ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 13 (26-3-1988)

 

 

ĐIỀU LỆ HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
CẦN ĐƯỢC SỬA ĐỔI THEO TINH THẦN ĐỔI MỚI

 

Phỏng vấn nhà văn NGUYÊN NGỌC

 

PHÓNG VIÊN: - Đại hội lần nào cũng có vấn đề sửa đổi điều lệ, nhưng lần này, trong cao trào đổi mới của cả xã hội ta, nhằm thoát khỏi cơ chế hành chính bao cấp, hẳn Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam cũng sẽ có những sự sửa đổi căn bản? Xin anh cho biết rõ hơn về điểm này - một phần việc chính mà anh và các ủy viên trong tiểu ban điều lệ đang được Ban Thư ký Hội giao cho nhằm chuẩn bị cho Đại hội.

NGUYÊN NGỌC: - Các hội văn học, nghệ thuật cũng đang đứng trước yêu cầu đổi mới như mọi lĩnh vực khác. Có vấn đề tìm mô hình, tìm cơ chế tổ chức cho phù hợp nhất với quan niệm mới bây giờ về chức năng, tính chất của Hội. Lại có những vấn đề tổ chức cụ thể.

Các hội văn học nghệ thuật của ta (mà tiền thân là Hội văn hóa cứu quốc và các tổ chức xuất hiện về sau) đã hình thành trong những điều kiện lịch sử khác so với hiện nay. Bấy giờ, Hội Nhà văn (và các hội trí thức sáng tác khác) trước hết là một tổ chức chính trị, một đoàn thể quần chúng của Đảng nhằm tập hợp các văn nghệ sĩ trí thức trong mặt trận dân tộc thống nhất, ủng hộ, tán thành, và phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng. Mặt khác, theo cơ chế trước đây, Hội đã được tổ chức, cấu tạo và hoạt động gần giống như một cơ quan hành chính nhà nước.

Trạng thái tồn tại của các hội vừa qua là một giai đoạn. Nay phải chuyển sang một giai đoạn mới, Hội cần được tổ chức theo quan niệm mới, phù hợp với hiện nay và sau này. Nhiều hội viên, nhiều thành viên trong tiểu ban chúng tôi muốn nhấn mạnh tính nghề nghiệp của Hội. Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức nghề nghiệp của những người hoạt động văn học chuyên nghiệp, là một nghiệp đoàn nhà văn. Thứ hai, Hội đồng thời phải là một đoàn thể xã hội.

Tinh thần chung là phải thoát ra khỏi bao cấp. Thoát bao cấp không phải chỉ ở chỗ thoát khỏi tình trạng nguồn vốn cho hoạt động của Hội là do Nhà nước cấp như lâu nay. Thoát bao cấp, theo tôi chủ yếu là nâng cao tính tự chủ của giới nhà văn, của Hội Nhà văn. Sự nghiệp văn học của đất nước là do giới nhà văn phải lo lấy, gánh lấy, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân trước Đảng. Công việc định hướng cho văn học, trong cơ chế cũ, hình như là việc của cấp trên, giới nhà văn chỉ là người thừa hành. Nay, với đội ngũ trưởng thành cả về chính trị lẫn nghề nghiệp, với việc tăng cường chế độ tự chịu trách nhiệm trong mọi ngành, ta cũng có thể và cần phải giao trách nhiệm về sự nghiệp văn học cho giới nhà văn chuyên nghiệp. Và thật ra, cũng chỉ với đội ngũ nhà văn được Đảng giác ngộ, giáo dục, rèn luyện suốt một quá trình mấy chục năm cách mạng mới có thể dám chịu trách nhiệm trước Đảng về sự nghiệp văn học của nước nhà.

Hội phải có một số quyền thì mới tự chủ được. Ví dụ, cần phải để Hội được quyền cử các chức vụ đứng đầu các cơ quan báo chí, xuất bản của mình. Chẳng hạn các tổng biên tập báo, giám đốc nhà xuất bản của Hội phải do Ban Chấp hành Hội cử ra, chứ không nên do một cơ quan cấp trên nào đó chỉ định "nội bộ", sau đó Ban Thư ký Hội mới ra quyết định một cách hình thức, như lâu nay. Đại hội lần này nếu khẳng định được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của Hội thì đó sẽ là một thay đổi lớn, tạo đà cho những chuyển động mới trong hoạt động của Hội. Nhưng những công việc này không chỉ là việc của các nhà văn trong Hội, vì nó liên quan đến việc đổi mới cơ chế của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, quá trình chuẩn bị Đại hội cũng cần có sự tham gia của các cơ quan Đảng và Nhà nước hữu quan, cùng nhau thống nhất quan niệm về cơ cấu, tổ chức, tính chất của Hội trong tình hình mới.

