ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 35 (29-8-1987)
PHÊ BÌNH VĂN HỌC TRONG TÌNH HÌNH MỚI NGUYỄN ĐĂNG MẠNH Thời gian gần đây, nhất là trong những ngày này, phê bình văn học nước ta dường như đang vươn lên để tự nhận thức chính xác về mình. Đấy là dấu hiệu đáng mừng của sự trưởng thành. Nó nói đến khuyết điểm là chính, đúng là như vậy, nhưng không phải vì bối rối, hoang mang, cũng không phải để phủ định thành tích của ai, chẳng qua là muốn nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra phương hướng đúng đắn và "Những việc cần làm ngay" để khai thông cho sự phát triển của mình nhằm tác động có hiệu quả tới nền văn học đang chuyển mình. Trước kia, mỗi lần nói đến khuyết điểm trong nội bộ của ta, người viết thường phải rào đón dài dòng. Tôi cho rằng thứ "văn phong rào đón" ấy nay nên thôi đi. Đấy là lối viết khi còn phải nghi kỵ lẫn nhau, nhất là thứ khuynh hướng quy kết, chụp mũ còn đầy uy quyền. Muốn xem xét những vấn đề của phê bình văn học một cách có hệ thống, cần nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của nó trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của nước ta mấy chục năm qua. Hoàn cảnh ấy đặt cho nó hai yêu cầu cơ bản sau đây: Một là phải phục vụ cho việc xây dựng nền văn học mới trên cơ sở chủ yếu là cải tạo nền văn học hợp pháp dưới chế độ cũ nặng tính chất tư sản, tiểu tư sản, trong đó những xu hướng thoát ly hiện thực, thoát ly chính trị, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân chiếm ưu thế, nhất là từ 1940 đến 1945. Yêu cầu của việc xây dựng nền văn học mới trong tình hình ấy, tất nhiên trước hết là phải cắm chặt nó vào trung tâm của đời sống nhân dân và xiết chặt nó vào trong guồng máy cách mạng. Trong một thời gian dài, vấn đề đối với các nhà văn chưa phải là chuyện sáng tác, chưa phải là chuyện làm nghệ thuật cho hay, mà là cải tạo tư tưởng, thanh toán các thứ "rớt" tiểu tư sản, hòa cái "tôi" riêng vào cái "ta" chung của "đoàn thể", của đại chúng. Tất nhiên cũng cần tính đến kinh nghiệm của xu hướng văn học cách mạng 1930-1945 vẫn được xem như tiền thân của nền văn học mới. Nhưng đây là xu hướng nặng tính chất tuyên truyền chính trị trực tiếp. Không kể một số ngoại lệ, nó chưa phải là sáng tác văn chương đích thực. Hai là nó phải kết hợp với sáng tác, tập trung vào việc phục vụ hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ kéo dài suốt trong 30 năm. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã tác động mạnh mẽ vào đời sống ý thức của dân tộc bao gồm quan niệm về con người và về văn học nghệ thuật. Trong chiến tranh, con người không thể sống một cách bình thường với mọi nhu cầu phong phú, toàn diện của nó. Chuyện đời thường, đời tư, chuyện cá nhân phải dẹp bớt, nếu cần, phải xóa hẳn đi. Mỗi cá nhân, dù muốn hay không, phải sống trước hết với con người công dân, con người chính trị của mình, bởi vì phải luôn luôn đặt mình trong quan hệ trực tiếp với sự mất còn của Tổ quốc, của chế độ. Chưa có độc lập tự do, còn thằng Mỹ thì không ai có hạnh phúc nổi cả, anh Trỗi đã nói với chị Quyên như vậy. Trong chiến tranh, yêu cầu của con người về mặt nhận thức cũng đơn giản. Chân lý lớn nhất là phân rõ địch ta. Địch là bọn xâm lược và lũ bán nước. Phải luôn luôn mài sắc cảnh giác với địch. Còn ta là toàn dân đánh giặc, là một khối đoàn kết và tin tưởng. Trong chiến tranh, tâm trí con người luôn luôn phải hướng về kẻ địch và nhằm vào hành động tức thời, nên ít có điều