau một hồi lâu bàn thảo, rút cục để trả lời câu hỏi Văn chương là gì? ta có thể trả lời: Văn chương là văn chương, nó là chính nó. Nó không có mục đích và tham vọng nào khác ngoài mục đích và tham vọng của văn chương. Như vậy, phải tìm cách trả văn chương về vị trí đích thực của nó. Vị trí đích thực của văn chương, bản chất của văn chương, có lẽ đã được Nguyễn Du phát biểu qua câu thơ này chăng:

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Ở đây những điều trông thấy sự thật cuộc đời còn đau đớn lòng chủ nghĩa nhân đạo. Sự thật và chủ nghĩa nhân đạo là hai hằng số của văn chương, đó cũng là "quy luật muôn đời" của văn nghệ.

Tự nghìn xưa, các nhà văn đều lấy sự thật làm mục tiêu sáng tác cái nhu cầu đến với sự thật với chân lý, công lý là một trong những nhu cầu cao nhất của con người: "triệu văn đạo, tịch tử khả hỷ" (đạo lý sớm nghe, chiều chết hả) (Khổng Tử). Dostoevski có nói sự thật còn "cao hơn tất cả chúng ta, cao hơn cả nước Nga nữa". Nhu cầu sự thật, nhu cầu chân lý là một nhu cầu đặc thù cho chủng loại người. Con người nhìn sự vật như nó tồn tại, còn con vật chỉ có khả năng nhìn sự vật theo bản năng, theo "cái bụng" của mình. Do đó, sự dối trá, xuyên tạc chân lý là một sự tha hóa có tính chất chủng loại, là sự tiêu hủy một đặc trưng cốt yếu của bản chất người.

Văn học gắn với sự thật cuộc đời. Đối với quá khứ, giai đoạn "tiền sử của nhân loại, sự thật ấy chứa nhiều đắng cay, nhiều nước mắt. Nhà văn do đó là người vì sự thật mà "bất bình kêu lên". Sử ký của Tư Mã Thiên do đó là "thiên Ly Tao không vần" của nhà chép sử, người chép sự thật của nhân dân và của các vương triều; tác phẩm của Nguyễn Du là "Nỗi đau nghìn năm" của chúng sinh, Tội ác và hình phạt, Anh em nhà Caramazov của Dostoevski là sự sám hối của lương tâm trước điều Ác và sự vươn lên điều Thiện; còn truyên ngắn của Chékhov là buổi chiều đông mù xám và thê lương của nước Nga đang tuôn rơi "những giọt nước mắt đời không thấy"... Tác phẩm lớn nào của quá khứ cũng là sự thật cuộc đời cùng với sự ký thác tâm sự và nỗi đau...

Số phận con người trong chủ nghĩa xã hội, trong chiến tranh giải phóng, không hề đơn giản. Những ai đó ngày hôm qua nói đến việc xóa bỏ phạm trù bi kịch trong những phạm trù thẩm mỹ mới, những con người ấy vừa thơ ngây vừa không hiểu bản chất của thể loại bi kịch là sự lạc quan trong sáng; bi kịch không hề đồng nghĩa với bi lụy.

