ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Sông Hương, Huế (18-1-1989)

 

 

ĐOÀN KẾT THỰC SỰ,
DÂN CHỦ THỰC, SỰ ĐỔI MỚI THỰC SỰ

NGUYỄN ĐĂNG MẠNH

Hiện nay, trong giới văn học đang diễn ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi (chỉ được phản ánh phần nào trên báo chí). Những cuộc tranh luận này càng sáp vào việc chuẩn bị cho Đại hội Nhà văn lần thứ IV, càng trở nên gay gắt hơn và người ta càng thấy rõ hơn những gì ẩn đằng sau những ý kiến đối lập. Có người bắt đầu thiếu bình tĩnh. Họ đưa ra nhiều ngôn từ không được nhã lắm để quy kết cho nhau, thậm chí đòi xem xét lý lịch, xét lại nhân cách của người khác... Có lẽ ai cũng thấy không nên đưa ra những chữ nghĩa nặng nề ấy làm gì, một là tỏ ra thiếu tôn trọng lẫn nhau, hai là nhiều chữ nghĩa gần đây đã trở thành mất thiêng rồi. Chẳng hạn, người chống đổi mới lại nhân danh đổi mới, người bè phái lại nói chống bè phái, người cơ hội chủ nghĩa nổi tiếng lại quy kết người khác cơ hội chủ nghĩa, người thiếu trung thực lại kêu gọi lòng trung thực, người chữ tâm rất mỏng manh lại ra sức phê phán người khác là thiếu tâm v.v... Những người như thế cũng không có nhiều đâu. Nhưng họ to tiếng quá, ồn ào quá, làm cho một số người đọc do không hiểu rõ thực trạng văn học đang chuyển biến hiện nay đâm ra hoang mang.

Bây giờ thì ai cũng nói đổi mới cả. Nhưng đổi mới là gì cũng nên quan niệm rõ. Tôi nghĩ rằng, đổi mới thực chất là nghĩ đúng và làm đúng quy luật khách quan của sự vật. Cái gọi là cũ không phải là cái thuộc thời cũ mà là cái không phù hợp với quy luật khách quan. Bây giờ trên tinh thần đổi mới phải phân tích những cái đó với tinh thần phê phán để từ nay làm cho đúng, đó là mới. Cho nên đổi mới là vấn đề khoa học. Nhưng nghĩ và làm cho đúng, cho khoa học, đâu có dễ. Hiểu được quy luật khó lắm. Đồng chí Trần Trọng Tân nói đúng: "Đổi mới như thế nào thì đang mò mẫm" (Nhân Dân, số 12382, 7-6-1998). Vậy phải để bàn bạc dân chủ mới ra nhẽ được. Lĩnh vực kinh tế, chính trị đã phức tạp, lĩnh vực văn nghệ còn phức tạp hơn nhiều. Trong tranh luận, đối chọi ý kiến là bình thường, không thế, sao gọi là tranh luận. Nhưng phải tìm hiểu đúng ý kiến của người khác, tránh chụp mũ, quy kết. Tôi cho chụp mũ, quy kết là một hiện tượng thiếu lành mạnh trong thảo luận khoa học.

Theo dõi những cuộc tranh luận gần đây, tôi thấy các ý kiến thường xoay quanh hai vấn đề sau:

1- Đánh giá lại thời kỳ văn học 1945 – 1975.

2 - Đánh giá tình hình văn học từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay.

Chung quanh vấn đề thứ nhất, cuộc tranh luận bắt đầu nổ ra từ cuối năm 1987. Hồi ấy, có một người bỗng giương lên lá cờ "chống phủ nhận quá khứ". Lúc đầu cứ tưởng đứng dưới là cờ này may ra chỉ có dăm ba người. Về sau, hóa không phải. Kể ra so với toàn thể những người cầm bút (không nói công chúng văn học) thì số người này cũng không có bao nhiêu. Nhưng quả là không phải chỉ có dăm ba người. Giữa họ với nhau, có những người vốn gắn bó thân thiết, nhưng có nhiều người xưa nay không quý trọng gì nhau cả. Phải đứng dưới một lá cờ bất đắc dĩ – chắc có vị đã buồn rầu mà nghĩ như vậy.