kiện ngẫm nghĩ sâu sắc về bản thân mình. Đời sống nội tâm của con người vì thế, dường như cũng trở thành đơn giản hơn. Trong chiến tranh hầu như mỗi người dân thường đều luôn luôn phải sống căng lên hết mức để có thể đương đầu với những thử thách ác liệt nhất và nếu cần, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu như một người anh hùng. Vì thế công tác tuyên truyền cổ động không bao giờ được lơi lỏng. Văn học nghệ thuật thời chiến trước hết phải làm nhiệm vụ ấy. Phải cổ vũ lòng tin và dũng khí. Chưa nên nói nhiều về phía phức tạp của con người và phải dè dặt khi đề cập đến cái đau, nỗi buồn, nhất là những mâu thuẫn có tính bi kịch trong xã hội mới. Tuyên truyền thì phải theo sát đường lối chính trị, bám sát từng sự kiện, cổ vũ kịp thời từng chiến công... Giá trị nghệ thuật đạt được càng cao càng tốt, nhưng nếu chưa đạt được thì cũng phải thể tất. Nhớ lại hồi ấy có người nghĩ rằng, thôi thì lúc đói, có sắn có khoai cũng tốt. Thực ra ví von như thế chỉ thích hợp với thứ văn tuyên truyền chính trị trực tiếp, còn nếu là văn học nghệ thuật thật sự thì phải xem là khập khiễng. Cần nhớ rằng, trong lĩnh vực của cái đẹp, tác phẩm kém phẩm chất chỉ là con số không. Maiakovski nói: "Với tôi, một tác phẩm thơ ca hoàn chỉnh là một vũ khí". Ở ta, thường chỉ nói: "Văn học là vũ khí". Điều đó có lẽ cũng phản ánh thái độ nhân nhượng nói trên về chất lượng nghệ thuật trong hoàn cảnh văn học trước hết phải làm nhiệm vụ tuyên truyền kịp thời chăng? Tất cả những điều phân tích trên đây có thể xem như cơ sở tâm lý xã hội, có tác động tới ý thức văn học thời kháng chiến, giải thích vì sao trong đời sống văn học, nói riêng trong giới lý luận phê bình mấy chục năm qua có thể xuất hiện những quan niệm giản đơn thô thiển về văn học như coi nhẹ đặc trưng của văn học nghệ thuật, hạ thấp vai trò cá tính sáng tạo của người cầm bút, đề quá cao loại truyện ghi chép đơn giản người thật việc thật, chủ trương tác phẩm chỉ nêu có một bình diện nghĩa và nghĩa phải thật rõ ràng, quan niệm thời đại mới không có bi kịch, quy chụp nặng nề những tác phẩm nói về mặt tiêu cực của xã hội hoặc đề cập đến chuyện đời tư, đời thường hay nội tâm ít nhiều phức tạp của con người v.v... Nhìn một cách khái quát, đây là xu hướng đồng nhất chính trị với văn học, đồng nhất tuyên truyền với văn học, thể hiện dưới những dạng khác nhau và ở những mức độ khác nhau. Vì thế đây cũng là khuynh hướng đồng nhất hoạt động tuyên huấn hiểu theo nghĩa hẹp của danh từ. Tôi không cho rằng đây là xu hướng phê bình duy nhất ở nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám. Phê bình nếu có thể xem như ý thức triết học của văn học một thời đại thì nó không chỉ là sự khái quát trực tiếp và giản đơn ý thức và tâm lý xã hội của thời đại tương ứng với nó. Nó bao giờ cũng còn là sự kế thừa những tư liệu tư tưởng của người đi trước, nghĩa là truyền thống tư tưởng văn nghệ của cha ông (cha ông ta hiểu văn chương rất sành sỏi, tinh tế) – cố nhiên kế thừa có chọn lọc, cải tạo đổi mới. Mặt khác nếu nó chịu khó bám sát thực tế đời sống, cũng như thực tiễn sáng tác, chịu khó đọc sách vở nước ngoài và suy nghĩ một cách trung thực, thì những quan niệm giản đơn thô thiển nếu có cũng có thể được chỉnh lý bớt đi. Sự chỉnh lý này càng có điều kiện thuận lợi, từ khoảng trước sau năm 1960, khi hòa bình được lập lại trên niềm Bắc và Đảng, cùng với việc đưa nửa nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đề ra việc xây