ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 21 (21-5-1988)

 

DÂN CHỦ TRONG VĂN NGHỆ

NÔNG QUỐC CHẤN

 

Có lẽ do chế độ bao cấp kéo dài, cho nên, cách nói, cách làm việc và cả các sáng tác văn học nghệ thuật phần nào cũng bị "bao"! Đã "bao" là rập theo một khuôn, là ít phát huy tính sáng tạo của nhiều người. Tính dân chủ bị hạn chế.

Hai từ dân chủ đã đến với nhân dân ta kể từ khi có phong trào cách mạng dân tộc dân chủ. Trải qua hơn 40 năm sống dưới chế độ mới - từ chế độ dân chủ nhân dân đến chế độ xã hội chủ nghĩa - Hiến pháp Nhà nước đã ghi nhận quyền dân chủ của mỗi công dân Việt Nam. Quyền làm người, người dân trong quốc gia độc lập, tự do được thực hiện từng mặt, từng bước. Nhưng dân chủ chưa được mở rộng thật sự đúng nghĩa của nó. Vì sao, vì tư tưởng dân chủ chưa được giáo dục, truyền bá một cách đầy đủ, thường xuyên trong nhân dân. Vì nhiều cơ chế chưa thống nhất, chưa bảo đảm quyền công dân. Vì ở cấp này cấp khác, có người cầm quyền thiếu dân chủ, ngay cả lời nói, thái độ đối với dân cũng tỏ ra thiếu dân chủ. Khi còn làm việc ở địa phương tôi đã từng "chung sống" với một số người đồng nghiệp, tuy vẫn gọi nhau hàng ngày bằng hai tiếng "đồng chí", nhưng thực ra, chẳng phải đồng chí theo nghĩa là cùng một ý chí. Họ luôn tỏ ra là kẻ cả. Người khác phải nghe họ, chứ họ thì không cần nghe ai. Đứng trên bục, họ nói ngạo mạn: "Tôi chỉ có văn hóa lớp hai. Nhưng đề bạt các anh chị, là tôi! Nâng lương các anh chị, là tôi! Và quyết định mọi việc quốc tế dân sinh ở vùng này, là tôi! Các anh chị đừng có khoe học vấn, bằng cấp!" Rõ ràng là một thổ ty mang danh cộng sản! Và qua các cuộc kháng chiến, yêu cầu bí mật quân sự, tự nhiên hình thành một thói quen mọi người chỉ được nói thật việc gì đó, còn việc gì đó thì không được nói, hoặc nói khác đi!

Quá trình diễn biến dân chủ ở đất nước ta là như vậy. Thực tế, có những yếu tố cản trở hơn là tạo ra các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự hoàn thiện chế độ dân chủ, tinh thần dân chủ.

Tình trạng đó đã kéo dài. Nhiều người, nhất là người trí thức, văn nghệ sĩ đã nhận thấy tình trạng đó là không phù hợp với bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Có lúc có nơi đã "bục" ra bằng lời nói, bằng bài viết để tỏ thái độ không đồng tình đối với việc này, người này, hoặc đối với chủ trương kia, hành động kia. Mỗi lần nảy ra ý kiến khác, tiếng nói khác, rất ít khi được soi xét một cách khách quan mà thường bị để ý, bị quy là "lệch lạc" rồi bị thành kiến. Đáng chú ý là mỗi lần có "sóng gió" trong văn nghệ, không phải có nhiều người dám giữ chính kiến của riêng mình để bênh vực hay chống lại một tác phẩm của một tác giả đang bị coi là có "vấn đề". Người ta dễ dàng nhận thấy ý kiến đổi thay của một số người đối với một tác phẩm trong một thời gian, nghĩa là, vừa khen xong đã chê luôn, hoặc ngược lại.

Đổi mới trong văn nghệ, trước hết, chúng ta cần tạo ra không khí dân chủ.

Nói thật, nói thẳng, nói đúng là một trong những yêu cầu thông tin của giới văn nghệ đối với công chúng.

Hiện nay, trong đời sống xã hội ở nước ta, có nhiều loại sự thật. Giá hàng tăng vọt, giấy bạc sụt giá, đời sống khó khăn, tệ nạn, hủ tục gây thêm sự vẩn đục trong lối sống của con người và xã hội... Đó là loại sự thật tiêu cực. Nhưng, cuộc sống của cả nước ta, không phải ở đâu, việc gì cũng đều suy thoái. Những tiến bộ mới của chế độ xã hội chủ nghĩa cũng đã và đang xuất hiện. Từ cầu Chương Dương, cầu Thăng Long... đến nhà máy nhiệt điện Phả Lại, công trường thủy điện Sông Đà - Hòa Bình, công trường thủy điện Trị An, dàn khoan dầu khí v.v... là những công trình lớn, là sự thật hùng hồn của Tổ quốc đầu những năm 80 này.

Mỗi ngòi bút có trách nhiệm tham gia tìm ra "Những việc cần làm ngay" trên các lĩnh vực trong cuộc sống, nhất là lĩnh vực kinh tế - xã hội, là rất cần thiết. Nhưng, vạch mặt, lên án kẻ xấu, người viết cũng không quên ủng hộ, biểu dương những người tốt, việc tốt. Gần đây, sau loạt bài "Những việc cần làm ngay" của Nguyễn Văn Linh rõ ràng là khí thế của quần chúng nhân dân được động viên và pháp luật được tôn trọng hơn. Tất nhiên, nguyện vọng của nhân dân ta là sau khi các vụ việc tiêu cực được vạch ra trên báo, đài, thì các tổ chức Đảng, chính quyền, pháp luật xử lý ngay và công bố ngay. Kẻ có lỗi có tội phải bị trừng trị theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Người có công, có thành tích xuất sắc cần được biểu dương, khen thưởng. Một thái độ như thế là biện chứng và công bằng.

Những bài ký sự đăng trên báo Văn nghệ gần đây được người đọc hoan nghênh. Tác giả của các bài ký sự ấy đã có cách nghĩ cách nhìn mới đối với sự thật. Người viết không ca ngợi một chiều để đáp ứng yêu cầu của người "đặt hàng". Nhà văn cũng không mang sẵn định kiến để tìm chỗ kém, chỗ yếu, chỗ sai của một đơn vị để "vạch mặt". Quy luật phát triển của sự vật là trải qua đấu tranh, cái cũ không lành mạnh cần sửa đổi, loại bỏ, cái mới tiên tiến cần được ủng hộ, phát triển.

Tiếng nói của các nhà văn và nghệ sĩ là ngôn ngữ nghệ thuật góp phần vào lực thông tin hàng ngày cho sự đổi mới tư duy, đổi mới phong cách, thực hiện chế độ dân chủ trong cuộc sống xã hội.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 21 (21-5-1988)

 

Mục lục

10-1-09