ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Sông Hương, Huế, số 42-1990

 

KHOẢNG TRỐNG AI LẤP ĐƯỢC
TRONG TƯ TƯỞNG NHÀ VĂN

NGUYỄN HUY THIỆP

Khi gặp nhiều nhà văn ở ta, tôi thường ngạc nhiên trước thái độ khinh bạc của họ với lý luận phê bình văn học. Tôi không thích thái độ khinh bạc ấy, mặc dù thái độ ấy của họ có thể giải thích được.

Đã có nhiều người hỏi tôi: "Có đúng anh sáng tác từ trực giác phải không?". Thường khi ấy tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Người đối thoại với tôi không hiểu rằng chỉ có chó, mèo, chuột cống, chuột xù, chuột bạch, bọ, chó, gà, chó sói, tóm lại là các con vật, súc vật, thú vật... họa chăng mới có quyền tự do tuyệt đối là muốn làm gì thì làm; chứ đã là con người xã hội, sống trong một đơn vị thể chế nào đó là chớ có hòng! Chúng ta đang sống trong một môi trường cay đắng, đầy những thành kiến ràng buộc. Mọi hành động của chúng ta đều bị trực tiếp kiểm soát, gián tiếp kiểm soát và tự kiểm soát. Không nên ảo tưởng và tôi thành thực khuyên những ai cả gan cầm bút phải luôn giữ được sự tỉnh trí lạnh lẽo trong óc, còn trái tim nóng bỏng, đấy lại là chuyện khác.

Một nhà văn, một người sáng tác phải coi lý luận phê bình như sự tự ý thức của anh ta. Tính chất khoa học trong công việc của nhà văn là ở chỗ này. Chỉ có những nhà văn - "nhà bác học" mới hòng xây dựng được những tác phẩm thiên tài. A. Puskin đã từng như thế một cách xuất sắc. H. Balzac đã từng như thế một cách khổ sở. L. Tolstoi đã từng như thế một cách trắng trợn và có phương pháp. Ở phương Đông: Vương Nguyên Mỹ, Thi Nại Am, La Quán Trung, Ngô Thừa Ân... đã từng như thế một cách thản nhiên.

Tôi nhớ có một đệ tử đã hỏi Khổng Tử rằng, ông sẽ làm gì trước hết, nếu ông được dự vào việc chính trị. Khổng Tử nhăn trán càu nhàu: "ắt phải chính danh trước." Tôi cho rằng đó là một tư tưởng thiên tài.

Ở đây, hình như nghĩa "chính danh" của một nhà văn là toàn bộ thần thái tạo nên hình ảnh tác phẩm của anh ta. Thực ra, tôi cũng bị rối trí khi diễn đạt ý này. Tôi muốn nói là nhà văn cũng phải viết trên một cơ sở lý luận, một quan niệm nhất định, V. Lênin từng nói: "Không có lý luận cách mạng thì không có cách mạng". Tư tưởng đó đúng với cả nhà văn. Về khía cạnh nào đó cũng có thể coi nhà văn như một nhà cách mạng. A. Puskin từng như thế, N. G. Chernyshevski đã từng như thế, Lỗ Tấn đã từng như thế. V. Hugo đã từng như thế...

Xây dựng hệ thống lý luận cho công việc sáng tác có ba bảy đường: Lý luận gì? Lý luận thế nào? Tất cả những điều này là thước đo giá trị thực sự của nhà văn.

Đối tượng của văn học là con người. Văn học là khoa học về con người. Tôi không tin những nhà văn không có lý lẽ xác đáng về con người có thể viết hay được. Song, "những lý lẽ xác đáng" ấy ở ngay những nhà văn vĩ đại cũng vụn vặt, đầy thành kiến và bị giới hạn.