Lịch sử thời chúng ta sống hùng vĩ hơn và phức tạp hơn so với bất cứ thời nào. Con người thời chúng ta do đó cũng phong phú hơn trong mối tương quan với lịch sử. Nhưng tại sao thời chúng ta ít có những tác phẩm đạt trình độ cổ điển? Sáng tác văn học trước hết phải bắt nguồn từ quan niệm về con người thời đại. Thời đại Phục hưng là sự phát hiện "con người trong con người", là sự khẳng định con người nhân văn, con người khổng lồ... Ở thời đại chúng ta, quan niệm về "con người mới" rõ ràng là còn giản đơn, phiến diện. Chúng ta chưa khám phá ra trong con người - nhân vật thời chúng ta đang sống, con người đích thực, con người toàn vẹn, mang bản chất mang sự thật vĩ đại của thời đại. Có nhiều trở lực để đi đến một quan niệm như thế, và văn học đã để mất đi biết bao cơ hội có những tác phẩm hay và lớn! Ngày nay nhiều nhà văn đã cảm thấy sâu sắc điều này. Các nhà văn Xô viết đã bổ sung vào văn học những tác phẩm có một cái nhìn gần với sự thật đời sống hơn. Nhà văn đã dứt khoát tuyên bố trở thành lương tâm của nhân dân, không quay mặt đi trước nỗi đau của đồng loại. T. Aitmatov nói về nỗi đau của nhân dân và thật là có ý nghĩa khi M. Gorbachev kêu gọi nhà văn không thờ ơ trước nỗi đau của nhân dân mình. Ở ta chỉ mới một thời gian ngắn chuyển biến quan niệm, đã có một số tác phẩm thật hơn, trần trụi hơn, chua chát hơn và hay hơn. Thời xa vắng, Tuổi thơ im lặng, Mùa lá rụng trong vườn, Tướng về hưu và mới đây Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Miền thơ ấu của Vũ Thư Hiên... đã đem đến cho văn chương những cách nhìn mới về con người về cuộc đời, nặng trĩu ưu tư nhưng chân thành và khẩn thiết... Chỉ mới thế thôi, chưa có gì nhiều, cũng đã làm cho văn học thoát khỏi những công thức cứng nhắc và do chỗ đời hơn, nó đã hay hơn.

Nhà văn có thể tha hồ viết về sự thật, chỉ với mỗi một điều kiện: nhà văn phải có một tấm lòng. Nguyễn Du chính là tấm lòng ấy, "tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời" đằng sau con mắt nhìn hiện thực sắc sảo "con mắt trông suốt cả sáu cõi". Nhà văn mô tả cái Ác không phải vì thích thú với những biểu hiện dù sinh động và đôi khi còn phong phú hơn tưởng tượng của cái Ác. Văn học không phải là vương quốc của cái Ác, của cái thấp hèn, của lòng thù ghét, cay cú. Nhà văn không phải là người đến với cuộc sống này - cuộc đời tuy đầy sóng gió sau 30 năm chiến tranh và những khó khăn ngút ngàn của một chủ nghĩa xã hội đang trăn trở tìm tòi nhưng đáng để yêu thương - để chỉ nói một tiếng nói không với thực tại, để chỉ nói lên rằng cuộc đời này đầy rẫy những xấu xa tồi tệ chỉ đáng một câu chửi đổng, một câu chửi thề! Nhà văn cũng không có quyền hoài nghi tất cả và gieo rắc sự hoài nghi như một thứ "mốt", bởi vì chỉ sau khi hoài nghi tất cả mọi người, ít nhất cũng phải còn lại chính anh là người đáng tin cậy. Sứ mệnh của nhà văn hiện thực thế kỷ trước là làm cho người ta hoài nghi trật tự tư sản. Nhưng nhà văn xã hội chủ nghĩa thì không thể phủ định sạch trơn, phủ định lịch sử là cái đã thành, là cái không thể nói "nếu". Nhà văn không thể chỉ hả hê, khoái chá trong việc lộn trái con người, chạy theo tâm trạng bất thường của một số công chúng để "buôn một món hàng lạ"! ("Món hàng lạ này có thể buôn được đấy" đó là lời Lã Bất Vi trong thương vụ buôn cái thai nhi - hoàng đế Tần Thủy Hoàng).

