THỬ NHÌN LẠI MÌNH NGUYỄN TRỌNG TÍN
Gần đây, ở bất kỳ nơi đâu, từ một phòng họp có máy điều hòa nhiệt độ cho tới quán cà phê vỉa hè, từ một bài diễn văn quan trọng cho tới lời trả treo về giá cả của một tay xe đạp ôm, có một từ ngữ mà ta luôn được nghe, đó là từ Đổi mới. Bắt đầu từ từ ngữ đó, người ta bàn đủ mọi thứ chuyện trên khắp thế giới cho tới chuyện riêng của từng người. Tôi cũng góp vào những cuộc bàn tán đó không ít. Và, với chúng tôi còn có thêm một đề tài sôi nổi, đó là chuyện nghề viết. Chúng tôi đã nói quá nhiều về những ràng buộc; về cách phản ánh hiện thực một chiều, giả dối đã qua; về thói duy ý chí, nói suông; về cây viết đỏ của các cơ quan xuất bản đối với các trang viết có "vấn đề"; về tính nhân bản của văn học, về vấn đề thân phận con người v.v... và v.v... Nói riết đâm nghĩ là mình đã đổi mới rồi, chỉ chờ có xung quanh, cho xã hội cùng đổi mới theo. Rồi cũng tới lúc, như giờ đây, ngồi trước trang giấy, đối diện với chính mình, mới thốt giật mình. Thì ra, muốn đổi mới thì phải biết ra mình cũ cái gì. Ngồi mà vặn vẹo hai tay mới hay trong tay mình chưa nắm được một cái gì cho ra hồn ra vía. Tôi xin thử tóm tắt một bản tự kiểm điểm về mình: Tôi, 32 tuổi, bắt đầu nho nhe cầm viết cho đến nay suýt soát chín năm, đã in được bảy cuốn sách cả thơ lẫn văn (có hai cuốn in chung). Chà, như vậy còn đòi gì nữa? Tôi biết sẽ có người kêu lên như vậy. Nhưng cứ thành thật đi, cứ nhìn thẳng lại mình đi! Hóa ra thực tế thật đáng buồn. Trong 7 cuốn sách kia, tôi còn lại gì? Đôi bài thơ về những u uẩn cá nhân mình, đôi bài về dư âm đau đớn của chiến tranh, về dư âm đau đớn của chiến tranh, một ít khung cảnh thiên nhiên, vài kiến nghị nhỏ nhoi không có gì mới mẻ. Còn được cái Bè Trầm. Được là được cái phần thực, nhưng cũng chưa thoát khỏi dạng ẩn dụ, kiểu nói xa nói gần. Những trang còn lại là viết chơi bời à? Không, nó cũng được viết ra trong vất vả như những trang được kia thôi. Vậy thì cái gì đã biến chúng thành giấy lộn? Tôi còn nhớ hồi 1978 tỉnh tôi có mở một chiến dịch trồng cao lương. Ngành ngành thi đua, người người thi đua trồng cao lương. Học sinh kéo ra rẫy từng đoàn. Trong một cuộc họp mà tôi có dự, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hồi đó có hứa là chính tay đồng chí sẽ trồng một công cao lương để làm gương cho phong trào. Tôi không rõ là đồng chí Bí thư có giữ lời hay không. Riêng tôi, lần đó đã háo hức đi theo một đơn vị thanh niên xung phong của tỉnh đoàn xuống kinh Tư Lả, Năm Căn, chặt đước để trồng cao lương. Rồi xuất hiện trên một báo nào đó, một nhà khoa học nào đó phân tách rằng chất này chất nọ cần thiết bổ dưỡng cho con người có sẵn trong cao lương hơn gấp nhiều lần lúa gạo. Rồi một tay lại sáng tác bài ca vọng cổ cho hát trên đài rằng: "Cao lương vừa béo mà lại vừa ngon ớ ờ ơ". Sau này, khi đã nếm qua mùi vị cao lương, chúng tôi có nói vui: cứ trả nhuận bút cho cái thằng cha viết bài hát ấy bằng cách cho chả ăn cao lương suốt đời. Vùng đất của chúng ta ngày xưa, khi bắt đầu có những người đầu