ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 24 (11-6-1988)

 

TỰ DO SÁNG TÁC -
ĐIỀU KIỆN SỐNG CÒN CỦA NGƯỜI CẦM BÚT

MAI VĂN TẠO

 

Hôm nay tôi muốn nói một điều tôi cảm thấy đáng vui, là văn nghệ ở miền Bắc chúng ta đang khởi sắc. Văn học (truyện, ký, thơ) cũng như sân khấu đã đưa đến người đọc, người xem những tác phẩm đặc sắc, hấp dẫn cả về nội dung lẫn hình thức. Các nhà lý luận phê bình cũng đã có những bài rất hay, có tầm cỡ đáng học tập về quan điểm, kiến thức và thái độ đáng quý của người cầm bút. Gần đây lại có cuộc "thảo luận bàn tròn" tại báo Văn nghệ, một cuộc hội thảo hết sức cần thiết, đã diễn ra rất sinh động và rất bổ ích cho nhiều người, nhất là những nhà văn thật sự và nhiều tâm huyết. Một cuộc luận bàn khá sôi nổi, thẳng thắn, sâu sắc và cởi mở, nhưng chưa kết luận, tuy vậy tiếng vang rất nhanh và rất xa vào tận phía Nam này.

Ngoài những tác phẩm văn, thơ, kịch, nhạc sắc sảo, làm chấn động lòng người từ Bắc chí Nam, các anh còn đặt ra vấn đề sống còn của giới sáng tác tại cuộc "họp bàn tròn".

Ấy là vấn đề "tự do sáng tác" và "mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ". Một vấn đề nóng bỏng, âm ỉ trong mấy mươi năm qua. Băn khoăn, day dứt ấy, những người cầm bút có lương tri đều thấy, đều vướng, nhưng không dám nói ra, không được đề cập.

Điều tôi rất đỗi ngạc nhiên là trong cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ tháng 10 - 1987, khi đặt vấn đề tự do sáng tác thì có người hỏi gặng: "Chế độ ta không có tự do à?". Tưởng như người hỏi câu này từ một hành tinh xa lạ nào rớt xuống hôm qua.

"Tự do sáng tác" là một điều kiện cực kỳ quan trọng của người nghệ sĩ. Nếu không có điều kiện sống còn đó, người cầm bút không hơn con hát cung đình thời phong kiến.

Vậy thì thực chất vấn đề này thế nào? Hàng loạt bài của các anh ngoài Bắc, nhất là bài Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa của Nguyễn Minh Châu tôi thấy gần như đã nói hết, nói rạch ròi, trung thực và chân thành. Tôi coi bài của anh Nguyễn Minh Châu như một lời tuyên bố, một niềm cay đắng về một thời văn nghệ.

Trong bài Đôi điều tâm sự, anh Trần Độ nói một ý thật sâu sắc, chí tình: "Văn nghệ sĩ cách mạng cũng là người cách mạng, vậy thì sao đã có lúc họ chỉ có việc là lao vào làm, còn số phận kết quả công việc lại để cho người không làm, ít hiểu biết, phán xét, duyệt, phê? Có phải đã có lúc chúng ta rơi vào tình trạng hình như chúng ta có hai Đảng, Đảng làm (vì những người văn nghệ sĩ cũng là đảng viên hoặc quần chúng của Đảng có tổ chức, có lý tưởng) và Đảng duyệt".

Mấy chục năm qua, và cho đến bây giờ vấn đề xét duyệt hết sức tùy tiện, hẹp hòi, độc đoán, mà có anh nhà văn nào dám hó hé đâu?

Có lần tôi và anh Bảo Định Giang được mời xem vở cải lương Đồ Chiểu. Hôm ấy là ngày xét duyệt, tác giả mời chúng tôi có ý đồ rõ rệt. Anh Giang là nhà nghiên cứu lâu dài về Đồ Chiểu. Còn tôi là bạn của tác giả, từng động viên khuyến khích anh khi còn trăn trở với đề tài. Cách xét duyệt thật bi hài. Vở diễn, nhân vật hát hai câu: "Bến Nghé của tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh khói nhuốm màu mây" - Không được! Không được! - Ông Trưởng ban Tuyên huấn phán ngay - "Thơ Đồ Chiểu không phải vậy, thơ Đồ Chiểu sao ủy mị thế? Không xốc tới, xông lên?" Tác giả "Thưa anh, thơ Đồ Chiểu thật ạ! Có anh Bảo Định Giang gật đầu xác nhận. Ông trưởng ban nọ: "Ờ, ờ... tôi cũng không rõ thơ Đồ Chiểu, nhưng dù câu này thật đúng là của ông cũng bỏ, vì yếu quá! Đến đoạn khác, nhân vật Đồ Chiểu nói: "Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân" Ông trưởng ban: "Không được! Không được! Không được! Câu này còn quan trọng hơn nữa. Nói "triều đình" là muốn nói Trung ương sao?"(!).

