ĐỨNG TRONG LỚP NGƯỜI HÀNG ĐẦU PHẠM TIẾN DUẬT
Những sự kiện chính trị, kinh tế và xã hội diễn ra trên đất nước ta từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng là những luồng gió mới tạo nên sự phấn khởi và tin tưởng rộng khắp. Nhưng không phải không có sự thắc thỏm lo âu. Liệu rồi những đổi mới đó có triệt để, có đi đến cùng hay là khi đã có nhân sự mới thì rồi đâu lại đóng đấy, tình hình lại trở về sự bê bối trì trệ như xưa? Không, chúng ta không dừng lại. Công việc mới chỉ đang bắt đầu. Diễn văn quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII đã trả lời trúng các băn khoăn của mỗi người dân. Tư tưởng "lấy dân làm gốc" được trình bày một cách hệ thống, vận dụng linh hoạt và sáng tạo từ các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, được cụ thể hóa thành những công việc bao quát và cụ thể. Việc xác lập vị trí của cơ quan lập pháp ở một nước có đảng cầm quyền, lâu nay mặc dầu không thiếu chữ nghĩa, không thiếu văn bản, mà dường như mọi người vẫn không thông, không thoát, thì lần này bằng lời văn giản dị mà ấm nóng hơi thở của cuộc sống, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã làm sáng tỏ đầy tính thuyết phục. Là một người cầm bút đã từng chiến đấu nhiều năm trên tuyến đường Trường Sơn đầy bom lửa, cũng như nhiều người khác, tôi khao khát nhìn thấy một cuộc sống mới sau khi thắng trận. Những mục đích và lý tưởng của Bác Hồ, những mục đích và lý tưởng của Luận cương 1930, những mục đích và lý tưởng của Cách mạng Tháng Tám đã và đang được thực hiện phải được thực hiện một cách triệt để. Chính bởi vậy, tôi tin tưởng và phấn chấn như khi xưa tin tưởng và phấn chấn trước một cuộc hành quân. Lấy cuộc sống đích thực của người dân làm tiêu chuẩn, đấy là mục đích của mọi cuộc vận động hiện nay. Không vì thành tích cũ, không vì cớ "mặt trận", không chiếu cố tình thân bạn bè để xuê xoa, mà luôn vì cuộc sống, vì những mục tiêu của cách mạng để lập lại thể chế, lập lại kỷ cương. Đó là linh hồn của công tác tổ chức mà Đại hội VI đã vạch ra mà tôi diễn đạt lại một cách nôm na. Không phải là lớp nhà văn xưa, trốn lánh các biến động xã hội, đứng tách mình ra ngoài cuộc để nhìn ngắm, đội ngũ các nhà văn nói riêng và đội ngũ những người làm công tác văn học và nghệ thuật nói chung của chúng ta hiện nay là đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng của Đảng, có thể và cần phải trở thành những người đứng trong đội quân xung kích của công cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện đang tiến hành trong mọi lĩnh vực hoạt động. Bởi lẽ mỗi nhà văn là một đại biểu phát ngôn cho tư tưởng và tình cảm của quần chúng nhân dân, phát ngôn cho dân tộc mình, thời đại mình. Muốn đứng ở hàng quân xung kích của công cuộc đổi mới thì đội ngũ ấy phải được đổi mới trước, cả về công tác tổ chức và các mặt công tác khác, đặc biệt là ở các cơ quan chức năng của đội ngũ ấy.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 27 (4-7-1987)
|