Theo kinh nghiệm của Plekhanov, nghiên cứu lịch sử tư tưởng, lịch sử chính trị, lịch sử văn học nghệ thuật nhất thiết phải tìm hiểu tâm lý xã hội của con người trong những hoàn cảnh khác nhau. Ông cho rằng, không phân tích tâm lý xã hội cụ thể thì các bộ môn khoa học kia khó lòng tiến lên được một bước nào.

Những người có "sáng kiến" dựng nên lá cờ kia vốn có một lối viết đã cũ. Trong số ấy, có người đã sản xuất ra được một khối lượng sách vở khá bề bộn. Những cuốn sách ấy không phải không có công phu và chất lượng khoa học nhất định. Nhưng giá trị của chúng không đến mức như bản thân họ tưởng. Trước kia người ta đã thấy như thế. Nay nhìn lại trên tinh thần tự phê bình một cách nghiêm khắc thì không có ai dám vỗ ngực cho mình, trước Đại hội Đảng lần thứ VI, đã có đầu óc đổi mới hoàn toàn, đã có bản lĩnh nói thẳng nhiều sự thật và những điều mình viết ra đều đúng đắn, sáng suốt cả. Người nào cũng nên tự phủ nhận cái viết cũ của mình ở những mức độ khác nhau. Nhưng có những người quá yêu quá khứ của mình, đã không có được tinh thần tự phủ nhận cần thiết đó. Nhưng chẳng lẽ lại nói: "Sự nghiệp của tôi, công lao của tôi lớn lắm, không được đụng đến", họ bèn hô hoán lên: "Có một xu hướng phủ nhận nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta". Làm như thế, họ vừa biến được người mà họ ngờ là có ý phủ nhận họ thành kẻ phủ nhận cả một nền văn học đã qua, nghĩa là thành kẻ có vấn đề chính trị, vừa lôi kéo được những cây bút có sáng tác nhiều từ năm 1945 đến 1975 chạy đến với họ. Ôi, "văn mình vợ người", những đứa con đứt ruột đẻ ra bỗng chốc bị phủ nhận sạch trơn thì có tức không chứ! Thế là một số người vốn hiền lành thật thà, tuổi tác đã cao, xưa nay vẫn được quý mến, bỗng nổi đóa lên: "A! chúng nó lại láo đến thế à! đồ quá khích! Lũ hư vô chủ nghĩa! Hạng prôlêkun! Chúng mày bắn vào quá khứ (là chúng tao) bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn chúng mày bằng đại bác!..." vân vân và vân vân.

Nghĩ mà vừa giận, vừa thương, vừa buồn cười. Nào có ai phủ nhận ai đâu? Vả lại văn chương chân chính xưa nay, ai mà phủ nhận được. Nếu mà phủ nhận được dễ dàng thế thì chắc là cái văn ấy chẳng có giá trị gì. Vũ Trọng Phụng từng bị chìm xuống đến bùn đen, rút cục lại được thời gian và công chúng vớt lên và gột rửa sạch sẽ cho đấy thôi.