dựng một nền văn nghệ phát triển toàn diện và có chất lượng thật sự. Đây là lúc đồng chí Lê Duẩn phát biểu về quy luật riêng của nghệ thuật, đồng chí Trường Chinh yêu cầu tác phẩm văn học có tính đảng phải đạt trình độ nghệ thuật cao, đồng chí Phạm Văn Đồng chủ trương đã là văn chương thì phải đảm bảo 100% nội dung tư tưởng, 100% hình thức nghệ thuật... Nhưng, phải nói rằng, khuynh hướng phê bình trung thực, khoa học, chú ý đến đặc trưng của đối tượng và bám sát đời sống văn học, dù có khởi sắc dần lên và ngày càng tạo ra được những bài viết có giá trị, vẫn chưa bao giờ chiếm được ưu thế trong đời sống văn học. Một phần vì cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vẫn tiếp diễn và ngày càng ác liệt hơn khi giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc và những yêu cầu hạn hẹp của đời chiến đối với văn nghệ vẫn tạo không khí thuận lợi cho sự tồn tại của những quan niệm giản đơn sơ lược nói trên. Phần khác, vì tình trạng thiếu dân chủ đã kéo dài trong đời sống văn học. Đây có lẽ là nguyên nhân chính. Tình trạng thiếu dân chủ này có nhiều lý do vượt ra ngoài phạm vi bàn bạc và lý giải của bài viết này. Nguồn gốc sâu xa của nó đã được đồng chí Trường Chinh và đồng chí Nguyễn Văn Linh phân tích trong bản Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ VI và bài diễn văn đọc tại cuộc họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII. Nhưng nếu chỉ đề cập đến lý do riêng nảy sinh trong đời sống văn học thì tôi cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng chính là quan niệm giản đơn thô thiển về văn học đã nói ở trên, trong đó khuynh hướng bao trùm hơn cả là do đồng nhất chính trị với văn học, với nghệ thuật, đồng nhất phê bình văn học với công tác tuyên huấn. Khuynh hướng ấy tất nhiên dẫn tới cái logic này: thẩm quyền cao hay thấp của nhà phê bình tùy thuộc ở cấp bậc chính trị cao hay thấp của ông ta. Cái gọi là khoa học, là chuyên môn, là năng khiếu phê bình văn học bị coi rẻ – chưa nói còn dễ bị quy kết là chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mỹ... Một cán bộ chính trị cấp cao phát ra một nhận xét nào đó, dù không có cơ sở nghiên cứu gì, cũng có thể quyết định rất gọn số phận một tác phẩm nghệ thuật, giữa cấp lãnh đạo chính trị và quần chúng văn nghệ sĩ không có tranh luận bình đẳng. Một số người lãnh đạo vì thế cho phép ăn nói thiếu thận trọng, thậm chí nạt nộ một cách hống hách. Người ta thích nói một cách chung chung: quần chúng là vĩ đại, nhưng đối với những quần chúng cụ thể thì lại coi như trẻ con. Người ta thích nói một cách chung chung; nền văn nghệ của ta đã trưởng thành, văn nghệ sĩ của ta là những chiến sĩ, những anh hùng nhưng đối với những văn nghệ sĩ cụ thể thì lại coi như con nít. Từ đó có lối lãnh đạo bằng mệnh lệnh cá nhân (nhiều khi không cần văn bản) và nói chung thiên về cấm đoán, ngăn chặn, "gác cổng" (!), nghĩa là sẵn sàng bật nhiều loại đèn đỏ mà rất dè dặt khi bật đèn xanh cho văn nghệ phát huy hết khả năng sáng tạo của nó. Tình trạng ấy tất đẻ ra và khuyến khích chủ nghĩa cơ hội trong phê bình văn học. Đây là lối phê bình thiếu trung thực, thường làm ra vẻ hăng hái bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng và nhiệt tình đối với thành tựu của nền văn nghệ mới, kỳ thực chẳng tha thiết với cái gì thật sự ngoài quyền lợi ích kỷ của mình. Thủ đoạn tiến thân của họ là nghe ngóng, đón ý người có chức có quyền để trích dẫn, minh họa, tâng bốc. Họ sẵn sàng xếp ngôi