ĐỜI SỐNG VĂN
NGHỆ Nguồn: Văn nghệ, số 11 (12-3-1988) MẤY LỜI NÓI LẠI VÀ NÓI THÊM NGUYỄN KHẢI Tôi ở xa không được đọc lại bản ghi chép những ý kiến nói miệng của mình tại cuộc thảo luận "bàn tròn" do tuần báo Văn nghệ tổ chức, trước khi đưa đăng báo (Văn nghệ, số 9-1988) nên đã có một sai sót quan trọng, chủ yếu xung quanh vấn đề tôn giáo. Tôi thấy cần phải viết lại hẳn hoi, trọn vẹn những ý kiến của tôi về vấn đề này như sau: ... Trước đây khi nói tới tôn giáo là tôi nghĩ ngay tới mặt tiêu cực của nó. Vì nó là "thuốc phiện của quần chúng", và cả vì cái thái độ thù địch với cách mạng, với kháng chiến của giáo hội Thiên Chúa ở miền Bắc suốt thời kỳ đánh Pháp và còn kéo dài thêm nhiều năm sau đó nữa. Người và việc của cái thực tế đáng buồn này tôi đã ghi chép lại trong tiểu thuyết Xung đột. Nhưng từ sau ngày thống nhất đất nước, tôi được tiếp xúc với nhiều giáo sĩ yêu nước, tiến bộ và nhiều gia đình giáo dân đã dám hy sinh tất cả cho sự nghiệp đánh Mỹ tại nhiều tỉnh phía Nam, buộc tôi phải nghĩ thêm tới mặt tích cực của tôn giáo, một khi nó trở lại cội nguồn, thoát khỏi những ham muốn vô vọng về quyền lực. Như tôi đã viết trong cuốn tiểu thuyết Thời gian của người. Tôi nghĩ, con người sở dĩ khác với con vật vì nó không chỉ sống cho cái bây giờ, cái tức thì, cái trước mắt, mà còn dám sống cho một niềm tin cao đẹp, thiêng liêng hơn chính là bản thân nó. Hoặc là niềm tin vào một lý tưởng xã hội. Hoặc là niềm tin vào một lý tưởng tôn giáo. Viết về những con người sống và chiến đấu cho một lý tưởng xã hội là công việc quen thuộc của chúng ta khỏi bàn cãi. Những quan tâm một cách thông cảm và trân trọng những người sống cho một niềm tin tôn giáo trong sáng có phải bị chê trách là sai lệch không? Là có khuynh hướng duy tâm không? Cái thế giới tinh thần của con người là vô cùng phức tạp vì sự vận động của nó luôn luôn nhằm tới cái thật cao và cái thật xa. Càng có tuổi thì nhu cầu hướng tới cái tận thiện tận mỹ, thậm chí cả cái vô cùng nữa càng mãnh liệt. Gần như là day dứt, một khắc khoải. Những day dứt và khắc khoải ấy có nhiễm chút nào cái hương vị của tôn giáo? Hoặc chỉ là một nhu cầu rất tự nhiên của con người vốn không cam chịu dừng lại trước bất kỳ một giới hạn nào? Tôi ao ước được tiếp tục phiêu lưu vào cái cõi mênh mang và đầy bí mật này, dẫu biết là hết sức nguy hiểm, rất dễ trượt ngã, nhưng không sao dửng dưng nổi vì lời mời của nó lại quá quyến rũ.
w
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 11 (12-3-1988)
27-3-10 |