MỘT TRÒ CHƠI VÔ TĂM TÍCH PHẠM THỊ HOÀI Một người bạn tôi, một nhà điêu khắc có lần bảo tôi: "Văn chương chẳng phải là lúa, cứ cấy xuống là vài tháng sau gặt. Văn chương là một trò chơi vô tăm tích". Vô tăm tích nghĩa là thế nào? Tôi được nghe nhiều người cầm bút ngậm ngùi, liệu ba trăm năm lẻ nữa có ai là kẻ khóc mình. Nhiều người cương quyết khước từ công chúng của ngày hôm nay để dành ngăn kéo bàn giấy thiêng liêng của mình cho một công chúng ngày mai. Nhiều người tìm kiếm an ủi trong sự bất tử ở một cõi xa xôi nào đó. Nhiều người bay trên đầu các đồng nghiệp thành đạt với nụ cười thông thái rằng thời gian sẽ sàng lọc công bằng lắm. Nói chung, ở người cầm bút gửi gắm mình cho một mùa gặt xa vời nào đó là một hy vọng thâm căn cố đế. Và cũng thâm căn cố đế như vậy là thói lập lờ đánh lận, lợi dụng tính chất bí ẩn của thời gian làm tấm chắn mỹ miều cho những kẻ lười biếng và bất tài. Ở đấy trò chơi vô tăm tích của văn chương trở thành một trò phù thủy hù dọa. Có những nhà văn phù thủy đã sống suốt một đời no nê xôi thịt nhờ những bóng ma thiên tài. Và tâm lý sợ ma của người đời cũng lại là thâm căn cố đế. Điều có thật là lịch sử đã phong thánh muộn màng một số thiên tài văn chương mà tầm vóc về tài năng thời của họ không dung nổi. Nhưng thụy danh và lễ truy điệu dành cho họ thực ra chỉ có ý nghĩa với hậu thế, còn với bản thân họ tôi tin rằng, tất cả những thứ đó hoàn toàn vô nghĩa. Có người cầm bút nào không mưu cầu hạnh phúc, trong đó bao gồm cả sự thừa nhận của những người cùng thời. F. Nietzsche con người cô đơn đến mức "không được nói cái ân huệ có những địch thủ xứng đáng" chắc chắn chẳng sung sướng gì với cái bi kịch tinh thần chết người của mình, chẳng thích thú gì cảnh "từng người, từng người trong cái đám bạn bè kẻ quen người lạ lần lượt sợ sệt giữa màn độc thoại oanh liệt của ông và khiếp đảm bỏ lại ông một mình trên sân khấu ghê rợn của cuộc đời ông. Và tấn trò chưa từng thấy nhất của trí tuệ ban tặng cho cái thế kỷ sụp đổ của chúng ta đã kết thúc không hồi âm, không thính giả trước những hàng ghế băng trống rỗng[1]. Đó quả là một trò chơi vô tăm tích vĩ đại bởi nó đạt mức nguy hiểm cuối cùng. F. Nietzsche người thực hiện đã không hề muốn, nhưng không thể không thực hiện. Điều này nằm ngoài ý muốn cá nhân ông. Trong khi đó, ở thời nào cũng thế, số đông những người thuộc về thứ văn học... Có những tác giả mòn mỏi đuổi theo các chủ đề vĩnh hằng của nhân loại. Than ôi, các tác phẩm của họ vẫn chẳng thọ hơn tấm thân vật chất của họ là bao. Có những tác giả say sưa với các cuộc cách tân văn chương. Thương thay lao lực của họ vẫn chẳng dựng nổi một cột mốc khả dĩ nào trong lịch trình phát triển của văn học. Có những tác giả đinh ninh mình đang dẫn đồng bào băng qua sa mạc tới vùng đất hứa. Hỡi ôi, cái sa mạc theo lối nghệ sĩ ấy không nhiều hơn ba hạt cát. Họ đã không muốn đoản thọ mà vẫn đoản thọ. Có lẽ lịch sử chỉ thương hại chứ không nỡ trách móc và ít khi lầm về những kẻ lực bất tòng tâm. Nhưng đáng trách là những toan tính - đôi khi rất tài ba - của những kẻ dùng văn tài của chính mình để gây dựng gấp gáp danh vọng, tiền bạc, bất chấp lời kêu gọi dù rất mong manh của một lương tri nào đó. Tôi hiểu lương tri ở đây không phải như một khái niệm đạo đức mà như cái lẽ nội tại tất yếu của nghệ thuật văn chương. Sách xưa kể việc Đông Hồ chép thẳng án Đào Viên: "Đã gọi là tin sử thì có thể nào phải chép như thế, bởi vậy đầu tôi có thể cắt được, chứ bản thảo này thì không thể chữa được". Cái lương tri ấy nằm trong chính bộ môn sử, người chép sử chỉ là kẻ thừa hành. Và nhất định phải có một cái lương tri như vậy trong văn chương. Văn học Việt Nam hiện đại đang bắt đầu phát triển theo quy luật thị trường. Theo tôi như thế hợp tự nhiên và vì vậy lành mạnh hơn nhiều so với giai đoạn phát triển theo kế hoạch đứng trước đây. Có thể kể ra một vài nhu cầu của thị trường đó: cải lương, phá bĩnh, tù mù và nhân văn. Cải lương chiếm quá nửa và hứa hẹn nhiều lời lãi vật chất. Cải lương hiện đại có thể bao gồm từ chuyện nhà chùa, đến chuyện nhà chứa, thỉnh