Sự thực chỉ có thế này: có một số người, gọi là một xu hướng cũng được, muốn đánh giá lại tình hình văn học trước kia trên tinh thần đổi mới tư duy. Những bài viết của họ tuy có thiên về nói khuyết điểm để rút kinh nghiệm cho ngày hôm nay, nhưng không hề phủ nhận sạch trơn thành tựu văn học quá khứ. Riêng tôi – cũng bị ghép vào "tội" phủ nhận – chỉ viết về tình hình phê bình văn học. Tôi cho phê bình văn học của ta còn yếu kém, tuy thế, ngay ở bộ phận này của nền văn học 1945-1975, vẫn có nhiều thành tựu đáng quý, nhất là mặt bình văn, giảng văn. Thành tựu về sáng tác còn trội hơn nữa vì những lý do riêng của nó. Bài viết vẫn còn đấy, xin cứ xem lại[1]. Muốn tranh luận, trước hết phải hiểu đúng ý kiến người khác, không nên phiến diện hóa lập luận của người ta, vuốt cho nó thành thẳng đuột một chiều rồi quy kết là quá trớn, là phủ nhận toàn bộ v.v...

Gần đây, bài viết của anh Lê Xuân Vũ[2] phê phán anh Lại Nguyên Ân[3] cũng vậy. Thực ra những cách lập luận hay những chữ dùng của anh Ân tôi cũng cho là không ổn. Ngay chữ "bá quyền" mà dùng cho văn nghệ thì cũng "to chuyện" quá. Vĩ đại đến như Lev Tolstoi được gọi là Sa hoàng thứ hai, hoặc như Khuất Nguyên – "Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt, Sở vương đài tạ không sơn khâu" – cũng có quyền lực gì lắm đâu! Một người thì muốn đốt hết những gì mình viết ra vì xem là vô tích sự, một người thì phải đâm đầu xuống sông Mịch La... Anh Ân chắc cũng cảm thấy như thế nên trong suốt cả bài viết chỉ dùng độc một lần đối với văn nghệ, và dùng với một thái độ dè dặt ("một bên nữa là "quyền lực" nếu có thể gọi như là vậy với ít nhiều ước lệ, của trí thức, của các giá trị nhân bản")[4]. Nhưng mặc, anh Vũ đã "vớ" được chữ "bá quyền" rồi thì anh phải bám chắc lấy nó và đưa vào khái niệm này một nội dung không có trong cách dùng chữ của anh Ân. Phải nói rằng, khái niệm chính trị có thể chứa đựng nhiều nội dung rộng, hẹp khác nhau tùy theo người sử dụng. Anh Ân nói "bá quyền" "chính trị" theo nghĩa là quyền lực của "người cầm quyền, họ đứng đầu quốc gia, lãnh đạo đất nước"[5] (từ mở đầu đến kết luận đều dùng theo nghĩa đó). Nhưng anh Vũ lại đưa vào đó nội dung chính trị với nghĩa rộng nhất, đồng thời rút khỏi khái niệm văn nghệ cái nội dung chính trị hiểu theo nghĩa khác của anh Ân. (Anh Ân viết): "Trong lịch sử nếu đã có trường hợp những nghệ sĩ tuyên bố từ chối chính trị thì thực chất đó không phải là sự quay lưng lại chính trị nói chung, mà là sự từ chối chính trị của những người cầm quyền cụ thể, thêm nữa, sự "tuyên bố" ấy cũng có nghĩa là tỏ rõ một thái độ chính trị nhất định"[6].

Làm như vậy, anh Vũ đã gán được "rất rõ ràng" (anh Vũ hay nói "dễ dàng nhận thấy" hoặc "rõ ràng là", thực sự chỉ rõ ràng là ý kiến của anh Vũ mà thôi). Cái thuyết rất nguy hiểm: đối lập chính trị và văn nghệ: "rõ ràng là không thể có sự đối nghịch giữa một bên là "bá quyền" văn nghệ nói chung và bên kia là "bá quyền" chính trị nói chung"[7]. – Nhưng anh Ân có nói thế đâu mà rõ ràng với không rõ ràng!