Cho đến bây giờ nhiều tỉnh phía Nam (ngoài Bắc tôi không rõ) tuyên huấn vẫn còn duyệt bản thảo báo Văn nghệ trước khi in.

Ở ta trước đến giờ không có cơ quan "kiểm duyệt", và trên tất cả các trang báo cũng chưa hề có cái "kiểm duyệt bỏ" bao giờ, mà tác giả không được phép hỏi chỗ duyệt đó ở đâu? Và không được có ý kiến. Đơn giản nhất là nếu tác giả không đồng ý thì... không đăng, không in vậy.

Theo tôi, vấn đề "tự do sáng tác, tự do phê bình" và "mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ" là vấn đề hết sức quan trọng và bức thiết trong lúc này. Cần phải bàn bạc nhiều hơn nữa, thấu đáo hơn nữa để tìm một lối ra, một hướng đi lên cho văn nghệ.

Tôi nói văn nghệ miền Bắc đang khởi sắc nhưng cũng chỉ mới sáng lên một chút, hấp dẫn hơn một chút trong những tháng gần đây - sau Đại hội Đảng lần thứ VI sau Nghị quyết Trung ương về văn hóa văn nghệ.

Không phải toàn bộ nước ta là một bức tranh lạnh, âm u. Nhưng chúng ta cũng nên hết sức khách quan và dũng cảm nhìn sự thật. Nó là một tấm da beo, chỗ tối chỗ sáng xen lẫn với nhau. Người tốt vẫn còn nhiều, nhưng kẻ xấu cũng lắm. Chưa bao giờ đất nước ta có thế cài răng lược giữa cái thiện và cái ác, giữa người trung kẻ nịnh, giữa đứa chây lười ăn bám với người mẫn cán, tận tâm, giữa người có lương tâm và vô trách nhiệm... như bây giờ.

Văn nghệ chúng ta dĩ nhiên đứng về cái thiện mà diệt tiêu cái ác, đứng bên trung diệt bên nịnh... xông vào đời thực, viết thực. Nếu không văn nghệ sĩ không có lý do tồn tại trong cõi dời này, như nó đã tồn tại độc lập tự nghìn xưa.

Muốn có tác phẩm hay, tác phẩm lớn, ta phải đổi mới tư duy. Tôi hiểu là phải đổi mới cách nghĩ, cách làm và xóa đi những quan điểm lỗi thời đối với văn nghệ. Cám ơn Đại hội VI Đảng ta và cả Đại hội XXVII của Liên Xô đã mở toang cánh cửa nặng nề, cho ta tiếp nhận không khí mới trong lành. Rồi đến cuộc tọa đàm giữa đồng chí Nguyễn Văn Linh, với văn nghệ sĩ. Rồi đến Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ với ý nghĩa cởi trói cho văn nghệ và khuyến khích trọng dụng tài năng.

Chúng ta rất đỗi vui mừng đón nhận tinh thần "cải tổ" của Liên xô và "đổi mới" của Đảng ta như niềm vui giải tỏa. Thế sao, chưa chi đã có người lớn tiếng đe dọa anh em rằng: "Hồi đầu cách mạng ai đánh giá thấp văn hóa dân tộc? Chính văn nghệ sĩ, trí thức..." Rồi hầm hừ mắng mỏ rằng: "Không được vô ơn"... Rồi lên giọng bề trên, kể cả (như ông quan to thời trước) rằng: "Các anh nói đổi mới, cải tổ... Cứ phải chờ xem, đừng vội xét lại những nguyên tắc. Văn nghệ sĩ không thể góp ý kiến cho Đảng vì Đảng đúng?..." (Báo Văn nghệ, số 9, 27-2-88)

Trong buổi "Thảo luận bàn tròn", nhiều anh ngoài ấy đã bác bỏ kiểu nói bá láp này rồi. Nhưng có lẽ cũng cần nói rõ thêm: "Anh muốn đặt văn nghệ sĩ vào vị trí nô tỳ? Không được đâu, là một nhà văn đi với Đảng hơn 40 năm ở phía Nam xin nói thẳng với anh rằng, ai không đổi mới, chống lại đổi mới, tôi coi là đối địch. Tự do sáng tác, đổi mới là cứu cánh của nhà văn, là nước biển nước sông đối với cá. Đảng kêu gọi mọi người mọi ngành đổi mới, sao anh bảo chúng tôi: "Chờ xem" và "Chúng tôi làm theo ý Đảng, chứ không nghe lời cổ lỗ, kỳ cục của anh đâu".

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 24 (11-6-1988)

 Mục lục

6-2-09