tiên đến ở cái cây đầu tiên mà những người ấy trồng, tôi dám chắc đó là cây lúa nước. Vậy mà... Rồi còn bao nhiêu chuyện nữa: xuyên tâm liên, sống đời là thần dược trị bách bệnh, rồi cá trê phi, rồi đại trà tập đoàn sản xuất, xây dựng những tập đoàn trong vòng ba ngày, bảy ngày, người nông dân ngẩn ngơ khi mùa màng kéo tới... Tôi xin tự khai là tôi không hề có một đoạn văn nào, một bản thảo nào viết về hiện thực cuộc sống mà bị các cơ quan xuất bản cắt bỏ, bị tuyên huấn hạch sách. Trong đầu tôi trước nay có một cây kéo, nó ngờ rằng người ta sẽ cắt nên nó đã tự cắt trước hết rồi. Đó là điều đau đớn dài lâu trong lương tâm tôi. Trong một bài đăng trên tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Mai Văn Tạo có viết một câu: "Chưa bao giờ văn nghệ bị rẻ rúng như bây giờ". Tôi không đồng tình với nhận xét trên đây. Cứ xem ở một địa phương, một người nào đó chỉ cần viết được dăm bảy bài tốt tốt, sáng sủa là có thể được dân, được Đảng nuôi gạo, nuôi lương, và cả nhà ở, đi lại để làm nghề viết suốt đời rồi. Các nhà văn cách đây vài mươi năm, các tài năng thật sự như Nguyễn Bính còn phải lang thang khắp Bắc, Nam để kiếm sống. Nếu tập hợp từ cấp trung ương tới các địa phương, số người ăn lương Nhà nước để làm công việc viết văn chắc là con số không nhỏ. Trong đó bao nhiêu người thật sự tài năng, tâm huyết với nghề, với đời? Con số đó sẽ quá ư khiêm tốn. Tôi muốn trao đổi với nhà văn Mai Văn Tạo, có lẽ nói thế này thì đúng hơn: "Chưa lúc nào như bây giờ, bọn cơ hội trong nghề văn được sống dễ dàng và những tài năng thật sự thì lại mai một, khó khăn". Chúng ta đã nói quá nhiều về sự lạc hậu và tệ hại của chế độ quan liêu bao cấp. Đã tới lúc không còn cách nào khác, mỗi người, mỗi đơn vị phải nhìn lại chính mình. Tôi xin lấy Hội Văn nghệ Minh Hải làm thí dụ: hàng năm, như năm nay - 1987, Hội Văn nghệ Minh Hải được cấp tròm trèm ba triệu đồng ngân sách hoạt động. Hội chúng tôi có gần 200 hội viên, nhưng tôi dám chắc không một hội viên nào nhận được từ số tiền triệu kia một khoản đầu tư cho một công trình nghệ thuật thật sự. Vậy thì số tiền kia đi về đâu? Nếu xem các chứng từ thanh toán thì nó được chi một cách hợp lý và đúng nguyên tắc. Đến đây xuất hiện một vấn đề: làm cách nào để tiền của nhân dân được đầu tư đúng đắn và thỏa đáng cho các tác phẩm tài năng? Tôi cho đây là cái gốc của việc xóa bỏ quan liêu bao cấp trong quản lý văn nghệ. Sau cuộc tiếp xúc hai ngày của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hóa tôi có nuôi một hy vọng rằng: trong hộc bàn của các nhà văn Việt Nam còn một ngăn nào đó từ lâu được khóa kín, dưới ánh sáng lần này nó sẽ được mở ra, những tác phẩm ấy sẽ nói với nhân dân về tài năng, sĩ khí, tâm huyết của nhà văn Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, tôi cũng vẫn nghĩ là mỗi chúng ta, mỗi đơn vị chúng ta, nếu muốn tồn tại thì phải quay lại từ điểm bắt đầu. Dù vậy, chúng ta không có con đường nào khác... Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 31 & 32 (30-7-1988)
2-3-10
|