thứ văn học theo chức quyền cao hay thấp hoặc người có khả năng ủng hộ mình nhiều hay ít. Họ gây rối trong việc xác định giá trị đích thực của văn chương. Họ hướng về cấp trên mà viết và rất coi thường dư luận công chúng đông đảo. Đối với người đang bị xem là "có vấn đề" thì luôn luôn bới móc, mạt sát theo lối "bảo hoàng hơn vua" v.v... Số người này thực ra không nhiều lắm và phần lớn văn nghệ sĩ không ưa, nhưng trong tình hình thiếu dân chủ, họ vẫn có uy thế và ảnh hưởng không nhỏ trong một thời gian dài. Đối với sự phát triển lành mạnh của lý luận phê bình, tình trạng mất dân chủ cố nhiên là có hại. Phê bình không dám có suy nghĩ gì lớn đành phát huy chuyên môn và tài ba vào việc bình văn, giảng văn, hay phát hiện bút pháp phong cách của những nhà văn đã được định giá chắc chắn. Trong tình hình ấy, lý luận còn chậm phát triển hơn nữa. Vì lý luận không dám có những suy nghĩ khái quát lớn bằng cái đầu của mình thì biết làm gì nữa? Bielinski nói: "Tầm quan trọng của những vấn đề lý luận phụ thuộc vào quan hệ của chúng đối với hiện thực". Chính trong những trường hợp đứng trước những vấn đề do thực tế đời sống văn học đặt ra, lý luận mới bộc lộ đầy đủ sự yếu kém của nó. Cuộc thảo luận về thể ký hồi nào là một ví dụ. Những bài viết, những tập sách có tính chất tổng kết văn học thường hết sức hời hợt, công thức là những ví dụ khác... Từ 1975 đến nay, tuy bọn xâm lược vẫn còn đe dọa ở biên giới, đất nước ta về căn bản đã chuyển sang sinh hoạt hòa bình. Từ hoàn cảnh không bình thường thời chiến con người trở về cuộc sống bình thường. Những yêu cầu mới của lịch sử, những nhu cầu tinh thần phong phú, toàn diện của con người, của cá nhân buộc văn học phải chuyển mình. Khuynh hướng phê bình giản đơn, sơ lược, chủ quan độc đoán, trong thời chiến còn có thể "chịu" được, nay trở thành trói buộc quá. Không khí dân chủ được khơi dậy nhất là từ thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay đã kích thích văn học chuyển mình. Chuyển trước hết là sáng tác vì sáng tác trực tiếp với đời sống thực tế vốn có tính năng động hơn. Phê bình thì mãi gần đây mới thấy chuyển và hình như vẫn còn phân vân, dè dặt. Một số người quá "thấm nhuần" những quan niệm giản đơn sơ lược nảy sinh trong hoàn cảnh bất bình thường thời chiến, nay đứng trước những chuyển biến của văn học trong hoàn cảnh bình thường, đâm ra hoang mang, bối rối, nhưng vì không tự biết như thế, lại gán luôn cái hoang mang, bối rối ấy cho người khác. Lại có một số người do sự nghiệp gắn quá chặt với lối nghiên cứu, phê bình công thức sơ lược và dựa thế, ỷ quyền, nảy sinh ra buồn bực, chỉ sợ thành tích của mình bị phủ nhận... Nhìn chung phải nói rằng phê bình hiện nay dù là thuộc khuynh hướng ít bảo thủ nhất vẫn chưa kịp trang bị đủ cho mình một trình độ lý luận sâu sắc hiện đại, có hệ thống, một khả năng cảm thụ vừa chắc chắn vừa nhạy bén những giá trị nghệ thuật. Nhưng điều quan trọng đáng ghi nhận là nó đang chuyển mình và đang quyết vươn lên để xứng đáng với vai trò của nó trong tình hình mới. Điều kiện tiên quyết giúp nó có thể vươn lên được là đảm bảo quyền dân chủ thật sự trong đời sống văn học, trong suy nghĩ tranh luận và sáng tạo. Mọi người đều được nghĩ một cách nghiêm túc bằng cái đầu của mình và sự cọ xát ý kiến sẽ làm nẩy ra chân lý. Tôi cho rằng không khí dân chủ ấy đã có, nhưng còn cần được khơi dậy sôi động hơn nữa.
w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 35 (29-8-1987) 4-4-10 |