ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Văn nghệ, Hà Nội, số 49&50 (5-12-1987)

 

 

ĐỂ VĂN NGHỆ TA CÓ ĐƯỢC
NHIỀU ĐỈNH CAO VÀ PHONG PHÚ

 

NGUYỄN HỒNG PHONG

 

Tôi muốn đưa thêm vào một cách giải thích vì sao văn nghệ ta còn nghèo so với thực tiễn phong phú của xã hội ta, câu hỏi mà đồng chí Tổng Bí thư đặt ra.

Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, qua hai cuộc kháng chiến chúng ta đã có một nền văn nghệ phong phú, có ý nghĩa thời đại. Tuy nhiên, cái mà chúng ta thiếu là những đỉnh cao sáng tác ở tất cả các lĩnh vực.

Các nước xã hội chủ nghĩa đã khẳng định tính ưu việt ở việc phổ biến những giá trị của gia tài văn hóa của dân tộc và nhân loại trong quá khứ đến quảng đại quần chúng. Nhưng nhiệm vụ quan trọng hơn nữa là phải tiếp tục các nhà cổ điển trước, xây dựng thêm những đỉnh cao mới của nền văn học nghệ thuật của ta.

Điều kiện của sáng tạo nghệ thuật là tự do sáng tác. Không có tự do sáng tác ở mức độ cần thiết, không thể có tác phẩm lớn. Trường hợp những tài năng sáng tạo lớn trong nghệ thuật xưa nay đều như thế. Nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa cũng không ra ngoài quy luật này. Lênin nói: "Trong lĩnh vực văn học nhất thiết phải để tự do rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho khuynh hướng cá nhân, cho sự phát triển của tư duy và óc tưởng tượng, cho hình thức và nội dung".

Những nhân tố nào đã cản trở tự do sáng tạo trong lĩnh vực văn nghệ?

 

Người kỹ sư tâm hồn đầy mặc cảm

Văn nghệ sĩ được coi như có một vị trí cao cả là "kỹ sư của tâm hồn". Văn nghệ có sứ mạng giáo dục, nhưng trong một thời gian dài sau Cách mạng Tháng Tám, bản thân văn nghệ sĩ lại bị đặt trong một tình thế đầy mặc cảm.

- Mặc cảm ở sự không vững vàng về lập trường quan điểm do thành phần tiểu tư sản trí thức của mình. Rằng họ thường xuyên phải học tập công nông, lúc nào cũng có thể sai lầm hoặc nghiêng ngả nên luôn luôn phải được kèm cặp, uốn nắn, cải tạo.

- Người trí thức văn nghệ sĩ lại còn bị mặc cảm ăn bám nữa. Người ta luôn luôn nhắc họ rằng họ phải biết ơn người nông dân làm ra hạt gạo, người công nhân dệt vải, rằng chỉ có lao động chân tay mới tự cải tạo được trí thức. Khi đã đặt lao động chân tay lên trên lao động trí óc, lao động giản đơn lên trên lao động phức tạp, coi việc làm ra hạt gạo, dệt ra tấm vải khó khăn vất vả hơn sáng tạo ra một bản nhạc, một bức tranh, một cuốn truyện thì làm sao đề cao được vai trò của văn nghệ, khuyến khích tìm tòi sáng tạo? Nếu Nguyễn Trãi, Nguyễn Du mà có mặc cảm như thế, hoặc Tolstoi, Chékhov cũng có mặc cảm như thế khó có thể sáng tạo nên những tác phẩm có tầm cỡ lớn lao như thế, có sức mạnh giáo hóa tâm hồn nhiều thế hệ như thế.

Trong mặc cảm sai lầm hoặc "tội lỗi" như thế, tốt nhất hãy là người ngợi ca. Ngợi ca thì không sợ hãi, tha hồ quá lời, không sợ ai bắt bẻ.

Mặc cảm sai lầm càng tăng cường, đến mức làm khô cạn tiềm năng sáng tạo, do lề lối lãnh đạo văn nghệ kiểu quan liêu.

 

Khắc phục chủ nghĩa quan liêu độc đoán

Để khắc phục chủ nghĩa quan liêu trong lĩnh vực quản lý văn nghệ, cần lưu ý các vấn đề sau:

1 - Đảng lãnh đạo là qua những cán bộ Đảng ở các cấp. Những cán bộ này thường là những trí thức hoặc văn nghệ sĩ được đề bạt. Họ có thể thích hay không thích tác phẩm này nọ, họ có thể khen hay chê với tư cách là cá nhân. Nhưng những cá nhân ấy khi nhân danh Đảng thì họ không thể đem ý kiến cá nhân thành những nguyên tắc, thành quan điểm của Đảng.

