CÁI MỚI TRONG VĂN NGHỆ NGUYỄN VĂN BỔNG Tác phẩm văn học nghệ thuật muốn được chú ý (để có tác dụng xã hội) phải có cái mới, cái lạ. Cái mới lạ đó có thể ở trong nội dung, có thể trong hình thức biểu hiện. Trong xã hội tư bản cũ càng bế tắc, đối với công chúng thưởng thức văn học nghệ thuật đã chán chường, thì cái mới trong nội dung chỉ có thể là những cái kỳ quặc, quái đản, hay những điều điên cuồng, sa đọa nhất. Cái mới lạ trong hình thức là những trò ma giáo, ảo thuật với chữ nghĩa, âm thanh, màu sắc, hình khối... Vì vậy văn học nghệ thuật các xã hội tư bản mới loạn lên các trường phái, chủ nghĩa, các "isme"... Để xây dựng nền văn học nghệ thuật mới trong xã hội chúng ta, chúng ta cần chống lại các thứ "mới" đó, thật ra là rất cũ! Nhưng, vì chúng ta xây dựng một xã hội nhằm mục tiêu cuối cùng là cái đẹp, cái tốt, là ấm no và hạnh phúc, nên đã có lúc có người cho rằng văn học nghệ thuật vạch ra cái xấu, cái hư hỏng, thoái hóa... là "bôi đen", "ám chỉ", "phá hoại"... Vì chúng ta xây dựng một xã hội lạc quan, chiến đấu và chiến thắng, nên những băn khoăn, trăn trở trong tác phẩm văn học nghệ thuật bị coi là yếu hèn, bệnh hoạn. Những đau thương, mất mát, bị coi là bi quan, thất bại chủ nghĩa! Vì chúng ta xây dựng một xã hội nhằm giải phóng và phát huy đến cao độ mọi khả năng của con người, một xã hội sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và sản xuất, nên tác phẩm văn học nghệ thuật nói về con người bình thường, sự việc bình thường bị coi là tủn mủn, vụn vặt, tầm thường... Vì chúng ta xây dựng một xã hội trên căn bản của chủ nghĩa tập thể, nên mọi chuyện riêng tư trong tác phẩm văn học nghệ thuật bị coi là cá nhân chủ nghĩa. Vì chúng ta xây dựng một xã hội mà con người là con người lao động, con người hành động, nên những suy tư, nghiền ngẫm về tâm lý bị coi là viển vông, thụ động! Vì chúng ta xây dựng một nền văn nghệ có tính dân tộc, nên những cái lạ mắt, lạ tai bị coi là ngoại lai! Vì văn học nghệ thuật chúng ta là văn học nghệ thuật hiện thực, nên những bút pháp tượng trưng, huyền ảo bị gạt ra ngoài!... Vân vân... Những người có các ý nghĩ như trên thường tự cho là mình tích cực bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, tích cực bảo vệ Đảng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Họ thấy cần cảnh giác cao với các sáng tác văn học nghệ thuật, là sản phẩm của những con người họ cũng nhìn nhận là có những khả năng nào đó, nhưng thường là non nớt về chính trị, yếu kém về quan điểm, lập trường, dễ mất cảnh giác với địch, và thường lơ là trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Họ tỏ ra nhạy bén, rất thính đối với những cái gì là lạ trong sáng tác văn học nghệ thuật, những gì không như họ thường nghĩ, thường cảm xúc - thấy ngay ở đó "có vấn đề!". Họ hăm hở đặt ra thành vấn đề: hoặc phê bình một chiều trên sách báo, có nói đi không có nói lại, hoặc tiến hành đấu tranh về "quan điểm" bằng nhiều hình thức: hay chỉ đưa ra những nhận xét tạo thành dư luận xã hội, gây một không khí lo ngại, bức bối không chỉ đối với người bị coi là sai lầm, mà cả trong giới sáng tác rộng rãi... Để giải phóng năng lực sáng tạo trong văn học nghệ thuật, việc đổi mới về tổ chức và phong cách làm việc là cần thiết. Đổi mới về chính sách là cần thiết. Nhưng trước hết phải xua tan những ô nhiễm kia trong bầu trời văn học nghệ thuật, xua tan những ám ảnh, mặc cảm, những lo lắng, hoài nghi, bức bối kia; phải đem lại cho người sáng tác dũng khí và lòng tin. Trước kẻ thù, người làm văn nghệ của chúng ta đã tỏ ra không thiếu dũng khí. Nửa thế kỷ qua, đối với các loại kẻ thù, họ đã chiến đấu như những chiến sĩ thật sự. Họ đã tham gia lao động sản xuất như những chiến sĩ thật sự. Họ đã làm các công tác cách mạng như những cán bộ cách mạng thật sự. Họ một lòng tin Đảng, tin chủ nghĩa, nhưng lại thiếu tự tin, thiếu lòng tin vào bản thân mình. Vì nguồn gốc xã hội (đến nay phần lớn họ là trí thức tiểu tư sản). Vì đặc điểm nghề nghiệp của họ (sáng tác văn học nghệ thuật chân chính khi nào cũng là tìm tòi. Thử thách là niềm bất an đối với tác giả...). Vì các sự ám ảnh, mặc cảm nói trên. Đem lại cho họ dũng khí và lòng tự tin. Giải phóng cho họ ám ảnh và mặc cảm sai lầm. Để họ lao vào cái mới, cái lạ, cái khám phá, sáng tạo. Mới lạ, khám phá, sáng tạo không phải cho những con người chán chường, muốn tìm trong văn nghệ chất ma túy, những ảo giác, những cảm xúc mạnh, để tự hủy hoại mình và hủy hoại xã hội. Mà cái mới lạ, khám phá, sáng tạo cho những con người có thiện chí xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa. Cái mới lạ, khám phá, sáng tạo thật sự của văn nghệ, là điều kiện cần thiết của văn nghệ, là cái không có thì không thành văn nghệ, không có thì không ai cần đến văn nghệ. Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 31 (1-8-1987)
9-4-08 |