Các nhà tư tưởng phương Đông coi tính bản thiện là hạt nhân cơ bản tạo nên con người. Điếu ấy sâu sắc không chỉ bởi tính nhân văn đơn thuần. Khi con người sinh ra họ tự yên tâm về mình. Điều ấy có sức nâng đỡ cả cuộc đời. Có lẽ, điều kiện để cho mọi người đạt tới chính danh chỉ đơn giản có vậy thôi, chẳng thừa mà cũng không thiếu. Tất cả truyền thống phong nhã trong giáo dục phương Đông đều lưu tâm đến việc dạy cho trẻ nhỏ ý thức thương người và biết cách phân biệt giữa nghĩa và lợi. Làm việc nghĩa, ấy là vô thượng mệnh lệnh. Làm mà không vì gì cả, biết chẳng được mà cứ làm, biết thất bại mà cứ làm, kết quả ở mệnh chứ không ở tiền bạc hay sự lừng danh. Thực ra, sự lừng danh nào cũng tê buốt. Trí tuệ dân gian - vốn thực tế - đã đo danh bằng đơn vị vật chất: "Mua danh ba vạn". Lão Tử nói về điều này uyên bác và hiểm hóc hơn: "Đạo hữu đạo vô thường đạo, danh hữu danh vô thường danh".

Tìm hiểu về các nhà văn và giới trí thức ở ta, tôi thấy khâm phục trí thông minh, sự hiểu biết, vẻ duyên dáng cũng như óc hài hước của một số người. Nhưng khi xem xét tiểu sử cuộc đời và trước tác của họ, tôi đau lòng nhận ra đa số không vượt qua được tình trạng người xưa đặt tên cho họ là "kẻ sĩ giỏi văn". Khổng Tử nghiêm khắc hơn gọi họ là đồ "cuồng giản" (có chí lớn nhưng sơ sài với công việc). Sự giới hạn của các cá nhân siêu việt nằm ở bốn chữ "bác văn ước lễ" tức là học rộng nhưng tóm lại bằng lễ. "Lễ" ở đây hiểu là toàn bộ chuẩn mực trong nhân cách ứng xử giữa phạm vi nhân quần, cách thức tốt nhất phải được cụ thể hóa dưới dạng vật chất. Đối với nhà văn, đấy là tác phẩm xuất chúng, còn hơn cả hình thức sách gối đầu, nhân dân gọi nó là kinh.

Ngay từ cổ đại, từ Aristote ở Hy Lạp và Mạnh Tử ở Trung Hoa đều có chung quan niệm "người - đấy là một con vật chính trị". Mà nói đến chính trị, làm sao không nói đến "lễ" được? Trong khái niệm "con vật chính trị" bao hàm cả ý nghĩa con người tự nhiên lẫn con người xã hội. Tìm hiểu hai con người đó, lý giải quan hệ giữa chúng là nhiệm vụ hàng đầu của văn học.

Khi chúng ta đồng ý với Aristôt và Mạnh Tử rằng chúng ta chỉ là một con vật chính trị thì thực chất lý luận sống, lý luận về lẽ tồn tại của con người nghĩa là lý luận chính trị. Việc chẻ sợi tóc ra làm tư, làm tám, việc phân chia lý luận thơ, lý luận văn xuôi, lý luận hợp tác xã mua bán, lý luận kịch, lý luận gì đó... tất cả chỉ là hình bóng và các dạng biến hóa khôn lường của lý luận chính trị mà thôi. Ở đây, chúng ta cần xem xét hết sức tế nhị về một quan niệm chính trị không có thành kiến. Cách thức tốt nhất là tìm hiểu tư tưởng của người xưa, như thế hợp "lễ" hơn, mặc dù không nên coi những tư tưởng chính trị dĩ vãng là chuẩn mực.

Phần lớn các nhà tư tưởng phương Đông đều coi trọng phân biệt tư tưởng vương, bá trong các thể chế chính trị. Họ quan niệm vương lấy đạo lý, giáo dục làm nền tảng, bá xây dựng trên sức mạnh và áp lực. Mạnh tử từng nói: "Kẻ lấy sức mạnh để giả nhân, đấy là bá, kẻ lấy đức thi hành nhân đấy là Vương". Ở thời đại chúng ta, dân chủ tức là vương chính, khủng bố ấy là bá chính. Vương đạo là văn minh, bá đạo là phản động. Tiêu chuẩn đầu tiên của văn minh là tính khoan dung và sự phi bạo lực.