Để cho cái thuyết của anh Ân trở nên nguy hiểm hơn nữa, anh Vũ lại gán thêm cho nó cái nội dung "luôn luôn mâu thuẫn và xung đột nhau" giữa hai "bá quyền". Vậy "rõ ràng" đem đối lập văn nghệ nói chung với chính trị nói chung ngay trong chế độ xã hội chủ nghĩa rồi còn gì! Anh Ân muốn nói lịch sử, tìm hiểu "quá trình vận động biến đổi"[8] của sự vật. Nhưng người ta lại bảo anh nói chuyện không biến đổi. Tranh luận như thế thì thật khó vậy thay! Anh Ân có nói dưới chế độ xã hội có đảng cầm quyền vẫn có khả năng nảy sinh mâu thuẫn giữa những người lãnh đạo chính trị nói chung. Bài của anh Vũ còn có những nhược điểm khác như ghép chi tiết bài nọ với chi tiết bài kia, bất chấp văn cảnh của chúng, cũng như sự khác nhau giữa bài này bài khác, hoặc như có những chỗ tỏ ra chưa nắm vững tri thức lịch sử văn học v.v... Nhưng thôi, hãy trở lại chuyện quy kết, chụp mũ. Kể ra khuynh hướng này cũng khó tránh được khi người tham gia tranh luận nhất thiết lấy việc áp đảo đối phương chứ không phải việc tìm tòi chân lý làm mục đích. Có quy chụp mới đẩy đối phương vào chỗ "chết" được chứ! Nghĩ cũng hay, té ra những người dựng lên lá cờ "chống phủ nhận" lại mong muốn hơn ai hết có xu hướng phủ nhận. Hình như Freud có nói: Ý muốn đẻ ra lý lẽ. Cái "lý lẽ" của những người "chống phủ nhận" xét đến cùng cũng là do lòng mong mỏi thiết tha của họ muốn có một xu hướng phủ nhận chính mình, phủ nhận công lao, thành tích, phủ nhận tác phẩm của mình trước kia.

Chung quanh vấn đề thứ hai (đánh giá tình hình văn học từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay), gần đây lại thấy mọc lên một lá cờ khác, không phải "chống phủ nhận" mà là "phủ nhận". Những người chủ trương lá cờ thứ nhất cũng thấy có mặt dưới lá cờ thứ hai này. Phải, lần này họ không "chống phủ nhận" nữa mà lại hăng hái "phủ nhận". Họ sôi nổi phê phán văn học sau Đại hội VI, mô tả nó như một bức tranh xám xịt. Họ cho rằng do buông lỏng lãnh đạo nên văn nghệ sĩ nói lung tung, vô chính phủ, gây bi quan hoặc kích động bạo loạn, đối lập văn nghệ với chính trị, bôi nhọ anh hùng dân tộc, chữ nghĩa thì tục tĩu, bẩn thỉu v.v... Một lần nữa họ lại hô hoán lên: có một thứ văn học "phi đạo", "vô đạo" đang tràn lan trên báo Văn nghệ (thời Nguyên Ngọc) và chi phối nhiều cây bút trẻ.

Theo dõi tình hình văn nghệ diễn biến phức tạp hiện nay từ trung ương đến các địa phương, tôi cho rằng xu hướng văn nghệ phi đạo, vô đạo quả là một hiện tượng có thực và đáng lo ngại (chuyện chạy đua in sách ăn khách để kiếm lời, chuyện vụ án tràn ngập thị trường sách báo... bất chấp hoặc không lường đến tác dụng giáo dục xã hội của xuất bản phẩm...). Cơ sở xã hội của nó là: một mặt, tình trạng thương mại hóa đã xâm nhập mạnh mẽ vào lĩnh vực văn nghệ, mặt khác là phản ứng tâm lý của những người mà công cuộc đổi mới xã hội đã đụng chạm đến hoặc đe dọa đụng chạm đến quyền lợi cá nhân của họ. Về mặt này, tôi cũng rất tán thành ý kiến đồng chí Trần Trọng Tân: "Công cuộc đổi mới hợp với lợi ích của những người chân chính, của những người lao động, nhưng không thuận với cái cũ, với những chính sách, thể chế cũ hoặc là quen suy nghĩ theo lối cũ. Trên lời nói, không ai nói chống đổi mới, nhưng nếu nhìn vào việc làm, vào hiệu quả mang lại mới hiểu đúng thực chất là thế nào. Chắc chắn rằng công cuộc đổi mới khi trở thành phong trào mạnh mẽ trong xã hội thì sự phản ứng của các lực lượng bảo thủ sẽ gay gắt hơn. Gay gắt nhất có thể là lực lượng có lợi ích gắn liền với sự quản lý lỏng lẻo cũ, những người đã quen với những đặc quyền đặc lợi. Đó chính là cái khó lớn của công cuộc đổi mới" (Tài liệu đã dẫn).