Phản ánh và thể nghiệm

Phản ánh luận của Lênin áp dụng vào văn học đã đem lại cho lý luận và văn học sử những cơ sở lý luận xác đáng để xem xét mối quan hệ giữa tác phẩm và nghệ thuật và hiện thực. Ngay trong phản ánh luận nói chung. Mác, Lênin cũng không bao giờ nói đến việc phản ánh một cách cứng đờ, máy móc. Mác viết: "... Đối với tôi, ý niệm chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi ở trong đó" (tôi nhấn mạnh). Đối với việc phản ánh thông thường, còn phải nhấn mạnh sự "cải biến" trong quá trình vật chất "chuyển vào đầu óc con người", huống chi đối với việc phản ánh hiện thực trong nghệ thuật - một lĩnh vực tinh tế và phức tạp - lẽ nào các vị lại hiểu đơn giản, một chiều? Mác đã từng nhấn mạnh ý kiến của Phơbách rằng người ta không đòi hỏi phải xem tác phẩm nghệ thuật đồng nhất với thực tại. Là những người đứng đầu một nguồn của nền văn minh nhân loại, Mác, Ănghen, Lênin hiểu cái tinh diệu của tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật, bắt nguồn từ hiện thực, phản ánh hiện thực nhưng đó cũng là thế giới riêng do nghệ sĩ sáng tạo nên. Phản ánh trong nghệ thuật đồng thời là tái tạo, là sáng tạo, là "cải biến lại" hiện thực bằng sức mạnh của nghệ thuật. Đó là hai mặt của vấn đề phản ánh. Lâu nay nhiều người mắc bệnh giản đơn, ấu trĩ trong nhiều vấn đề lý luận - trước đây ngay cả vấn đề chủ nghĩa xã hội cũng còn hiểu giản đơn và thô sơ nữa là nghệ thuật - nên hiểu văn nghệ phản ánh hiện thực một cách giản đơn, rồi đem đối chiếu máy móc, dung tục tác phẩm và đời sống, xem tác phẩm có "giống" đời sống không? Ngoài ra, mấy chục năm qua, do hoàn cảnh phải làm một nền văn học chiến đấu, nghệ sĩ là chiến sĩ là công dân... nên cá tính sáng tạo của nghệ sĩ chưa được nhấn mạnh đúng mức. Lỗi cũng chẳng phải là tại ông Mác, ông Lênin! Sinh thời Mác chẳng đã từng mượn một câu thơ của Heiner để chế giễu những môn đồ hiểu chủ nghĩa Mác một cách dung tục: "Tôi ấp trứng rồng nhưng lại nở ra bọ mát"!

Một vấn đề cũng cần đặt ra là: nhận thức (hay phản ánh) có phải là bản chất và đặc trưng của văn nghệ hay không?

Nếu như văn nghệ là sự nhận thức thế giới, thế thì nó khác nhận thức khoa học ở chỗ nào?

Câu trả lời là: Nghệ thuật nhận thức thế giới, đồng thời thể nghiệm thế giới. Nhưng sự thể nghiệm thế giới trong nghệ thuật lại sẽ không có được, nếu không có sự tự thể nghiệm con người. Thể nghiệm, đó là một phương diện cực kỳ quan trọng để hiểu bản chất vấn đề nhận thức trong văn nghệ. Sự thể nghiệm này đã đưa đến sự chan hòa giữa chủ thể và khách thể trong chân lý nghệ thuật. Nó làm cho mỗi một chân lý, mỗi một tư tưởng được nói lên trong tác phẩm đều lay động sâu xa và mang một âm hưởng riêng. Và thông thường đó là một chân lý trực giác - vai trò của trực giác trong việc nhận thức toàn vẹn, tức khắc chân lý trong nghệ thuật là rất quan trọng.

Sáng tác là sự đi tìm chân lý, nên không thể bỏ qua phạm trù chân lý. Nhưng sáng tác còn là một sự thể nghiệm, mà phạm trù chân lý không diễn đạt sự thể nghiệm (cái đau đớn lòng của Nguyễn Du là một hình thức của sự thể nghiệm).

