Nguồn: Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, số 7 (7-1988)

 

 

MẤY ĐIỀU CẦN NÓI LẠI

NGUYỄN THANH HÀ

Tôi băn khoăn mãi: Có nên viết bức thư này gửi đăng báo? Thư về một số nhận xét của một số anh chị em văn nghệ và văn hóa trong hai ngày gặp gỡ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh qua bài tường thuật của báo Văn nghệ.

Có ông bạn đã về hưu khuyên tôi không nên viết gì lúc này, nhất là về văn nghệ. Tôi hỏi vì sao thì ông trả lời: Công việc của người ta, để người ta bàn; ông đã về hưu rồi, ông xen vào làm gì? Ông không thấy ông Đặng Bửu đã bị báo Văn nghệ "đấu" như thế nào à? Ông bạn tôi còn phân tích thêm về bài của ông Đặng Bửu và thái độ của Ban biên tập báo. Theo ông, báo Văn nghệ đúng là đã "đấu gục" ông Đặng Bửu. Ông trách ông Đặng Bửu quá xa thực tế đời sống, quá chủ quan, lại trịch thượng, kiêu ngạo, thiếu tôn trọng người khác... Nhưng ông cho rằng Ban biên tập báo Văn nghệ có thể gạt thái độ ấy ra một bên, nhắc nhở một bạn đọc - ông Đặng Bửu chỉ là một bạn đọc - và ông đi vào thực chất của vấn đề được đặt ra. Ông bạn tôi bảo: Đọc bài ký, tôi uất ức thay cho gia đình anh Lộc, cho cả xã Phú Yên và oán giận không chỉ một số cán bộ thừa hành ở địa phương mà oán giận cả các cấp ủy Đảng, ủy ban xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân và tỉnh ủy Thanh Hóa. Nhưng tôi nghĩ cách xử lý bình thường của tòa báo là cho người đi điều tra cụ thể tại chỗ và trả lời cho ông Bửu và bạn đọc; đồng thời yêu cầu các cấp có trách nhiệm về vụ việc đó trả lời trước dư luận. Như vậy chỉ cần một bài là đủ. Đằng này, đến mấy số báo liền dành cả trang dày đặc để phê phán ông Bửu. Đã vậy, tòa báo còn chưa yên, cho đăng tiếp mấy số liền cái bảng thư bạn đọc về bài của ông Bửu. Vấn đề chính là cấp ủy đảng và chính quyền xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa phải trả lời, phải chịu trách nhiệm, thì ông Bửu - một bạn đọc thắc mắc về một bài ký của báo - lại trở thành đối tượng phê phán. Ông bạn tôi lắc đầu và kết luận: Cách làm của báo Văn nghệ "không bình thường".

Ý kiến của ông bạn tôi có nhiều điều trùng hợp với suy nghĩ của tôi. Vì vậy trước khi viết bức thư này, tôi mới băn khoăn, đắn đo mãi.

Cuối cùng, nguyên nhân thúc đẩy tôi quyết định viết thư này là những bài phát biểu của một số văn nghệ sĩ và nhà hoạt động văn học tại cuộc gặp gỡ nói trên đăng ở báo Văn nghệ lại được một số báo của người Việt Nam sống ở nước ngoài đăng lại, trích dẫn, tô đậm, và cả bài tôi không thấy đăng ở báo trong nước cũng xuất hiện trên các tờ báo ấy. Những bài ấy một chiều phê phán sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan tham mưu về văn nghệ của Đảng, và nhận định tình hình văn nghệ nước ta chủ yếu hơn 10 năm gần đây. Sự lãnh đạo của Đảng ta trên lĩnh vực này đúng là cần phải bàn thẳng thắn, xem xét lại một cách khoa học theo tinh thần của Đại hội VI. Trong những ý kiến phát biểu của một số anh chị em được phản ánh trên báo Văn nghệ, có điểm đúng, có điểm không đúng, có điểm đúng mặt này, nhưng không đúng mặt khác, có điểm hoàn toàn bịa đặt.

