ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 22 (28-5-1988)

CẦN MAU CHÓNG CẢI CÁCH MÔN VĂN
Ở CẤP PHỔ THÔNG TRUNG HỌC

PHAN KẾ HOÀNH

Cải cách, dù chỉ là một môn học, cũng phải đặt nó và xem xét nó trong cả hệ thống các môn học. Cải cách, dù chỉ là một môn học, tự thân nó cũng bao hàm cải cách cả một hệ thống vấn đề, từ chương trình đến sách giáo khoa, từ lý thuyết đến thực hành, từ cách dạy đến cách học, từ cách rèn luyện, bồi dưỡng đến cách đánh giá, thi cử v.v... Đấy là cả một công trình khoa học lớn của một tập thể chuyên gia trong và ngoài ngành giáo dục. Nói đến cải cách môn văn ở cấp phổ thông trung học tất yếu phải nói đến cả hệ thống vấn đề. Trong khuôn khổ một bài báo nhỏ không thể nói hết những gì cần nói. Ở đây tôi chỉ xin nói khái quát về ba vấn đề tự thấy là cơ bản và trọng yếu: chương trình, sách và người dạy văn, trong đó có đi sâu hơn vào yếu tố đầu tiên là chương trình.

Chương trình môn văn ở cấp phổ thông trung học hiện nay được ban hành từ năm học 1956-1957. Nó đã tồn tại và chuyển biến suốt 30 năm qua. Nếu so với chương trình văn học từ 1956 trở về trước thì đó là một chương trình văn học tiến bộ nhất và tương đối toàn diện. Tự thuở ban đầu nó đã thâu góp được khá nhiều tinh hoa của văn học Việt Nam và một phần nhỏ của văn học thế giới; nhiều thành tựu của khoa nghiên cứu văn học hiện đại cũng đã được thể hiện một cách nghiêm túc và thống nhất, bộ sách giáo khoa văn học cùng với một hệ thống sách hướng dẫn giảng dạy và sách tham khảo được lần lượt biên soạn và phát hành rộng rãi.

Từ đó đến nay, số phận của chương trình văn phổ thông trung học, kèm theo nó là bộ sách giáo khoa văn học không ngừng bị đổi thay, cắt xén, bổ sung đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Sự thay đổi đó được tiến hành theo hai hướng: thứ nhất là ngày càng giảm thiểu nội dung văn học quá khứ và văn học nước ngoài; thứ hai là ngày càng đưa thêm vào chương trình những tác phẩm văn học Việt Nam đương đại, có nội dung giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới, mặc dù trong đó có nhiều tác phẩm còn thiếu những giá trị căn bản để được coi là một tác phẩm văn chương. Sự thay đổi đó được xem là xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn tình hình lịch sử - xã hội và chính trị - tư tưởng đương thời. Điều đó có thể là cần thiết. Song do cách tiến hành chưa có tính hệ thống, thiếu một cái nhìn chiến lược, toàn diện, và trong cách làm cụ thể còn quá tùy tiện, thiếu tính pháp lý (nếu như chương trình và sách giáo khoa lâu nay vẫn được coi là pháp lệnh của ngành giáo dục) cho nên chương trình môn văn ở phổ thông trung học đã biến dạng đến mức khó nhận ra cái bộ mặt ban đầu.

Kết quả là sau 30 năm "chỉnh lý", thành tựu của một nghìn năm văn học dân tộc - trong đó kể cả văn học dân gian, văn học Hán - Nôm, văn học quốc ngữ tính đến 1945 - chỉ còn chiếm một vị trí khiêm tốn trong quỹ thời gian học xấp xỉ với thời gian dành cho thành tựu của 40 năm văn học Việt Nam đương đại. Về nội dung văn học Việt Nam hầu như chỉ được chăm lo khơi chảy một dòng chủ lưu: tinh thần yêu nước, lòng căm thù, ý chí quật cường bất khuất, đức tính hy sinh vì sự nghiệp giữ nước và dựng nước... Những dòng mạch khác của văn học dân tộc tuy không kém phần giá trị đối với tâm thức và cuộc sống của người Việt Nam trong suốt trường kỳ lịch sử, chỉ còn lại như những chấm phá điểm tô rời rạc, phiến diện. Trong khi đó văn học thế giới cũng chỉ còn được học, ở mỗi lớp năm bảy giờ gọi là cho có. Nghiêm túc mà nói học văn học thế giới học ở phổ thông trung học như vậy chỉ là lối học bôi bác, nham nhở, nếu không muốn gọi là nhạo báng văn hóa và văn học nhân loại.