Sự tự thể nghiệm của nghệ sĩ trước cuộc sống nói lên vai trò sáng tác của nghệ sĩ. Không có sự thể nghiệm của nghệ sĩ, sẽ không có nghệ thuật. Nhưng sự thể nghiệm bao giờ cũng là sự thể nghiệm bản thân nghèo nàn và trống rỗng để đẻ ra các thứ nghệ thuật tắc tị, bệnh hoạn... Picasso, bậc thầy sáng tạo, khi nói: "Nếu có thể thì nên đâm thủng mắt con chim kim oanh đi để cho nó hót hay hơn" và "thông qua nghệ thuật chúng ta bộc lộ những cái gì mà tự nhiên không có", cũng đồng thời khẳng định rằng: "Nghệ sĩ là một con người chính trị, luôn luôn tỉnh táo trước các biến cố đau xót, sôi nổi hay êm dịu của xã hội, và tự uốn nắn mình cho thật sát với hình ảnh của chúng".

Thế là rõ. Trong nghệ thuật, chẳng ai đòi một bức ảnh chụp làm chứng minh thư, mà đòi hỏi một bức chân dung sáng tạo thông qua ấn tượng của người nghệ sĩ.

"Một ngày kia chị sẽ giống chân dung" cũng chính Picasso đã trả lời như vậy. Vâng, nghệ thuật vĩnh viễn là sáng tạo. Nhưng nghệ thuật cũng vĩnh viễn bắt nguồn từ hiện thực, từ sự thật cuộc đời.

Văn nghệ - chính trị - tự do

Vấn đề mối quan hệ giữa văn học và chính trị là một vấn đề có ý nghĩa thời sự. Trong vấn đề này có những mặt đã rõ từ lâu. Đã rõ từ lâu chính trị là quyền lực và quyền lợi của giai cấp, của dân tộc; chính trị là vấn đề "có lợi cho ai" (Lênin); chính trị là "cái hình thức có sức mạnh cưỡng bức đối với toàn xã hội" (Mác). Văn nghệ ở thời nào, nước nào cũng không thoát khỏi "sức mạnh cưỡng bức" đó của chính trị. "Chính trị là gương mặt hiện đại của số phận", Stendhal, tác giả cuốn Đỏ và Đen mô tả "những động cơ thầm kín và về phẩm chất bên trong của các tâm hồn trong xã hội hình thành sau Cách mạng Pháp", đã viết như vậy.

Nhưng dĩ nhiên, quan hệ giữa chính trị và văn nghệ không phải chỉ một chiều. Trong cái quyền lực, trong cái trật tự hiện tồn, trong cái ý thức chính thống, thống trị cả thời đại, sức mạnh của chính trị là tuyệt đối. Nhưng trong vương quốc của cái Đẹp, trong cái phần biểu hiện của lương tâm nhân dân, trong lĩnh vực của cái phi chính thống, và trong chiều kích của cái vĩnh cửu... thì sức mạnh của văn nghệ lại là tuyệt đối. "Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt, Sở vương đài tạ không sơn khâu", đó chẳng phải là lời nói ngông của Lý Bạch trong khi say, mà là chân lý. Trước khi chết, vua Phổ còn cầm tay Mozart: "Ta tiêu biểu cho trật tự, nhà ngươi tiêu biểu cho cái Đẹp. Biết đâu hậu thế sẽ quên ta và nhắc nhở đến ngươi!".

Cuộc sống không ngớt cần chính trị, cần trật tự, luật pháp, cần ý thức chính trị và cơ chế chính trị, cũng không ngớt cần văn nghệ, cần đến tiếng nói văn nghệ sĩ để cân bằng những suy tư, những quyết định hệ trọng của mình.

Sự lãnh đạo của chính trị, của Đảng đối với văn nghệ phải là sự lãnh đạo bằng sự hiểu biết sâu xa đặc trưng văn nghệ. Ở đây chỉ có thể thuyết phục mà không thể ra lệnh. Ở đây dành chỗ cho những khoảng không bao la của sáng tạo. Ở đây có sự tôn trọng phong cách và cá tính của những người tự nguyện "lưu đày" vào cái nghiệp văn chương, cái nghiệp làm nỗi đau, làm sự nhạy cảm, làm sự tìm tòi căng thẳng và có lắm khi sai lầm.