Để thi hành vương chính thì cơ sở một nền kinh tế lành mạnh phải là yếu tố hàng đầu. Về việc này, cách đây hơn trăm năm Nguyễn Trường Tộ đã nói: "Tôi nghĩ rằng trong ngũ phúc, phú đứng đầu... Cách làm cho nước mạnh là chỗ tạo được nhiều của". Dân gian diễn đạt điều này duyên dáng hơn: "Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược cũng không".

Như thế, không khí dân chủ cộng với chỗ dựa kinh tế lành mạnh là những cơ sở để tiến tới một thể chế chính trị vương đạo. Chỉ có một thể chế chính trị vương đạo mới làm cho bản tính con người phát triển hết lòng chẳng nỡ và tính vị tha chứ không phải phát triển hết tính cuồng dâm và hoặc chính phủ. Cũng không nên lo ngại rằng bản tính con người phát triển hết xã hội sẽ dẫn đến đâu. Nó chỉ dẫn đến những kết quả tốt đẹp mà thôi. Đấy là điều chắc chắn.

Khi bản tính con người phát triển hết lòng tốt thậm chí còn có khả năng khiến con người hòa hợp được với vũ trụ: Nhân dân khẳng định: "Tâm động đến thần linh". A. Einstein cũng phát biểu điều này dưới một dạng khác khi trình bày về thuyết tương đối. Thế giới bên ngoài thật ra là một vũ trụ tâm linh và khái niệm "con người là vũ trụ nhỏ" trong triết học phương Tây hay "muôn vật đều có đủ ở ta" trong triết học phương Đông đều bao hàm ý nghĩa này. Tất cả các cá nhân siêu việt đề có quan niệm vững chắc về vũ trụ, xã hội và con người. Từ những suy luận về chính trị họ tự xây dựng lấy cho mình lý luận về lối sống và công việc, phù hợp với tạng của họ. Khi các nhà văn coi sáng tác nằm trong mệnh của họ thì thì dù tự giác hay không tự giác, sâu trong lòng họ phải tự hình thành một quan niệm văn học nào đó cho phù hợp. Dĩ nhiên đấy là tôi nói đến những nhà văn chính danh, chứ với những người "cuồng giản" không nói tới làm gì.

Tôi nghĩ rằng có thứ lý luận văn học vương đạo và thứ lý luận văn học bá đạo. Thứ lý luận văn học của các thiên tài, của các nhà văn chính danh là vương đạo. Tôi có thể kể tên đôi ba người làm ví dụ trong đó dĩ nhiên có tên của F. Nietzsche và Jean Paul Sartre. Ở ta, những ý tưởng văn chương của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm... là vương đạo. Ai là bá đạo xin bạn đọc tự tìm lấy.

Cách đây hai trăm năm, Diderot đã chỉ rõ: "Cái thật, cái tốt và cái đẹp khăng khít với nhau". Tư tưởng đó đúng với mọi giá trị hàng hóa, trong đó có văn chương. Khi Dostoevski nói: "Cái đẹp sẽ cứu vớt thế giới", đó là ông nói dối một cách xa xôi với thể chế chính trị mà thôi. Một người như Dos không ảo tưởng với cái đẹp mơ hồ, ông kỳ vọng là kỳ vọng ở cái đẹp chính trị, cái đẹp của một thể chế chính trị cụ thể. Tôi đã thấy nhiều nhà văn, nhiều nhà nghệ sĩ ở ta hiểu sai tư tưởng đó của Dos thảm hại ra sao và họ đã săn đuổi phụ nữ ráo riết thế nào. Dos chưa bao giờ nói: "Cái đẹp là phụ nữ".

Trong câu nói của Diderot có lẽ chẳng cần giải thích thêm về "cái thật và cái Đẹp". Có quá nhiều trước tác bàn về nó. Nhưng còn cái tốt, thế nào là cái tốt? Điều ấy thật khó. Ở đây, hình như cái tốt liên quan đến "cái hài hòa" tức là liên quan đến tự nhiên.