Theo tôi, trong lãnh đạo văn nghệ của Đảng ta có không ít khuyết điểm, sai sót; thiếu dân chủ; thiếu hiểu biết về đặc trưng, đặc thù của văn nghệ; cấm đoán tùy tiện đối với tác phẩm này hay tác phẩm khác; định kiến đối với một số người; đãi ngộ không thỏa đáng đối với văn nghệ sĩ (cũng như đối với trí thức nói chung); một số cán bộ làm công tác văn nghệ có những quan điểm giáo điều máy móc, đánh giá tác phẩm không căn cứ vào giá trị thực của nó mà căn cứ vào cấp bậc của tác giả v.v. và v.v... Viết thư này, tôi xin không nói tới những khuyết điểm mà tôi nghĩ cần phải tổng kết một cách có hệ thống nhằm rút ra những bài học; xin để anh chị em làm nghệ thuật nói lên thì thấm thía và sâu sắc hơn. Tôi chỉ nêu lên một số điểm không đúng trong phát biểu của một số đồng chí so với những điều mà tôi biết. Có tiếng nói đi thì nên có tiếng nói lại. Tôi muốn nói lại.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh hồi tưởng và nhận xét: "Những lần trước đây gặp các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thường các đồng chí ấy nói từ đầu đến cuối, hoặc gần như thế, còn chúng tôi thì nghe, rồi về. Lần này, ngược lại... chỉ riêng điều này thôi cũng đã là một dấu hiệu của sự đổi mới rồi"... Xin thưa rằng: chỉ cách đây ít năm thôi, trong một cuộc họp khá đông anh chị em văn nghệ sĩ ở trung ương và ở Hà Nội, ba ngày liền, đồng chí Lê Đức Thọ đã nghe mà hầu như không phát biểu gì, và nghe những ý kiến đối lập nhau. Còn trong mấy chục năm nay, những cuộc gặp gỡ riêng của một số đồng chí lãnh đạo như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Tố Hữu với nhiều anh chị em thì có thể nói là nhiều. Tôi biết đồng chí Trường Chinh thường đàm đạo văn chương với một số nhà thơ, nhà văn như Hoài Thanh, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư...; đồng chí Phạm Văn Đồng thường viết thư riêng hoặc mời cơm nhiều nhà văn như Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh v.v... diễn viên Trà Giang, đạo diễn Đặng Nhật Minh, đến thăm nhiều gia đình văn nghệ sĩ như gia đình nghệ sĩ Ái Liên. Tôi đã trực tiếp được nghe đồng chí Tố Hữu nói vui: đối với anh chị em văn nghệ sĩ thì không phải chỉ có tọa đàm mà còn ngọa đàm nữa là đằng khác. Khi đồng chí Tố Hữu còn là người phụ trách công tác tư tưởng thì nhà của đồng chí gần như là một câu lạc bộ nhỏ, "câu lạc bộ cây táo", nơi trao đổi những vấn đề mà anh chị em đều quan tâm. Tôi biết có một lần anh em đang trao đổi về khẩu hiệu "Văn nghệ phục vụ công nông binh", đồng chí Lê Duẩn ở bên cạnh được biết có sinh hoạt này, sang và trình bày ý kiến của mình. Theo đồng chí thì khẩu hiệu đó là mao ít, phải nói là "công nông trí", và phải đề cao tính nhân loại của văn học, nghệ thuật. Tôi nhắc lại như vậy là để nói rằng không khí trao đổi ý kiến thân mật giữa cán bộ lãnh đạo với anh chị em văn nghệ là một nét tốt đẹp trong phong cách lãnh đạo của Đảng ta từ trước đến nay. Tôi được biết Bác Hồ cũng thường hay tiếp xúc với anh chị em văn nghệ, và khuyên các đồng chí trong Bộ Chính trị và Chính phủ nên đọc các tác phẩm văn học để hiểu thêm cuộc sống và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị với một số văn nghệ sĩ để thông qua bức thư gửi cho Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, Bác dặn: các chú xem lại chữ nghĩa, câu kéo, đừng nói theo kiểu chằm bẳm đối với anh chị em văn nghệ sĩ, những người sống nhiều về tình cảm. Ở đây, cũng xin nói rằng: theo tôi biết thì gần như thành một chủ trương là Đảng ta lãnh đạo văn nghệ chủ yếu không phải bằng nghị quyết và chỉ thị mà bằng thư, bằng gặp gỡ, rất coi trọng gặp gỡ cá nhân. Tôi biết, thỉnh thoảng và đặc biệt trong dịp Tết, đồng chí Tố Hữu thường hay đến nhà số 65 Nguyễn Thái Học gặp các anh Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, những họa sĩ có tài mà lại sống độc thân, thăm bác Nguyễn Phan Chánh, anh Đỗ Nhuận, anh Văn Giáo. Và các đồng chí được giao trách nhiệm phụ trách lĩnh vực công tác này cũng thường hay tiếp xúc cá nhân với anh chị em văn nghệ sĩ trên tinh thần bạn bè, đồng nghiệp. Những bức thư gửi các đại hội văn nghệ bao giờ cũng mang dấu ấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Chắc nhiều anh chị em văn nghệ còn nhớ trong Đại hội Văn nghệ lần thứ IV, sau khi đọc xong bức thư của Trung ương và được anh chị em vỗ tay hoan nghênh, đồng chí Trường Chinh bỗng trở lại bục diễn đàn, mọi người chờ đợi một điều gì đặc biệt, nhưng không, anh chỉ nói: Xin lỗi, tôi đọc sót một dòng: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi người cười rộ lên trong không khí rất đầm ấm. Và bao giờ cũng vậy, cùng với thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là bài nói chuyện của đồng chí Trường Chinh, người được Bộ Chính trị phân công nói chuyện với Đại hội. Trong dịp đại hội các hội văn học, nghệ thuật vừa qua, Trung ương không gửi thư nữa, mà giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng viết thư gửi chung cho các đại hội, mở đầu bằng Đại hội Nhà văn. Tôi cho đó là một bức thư rất hay, định hướng cho văn nghệ bước vào giai đoạn cách mạng mới, rất tiếc không thấy báo nào nhắc đến nhân dịp các hội sáng tác đang chuẩn bị họp đại hội. Bây giờ đánh giá về quan điểm của Đảng và bàn về đổi mới sự lãnh đạo văn nghệ, tôi nghĩ không thể nào bỏ qua được những bức thư, những bài nói chuyện quan trọng đó cùng một số chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về văn nghệ. Cũng phải nói rằng những nét mà tôi cho là đẹp trong phong cách lãnh đạo của Đảng ta đã bị phai dần hơn 10 năm nay. Việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ thân mật anh chị em văn nghệ sĩ vừa qua là tiếp tục phong cách tốt đẹp của Đảng ta.