Ngày hôm qua khi còn là trí thức, văn nghệ sĩ bình thường thì ý kiến của họ cũng như mọi ý kiến khác. Nhưng khi cá nhân ấy trở thành người lãnh đạo thì họ tự coi mình là người đã nắm được chân lý, phân phát chân lý cho mọi người. Sự lẫn lộn giữa cá nhân và người lãnh đạo đã gây nên tình trạng rối ren và trì trệ trong sự đánh giá tác phẩm nghệ thuật.

2 - Trong lĩnh vực của hình thức, của sự sáng tạo nghệ thuật, nói chung Đảng không can thiệp, nhưng khi coi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác của văn học xã hội chủ nghĩa, thì cũng cần phải hiểu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như thế nào, tuy không mở rộng nó vô bờ bến, coi "mọi nghệ thuật đều là hiện thực", nhưng cũng không giải thích chủ nghĩa hiện thực một cách chật hẹp.

Tôi nhớ không rõ là Louis Aragon hay Angdere Xtin cách đây mấy chục năm trong tham luận ở hội nghị Đảng Cộng sản Pháp về tư tưởng và văn hóa đã nói: Khi một họa sĩ trình bày những ánh sáng của giấc mơ, một họa sĩ khác vẽ ra những di động nhịp nhàng của gió luồn qua cành cây, một họa sĩ thứ ba trình bày nội tâm của mình chứ không trình bày cái bề ngoài của mình, ai dám nói đấy không có tính hiện thực. Nhưng người theo chủ nghĩa hiện thực phải có quyền được sử dụng mọi phương pháp tìm tòi. Cũng không nên có thái độ hẹp hòi phủ nhận mọi phương pháp sáng tác khác, khi chủ nghĩa biểu hiện có thể đẻ ra kiệt tác Ghéc-ni-ca, chủ nghĩa siêu thực có thể đẻ ra thiên tài Sagan, và cả chủ nghĩa trừu tượng nửa vời...

Nếu Đảng không can thiệp vào các vấn đề hình thức thì Đảng phải can thiệp vào các vấn đề thuộc về nội dung tư tưởng. Tuy nhiên cả ở đây nữa cũng cần tránh quan điểm sơ lược.

Ở tác phẩm nghệ thuật có trình độ cao: điều tác giả muốn nói (ý đồ, tư tưởng) với điều tác giả đã nói ra (ngôn ngữ, hình thức biểu hiện) chỉ là một. Lev Tolstoi đã có lần nói: "Nếu tôi muốn nói ra bằng lời tất cả những gì tôi thể hiện bằng tiểu thuyết thì tôi sẽ phải viết lại chính cái cuốn tiểu thuyết tôi đã viết xong"... "còn cái nhà phê bình có thể hiểu và nói bằng lời trong tiểu luận của họ thì tôi mừng cho họ".

Bản thân hình tượng nghệ thuật vốn có nhiều mặt và đa nghĩa. Đi tìm những tiêu chuẩn từ bên ngoài tác phẩm để xác định tiêu cực hay tích cực, tiến bộ hay lạc hậu không đơn giản, trừ những tác phẩm có luận đề được diễn tả một cách trực tiếp theo kiểu văn học giáo huấn. Sau cách mạng, có một thời Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân được xếp vào loại lạc hậu, tiêu cực về mặt tư tưởng so với Tắt đèn hay Bước đường cùng. Nhưng vì sao tác phẩm này lại được công chúng Liên Xô ưa thích, và các nhà văn lớn như Ximonov hay Evtusenco coi như một tác phẩm cổ điển.

3 - Quan niệm về chức năng của văn nghệ cũng có liên quan đến sự đánh giá tác phẩm.

Ngoài việc lấy đề tài chính trị, thời sự, văn nghệ còn đề cập các vấn đề của con người. Những tác phẩm văn nghệ nào thông qua các đề tài chính trị, thời sự mà đi sâu vào các vấn đề của con người, đều trở thành các tác phẩm có giá trị lâu dài, như nhiều tác phẩm của Etsin, Shakespeare, Victor Hugo v.v... Đỏ và đen của Stendhal là một tác phẩm lấy đề tài thời sự. Ngày nay khi đọc nó người ta không thấy tính thời sự nữa, chỉ thấy những vấn đề nhân văn.