Nhưng xu hướng "phi đạo", "vô đạo" (cứ tạm gọi như thế) trong lĩnh vực văn nghệ, dù có mạnh đến đâu, cũng không thể là lực lượng chủ đạo. Chẳng lẽ nhân dân ta, ở bộ phận đông đảo và cường tráng nhất lại không muốn đổi mới thật sự và không biết sử dụng quyền tự do dân chủ của mình một cách đúng đắn hay sao? Cho nên nhạo báng tùm lum những chuyển biến của văn nghệ từ sau của Đại hội VI, bôi bác nó thành một bức tranh toàn cảnh đầy nhố nhăng, lệch lạc thì chỉ có nghĩa là nhạo báng nhân dân, thách thức đại chúng, nếu không phải là thái độ hằn học đối với công cuộc đổi mới. Nếu nói "phi đạo", "vô đạo" thì đấy cũng là một dạng của phi đạo, vô đạo chứ sao?

Sự thật thì văn học ta từ sau Đại hội VI và Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ, dù có những lệch lạc này khác, căn bản vẫn có nhiều khởi sắc. Đảng cởi trói, những người cầm bút tự cởi trói, nhà văn quen dần với dân chủ, hăng hái tham gia vào đời sống văn học và đời sống xã hội như những con người có trách nhiệm thật sự, có động não thật sự. Một không khí đối thoại thẳng thắn, cởi mở bước đầu tạo nên trong giới lý luận phê bình và sáng tác cũng là một hiện tượng không dễ gì có được trước kia. Văn học và đời sống, báo chí và nhân dân, người cầm bút và độc giả trong phạm vi cả nước gắn bó khăng khít tác động, hô hứng với nhau một cách trực tiếp mau lẹ và sôi nổi hơn bao giờ. Tất nhiên trong một thời gian ngắn, chưa thể đòi hỏi một nền văn học mới chuyển mình đã có được nhiều thành tựu xuất sắc. Tuy vậy, trong giới hạn hai năm, những đóng góp của nó phải nói là rất đáng kể: nhiều truyện, ký xuất sắc ra đời. Nhiều cây bút trẻ có điều kiện, xuất hiện, khắp Bắc - Trung - Nam, bước đầu đã khẳng định được tài năng, cá tính, tư tưởng của mình.

Nhưng những người dựng lên lá cờ "phủ nhận" nói trên không chịu thấy như thế. Vì thời đại "hoàng kim" của họ là ở quá khứ chứ không phải ở hiện tại và tương lai. Họ không chiếm được số đông trong giới văn học, nhưng họ rất cần lôi kéo số đông. Vì thế họ lại đánh trống la làng lên cho mọi người hốt hoảng. Một điều đáng chú ý là họ lại đầy tính kích động (hướng lên trên hơn là hướng xuống dưới). Cũng như họ hay quy kết người khác là gây hoài nghi, bi quan, nhưng chính họ lại dường như cố ý gây bi quan đối với tình hình đổi mới văn học hai năm qua và biện pháp họ hay dùng đến nhất vẫn là phóng to, khoét sâu những vấn đề, những "vụ", "việc" này khác. Họ đặc biệt xoáy mạnh vào những "vụ việc" trên báo Văn nghệ: một bài ký, trang thơ gọi là có tính kích động, một số truyện ngắn của Phạm Thị Hoài và nhất là của Nguyễn Huy Thiệp...