Trên cơ sở đổi mới, Hội cũng cần được tự chủ về kinh tế tài chính, điều này sẽ đảm bảo cho quyền tự chủ trong mọi hoạt động như đã nói ở trên...

P.V. - Hội có thể tạo đủ "việc làm" và nuôi sống hội viên? Nhà văn có thể sống được bằng nhuận bút? Dự kiến những nguồn thu của Hội là ở đâu?

N.N. - Hội hoàn toàn có thể tự chủ về tài chính, kinh tế. Cơ chế cũ khiến cho tiền nhà văn làm ra bị mất hút vào những đâu không biết rõ. Thật ra, lao động sáng tác của họ chẳng những có thể tự nuôi sống, đảm bảo bộ máy của Hội, mà còn có thể đóng góp cho xã hội. Nguồn thu cho Hội, nếu được hợp thức hóa, sẽ là lớn và chính đáng. Muốn vậy trước hết phải giải quyết đúng đắn chế độ nhuận bút, sao cho nhà văn sống được bằng lao động sáng tác. Từ đó Nhà nước có thể đánh thuế nhuận bút như mọi loại thuế thu nhập khác. Điều này ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã làm - với mức từ 15% đến 20% thu nhập chẳng hạn, và dành "rót" cho Hội từ 5% đến 10%, thay cho ngân sách hành chính vẫn cấp cho Hội. Đồng thời, Hội có các cơ sở xuất bản, báo chí, có quỹ văn học để đầu tư cho sáng tác và kinh doanh, phát triển... Như vậy, từ nay Hội phải chú trọng hơn nữa đến một bộ máy để lo các công việc kinh tế, đời sống. Hiện nay Hội mới chỉ có một tờ báo, một tạp chí, một nhà xuất bản. Các cơ sở công cụ như thế còn ít quá, cần sớm có thêm một tạp chí văn học nước ngoài, một tạp chí phê bình, một tạp chí tiểu thuyết v.v... Tôi nói thêm điều này, liên quan đến vấn đề các chi hội: hiện nay có một số địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, một số ngành như quân đội v.v... tập trung khá đông hội viên nhà văn; có thể đặt ra vấn đề lập ở đấy các chi hội. Một số nơi khác, do sự gần gũi về địa lý, tâm lý, lịch sử, có thể lập những chi hội có tính chất vùng. Chi hội là tổ chức cơ sở của Hội, có thể ra báo, tạp chí, hoặc lập nhà xuất bản, với tính chất là các cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam đặt ở đấy; làm như vậy có thể nâng chất lượng đăng tải, đồng thời góp nguồn thu cho Hội.

Đã đến lúc Hội Nhà văn cũng cần có một xí nghiệp giấy, cần có một số nhà in riêng của mình... thì mới có thể chủ động.

Một loạt công cụ trên đây đồng thời cũng là các "xí nghiệp sản xuất" của Hội, có thể tạo đủ việc làm và nuôi sống hội viên. Tất nhiên, để làm được như vậy, phải phá vỡ một loạt cơ chế quản lý cũ về xuất bản, báo chí, ấn loát, phát hành... Nghị quyết của Đảng giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp là cơ sở để thoát khỏi cơ chế ấy. Hội ta đủ sức đứng ra tổ chức một đời sống văn học phong phú cho toàn xã hội.

P.V. - Ở tiểu ban anh, người ta dự tính ra sao về cấu tạo của bộ phận quản lý gánh nhiều trọng trách nhất của Hội?

N.N. - Đấy là chỗ rất khó. Tiểu ban đang thu thập ý kiến để đưa ra một số phương án đề nghị Đại hội lựa chọn. Tất nhiên là phải trên cơ sở một Ban Chấp hành do Đại hội bầu ra để xây dựng cơ quan cao nhất. Có một ý kiến đề xuất phương án là cơ quan này nên gồm một đoàn chủ tịch (do chủ tịch Hội đứng đầu) với chức năng lãnh đạo tư tưởng, phương hướng sáng tác và hoạt động của cả nền văn học; bên cạnh đó là một Ban Thư ký đảm nhận công việc điều hành hoạt động hàng ngày, tức là chấp hành phương hướng của đoàn chủ tịch. Phương án này cũng có người tâm đắc. Nhưng nhiều người thấy không ổn, cho là sẽ tạo ra một kiểu những "thái thượng hoàng", quyền lực rất nhiều nhưng thực tế lại không làm gì cả...

P.V. - Tôi biết ý kiến của nhiều nhà văn là đừng nên tiếp tục quan liêu hóa nhà văn bằng cách để họ cứ luôn luôn là "quan chức". Cũng phải thoát khỏi óc phong kiến về tôn ti xếp theo tuổi tác, thâm niên...

