HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG NGUYỄN BÙI VỢI Không biết tại đâu và vì sao, trong sinh hoạt xã hội ta tràn lan bệnh hình thức. Bệnh này thích những từ kêu to tát, hào nhoáng. Những là "tất cả vì...", "tất cả gì!", "vì cái này, vì cái nọ", nghe ra đều hay, đều đẹp, đều vừa lỗ tai... nhưng không có những biện pháp cụ thể, có hiệu quả để những ước mong ấy biến thành sự thật. Thành ra từ văn bản đến thực tế đời sống, xa nhau nhiều quá. Luôn luôn ở địa phương này, nhà máy nọ phát động hết chiến dịch này đến chiến dịch kia, có khi chiến dịch này chưa xong đã nhảy sang chiến dịch khác. Bản báo cáo nào cũng hay, cũng hào hứng nhưng kết quả thực tế thì không có bao nhiêu. Để tuyên truyền cho các... "chiến dịch" này, trên đài, báo thường dùng đi dùng lại nhóm từ "dấy lên", dấy lên phong trào, dấy lên chiến dịch, dấy lên đợt vận động... Dần dần nó trở nên một thứ mốt, một kiểu chơi chữ: chiến dịch cấy đúng thời vụ, chiến dịch làm cỏ lúa, chiến dịch bắt sâu diệt bướm, chiến dịch nhặt giấy vụn v.v... và v.v... Rồi có những người làm công việc quản lý đáng lẽ phải nghĩ ra những chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực thì lại chỉ lo đặt tên cho bề ngoài công việc, cốt sao cho cái tên nó hấp dẫn, nó kêu, nó vang, nó có ý nghĩa. Nhớ ơn Bác, học tập Bác trồng cây thì mỗi người trồng 79 cây. Phát động xong, không kiểm tra xem có "trồng cây nào sống, tốt cây ấy" như Bác dặn không? Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thì mỗi em học sinh viết 30 thư cho các chú bộ đội, tìm 30 bài thơ về Điện Biên. Có một em học sinh cấp ba chỉ tìm được một bài của Tố Hữu đã chép 30 bản Hoan hô chiến sĩ Điện Biên để nộp cho trường! Bệnh sính chữ, sính khẩu hiệu lan tràn khắp nơi. Hồi chống Mỹ, một lần tôi về thăm quê, ngạc nhiên thấy các bảng thông tin quét vôi trắng nổi lên dòng khẩu hiệu đậm "Diệt dê như diệt Mỹ, diệt vịt như diệt ngụy". Hỏi ra mới biết ở xã tôi dạo đó dân nuôi dê nhiều quá thả rong phá hoại hết hoa màu, nhiều nhà thả vịt phá lúa của hợp tác xã nên xã cấm thả dê, thả vịt ra đồng, ai gặp có quyền đánh chết nên ở bảng thông tin mới có khẩu hiệu trên. Một lần tôi đi công tác ở miền Nam, một bà má hỏi tôi: "Chú ơi, trước kia ở đây dân người ta cứ trồng cấy bình thường mà cũng dư thóc dư lúa sao bây giờ cứ chiến dịch hoài mà vẫn đói vậy chú?". Tôi cười ngượng ngùng không biết trả lời thế nào. Trong trường học, học sinh lười học, nói tục, chữ xấu... đáng lẽ nhà trường bàn những biện pháp cụ thể để khắc phục từng điểm một thì lại bàn tổ chức ngày hội "Theo bước chân người anh hùng!". Các em hưởng ứng hăng lắm: lo cờ quạt, đồng phục, mượn trống, mượn đàn... mít tinh, hô khẩu hiệu, diễu hành nô nức lắm. Làm những việc đó thích thú vì hợp với tính hiếu động của các em, vì nó vui (tuy có mệt). Còn kiên trì với một bài văn bài toán, chữ xấu tập cho đẹp thì vất vả hơn nhiều! Nhà trường thì cho là các em đã thấm tẩm chất anh hùng, chắc sẽ chăm học hơn, không nói tục và chữ viết đẹp hơn. Nhưng đâu phải thế! Ngành hải sản phát động phong trào "ao cá Bác Hồ" học tập tinh thần nuôi cá của Bác là đúng nhưng việc "rước" một con cá từ ao Bác đi máy bay về tận đẩu tận đâu rồi người ở nhà thì mở đại tiệc đón cá về, linh đình tốn kém... thì quả là hình thức nặng! Trên đường phố (nhất là Hà Nội) nghe đủ các loại đài: Đài Tiếng nói Việt Nam, đài Hà Nội, đài truyền thanh phường A, phường B. Đài truyền thanh phường ra rả kêu gọi tinh thần làm chủ đường phố, hết lời nhắc "Người Hà Nội thanh lịch", nhưng "Những người thanh lịch ấy" ai đổ rác ra đường cứ đổ, người ném vỏ chuối, vỏ ốc cứ ném, người truyền thanh cứ... truyền thanh. Có thể kể ra vô vàn dẫn chứng về cái bệnh hình thức này. Nó vô tích sự nhưng hình như có một số người nghiện nó, lấy nó làm một thứ thuốc an thần khi không dám xông vào hoặc không có những biện pháp cụ thể để xông vào những vấn đề bức thiết của đời sống. Với họ "nghĩ ra những điều tốt đẹp về xã hội" chắc chắn dễ hơn góp phần xây dựng nên một xã hội tốt đẹp. Những mỹ từ trống rỗng ấy, những lời văn hoa trong các bản báo cáo đã tráng lên đời sống một lớp men, "lên giây cót tinh thần" cho một số người, làm cho họ dần dần thích nói hơn thích làm, thích nghe khen hơn nghe chê. Một số người lớn nói và việc làm không đi đôi với nhau. Một số người nhờ nói giỏi mà được tin dùng nên số người nói giỏi... ở xã hội ta nhiều hơn số người làm giỏi! Rõ ràng không ai phủ nhận động lực thúc đẩy của thi đua (trong đó có việc phát động chiến dịch) nhưng nếu chỉ lo hình thức mà không lo nội dung, biện pháp thì hỏng! Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 35 (29-8-1987) 1-5-08 |