Lâu nay chúng ta hay nói: văn nghệ phục vụ chính trị. Đó là một mệnh đề đúng khi chúng ta chỉ có một nền văn nghệ yêu nước và chiến đấu phục vụ một mục tiêu duy nhất: chiến thắng kẻ thù, giành độc lập và tự do cho Tổ quốc. Đó là "loại văn học chính trị" "phục vụ những mục tiêu chính trị và nếu như mục tiêu chính trị cao quý thì loại văn học này cũng hết sức cao quý", vì nó "đáp ứng tình cảm của nhân dân đối với chân lý và cái thiện". (L. Tolstoi). Nhưng ngoài loại văn học đó ra, còn có loại "văn học vĩnh cửu", "chung cho loài người, đụng đến con người ở mọi dân tộc, mọi thời đại, đó là loại văn học đáp ứng nhu cầu của nhân dân chiêm ngưỡng cái Đẹp trong đời sống". Sự phân biệt hai loại văn học này, vạch một đường ranh tương đối để thẩm định văn chương và giải quyết tốt mối quan hệ chính trị - văn học.

Văn nghệ cần tự do cho sáng tạo như con người cần dưỡng khí. Ở ta, giai đoạn lịch sử trung cổ quá dài, xã hội không đi qua thời Phục hưng, thời cận đại... để được làm quen với tự do cá nhân; nền nếp xã hội còn nặng lề thói gia trưởng phong kiến, lề thói làng xã... tự do càng là một yêu cầu bức xúc. Nhưng tự do sáng tạo yêu cầu một bản lĩnh tư tưởng và bản lĩnh nghệ thuật cao cường, tự giác để tự định hướng, để vượt qua được những đòi hỏi của lớp thị hiếu thấp kém đang từng nơi từng lúc tác động mạnh đến sản xuất văn nghệ.

Tự do chủ yếu là sự tự do nội tâm, là sự khoáng đạt, sự an lạc, sự tự chủ đầy bạo dạn... Tự do đi song đôi với tài năng, tự do là tiền đề cho tài năng sáng tạo; nhưng đối với người bất tài thì tự do cũng là thừa. Rốt cục vấn đề cơ bản của nghệ thuật vẫn là vấn đề tài năng. Ngày nay, không khí xã hội đã thuận cho những tài năng văn chương đích thực xuất hiện. Họ được thừa nhận hầu như tức khắc, được công chúng cũng như phê bình văn học chào đón với một sự khoan dung đôi khi đến bốc đồng! - một sự khoan dung mà M. Gorbachev nói là có tác dụng "xói mòn đạo đức xã hội" và chỉ để "thỏa mãn lòng tự ái của người được phê bình". Tài năng đang rất hiếm, và xã hội ngày nay "tiêu xài" tài năng cũng rất nhanh, nên "khoan dung", "bốc thơm" như thế cũng là phải. Nhưng rút cục rồi cuộc sống sẽ tự bù trừ theo luật nghiêm khắc của sự tiếp nhận văn học: theo thống kê xã hội học, chỉ sau 20 năm thôi, chỉ có một phần trăm số ấn phẩm ra đời còn giá trị.

Tôi chợt nhớ lời Viên Mai trong Tùy Viên thi thoại: "Ta không nên khăng khăng tin vào lời nói của một cụ đồ nào, cho đó là chân lý..."

Và ý của Lênin: Người ta chỉ có thể tiếp cận chân lý như đường hypecbol tiếp cận một trục hoành.

Chân lý luôn luôn là điều đang tìm kiếm. Vì vậy, qua mấy ý nghĩ trên đây, rất mong được các bạn cùng trao đổi bàn bạc thêm.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 53 (31-12-1988)

Mục lục

14-3-10