Tôi không cho rằng truyện Nguyễn Huy Thiệp là một cái gì tiêu biểu nhất cho phương hướng đổi mới văn học hiện nay. Mà chắc chẳng có ai nghĩ như thế. Chẳng qua là dưới ánh sáng chung của công cuộc đổi mới, mỗi cây bút có những tìm tòi riêng để đóng góp vào nền văn học đang chuyển mình. Những thành đạt bước đầu của một cây bút trẻ như Thiệp là một niềm phấn khởi chung của giới văn học. Nhưng đã gọi là tìm tòi thì tất cả có đúng, có sai, có hay, có dở, có người thích, có người không thích. Không thích, không tán thành xin cứ trao đổi, tranh luận thẳng thắn, nhưng không nên mạt sát, thậm chí đòi xét nhân cách người ta mà không nên phóng đại những chi tiết mình cho là lệch lạc, tục tĩu để cho nó càng thêm lệch lạc, tục tĩu hơn nữa.

Về việc đánh giá những tác phẩm văn học mới ra đời, tôi cho rằng có điều này rất nên lưu ý: trong sự vận động ý thức của con người, tình cảm, bao gồm tình cảm thẩm mỹ, bao giờ cũng chuyển biến chậm hơn nhận thức lý trí rất nhiều. Vì thế cái mới, cái lạ trong nghệ thuật – cả trong đời sống cũng vậy – khi mới ra đời thường khó được chấp nhận ngay, nhất là đối với lớp công chúng có tuổi. Mỗi người chúng ta ai chẳng có biết bao kinh nghiệm về điều này. Bản thân tôi sau 1954, khi ở chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, có một lúc đã không hiểu được tại sao những cô gái có mái tóc dài rất đẹp lại cắt phăng đi để "phi dê"... Có một dạo người ta định nghiêm cấm, thậm chí trừng phạt những thanh niên để tóc dài, mặc quần loe... Nghĩ lại thấy thật độc đoán một cách ấu trĩ. Vì thế trong thưởng thức nghệ thuật không nên chủ quan khăng khăng lấy mình làm chuẩn. Chẳng cần viện đến văn học thế giới, ngay lịch sử văn học nước ta cũng có vô số bằng chứng khiến người đọc văn, thẩm văn phải biết thận trọng. Chẳng hạn, Truyện Kiều có lúc đã bị coi là dâm thư và cô Kiều bị coi là con đĩ. Hồ Xuân Hương chắc còn bị quy kết nặng nề hơn nữa. Có nhà phê bình coi văn Nguyễn Tuân chỉ là thứ văn cô đầu, thuốc phiện, Giông Tố của Vũ Trọng Phụng khi mới ra đời cũng bị lên án. Nhiều bậc phụ huynh đã lớn tiếng khuyên răn con em không nên đọc quyển sách "dâm uế", "bẩn thỉu" này. Và mới gần đây thôi, phim Hà Nội trong mắt ai còn bị cấm, tiểu thuyết Đất trắng (tập I) của Nguyễn Trọng Oánh bị phê phán, truyện Khách ở quê ra của Nguyễn Minh Châu nhiều người không chịu được, còn văn Nguyễn Tuân thì bị chê là có tài nhưng thiếu tâm... Ôi gần đây người ta rất hay nói đến chữ tài và chữ tâm. Tôi cho rằng, tâm và tài có thể tách rời nhau ở đâu đâu ấy chứ khi đã nhập vào trong một áng văn chương thật sự thì làm sao mà tách ra được. Mà chữ "tâm" "cũng có ba bảy đường", cần được hiểu đúng trong những trường hợp khác nhau: Có cái tâm chỉ muốn là một thứ nước ngọt, một lời hát ru êm ái hay một bàn tay mềm mại ve vuốt những mái đầu thơ trẻ. Nhưng có cái tâm lại muốn là một thứ thuốc đắng, thậm chí một ngọn roi quất để thức tỉnh lương tâm những người đã trưởng thành, bắt họ nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào lỗi lầm của mình và nhìn thẳng về tương lai...