Khi nói đến "con người tự nhiên" và "con người xã hội", tìm hiểu nó, lý giải nó nhà văn bị đẩy vào thế hiểm nghèo giữa hai thế lực: một là tạo hóa không cùng và hai là những thành kiến, ràng buộc, luật lệ của thể chế chính trị đương thời. Những kẻ đểu cáng nhất trong số các nhà văn thường bất chấp tạo hóa, bất chấp tự nhiên, dày xéo lên bản tính người để tìm kiếm danh lợi ở cơ chế chính trị trước mắt. Những nhà văn trẻ chất phác hơn, nhưng do đó ngu ngốc hơn, cả tin nồng nhiệt ở tạo hóa và tự nhiên, chĩa ngòi bút của mình vào xã hội. Tôi đã thấy những kẻ bị thương bởi ngòi bút ấy thường chẳng ai khác là vợ con và những người thân của họ. Hình như chỗ giỏi của các nhà văn thiên tài là bằng lòng tốt và ngòi bút bất lực của mình, anh ta kéo được sức mạnh của tạo hóa tự nhiên cùng với sức mạnh của thể chế chính trị xã hội đương thời xích lại gần nhau. Làm được điều này, nhà văn không được khoan nhượng với cả hai thế lực ấy, anh ta phải tự lớn lên thành thế lực thứ ba. Tạo hóa vô tâm, cũng như cơ chế chính trị xã hội đương thời cũng vô tâm nốt, không cần đến trai điếm, gái điếm và nô lệ, một mặt vì nó quá nhiều điếm và nô lệ, một mặt điếm và nô lệ không sử dụng phương tiện tư tưởng mà sử dụng những dụng cụ khác đơn giản hơn nhiều.

Xét đến tận cùng, đa số nhà văn thuộc về loại người thất bại chủ nghĩa. Tinh thần bi quan phản ánh tâm trạng bất lực của anh ta khi nguyện vọng không thực hiện được. Chẳng sao cả. Vẻ buồn man mác trong các tác phẩm văn học lừng danh sống lâu hơn năm tháng đời người. Tôi rất ngạc nhiên đã có thời lý luận phê bình văn học ở ta phản ứng gay gắt với những nỗi buồn trong các tác phẩm văn chương. Sự hớn hở của nhà văn thường chỉ chứng tỏ việc nhà văn bỗng biến hóa thành các nhân vật chính trị lúc nào không hay nữa. Anh ta ngạc nhiên vì cái trò oái oăm lại xảy ra với số phận mình. Quả thật những nụ cười hớn hở ấy đôi khi trông cũng dễ thương, ngắm kỹ ai tinh ý sẽ nhận ra vẻ tội nghiệp trong đó. Cơ chế chính trị xã hội đương thời mạnh đến nỗi có thể mạo danh tạo hóa biến đổi con người mà chính người đó chẳng hề hay biết.

Tôi không cực đoan như một số người cho rằng nhà văn thuộc loại có tư tưởng cấp tiến hoặc nhân đạo nhất trong xã hội. Ở đoạn dưới khi bàn về vị trí vai trò của nhà văn ta sẽ nói sau. Song, phải thừa nhận rằng các nhà văn vĩ đại, họ đều có những phẩm chất khiến ta phải ngước mắt trông lên.

Những nhà văn thiên tài hầu hết phải trải qua những tình huống hết sức oái oăm trong số phận của mình. Những khát khao đều phải trả giá. Những khát khao của cá nhân nhà văn phù hợp với khát khao của nhân loại thì nhà văn sẽ làm lễ đăng quang cùng nhân loại. Ngược lại những khao khát của cá nhân nhà văn bệnh hoạn thì bệnh hoạn sẽ làm ma hậu hĩ cho anh.

Ở nhà văn, sức mạnh không ở bản thân nhà văn mà ở độc giả của họ. Chịu khó quan sát, ta sẽ thấy những cô gái mới lớn, hết sức đức hạnh và trong trắng lại lén lút đọc những truyện nhảm nhí. Người anh hùng của các thiếu nữ hoa niên không phải là những tấm gương sáng đạo đức mà lại là những gã Don Juan nào đó. Ở những người đàn ông bán trời không văn tự, cuộc đời đầy những sóng gió bất hảo thì thần tượng văn học của họ lại là những gương sáng đạo đức. Nghịch lý ở chỗ ấy. Điều này buộc nhà văn phải lý giải nếu anh thực sự muốn anh thành nhà văn đáng giá của thời đại anh đang sống.