Nghệ thuật có chức năng giáo dục, nghệ thuật còn có chức năng giải trí, nó đem lại niềm vui cho con người. Chúng ta đã có một mỹ học của nghĩa vụ - nâng cái đẹp của đạo đức lên trình độ thẩm mỹ. Chúng ta cũng cần có một mỹ học của những nhu cầu con người, những niềm vui của con người. Chủ nghĩa khổ hạnh lên án các nhu cầu vật chất, đề cao nhu cầu tinh thần, còn chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chân chính thì coi thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người là mục đích cao nhất. Không thể coi những bài thơ chỉ nói về tình yêu thôi, những bài văn nói về hương vị của giò chả và phở, lại kém những bài tả vẻ đẹp của các loài hoa và phong cảnh nên thơ, huy hoàng của thiên nhiên đất nước.

 

Văn nghệ và đại chúng

Văn nghệ phải phục vụ đại chúng và được đại chúng hiểu. Chân lý này không ai bác bỏ. Nhưng ngoài thứ văn nghệ đại chúng còn có văn nghệ nhằm vào công chúng có trình độ cao. Các tác phẩm được giải thưởng nghệ thuật cao trong các liên hoan quốc tế, có khi lại không ăn khách, vì đại chúng không hiểu và không ưa thích nó.

Nhà thơ Maiakovski nói "Bản chất văn nghệ không đại chúng. Nó trở thành đại chúng là do tuyên truyền". Thơ Maiakovski lúc đầu rất ít người hiểu và hoan nghênh. Mác nói âm nhạc sẽ vô ích đối với cái tai không hiểu âm nhạc. Với những người chưa được giáo dục về âm nhạc hiện đại thì nhạc giao hưởng chỉ là những tiếng động đắt tiền. Hội họa cũng vậy, Picasso đã có lần nói với Phadeev khi nhà văn trách họa sĩ hay dùng những hình thức khó hiểu, là phải học hội họa thì mới hiểu được hội họa. Cho nên không thể lấy sự đánh giá của đại chúng làm tiêu chuẩn của sự sáng tạo. Cả ở đây nữa, cũng không thể "đa số thắng thiểu số", lấy "chúng khẩu đồng từ" làm chân lý.

Chúng ta phân biệt thưởng thức nghệ thuật với hiểu và phê bình nghệ thuật là khác nhau. Quần chúng đông đảo có thể thưởng thức được nghệ thuật, nhưng chỉ những người có trình độ văn hóa và chuyên môn mới hiểu và phê bình được nghệ thuật. Đại chúng hóa không có nghĩa là hạ trình độ của số ít xuống trình độ của số đông, mà là nâng trình độ số đông lên trình độ của số ít.

Có một lần Lênin nói về Tolstoi: "Trước bá tước này chưa hề có một người nông dân đích thực trong văn học Nga". Nhưng nông dân Nga đã không đọc Anna Carenina, vì lý do họ mù chữ và văn hóa thấp. Đến nay độc giả của Tolstoi gấp trăm lần ở thời ông, vì cả nông dân, công nhân hiện nay đã có trình độ văn hóa để hiểu được Tolstoi.

Người có trách nhiệm nâng cao trình độ đại chúng lên trình độ tác phẩm nghệ thuật là những văn nghệ sĩ, bằng chính tác phẩm của họ. "Nghệ thuật phải sáng tạo ra một công chúng cảm thụ được nghệ thuật và có khả năng thưởng thức cái đẹp". (C. Mác).

 

Vấn đề dân chủ hóa trong hoạt động văn nghệ

Giới văn nghệ phải tham gia cuộc vận động dân chủ chống chủ nghĩa quan liêu. Bản thân giới văn nghệ cũng phải đẩy mạnh dân chủ hóa trong hoạt động của mình.