Nhà báo Nguyễn Khắc Viện nói: "... Những người làm báo, viết văn, làm phim thường xuyên được nhắc nhở: phải làm như thế này, không được làm như thế kia! Bị trói buộc bởi một loạt húy kỵ... Lâu lâu lại nổ ra một vụ án: bài báo này, quyển sách kia, cuốn phim nọ bị kết án là "xét lại", là "chống đảng", là "có tính kích động"... Mà thông thường bản án nào cũng có kỳ hạn, mãn hạn ra tù, còn bản án văn học thì cứ mãi mãi treo lơ lửng trên đầu... một bản án chung thân, có khi còn hại đến cả con cháu...". Đúng là dưới chế độ ta, Đảng có trách nhiệm lãnh đạo tư tưởng và cũng không ít trường hợp, có cơ quan và cá nhân có quyền đã can thiệp thô bạo, thậm chí can thiệp vô lý vào sự sáng tạo của văn nghệ sĩ. Nguyên nhân có nhiều: quan điểm, cơ chế quản lý, thói gia trưởng, động cơ cá nhân... Nhưng nói rằng lâu lâu lại nổ ra một vụ án thì thật quá đáng. Theo tôi, thực sự là vụ án thì chỉ có "vụ Nhân văn", mà đó lại là một vụ án chính trị. Vậy có bản án văn học nào là chung thân? Phải chăng anh Viện muốn nói về trường hợp các anh Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm. Theo tôi biết, sự việc không phải như thế. Xin để Hội Nhà văn trả lời thì rõ ràng, chính xác hơn. Tôi chỉ nêu lên một việc mà tôi biết: Cách đây mấy năm, anh Hoàng Cầm bị cơ quan an ninh giữ lại do anh bí mật chuyển ra nước ngoài một bản thảo mà tự anh đã nhận là có tư tưởng chống đối, và chính cơ quan tham mưu văn hóa của trung ương khi được biết việc đó đã can thiệp xin thả anh ra. Hiện tượng cấm đoán, phê phán một chiều, áp đặt, bắt sửa thế này thế khác, xảy ra không ít ở các địa phương và cũng không loại trừ cả ở trung ương. Ngay bây giờ, sau khi đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn nghệ và văn hóa, những hiện tượng như vậy vẫn chưa có thể nói là bảo đảm sẽ chấm dứt hoàn toàn. Không ai có thể đồng tình với tình trạng như vậy. Đảng và Nhà nước ta phải có thể chế bảo đảm cho tự do sáng tạo và anh chị em văn nghệ sĩ chủ động bảo vệ quyền dân chủ của mình.

Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh nói: "Người ta thích nói một cách chung chung quần chúng là vĩ đại, nhưng đối với quần chúng cụ thể thì lại coi là trẻ con. Người ta thích nói chung chung nền văn nghệ của ta đã trưởng thành, văn nghệ sĩ của ta là những chiến sĩ, những anh hùng, nhưng đối với những văn nghệ sĩ cụ thể thì lại coi như con nít". Theo anh, "có thời lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ". Thời nào vậy? Theo tôi, dưới chế độ ta không có thời nào như thế. Những thiếu sót đối với anh chị em văn nghệ sĩ cũng như đối với trí thức nói chung thật ra không nhỏ so với trách nhiệm của một đảng được coi là "trí tuệ, danh dự của thời đại". Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn nghệ và văn hóa đã tự phê bình về sai sót trong lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực này, đồng thời khẳng định "Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa, văn nghệ...", tôi coi đó như là một câu trả lời gián tiếp đối với nhận định của anh Nguyễn Đăng Mạnh.

Nhà phê bình sân khấu Hồ Ngọc cho rằng vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị "chưa bao giờ được đề cập một cách công khai và được giải quyết một cách đầy đủ, đến nơi đến chốn". Xin thưa: Vấn đề này đã được bàn đi bàn lại nhiều lần và công khai trên sách báo (không kể đến nhiều cuộc thảo luận công khai trong nhiều hội nghị, và nếu tôi nhớ không lầm thì về mối quan hệ này, hơn một lần anh đã từng nói công khai ở một vài hội nghị văn hóa, văn nghệ). Nếu anh Hồ Ngọc đọc lại bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam chắc sẽ thấy vấn đề đã được bàn công khai từ cách đây đã 40 năm. Trong cuộc đấu tranh chống nhóm "Nhân văn - Giai phẩm", vấn đề này lại nổi lên. Đồng chí Trường Chinh lại phải trình bày vấn đề đó trong báo cáo trước Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, cách đây 29 năm. Vào khoảng 1979-1980, vấn đề này một lần nữa lại được nêu lên: đồng chí Lê Đức Thọ đã nói ý kiến của mình và một số nhà lý luận cũng đã phát biểu. Thực chất đó là vấn đề văn nghệ phấn đấu cho đường lối của Đảng và sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ. Còn bây giờ các nhà văn nghệ muốn đi sâu thêm về quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, thì đó là quyền của văn nghệ sĩ. Có điều là việc gì xảy ra như thế nào thì nên thuật lại như nó đã xảy ra.

