Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 19 (7-5-1988)
VĂN NGHỆ VÀ CHÍNH TRỊ NGUYỄN VĂN HẠNH Việc bàn luận về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị đã có từ lâu trong lịch sử phát triển văn học, nghệ thuật trên thế giới, cũng như ở nước ta. Ở nước ta, chỉ từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, vấn đề này đã trở đi trở lại nhiều lần, gần đây lại rộ lên trong giới sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Đây không phải là một vấn đề có tính chất sách vở, kinh viện mà có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng, liên quan đến cả văn nghệ và chính trị, có ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp đến phương hướng, chất lượng và hiệu quả của hoạt động văn học nghệ thuật, cũng như đến công tác lãnh đạo, quản lý lĩnh vực sản xuất tinh thần quan trọng này. Văn nghệ và chính trị có thể được xem xét như những bộ phận của kiến trúc thượng tầng; những hình thái ý thức xã hội trong mối quan hệ với cơ sở hạ tầng, với tồn tại xã hội và đối với nhau, nhưng những vấn đề này nhìn chung đã sáng tỏ. Với tư cách hoạt động xã hội, chính trị và văn nghệ cần được phân biệt kỹ hơn, vì ở đây còn nhiều điều chưa rõ, nhiều ý kiến khác nhau, mâu thuẫn nhau. Nhưng ngay trên phương diện này, chính trị và văn nghệ cũng có những nội hàm, những phẩm chất, những cấp độ khác nhau, do đó mà quan hệ giữa chúng cũng rất phức tạp. Chính trị có đường lối chính trị, chế độ chính trị, tổ chức chính trị, cán bộ chính trị; lại có chính trị tiến bộ và chính trị phản động; chính trị lớn, chính trị đúng đắn và chính trị thiển cận, sai lầm; chính trị của lực lượng đang nắm quyền và chính trị của lực lượng đối lập, bị trị đang đấu tranh v.v... Văn nghệ cũng có văn nghệ lớn và văn nghệ xoàng, văn nghệ tiến bộ và văn nghệ phản động, văn nghệ sĩ và tác phẩm v.v... Tuy nhiên, cũng có thể nêu lên một số đặc điểm tổng quát của chính trị và văn nghệ, quan hệ của chúng với nhau với tư cách là hai lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, hai hoạt động khác nhau của con người. Có căn cứ để phân biệt trong hoạt động xã hội của loài người ba loại hình lớn: hoạt động thực tiễn, hoạt động khoa học và hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Ba loại hình này quan hệ với nhau, ảnh hưởng và thâm nhập lẫn nhau, nhưng vẫn tuân theo những quy luật đặc thù riêng biệt. Hoạt động chính trị thường dựa vào khoa học, có phần sáng tạo nhiều khi rất lớn, nhưng chủ yếu và trước hết nó là hoạt động thực tiễn. Nghệ thuật cũng có phần là nhận thức khoa học, là hoạt động thực tiễn, nhưng đứng về bản chất và chức năng mà xét thì nó là hoạt động ý thức, hoạt động tinh thần, hoặc là hoạt động tinh thần - thực tiễn, một hoạt động sáng tạo đặc biệt. Chính trị và văn nghệ có thể cùng chung những lý tưởng lớn, chẳng hạn như tự do, bình đẳng, bác ái, hoặc độc lập, tự do, hạnh phúc. Nhưng để đến những lý tưởng đó, chính trị và văn nghệ lại có những con đường, những cách làm khác nhau. Chính trị luôn phải xác định cho mình những mục tiêu cụ thể, phân biệt các giai đoạn, tính toán các bước đi cho phù hợp. Văn nghệ thì lại "đốt cháy giai đoạn", hướng ngay tới cái đích cuối cùng, soi sáng mọi cảnh đời, mọi biểu hiện của cuộc sống từ ánh sáng của lý tưởng. Chính trị là hoạt động có ý thức nhất, có trình độ tổ chức rất cao, có khả năng tạo nên những bước ngoặt lớn, những chuyển biến quyết định đối với sự phát triển của lịch sử, đối với vị trí xã hội của các giai cấp, đối với số phận của các dân tộc và cả loài người. Các nhà chính trị huy động vào cuộc đấu tranh tất cả những gì có thể huy động được, cả lực lượng vật chất và lực lượng tinh thần, cá nhân và tổ chức, kinh nghiệm và khoa học, ý chí và mưu lược, cả sức mạnh của lẽ phải, niềm tin và cả bạo lực... để giành chính quyền, giữ chính quyền, nắm lấy quyền lực, dựa vào đó mà chi phối sự phát triển của xã hội, mà tổ chức và điều hành xã hội theo những quan niệm và lý luận nhất định, phù hợp với lợi ích của giai cấp này hay giai cấp khác, của tập đoàn xã hội này hay tập đoàn xã hội khác. Trong sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ chủ yếu làm việc một mình, tự mình tìm hiểu, cảm nhận, suy ngẫm về cuộc sống, ức đoán, tưởng tượng, "bịa đặt" để tạo ra tác phẩm, nó vừa là con đẻ tinh thần của tác giả. Nghệ sĩ là một cá tính sáng tạo. Cái chủ quan, cá tính, sự độc đáo, năng lực hư cấu thường không có tác dụng gì đáng kể, thậm chí gây trở ngại trong khoa học và ngay trong chính trị, thì trong nghệ thuật không những được thừa nhận đương nhiên, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng. Nghệ sĩ càng có bản lĩnh, tài năng, có sức tưởng tượng phong phú, thì tính độc đáo càng lớn, càng có thể có nhiều đóng góp đặc sắc, bất ngờ cho nghệ thuật. Trong nghệ thuật con người cảm thấy được tự do nhất, "là mình" nhất theo nghĩa thoát ra khỏi những ràng buộc và lợi ích chật hẹp để vươn tới những lý tưởng cao đẹp, được "thanh lọc", có điều kiện bộc lộ đầy đủ nhất bản chất người, năng lực và phẩm chất tinh thần của mình, luôn luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo. Sức mạnh của nghệ thuật là sức mạnh của sự thật và lẽ phải, còn ở sự hòa quyện giữa chất đời và chất lý tưởng, giữa lao động và niềm vui, ở bản chất tự do, sự chân thành và tính độc đáo, đa dạng của chủ thể sáng tạo, ở chất sống, sự phong phú và đặc sắc của những hiện tượng được miêu tả, ở tính đơn nhất, không lặp lại của hình tượng và tác phẩm nghệ thuật. Chính trị là đấu tranh liên tục, nỗ lực liên tục để giành thắng lợi này đến thắng lợi khác. Văn nghệ lại thường khi là sự ngừng nghỉ, sự yên lắng để con người nhìn lại con đường đã qua, nó là khát vọng của con người về sự hoàn thiện và hài hòa, sự ăn năn của con người về những lỗi lầm, là sự tự ý thức liên tục, thiết tha, sâu thẳm của con người về chính mình, về những giá trị của cuộc sống, về tình cảm con người đang sống và đã "người" đến mức độ nào, về những gì đang chờ đợi con người trong hành trình đầy kịch tính của mỗi cá nhân, của dân tộc, của nhân loại. Trong quá trình tự ý thức này, con người tự đặt mình trước sự phán xét của những năng lực trong sáng nhất như lương tâm, lương tri, tự đánh giá mình theo những đòi hỏi cao nhất của ý thức trách nhiệm, lẽ công bằng, lòng nhân ái. Văn nghệ là tấm gương vĩ đại và chân thực nhất của cuộc sống và của nhân loại, nó là người bạn đồng hành trung thành, vô tư, thân ái và nghiêm khắc của con người trên tiến trình lịch sử cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì những lẽ đó mà văn nghệ có sức mạnh riêng, không thay thế được, thật sự cần thiết cho con người, đặc biệt trong các xã hội văn minh. Đại diện và đấu tranh cho những lợi ích sống còn của con người và hàng triệu quần chúng, với khả năng giải quyết những vấn đề chung của toàn xã hội, với trình độ tổ chức cao và sức mạnh quyền lực của nó, từ xưa đến nay trong lịch sử loài người chính trị vẫn nắm quyền lãnh đạo xã hội, chi phối mạnh mẽ mọi lĩnh vực hoạt động khác của con người. Chính trị chi phối văn nghệ và văn nghệ phụ thuộc vào chính trị là một thực tế khách quan. Nội dung và mức độ sự chi phối và phụ thuộc này là tùy vào bản chất và tầm vóc cụ thể của chính trị và văn nghệ trong những tương quan cụ thể. Chính trị cách mạng và văn nghệ cách mạng cũng nằm trong quan hệ có tính quy luật đó. Không phải ngẫu nhiên mà để nhấn mạnh tầm quan trọng của một vấn đề, một nhiệm vụ, ta lại gọi đó là vấn đề chính trị, nhiệm vụ chính trị. Đường lối văn hóa văn nghệ thực chất cũng là đường lối chính trị trong văn hóa văn nghệ. Ta nói chính trị chi phối văn nghệ, văn nghệ phụ thuộc vào chính trị, nhưng như thế không có nghĩa rằng sự chi phối đó, sự phụ thuộc đó chỉ có một chiều, mà trong hoạt động của con người, trong ngôn ngữ biện chứng của sự vật, thật ra đó là sự chi phối lẫn nhau, sự phụ thuộc lẫn nhau, khác nhau chỉ là ở chiều hướng chính, ở cường độ của lực tác dụng mà thôi. Và chính trị lớn là chính trị không những biết chi phối văn nghệ, lãnh đạo văn nghệ, mà còn phải biết lãnh đạo đúng, biết phát huy sức mạnh riêng của văn nghệ vì lợi ích của văn nghệ và của bản thân chính trị, vì những mục tiêu cao cả chung của chính trị lớn và văn nghệ lớn. Hạ thấp vai trò chính đáng của văn