Để tạo không khí lành mạnh dân chủ trong sáng tác, phê bình, cần chống chủ nghĩa giáo điều đủ các loại: giáo điều kinh điển, giáo điều sách giáo khoa, giáo điều ý kiến các nhân vật chính trị, văn hóa... Đồng thời cho phép giới lý luận có quyền được sai lầm như một nhà bác học ở Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã đề ra cách đây ít lâu. Quyền được sai lầm gắn liền với trách nhiệm sửa chữa sai lầm để tiếp cận chân lý. Bởi vì trong mọi sự tìm tòi để nhận ra chân lý, sai lầm đến trước. Không phải là người tài giỏi, uyên bác có thể đi thẳng đến chân lý không qua sai lầm. Chân lý trong khoa học là những sai lầm được sửa chữa. Sửa chữa sai lầm là con đường tiếp cận chân lý, không có con đường nào khác. Nếu cấm sai lầm và thành kiến với sai lầm thì chỉ khuyến khích các nhà nghiên cứu rút lui vào hậu phương an toàn của những chân lý cũ đã được chứng minh. Khuyến khích chủ nghĩa giáo điều làm cho học thuật lâm vào tình trạng trì trệ.

Trong sáng tạo nghệ thuật quyền sai lầm là trách nhiệm sửa chữa sai lầm trở thành quyền được tìm tòi, thể nghiệm, kể cả những tìm tòi thể nghiệm táo bạo nhất, với những thành công hay thất bại. Đảng không khuyến khích sự sáng tạo bằng cách tuyên truyền ầm ĩ bất cứ cái gì là mới. Bởi vì không phải bất cứ cái gì là cũ đều là sai và lỗi thời, bất cứ cái gì mới đều là hay và tiến bộ. Đảng chỉ ủng hộ sự tìm tòi bằng cách ngăn chặn sự tấn công vào bất cứ cái gì là mới, là lạ, là khác thường. Còn sự đánh giá đúng và sai, hay và dở, Đảng để cho các hội đồng nghệ thuật giới sáng tác và phê bình bàn cãi và cuối cùng là sự thử thách qua công chúng và qua thời gian.

 

Dân tộc và hiện đại

Sự vật không thể tự vận động và phát triển. Nó chỉ vận động và phát triển trong mối liên hệ với những cái khác. Liên hệ có nghĩa là tương tác, chuyển qua lẫn nhau và đó là động lực phát triển. Cũng như trong lĩnh vực kinh tế, muốn đổi mới và phát triển ta phải tiếp thu được thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và gia nhập và quá trình xã hội hóa sản xuất (phân công quốc tế) trên thế giới. Về văn hóa nghệ thuật ngày nay cũng chỉ có thể đổi mới và phát triển trong quá trình đối thoại giao lưu với các nền văn hóa trên thế giới nhất là với nền nghệ thuật hiện đại của các nước công nghiệp phát triển cao. Sẽ có một cuộc đụng độ không tránh khỏi giữa văn hóa nhập từ các nước công nghiệp phát triển với những giá trị văn hóa truyền thống. Đấy là vấn đề cần phải giải quyết trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Nếu giải quyết không tốt sẽ dẫn đến cái chết của văn hóa. Hoặc là chết trong sự co mình lại trong nền văn hóa truyền thống cổ sơ. Hoặc là chết trong sự tha hóa, mất văn hóa khi lấy văn hóa nhập thay cho văn hóa truyền thống.

Theo ông Toynbee nhà văn minh sử nổi tiếng thế giới thì Việt Nam là một trong 34 nền văn minh mà nhân loại đã biết. Nhà thơ lớn nước Pháp Aragon đã coi Việt Nam là một dân tộc lớn (grand peuple). Nhưng hiện nay Việt Nam là một trong 10 nước nghèo nhất trên thế giới. Thế hệ trẻ ngày nay không tự hào với cái nghèo như thầy Mạnh Tử: "Kẻ kia cậy giàu ta cậy cái nhân của ta, kẻ kia cậy sang ta cậy cái nghĩa của ta...". Họ cảm thấy cái khổ nhục của sự nghèo và kiên quyết tìm con đường khắc phục cái nghèo, làm cho đất nước giàu có. Nhân tố quyết định sự đổi mới là con người. Nền văn nghệ đóng vai trò hàng đầu trong việc vun trồng con người mới, phát huy cao nhất năng lượng con người trong sự nghiệp canh tân đất nước.

Tiền đề của cuộc đổi mới là cuộc vận động dân chủ mở ra từ Đại hội VI, bắt đầu tiến hành trong lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội nay nó mở ra cho hoạt động văn hóa nghệ thuật. Cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Tổng Bí thư với anh em văn nghệ sĩ là cái mốc đánh dấu một giai đoạn mới đầy triển vọng, của sự phát triển nền văn nghệ nước ta.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 & 50 (5-12-1987)

 

 Mục lục

 

7-2-08