Công việc của nhà văn bắt đầu từ đâu? Tôi nghĩ rằng phải bắt đầu từ việc nghiên cứu bạn đọc, đúng hơn là phải nghiên cứu tâm lý dân tộc trong cả một khoảng thời gian dài. Trên cơ sở đó nhà văn dọn ra món ăn tinh thần cho cả thời đại mình. Lúc ấy tác phẩm của anh mới là một tác phẩm xứng đáng. Tính chất hợp thời của một nhà văn đáng kể ở chỗ này.

Đến đây nhiều người sẽ phì cười với ý tưởng ngông cuồng của tôi vì ý tưởng đó quá công phu đến nỗi một cá nhân khó có đủ phương tiện làm nổi. Thật vậy! Nhưng tôi quả nhiên không có ý khuyên ai. Rất ít nhà văn làm được điều này. Làm được điều này, thường chỉ có các nhà tư tưởng hoặc tệ hơn các nhà tư tưởng, đấy là một tập hợp của cả khối tham vọng chính trị có trí thức văn hóa sắc sảo.

Cũng cần xem vai trò, vị trí của nhà văn trong xã hội để hiểu rõ công việc của họ.

Không hiểu sao, tôi cứ hình dung các dân tộc, các quốc gia cứ như những đoàn người hành hương trên đường đi tìm chân lý. Có những đoàn người tổ chức kỷ luật, có những đoàn người vừa đi vừa chen huých nhau. Cảm giác của Phạm Duy sau đây là cảm giác tài tình: "Kìa đoàn người đi miên man, trên đường gian nan in hình qua mây núi". Trong đoàn người đi miên man ấy, các nhà chính trị có nhiệm vụ tổ chức dẫn dắt cả đoàn. Nếu được lựa chọn vị trí trong đoàn người đi miên man này, với bản tính nhút nhát của mình, dĩ nhiên tôi sẽ đi ở cuối cùng, cách đoàn người ấy một quăng dao. Việc đẫn dắt đất nước tới con đường ý thức, phát triển, tiến bộ diễn ra như thế nào, đầy đắng cay và sai lầm ra sao trong 4000 năm nay chỉ cần giở sách lịch sử Việt Nam ra là thấy rõ.

Khác với phương Tây, truyền thống chính trị phương Đông chưa bao giờ có sự tôn trọng đúng mức các nhà văn. Các bậc đế vương trước kia thường chỉ sử dụng các nhà văn, các nhà tư tưởng như những mưu sĩ. Truyền thống ấy được bảo toàn cho đến bây giờ và chúng ta luôn nghe thấy các nhà văn hiện đại hỏi nhau: "Dạo này bác có mưu gì?". Điều ấy thật đáng buồn.

Gạt sang một bên sự nhếch nhác của hiện thực, nhặt ra những mảnh vụn sang trọng trong tư tưởng nhà văn, cưu mang nó, đấy chính là tiến bộ. Loài người đã nhích từng tí một đến chân lý nhờ những hạt vàng tư tưởng ấy.

Trong khu vực văn chương ở ta, trừ đôi ba người thực sự xuất chúng, còn nhìn chung văn chương của các cụ ta xưa và những nhà văn hiện đại ngày nay, so với nhiều dân tộc khác, phải thừa nhận là kém cỏi. Song danh hiệu nhà văn lại được nhân dân hết sức tôn trọng, thậm chí còn làm mờ cả nhiều chân dung chính trị, làm mờ cả các quân hiệu quân hàm trên trang phục quân nhân lòe loẹt mọi thời. Vậy thì trong đoàn người đi miên man trên đường kia nhà văn phải là một kẻ ra sao thì mọi người mới tôn trọng chứ? Tôi đã suy nghĩ nhiều và ngỡ rằng điều ấy chỉ có thể giải thích bởi lòng yêu chuộng chân lý của nhân dân mà thôi. Nói đến chân lý thì ngay cả các nhà văn thiên tài cũng nói sai nhưng thật ra nhiệm vụ của nhà văn không phải là nói ra chân lý mà là thức tỉnh ý thức hướng về chân lý hoặc chí ít cũng là thức tỉnh tình cảm về phẩm giá con người trong họ. Một bộ phận nhân dân thậm chí còn đặt kỳ vọng được các nhà văn dẫn dắt và bênh vực khi họ bị đặt vào những tình huống trớ trêu nào đấy, lúc họ bị cơ chế chính trị đương thời bỏ rơi hoặc đánh đập. Thường trong trường hợp này các nhà văn khôn ngoan hoặc bất tài đều chỉ tay vu vơ lên trời.

