ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 33 (15-8-1987)

 

 

VÀI Ý KIẾN TẢN MẠN

NGUYỄN TRỌNG OÁNH

Chúng ta có nhiều nhà văn, nhà thơ có tài. Đó là điều chắc chắn. Chuyện này không phải là chuyện ngày xưa, mà là chuyện bây giờ. Xin phép cho tôi miễn nêu lên những nhà văn nhà thơ như vậy, vì làm như thế là mất đoàn kết.

Chúng ta cũng không nên chỉ nghĩ đến những tác giả châu Âu, châu Mỹ Latinh, những giải thưởng Nobel, Lênin rồi tự đánh giá ta quá thấp. Tất nhiên ở đây, ta phải loại ra khỏi hàng ngũ chúng ta những nhà văn rởm. Những Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nam Cao, Nguyễn Thi v.v... tuy không nhiều, nhưng thời đại nào cũng có. Theo tôi, đừng quá nghĩ về tài năng mà phàn nàn thời này tiếc không có một Nguyễn Du!

Hiện thực hôm nay ở đất nước này cũng đầy đủ điều kiện để cho ra đời những tác phẩm kiệt xuất! Cuộc kháng chiến 30 năm ấy không kém bất cứ một cuộc chiến tranh nào. Cuộc chiến đấu đánh đuổi hai tên đế quốc đầu sỏ ấy không ở tầm cỡ quốc gia nữa. Những con người trong hai cuộc chiến đó, chưa một cuốn sách nào nói cho hả.

Về phía xây dựng đất nước, chúng ta không có những kinh nghiệm thành công, nhưng nó lại là một bức tranh sinh động của một nước lạc hậu phong kiến tiến lên chủ nghĩa xã hội với đầy đủ những thất bại cay đắng của nó. Ở đó, bộc lộ tất cả khát vọng, say mê, đau khổ với những tham vọng, âm mưu, những mặt trái xấu xa của những con người. Tại sao lại không "tiểu thuyết"?

Tài năng có, hiện thực có, vậy mà văn học chúng ta lại chưa có tác phẩm mang tầm vóc xứng đáng. Sao vậy? Tôi nghĩ về những lý do sau đây:

Chúng ta còn né tránh quá nhiều, chưa dám đi vào những vấn đề trung tâm của cuộc sống. Điều này cũng có nhiều nguyên nhân:

Về phía người cầm bút có thể còn sợ bị đánh, sợ viết mạnh quá thì nhà xuất bản không in. Nhiều nhà xuất bản còn khuyến khích nhà văn viết theo một yêu cầu nào đó. Tội gì làm cặm cụi cả năm để chẳng được gì, trong khi chỉ ngồi một vài tuần lễ là có mấy chục ngàn bỏ túi! Tôi chưa từng được một cơ sở nào mời đến tự do muốn viết gì thì viết, nhưng lại được rất nhiều cơ sở mời đến viết theo một yêu cầu, thì có xe đi, có cơm ăn, sách dễ in, tiền nhiều. Viết theo suy nghĩ của mình thì không có gì cả, lại có thể bị đánh, hoặc ít ra là chỉ trích trên báo.

Than ôi! Đã là nhà văn chân chính thì phải dám không sợ sự hy sinh, dám không sợ sự thiệt thòi. Đó là con đường tự giải phóng. Xưa nay, những tác phẩm tốt đều ra đời như thế. Nhất định sẽ có những tác giả và tác phẩm như thế ra đời. Nó bất chấp tất cả. Nhưng chẳng lẽ chúng ta, những người cộng sản, biết vậy mà để vậy?

 

***

 

Vậy thì về phía lãnh đạo nên thế nào? Tôi nghĩ muốn giải phóng năng lực sáng tạo, không gì bằng tạo điều kiện tốt cho người viết: giải quyết đời sống khó khăn của văn nghệ sĩ là một điều quan trọng.

Tuy nhiên, điều còn quan trọng hơn là khuyến khích mọi sự tìm tòi, suy nghĩ. Phải dân chủ hơn trong sự chỉ đạo. Xin lấy một ví dụ: Hiện nay, sự tiêu cực là tràn lan người ta đã có thể mạnh miệng nói về nó. Nhưng thử hỏi: Hàng chục năm nay, ai mà không biết điều đó, huống chi nhà văn. Nhưng cũng hàng chục năm nay, có tác phẩm lớn nào dám nói một cách trực diện về chuyện đó. Không cấp này thì cấp khác cầm bút gạch. Đến như báo chí, đến như những cuộc đấu tranh công khai hiện nay, mà ở trên có đồng chí Nguyễn Văn linh bật đèn xanh, còn bị chống đối lại quyết liệt, thì làm sao một tác phẩm văn nghệ ra đời, cách đấy mấy năm?

Huống chi, muốn làm nghề gì thì phải tập nghề ấy, nhà văn muốn viết hay về sự tiêu cực thì cũng phải tập viết rồi mới có bài hay chớ.

Nói chung, cũng như về chính trị, về văn học nghệ thuật, cần phải có sự dân chủ.

 

***

 

Để tiến tới Đại hội, tôi xin đề nghị hai điều: một là việc bầu Ban Chấp hành muốn thật sự dân chủ, nên họp toàn thể, và nên để anh chị em tự chọn ra người thay mặt cho mình. Việc phát biểu trước Đại hội càng mở rộng càng tốt để thu thập được nhiều ý kiến hay.

Hai là về Ban Thư ký, tôi nghĩ không nhất thiết phải chọn người có nhiều tác phẩm, hoặc người viết tốt (tất nhiên những người được chọn này phải có một vị trí văn học nhất định, nhưng không nên quá câu nệ về nó).

Trước hết, chúng ta nên chọn người có khả năng tổ chức biết lo lắng, chăm sóc, tạo điều kiện tốt cho các hội viên làm việc. Phát hiện và chăm sóc những tài năng trẻ.

 

 Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 33 (15-8-1987)

 Mục lục

15-4-08