N.N. - Một phương án khác, nhiều người ủng hộ hơn, nhấn mạnh trách nhiệm lãnh đạo của tập thể Ban Chấp hành. Nhưng vì Ban Chấp hành nhiều lắm chỉ có thể họp hai kỳ một năm, nên cần có một Ban Thư ký làm nhiệm vụ chỉ đạo hàng ngày trên tất cả các mặt từ phương hướng, nội dung, nhận định tình hình, đến các việc điều hành cụ thể, giám sát hoạt động của các công cụ, các bộ phận chức năng. Thành viên Ban Thư ký không phải là xếp theo "thứ hạng tài năng" văn học, mà là gồm những người có tư tưởng mới mẻ, thật sự tâm huyết vì sự đổi mới, có năng lực khái quát tình hình, có khả năng phản ánh ý kiến anh em hội viên về các vấn đề nảy sinh, đồng thời lại cũng có một phẩm cách cá nhân xứng đáng đủ sức tập hợp, có khả năng quản lý công việc, tổ chức hoạt động. Trong Ban Thư ký cũng có thể cử một Ban Thường vụ làm công việc nắm các chủ trương và thực hiện công việc hàng ngày.

Ban Thư ký đại diện cho Ban Chấp hành để quản lý các công cụ xuất bản báo chí của Hội. Giúp việc trực tiếp cho Ban Thư ký là những ban có tính chất chức năng, được lập ra do nhu cầu của công tác hội, ví dụ công tác hội viên, công tác bồi dưỡng người viết văn trẻ, công tác đối ngoại, công tác chế độ chính sách, lịch sử truyền thống Hội ta và di cảo các nhà văn quá cố v.v... Các ban này là bộ máy chức năng, nên không phải lo đại hội bầu cử.

P.V. - Còn các hội đồng?

N.N. - Kinh nghiệm vừa qua và ý kiến chung, thấy Hội ta chỉ nên lập các hội đồng về các thể loại chủ yếu: thơ, văn xuôi (có ý kiến đề nghị tách ra một hội đồng về các thể truyện, một hội đồng về thể ký và chính luận, tư liệu như ở Liên Xô), phê bình, dịch thuật văn học... Công việc của các hội đồng là nhận định, đánh giá; thành phần nên bao gồm những người có trình độ và uy tín, đủ sức nhận định xu hướng phát triển các thể loại. Các hội đồng có chức năng tư vấn cho Ban Thư ký. Chủ tịch Hội đồng cần do đại hội bầu ra hoặc được thông qua tại đại hội. Ngoài các hội đồng thể loại, Hội ta có thể khuyến khích việc thành lập những tổ chức xã hội liên kết, ví dụ liên kết với quân đội, với Ủy ban dân tộc, với Trung ương Đoàn, Tổng công đoàn v.v... lập những Ủy ban văn học nhằm khuyến khích sáng tác theo những mảng đề tài, hoặc đối tượng phục vụ nhất định.

P.V. - Dù là Ban Thư ký hay đoàn chủ tịch hoặc thường vụ Ban Thư ký, thì rõ ràng vẫn là một nơi tập trung quyền quản lý cao nhất trong Hội. Hiện nay có cả hai nhu cầu: nhu cầu dân chủ hóa và nhu cầu tăng cường chế độ trách nhiệm. Nhìn bề ngoài không dễ phân biệt hai vấn đề này. Để cụ thể hóa, xin anh phân biệt giúp hai loại quan hệ này: quan hệ giữa Tổng thư ký với một hội viên có phải là quan hệ thủ trưởng với nhân viên không; và quan hệ giữa, ví dụ, Tổng biên tập với một biên tập viên (là hội viên) trong cơ quan báo hoặc xuất bản của Hội?

N.N. - Trường hợp trước, dù là "Hội trưởng" với hội viên thì quan hệ cũng là bình đẳng; trường hợp sau thì đúng là quan hệ thủ trưởng với nhân viên, phải có sự phục tùng trong công việc.

P.V. - Một điểm khác nữa, trong những điều nói trên, anh thường luôn gắn cho Ban lãnh đạo Hội nhiệm vụ định hướng và đánh giá tình hình. Nhưng đời sống văn học thường phức tạp, đa dạng, phụ thuộc vào tài năng và thiên hướng sáng tạo cá nhân, lại cũng phụ thuộc vào những "bùng nổ" bất ngờ của người thưởng thức, rồi phụ thuộc cả vào sự "đề xuất tên tuổi" của giới báo chí, xuất bản. Liệu có đảm bảo là lãnh đạo Hội nhận định đúng về tình hình, phán đoán đúng về chiều hướng phát triển của sáng tác? Liệu có đảm bảo là lãnh đạo Hội khuyến khích đúng những sáng tác cần khuyến khích, ngăn chặn đúng những gì cần ngăn chặn? Liệu ý kiến lãnh đạo Hội có chuẩn xác không, ví dụ đối với hệ thống các tuyển tập cho nhà văn? v.v. và v.v... Nếu xưa kia, trong nước cùng lúc có vài ba nhóm, vài ba trung tâm gắn với báo chí và xuất bản, thì tình hình lại khác. Đằng này, cả nước chỉ có một Hội thống nhất, mà Hội chỉ có một ban lãnh đạo...