thoảng có dừng lại triết lý giữa những pha gay cấn. Văn học Việt Nam xưa nay ít dùng để giải trí. Cải lương khắc phục được khuyết điểm đó, nó hồn nhiên hơn và ít tham vọng hơn. Rất nhiều văn xuôi và thơ chống tiêu cực đã ra đời trên nền tảng tiện lợi ấy. Phá bĩnh dành cho những khách hàng khó tính hơn. Họ cũng phóng khoáng, ưa hài hước và có tinh thần cấp tiến. Đời sống văn chương xưa nay buồn tẻ, nhạt nhẽo và nhiều đạo đức giả, thật cũng đáng phá bĩnh lắm. Sensation và scandale vốn là từ chuyên dùng để chỉ tình trạng lộn xộn, bừa bãi, tóm lại là đồi trụy và phản động của những nền văn hóa phương Tây. Thật may mắn là nó đã tìm được đường đến với chúng ta, chưa đầy 15 năm sau cuộc đổ máu chống Mỹ. Tôi quan niệm sensation và scandale là những cú huých lành mạnh. Người ta có thể tiến về phía trước bằng cách đó hay không lại là việc khác. Phong trào phá bĩnh hiện nay không phải có nguy cơ quá đà như nhiều nhà phê bình đầy tinh thần trách nhiệm đã lo lắng nhắc nhở. Nguy cơ của nó, ngược lại là sự non yểu, ngắn hơi, chỉ nương nhờ vào ngẫu nhiên, thiếu hụt quy mô và tầm vóc cần thiết. Có lẽ nó chỉ thỏa mãn tâm lý ưa chửi đổng và hờn dỗi, thậm chí chưa đến mức ăn vạ, của người Việt, chứ không đủ để giáo dục một ý thức sâu xa nhằm vươn tới tự do và nhân quyền. Điều đó thật đáng buồn. Văn chương tù mù gần đây rất được ưa chuộng. Đầu thế kỷ, có một người Pháp đã bình luận rằng: "Người nước Nam được một cái lạ: cứ được đọc sách ngâm thơ là sướng, hiểu hay không chẳng cần. Từ người kể chuyện Nhị độ mai đến ông bình văn, chỉ cốt có giọng mà thôi. Thế mà "đọc đi đọc lại dăm bảy mươi lần vẫn không biết chán". Nếu chịu khó đầu tư vào tâm lý "hiểu hay không chẳng cần" và đọc đi đọc lại "dăm bảy mươi lần không biết chán" nếu thấm nhuần kỹ thuật ám chỉ đầy ẩn ý vốn là truyền thống phương Đông, cộng thêm kỹ thuật bỏ ngỏ rất linh động của văn chương thế giới hiện đại, ta có thể hoàn thành không khó khăn gì một tác phẩm tù mù. Đấy là một lối đi tắt rất hiệu quả. Bí quyết của nó nằm ở chỗ để người đọc linh cảm thấy một điều gì rất mơ hồ và lớn lao đằng sau các hàng chữ. Về khía cạnh nào đó, dường như nó cũng cùng mạch với trò chơi vô tăm tích. Tôi thường mơ ước: nghệ thuật phải sáng trưng. Nếu không, nó cũng là trò phù thủy đánh đố của những kẻ "đánh quả nghệ thuật" trong tranh tối tranh sáng. Cuối cùng là nhân văn. Thực ra, đây là một vấn đề sáng tỏ, chẳng cần gì phải bàn dông dài. Đáng đau đầu là, đối với một số người này, nó là món độn, đối với một số người khác, nó là món kèm bảo hiểm và đối với một số người khác nữa lại là một trọng tài dễ dãi và cả nể. Biết làm sao được, khi mà thị trường văn học, theo đúng nghĩa của nó mới hình thành ngắn ngủi thế, và không ít người còn nuối tiếc thời kỳ phát triển theo kế hoạch trước kia. Ôi, thời vàng son trong đó mọi người đều có phần của mình, nay còn đâu! Đáp ứng đúng những nhu cầu đó, chiều theo thị trường và biết cách khuynh đảo hay tràn ngập thị trường là những điều kiện sống còn của văn chương "cập thời vũ". Ở đây đổi mới hay bảo thủ chỉ là cái cớ. Vấn đề là sự đắc dụng tức thời, là sự thành đạt và doanh thu ngay tại chỗ. Nhu cầu "có tất cả và có ngay tức khắc" ấy cũng là một nhu cầu hoàn toàn tất yếu và lành mạnh của con người. Thêm vào đó, không hiếm nhà văn tự cho mình phải thực hiện nghĩa vụ công dân cấp bách của một thời đại nào đó. Và nếu người cầm bút chỉ là những công dân tốt và những nhà văn tồi, thì chúng ta sẽ có một nền văn học tồi của các công dân đáng kính. Điều đó chưa tệ hại lắm. Tệ hại hơn nếu các bác sĩ, phi công, kế toán viên... đều là những bác sĩ tồi, phi công tồi và kế toán viên tồi như vậy. Giữa một bên là văn chương cập nhật - những vụ gạt hái gieo trồng quá ngắn này - và một bên là huyền thoại về thiên tài, một trò chơi sang, công chúng biết chọn đằng nào? Có ai hài lòng thấy mình là con lừa nổi tiếng đứng giữa hai bó cỏ ấy không? Tôi rất thích coi văn chương như một trò chơi vô tăm tích, mà trong lòng vẫn thấy hoang mang.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 7 (17-2-1990)
29-12-11 |