Cuối cùng, tôi muốn nói về phát biểu của chị Dương Thu Hương đăng trên báo Đất nước, số tháng 11-1987 của Hội những người Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức. Dưới đầu đề Đôi điều suy nghĩ về nhân cách của người trí thức, chị viết: "... Sau bài phát biểu ấy (bài phát biểu của chị), một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng đã lên phản bác ý kiến của tôi. Đồng chí đó răn đe rằng cần phải tận dụng lực lượng công an an ninh chính trị để làm việc với văn nghệ sĩ. Đó là những lời lẽ đàn áp công khai của một cá nhân có quyền lực, còn giá trị chinh phục của tư tưởng bằng giá trị âm...". Tôi không muốn nói rằng nội dung bài "nhân cách..." phỉ báng nhân cách của những người khác. Tôi chỉ muốn nhắc lại một sự thật. Tôi đã được dự cuộc hội thảo khoa học ấy do Viện Văn học và Hội Nhà văn tổ chức vào năm 1980. Nay tình cờ được đọc số báo trên, sợ trí nhớ mình không tốt, tôi đã đi hỏi một số đồng chí có trách nhiệm tổ chức cuộc hội thảo ấy. Tất cả đều nhớ lại: Hồi đó, sau hội nghị, không biết từ đâu tung ra ba tin: Ông X. đưa công an ra dọa anh em: ông N. lên bục ngó lên ngó xuống rồi bỏ về; ông T. phê phán ba ông... Cả ba tin đều là bịa. Ông X. nói chuyện khác, ông N. không có mặt, ông T. không phê mà cũng chẳng phán ai cả. Một số đồng chí không dự hội thảo, nghe tin thắc mắc đến hỏi chúng tôi, đã được rõ sự thật; tất nhiên còn nhiều người không được nghe đính chính, nhưng sức đâu mà chạy theo những tin vịt. Điều làm tôi hết sức bất ngờ là đến hôm nay, một trong ba tin ấy được đưa lại như thật trên một tờ báo xuất bản ở nước ngoài. Nếu không biết sự thật, khi đọc đoạn văn ấy thì đồng bào ta ở nước ngoài bực tức là phải. Chẳng thế mà có ông Trương Tam, một hội viên kỳ cựu của phong trào người Việt yêu nước tại Bỉ, sau khi nghe những khó khăn, tiêu cực ở trong nước, lại được biết tình hình văn nghệ qua tường thuật của báo Văn nghệ như vừa nêu trên, đã thốt lên: "Nỗi thống khổ và thời gian không cho phép chúng tôi trù trừ làm thỏa thuận mãi được. Đảng nên tự giản tán để trả lại chức năng quản lý cho Nhà nước, quyền làm chủ tập thể cho nhân dân" (Báo Đất Việt của Hội người Việt Nam tại Canada, số tháng 2 & 3-1988).

Trước khi ngừng bút, tôi muốn phát biểu một ý kiến vào vấn đề mà đồng chí Hà Xuân Trường nêu lên trong cuộc hội thảo bàn tròn "Văn nghệ ta đổi mới trong sự nghiệp đổi mới của Đảng" do Tạp chí Cộng sản tổ chức. Đồng chí nói: "Chúng ta là máu thịt của Đảng, chúng ta sẽ xử sự ra sao khi có sự bất đồng giữa văn nghệ sĩ với Đảng?" Vấn đề đồng chí đặt ra không chỉ ở trên lĩnh vực văn nghệ, rất cần được trao đổi theo tinh thần đổi mới của Đại hội VI. Nhân đây tôi chỉ muốn nói rằng Đảng không phải là một cái gì trừu tượng mà là một tổ chức cụ thể gồm những người tiên tiến của giai cấp và của dân tộc. Như vậy thì Đảng phải cố gắng hết sức để tập hợp cho được trí tuệ cao nhất của giai cấp, của dân tộc, của nhân loại. Tập trung trí tuệ là để tìm chân lý, mà chân lý là cụ thể, là cơm ăn, áo mặc, là đời sống tinh thần của con người, là tình yêu, là tình bạn, là quan hệ tốt đẹp giữa người với người v.v... Trong quá trình tìm chân lý, có sự bất đồng ý kiến với nhau là bình thường. Phải coi sự bất đồng là bình thường thì Đảng mới có máu thịt được; đó là "sự bất đồng trong Đảng vì Đảng" như tinh thần bài thơ của Neruda mà anh đã nhắc. Cuộc sống đa dạng thì tư tưởng cũng đa dạng, văn nghệ cũng đa dạng. Không những nên mà cần khuyến khích sự đa dạng và không sợ sự bất đồng tức là không sợ sự mâu thuẫn. Vấn đề là phải giải quyết sự bất đồng ấy, sự mâu thuẫn ấy như thế nào. Chủ nghĩa Mác dạy chúng ta: Phải thông qua tranh luận, tự do tranh luận và lấy sự thể nghiệm của thực tiễn mà đối chiếu. Chỉ có tự do tranh luận và lãnh đạo đúng đắn mới tạo ra sức mạnh và bản lĩnh cho Đảng.

Chính vì vậy, sự lãnh đạo của Đảng là phải phát huy quyền tự chủ, tự do sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của mỗi người, mỗi đảng viên, đặc biệt là của giới trí thức bao gồm văn nghệ sĩ, những người làm công tác khoa học, những người làm quản lý... Đó là vấn đề đổi mới trước tiên, cần bàn cụ thể và đổi mới cụ thể.

w Nguồn: Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, số 7 (7-1988)