N.N. - Văn học ta từ sau 1945 trở thành văn học có tổ chức. Điều này có mặt tốt, chăm lo cho nhà văn, tạo điều kiện để họ có hiểu biết, có trình độ, có điều kiện làm việc thuận lợi hơn... không thế thì ta không có được cái trình độ, cái thành tựu như hiện nay. Nhưng cạnh đó "tổ chức" quá thì cũng có thể làm cho văn học phát triển mất tự nhiên, không có sự sàng lọc tài năng, không còn quy luật đào thải tự nhiên. Nghĩa là sa vào bao cấp. Bây giờ ta muốn xóa bao cấp tức là muốn để sự vật phát triển tự nhiên, hợp quy luật. Văn nghệ cũng vậy. Cái chủ điểm chốt lại là phải tạo cho nhà văn sống được bằng thu nhập do in tác phẩm. Viết tồi không in được, không bán được "sản phẩm" của mình làm ra thì lâu dần phải bỏ nghề chứ.

Tuy vậy, phải thấy xóa bao cấp là khó làm ngay một lúc. Cơ chế kinh tế - xã hội cũng còn chưa thay đổi nhiều. Cơ chế quản lý văn hóa thì lại chậm đổi mới hơn.

Hiện giờ thì chưa, nhưng trong tương lai, biết đâu sẽ đến lúc xuất hiện cái hình thế một nền văn học gồm nhiều nhóm, thậm chí nhiều trường phái? Ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã có những hiện tượng như vậy. Đấy là biểu hiện những nhu cầu lành mạnh của sự phát triển.

Trong hoạt động quản lý, Ban Thư ký Hội sẽ phải giữ cho các công cụ xuất bản, báo chí của mình một tính độc lập nhất định. Nhà xuất bản này có thể tuyển tác giả khác với nhà xuất bản khác. Ban Thư ký không nên can thiệp vào các chuyện quá sâu như vậy... Cần dần dần khôi phục lại sự phát triển tự nhiên của văn học. Đó có lẽ là một tư tưởng quan trọng cần rất chú ý trong công tác tổ chức của chúng ta lần này.

P.V. - Xin hỏi thêm một câu cuối: có dư luận băn khoăn về một vài người trong Ban chuẩn bị Đại hội hiện nay: họ có đủ tiêu chuẩn để làm tốt công tác chuẩn bị Đại hội không? Và liệu sau này họ có sẽ đủ tư cách tham gia ban lãnh đạo Hội không? Anh nghĩ thế nào về dư luận đó?

N.N. - Có lẽ cần nói rõ: Hội nghị Ban Chấp hành Hội tháng 4-1987 đã có nghị quyết giao cho Ban Thư ký tiến hành công việc chuẩn bị Đại hội. Sau đó, Ban Thư ký đã quyết định mời một số đồng chí trong và ngoài Ban Chấp hành tham gia một số tiểu ban được lập ra để giúp Ban Thư ký làm tốt công việc chuẩn bị Đại hội. Sự thể là như vậy, và chỉ có vậy. Theo tôi hiểu, các tiểu ban được lập ra đó sẽ hết nhiệm vụ của mình sau khi hoàn tất công việc chuẩn bị Đại hội. Còn việc bầu ra ban lãnh đạo mới của Hội là một việc hoàn toàn khác. Đó là công việc, là quyền của chính Đại hội. Không nhất thiết ai đã tham gia Ban chuẩn bị bây giờ thì sau này sẽ đương nhiên tham gia ban lãnh đạo Hội. Hoàn toàn không phải như vậy.

Vả lại, việc công bố rõ những người tham gia Ban chuẩn bị hiện nay, theo tôi cũng là thể hiện tinh thần dân chủ, công khai. Hội viên nào thấy có ý kiến về trình độ, phẩm chất, tư cách của một thành viên nào đó trong Ban chuẩn bị hoàn toàn có thể phát biểu kiến nghị của mình với Ban Thư ký, thậm chí có thể đề nghị thay người khác. Tôi nghĩ ta cũng nên tập làm quen với những sinh hoạt như vậy, coi là chuyện bình thường lành mạnh. Có sao đâu!

(L.N.Â. thực hiện)

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 13 (26-3-1988)

Mục lục

2-11-08