Một trong những thiếu sót lớn của các nhà văn hiện đại ở ta là họ chỉ hiểu biết sâu sắc dân tộc Việt, hiểu biết sâu sắc nước Việt theo lối một nghệ sĩ chứ không phải theo lối một nhà tư tưởng. Hơn nữa nếu có chịu trách nhiệm gì đó họ cũng chỉ ậm ừ đánh trống lảng chứ không đứng ra chịu trách nhiệm với nhân dân, với cả đoàn người đi miên man trên đường kia. Tất cả những điều trên đưa đến những bi kịch thảm thiết trong số phận và tác phẩm của những nhà văn bị mất thanh danh. Thật ra nói chữ bi kịch cho sang thôi chứ gọi đúng tình trạng thực thì tởm lợm hơn nhiều.

Việc hiểu biết dân tộc theo lối một nghệ sĩ không phải là không hay và không đáng tôn trọng, nhưng điều đó sẽ hạn chế sức nặng trong tác phẩm văn chương. Tôi đã từng thú vị chứng kiến cảnh mấy tay say rượu đi trên đường phố, khi tôi hỏi bất kỳ một người qua đường rằng đấy là ai thì họ thản nhiên trả lời: "Chắc là mấy tay nghệ sĩ đó mà!". Tôi thấy trong câu nói đó một sự thương xót nồng nàn. Nhân dân hiểu rằng nghệ sĩ là những kẻ vô hại, tấm lòng đôn hậu, họ bê tha chẳng qua vì họ đau xót nội tâm quá mà thôi.

Sự hiểu biết dân tộc theo lối một nhà tư tưởng đòi hỏi nhà văn một sức làm việc phi thường, một lòng dũng cảm phi thường, một nghị lực phi thường, một sức chịu đựng phi thường. Sự cám dỗ của Thượng đế ở thiên đường và sự cám dỗ của Quỷ sứ ở địa ngục đều rất hấp dẫn. Đến ngay ở những nhà văn tài năng nhất, đôi khi cũng vừa tìm cách lấy lòng Thượng đế vừa tìm cách lấy lòng Quỷ sứ. Nguy cơ lừa mị trong văn chương nằm ở chỗ này. Hình như đấy chính là chỗ mà các nhà phê bình văn học sáng suốt luôn phải lưu tâm cảnh giới. Trong lịch sử văn học nước ta, cả dân tộc đã vài lần bị một hai con ranh con hoặc vài ba chú mục đồng thôi miên bởi thứ văn chương nửa thiên thần nửa quỷ sứ. Biết làm sao được? Hình như trong việc này có sự đóng góp của một số nhà lý luận phê bình văn học nào đó. Số này nếu không đểu cáng thì chắc chắn phải thiển cận.

Có lẽ chưa bao giờ dân tộc Viêt Nam lại cần đến các nhà văn có tư tưởng sáng suốt như trong thời điểm hiện nay. Chỉ vài năm nữa đến năm 2000. Chúng ta cần phải tỉnh táo nhận ra rằng tình trạng hiện nay của dân tộc ta là thê thảm. Tôi không muốn nói đến tình trạng thiếu thốn vật chất mà muốn nói đến thế giới tinh thần của họ. Những ràng buộc nặng nề của các tư tưởng lạc hậu cũ kỹ khiến cho hàng triệu số phận con người đau khổ. Họ mê man trong các công sở và trong các tổ quỷ gia đình, trong các lũy tre xanh và trong các khu tập thể đông hộ. Tôi đã thấy sự nghèo đói nhưng tôi không sợ. Tôi đã thấy sự sai lầm trong công việc ở nhiều nơi nhưng tôi không sợ. Tôi chỉ sợ khi con người không còn sự tôn trọng lẫn nhau, không còn lòng dũng cảm, không còn đức tính trung thực và như thế sẽ không đào đâu ra được tình yêu tuyệt đối.

