ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Văn nghệ, Hà Nội, số 3&4 (17-1-1987)

 

NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT, NÓI ĐÚNG
SỰ THẬT SẼ CÓ NHIỀU TÁC PHẨM HAY

 

NGUYỄN TUÂN

 

Đại hội lần thứ VI của Đảng đề cao tinh thần phê bình, tự phê bình trong Đảng và kêu gọi nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật. Nhà văn, theo tôi, phải quán triệt tinh thần đó trong sáng tác văn học.

Đại hội Đảng lần này vạch rõ khuyết điểm trong xây dựng kinh tế của ta thời gian qua là chủ quan, duy ý chí. Trong văn học của ta vừa qua, cũng có cái lối duy ý chí đó, vậy nên cần phải đổi mới. Đảng khuyến khích nhà văn sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực, tức là phải phản ánh hiện thực một cách trung thực như nó đang tồn tại chứ không phải như ta mong muốn. Nói như thế không phải là không có quyền lãng mạn. Khi cần lãng mạn thì cứ lãng mạn, thậm chí còn có thể dự báo và tưởng tượng để vạch ra một thế giới viễn tưởng như Guylơ Vécnơ (Jules Verne - THD) đã làm. Nhưng đã theo phương pháp hiện thực thì trước hết hiện thực như thế nào, nhà văn phải phản ánh đúng bản chất của nó. Vừa qua nhiều tác phẩm văn học của ta chưa làm được điều đó. Người ta đề cập cái hiện thực một chiều, chứ không phải cái hiện thực như nó đang hiện có, tôi gọi những tác phẩm đó là theo một thứ hiện thực "ảo huyền". Tôi phải đề chữ "ảo huyền" trong hai ngoặc kép để phân biệt với cái réalisme magique (ta dịch là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo) - một phong cách hiện thực độc đáo của tiểu thuyết Mỹ Latinh và gần đây đã phát triển trên nhiều nước. Cái hiện thực mà tôi muốn phê phán đây là một thứ hiện thực ảo, không đúng hiện thực phô (faux). Xã hội đang đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã đấu tranh thì phải có người tốt đấu tranh với người xấu mới làm bật lên cái tốt được. Vậy mà thơ văn đều nói toàn người tốt. Tôi nghĩ ngay đến năm 2000 và xa hơn nữa, vẫn còn người chưa tốt. Cái bệnh của văn thơ của ta vừa qua là chỉ mô tả những người sẽ có những việc sẽ có còn những cái đang diễn ra trước mắt thì văn thơ lại né tránh.

Đổi mới trong văn học theo tôi phải gọi sự vật đúng với cái tên của no, phải phản ánh hiện thực trong cái vẻ toàn diện, nhiều chiều, nhiều mặt của nó chứ không chỉ một chiều. Tôi phải nói ngay rằng nói đúng sự thật không phải là dễ. Vừa qua ta phản ánh vào văn học, nói về cái hay của ta thì ta cũng chưa nói được hết, còn về cái dở thì ta lại quá kiêng kỵ, nói vòng vo bên rìa cho nên văn học chưa góp phần tích cực cải tạo xã hội, cải tạo thế giới được là vì thế.

Tôi nghe nói trong Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô người ta có nói đến "quyền được sai lầm và trách nhiệm sửa chữa sai lầm" của các nhà khoa học. Trong văn học theo tôi, cũng phải cho nhà văn cái quyền được nói sự thật và chịu trách nhiệm về những điều mình phát hiện. Phải biết tin vào lương tri của nhà văn. Nhà văn phản ánh cái tiêu cực là nhằm lên án nó để hướng tới cái tích cực tốt đẹp hơn chứ không phải phê phán chỉ để phê phán, đả kích.

Ở ta, việc nói thật, nói đúng nhiều khi còn đụng đến những húy kỵ kỳ quặc lắm. Cái này đã có từ lâu đời. Ngày xưa đi thi mà nhỡ phạm húy thì tức là phạm trường quy, thí sinh không những bị đánh trượt mà có khi còn phải vào tù. Bây giờ theo tôi, cái đó cũng phải đổi mới đi. Tôi lấy ví dụ: nhân dịp Tết Trung thu vừa qua, tôi có đưa đăng báo một truyện ngắn viết cho thiếu nhi nói về sự tích trái bưởi đào, trong đó có mấy chữ Đại hội các loài chim, một cán bộ biên tập đã yêu cầu tôi bỏ mấy chữ đại hội đi vì sợ người ta liên hệ tới đại hội Đảng. Sự kiêng kỵ ấy thật kỳ quặc, và buồn cười. Tôi nghĩ nếu bài viết ấy có nội dung nhằm ám chỉ điều gì không đúng đắn thì phải bỏ cả bài đi, chứ đâu chỉ bỏ vài câu vài chữ mà một bài viết từ chỗ không trong sáng lại trở nên trong sáng được. Nhiều khi chỉ vì một vài sự húy kỵ không đâu ấy mà người biên tập làm cho nhà văn mất cả hứng thú sáng tác. Người biên tập cũng nên đổi mới lối suy nghĩ và phong cách làm việc ấy đi.

 

  •  Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 (17-1-1987)

 

Mục lục

 

14-2-08