nghệ, làm cho văn nghệ không thực hiện được tốt sứ mệnh cao cả của nó, thậm chí bị thủ tiêu đi, thì điều đó không những tai hại cho văn nghệ, mà còn cho bản thân chính trị, cho sự phát triển chung của xã hội và con người, và trong trường hợp đó, vai trò lãnh đạo của chính trị và lý do tồn tại của nó cũng bị đặt thành vấn đề. Về phía nó, văn nghệ đích thực, văn nghệ lớn phải hiểu rõ vai trò và tác dụng chi phối khách quan của chính trị, đồng thời phải ý thức sâu sắc sức mạnh riêng của văn nghệ, ảnh hưởng ngược lại của văn nghệ đối với chính trị, vai trò không thay thế được của văn nghệ trong đời sống của con người, trong sự phát triển của xã hội. Có người nói chính trị thì ngắn ngủi, văn nghệ thì lâu dài. Thật ra không phải như vậy. Chính trị lớn cũng như văn nghệ lớn đều trường tồn, còn chính trị thiển cận và văn nghệ xoàng thì đều qua đi nhanh chóng. Chỉ có điều sự phát triển của chính trị theo con đường phủ định biện chứng, thành tựu của thời kỳ trước chỉ tồn tại như là tiền đề, một cách gián tiếp, trong thành tựu của thời kỳ sau. Tác phẩm văn nghệ lại tồn tại và lưu truyền trong dạng nguyện vẹn, riêng biệt, đơn nhất, không lặp lại, như là đối tượng thẩm mỹ trực tiếp của từng người thuộc những thế hệ công chúng khác nhau, những thời đại khác nhau. Ý nghĩa thực tiễn việc bàn luận hiện nay về quan hệ giữa chính trị và văn nghệ là để giải quyết cho đúng sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ và vấn đề tự do sáng tác của văn nghệ sĩ. Đảng là một tổ chức chính trị lãnh đạo mọi mặt của công tác cách mạng, của đời sống đất nước, tất nhiên cũng lãnh đạo văn nghệ. Sự lãnh đạo này chỉ là một hình thức thể hiện cụ thể quy luật chính trị lãnh đạo xã hội đã được khẳng định, trong lịch sử hàng nghìn năm của nhân loại, do đó là một tất yếu. Hơn thế nữa, sự lãnh đạo của một đảng theo quan điểm Mác-Lênin đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động, thể hiện trí tuệ và lý tưởng nhân đạo cao nhất của dân tộc và thời đại là một thuận lợi cho văn nghệ. Nhưng vấn đề không đơn thuần là bảo đảm sự lãnh đạo mà còn phải lãnh đạo cho đúng. Lãnh đạo là quyền lực cũng đồng thời là trách nhiệm cực kỳ to lớn. Lãnh đạo có thể đúng mà cũng có thể sai. Do đó phải luôn luôn kiểm tra sự lãnh đạo, nâng trình độ, đổi mới sự lãnh đạo cho phù hợp với tình hình, với sự phát triển khách quan của sự vật, theo yêu cầu mới của cách mạng. Muốn lãnh đạo đúng, lãnh đạo tốt văn hóa văn nghệ thì cần phải hiểu biết vai trò, bản chất, chức năng của văn hóa, văn nghệ, quy luật và đặc điểm của hoạt động này, hướng dẫn và tạo điều kiện cho văn hóa văn nghệ đi đúng đường lối cách mạng của Đảng, bảo đảm cho văn nghệ sĩ được tự do sáng tác, vì tự do sáng tác, như Nghị quyết Bộ Chính trị đã chỉ rõ, là "điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ, để phát triển tài năng". Với trách nhiệm và uy tín lớn của Đảng, trong hoàn cảnh đảng cầm quyền, lại càng phải sử dụng quyền lực một cách đúng đắn và thận trọng, nhất là đối với một lĩnh vực sáng tạo tự do như văn học nghệ thuật. Cần bảo đảm cho văn nghệ và chính trị thống nhất trong việc thực hiện những nhiệm vụ lớn của cách mạng, phục vụ Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, nhưng không được đồng nhất văn nghệ và chính trị, vì như vậy không những là làm yếu văn nghệ, mà là làm yếu chung sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Cần học tập và làm quen dần với phong cách làm việc dân chủ, ngăn ngừa thái độ mệnh lệnh, áp đặt, hấp tấp, bình quân trong việc xử lý các vấn đề văn học nghệ thuật vốn rất phong phú, đa dạng, nhạy cảm, tế nhị, thật sự tự nguyện và mang tính cá biệt sâu sắc. Trong nội dung lãnh đạo văn hóa văn nghệ, Đảng không những phải tiếp tục quan tâm lãnh đạo về chính trị và quan điểm, về tổ chức và cán bộ, mà thực tế ngày càng đòi hỏi Đảng phải chú ý lãnh đạo cả về mặt lý luận và phương pháp luận vì sự coi nhẹ và yếu kém ở phương diện này sẽ dẫn đến thái độ kinh nghiệm chủ nghĩa, sự trì trệ và thiếu sót ngay trong lãnh đạo chính trị và quan điểm tổ chức và cán bộ.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 19 (7-5-1988)
|