Với lòng mong muốn của mình, tôi tin là những năm tới sẽ xuất hiện hàng loạt các nhà văn xuất sắc. Nhân dân đã chán ngấy những cuốn sách thuyết giảng thứ đạo đức giả. Họ cũng chán ngấy những cuốn sách mua vui rẻ tiền và những sách gợi cảm giác mạnh. Thậm chí, đến cả những sách ca ngợi tinh thần dân tộc trong các cuộc chiến tranh vệ quốc bây giờ cũng trở nên lạc lõng. Nhân dân đang cần những cuốn sách giúp họ nhận thức lại mình. Làm được điều đó là một công lao to lớn của nhà văn hiện đại. Nhân dân chẳng cần nhà văn phải chỉ bảo "hướng tiến lên" cho họ thế nào, tự họ sẽ đi tìm lấy. Hơn nữa chúng ta cũng phải có lòng tin ở các nhà chính trị sáng suốt thời nào cũng có.

Từ sâu trong thâm tâm, bản chất của nhân dân là vô thần. Việc nhấn mạnh tính chất vô thần ấy trên trang sách nghĩa là tưới dầu vào lửa. Ý thức tín ngưỡng hướng thượng khác với mê tín dị đoan. Tôi đã thấy những thành kiến tôn giáo làm cho tư tưởng các nhà văn ở ta thấp kém như thế nào. Những nhà văn tiến bộ không ủng hộ thần quyền nhưng cũng không giữ thành kiến tôn giáo. Ý thức tín ngưỡng, hướng thượng, vươn lên sự cao cả, chân lý, cái đẹp, sự tuyệt đối phải là những hòn than đỏ ủ trong tác phẩm tác phẩm nhà văn.

Cuối cùng, vì là một bộ môn nghệ thuật, văn học không thể xem nhẹ giá trị thẩm mỹ. Về điều này, những bậc thầy cổ điển đã nói rất hay. H. Balzac nói: "Luôn luôn hướng về cái tuyệt mỹ". L. Tolstoi nói: "Sự giản dị là điều kiện thiết yếu của cái đẹp". Ở ta, tôi nghĩ rằng phải hết sức chú ý đến yếu tố chính xác trong các giá trị thẩm mỹ văn chương. Chính xác ở ngôn từ thể hiện. Chính xác ở bản thân sự kiện. Chính xác ở tư tưởng. Thậm chí chính xác ở thể loại. Chính xác ở chức năng văn học.

Văn học nước ta mới hình thành chưa được 100 năm. Đã đến lúc văn học phải bước những bước chính xác trên hành trình gian khổ của nó. Chính xác cũng là một trong những điều kiện thiết yếu của cái đẹp.

Trở lên trên, tôi đã trình bày những hiểu biết nông cạn vội vàng của mình về văn học. Những khoảng trống đầy rẫy trong đó. Còn bao nhiêu những khoảng trống đầy rẫy trong tư tưởng tôi, ai lấp được? Nhà văn nào mà chẳng bất lực trước trang giấy trắng? Giá trị văn học đến như Truyện Kiều mà Nguyễn Du thiên tài còn mơ ước "mua vui được vài trống canh". Giá trị văn học thường chỉ được người ta nhắc đến khi người viết ra nó không còn nữa, khi nó lơ lửng, vô hình như làn khói vô định. Ai lấp đầy những khoảng trống trong tư tưởng nhà văn? Ai? Người nào? May ra chỉ có thiên nhiên. Thiên nhiên sẽ lấp đầy bằng đất, như đã từng lấp mộ các bậc đế vương hoặc bất kỳ một kẻ vô danh không tuổi, không tên, không quê hương, không sự nghiệp...

Còn người đời? Người đời bao giờ mà chẳng bạc bẽo? Những nhà văn dũng cảm sẽ chẳng bao giờ chờ đợi lòng hào hiệp của người đời. Tôi chỉ tiếc số kiếp nhà văn hữu hạn, lại còn biết bao sóng gió, ước mơ thì dài...

Tôi viết bài này với đức tin văn học có ích thật sự và mang lại niềm vui thật sự cho con người. Tôi cũng giữ đức tin văn học là một sự nghiệp cao cả.

- Nguồn: Sông Hương, Huế, số 42-1990
 

Mục lục

 

25-12-11