Tôi cho rằng, trong công cuộc đổi mới của văn học ngày nay, thị hiếu của công chúng cũng đang chuyển biến và phân hóa mạnh mẽ. Có thị hiếu đã già cỗi, có thị hiếu trẻ trung năng động, có thị hiếu của loại tính cách viên chức khuôn phép xơ cứng, có thị hiếu của những người thô lỗ tục tằn, thiếu văn hóa v.v... Cuộc giao lưu văn hóa rộng rãi ngày nay lại khiến cho một tác phẩm văn chương không chỉ là sản phẩm của một dân tộc mà còn là sản phẩm của nhân loại nữa. Đọc Trăm năm cô đơn, thấy cái tục của Nguyễn Huy Thiệp đã thấm tháp gì. Đành rằng, không phải cứ văn Marquez thì là chuẩn mực. Nhưng chẳng lẽ không đáng liên hệ để ngẫm nghĩ một chút sao? Phẩm tiết có đụng đến nhân vật lịch sử, nhưng đụng đến về phương diện nào cũng phải xem xét kỹ, và nhân vật lịch sử ở đây là nhân vật tồn tại đích thực trong lịch sử hay đã được huyền thoại hóa? Lắm lúc tôi cứ phân vân không biết giữa tiểu thuyết lịch sử và cái gọi là "chính sử" của ta lâu nay đằng nào hư cấu nhiều hơn, đằng nào giàu tính tiểu thuyết hơn? Cố nhiên không được xúc phạm đến tâm lý dân tộc. Nhưng tâm lý dân tộc, ở những khía cạnh lạc hậu của nó cũng phải cải tạo đi chứ?

Nhưng hãy trở lại bức tranh chung của văn học từ sau Đại hội VI đến nay. Tôi vẫn cho rằng, nói gì thì nói, đấy căn bản vẫn là một bức tranh sáng sủa, có nhiều khởi sắc. Cách nhìn bi quan trong bài thơ Lộn trái của Chế Lan Viên hay bài Văn chương "đổi mới" nghĩ mà kinh! của Lê Kim gần đây[9], tôi cho là không nên có. Trong giọng thơ của các anh, cứ thấy như có một cái gì vừa bi quan lại vừa khoái chá thế nào ấy về cái tình trạng lộn tùng phèo của văn học được phóng đại lên.

Tình hình văn học của ta hiện nay quả là có nhiều diễn biến phức tạp. Nhưng đừng bơm to nó lên một cách quá đáng. Không nên báo động giả làm gì. Cho nên hai lá cờ "chống phủ nhận" và "phủ nhận" của những ai đó đã trót dựng lên thì nay nên hạ cả xuống. Tiến tới Đại hội Nhà văn lần IV, chúng ta chỉ cần có một lá cờ thôi: "Đoàn kết thực sự, dân chủ thực sự, đổi mới thực sự".

 

w Nguồn: Sông Hương, Huế (18-1-1989)

 


 

[1] Phê bình văn học trong tình hình mới. Văn nghệ, số 35 (19-8-1987).

[2] Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị không phải là quan hệ giữa hai "bá quyền" trong xã hội, Tạp chí Cộng sản, số 11 (1988).

[3] Về một phương diện của quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Tạp chí Sông Hương, số 31 (5-6-1988).

[4] Tài liệu đã dẫn, trang 52.

[5] Tài liệu đã dẫn, trang 52.

[6] Tài liệu đã dẫn, trang 53.

[7] Tài liệu đã dẫn, trang 9, 10.

[8] Tài liệu đã dẫn, trang 52.

[9] Văn nghệ, số 2 (14-1-1989).

 

Mục lục

18-3-2010