Cho nên, nhìn vào chương trình văn phổ thông trung học hiện hành ta thấy rất rõ cái "chân diện mục" của nó thực sự là chương trình văn học của thời kỳ chiến tranh còn rớt lại. Chân dung văn học Việt Nam và thế giới trở nên xộc xệch, méo mó, mất cân đối một cách nghiêm trọng cả về định hướng lẫn định tính. Điều đáng tiếc là đất nước ta đã được giải phóng, giang sơn đã quy về một mối, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, thế mà 13 năm đã trôi qua, chúng ta đã lãng phí thời gian để trôi đi một thế hệ học sinh phổ thông trung học trong im lặng đợi chờ một cuộc cải cách đã nhiều lần hứa hẹn.

Với một đôi điều nhận xét sơ bộ và chưa có gì cụ thể trong một bài báo nhỏ, chắc chắn là chưa giúp ích được gì cho những chuyên gia thiết kế chương trình văn học ở cấp phổ thông trung học sắp tới, song có lẽ cũng tạm coi là đôi điều mở lối để bàn góp mấy lời về một vài quan điểm chính yếu trong việc thiết kế chương trình văn học ở cấp phổ thông trung học trong cải cách giáo dục lần này.

Như trên đã nói, muốn xây dựng được chương trình mới cần phải đánh giá lại chương trình cũ cùng tình hình dạy và học văn hiện nay ở các trường phổ thông trung học một cách khoa học, hệ thống. Từ đó định rõ nguyên nhân để tìm cách khắc phục. Đó là công việc của các Viện nghiên cứu và các cơ quan chỉ đạo giáo dục. Trong việc đánh giá tình hình, theo tôi có thể nhận xét một cách khái quát: tình hình dạy và học văn ở nhà trường phổ thông trung học hiện nay đã sa sút một cách nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng: thầy chán dạy, trò chán học. Song cả thầy lẫn trò đều vẫn có nhu cầu và niềm vui trong việc tiếp cận với những tác phẩm văn chương có giá trị của dân tộc và nhân loại. Chán là chán văn chương đang phải dạy và học ở nhà trường chứ vẫn ham văn chương thực sự. Không thấy rõ thực chất tình hình này, sẽ đi đến những phê phán thiếu chính xác cả người dạy lẫn người học. Mặt khác, trong việc đánh giá tình hình cần hiểu thật chân xác đối tượng học văn ở cấp phổ thông trung học hiện nay. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải giải đáp đúng câu hỏi này: thế hệ thanh thiếu niên đang học ở nhà trường phổ thông trung học có đáng được tin cậy không, có xứng đáng kế tục sự nghiệp cách mạng của ông cha không, có đủ bản lĩnh và nhân cách để được phép tiếp cận với những vấn đề khó khăn, gay cấn của đất nước hiện nay không? Nếu câu trả lời là "không" thì có lẽ cũng hết việc để bàn. Song dù chúng ta đứng ở vị trí nào, là nhà lãnh đạo, nhà giáo dục hay phụ huynh... chỉ cần tìm hiểu kỹ ngay chỉ với con em mình thôi, cũng đã thấy ở thế hệ trẻ hiện nay, bên cạnh những nhược điểm không có tính tự thân, bên cạnh những khuyết điểm lớn do cả một tập hợp nguyên nhân dẫn đến, họ là một thế hệ "hậu sinh" nhưng đáng được xem là "khả úy". Tôi nghĩ rằng về vấn đề này, mới chỉ có đôi ba bài trao đổi trên báo Văn nghệ (báo Văn nghệ, số ra ngày 23-4-1988, 30-4-1988 và 14-5-1988) mới đây về nỗi băn khoăn rất chính đáng của nhà giáo Nguyễn Tuấn Hằng, nhà giáo lão thành Nguyễn Lân, nhà giáo Trần Hoài Anh và ba nhà nghiên cứu khoa học xã hội ở Viện Kinh tế học phát biểu cũng gợi mở cho chúng ta được những suy nghĩ thật lớn lao và bổ ích. Cải cách môn văn ở trường phổ thông trung học lần này mà không xuất phát từ những nhận định tình hình đối tượng một cách chính xác để đặt ra một chiến lược giáo dục qua bộ môn văn, thì về cơ bản là chưa cải cách.

Tiếp đó, để xây dựng được hệ thống chương trình và theo đó là sách giáo khoa văn học ở cấp phổ thông trung học lần này chúng ta cần đặt nền móng trên cơ sở nào?

Chúng ta sẽ tiến hành cải cách chương trình môn văn học sau hơn 40 năm sống trong bão táp của cách mạng và chiến tranh. Và thời điểm ta sắp cải cách lại là cuối thế kỷ XX nên con người ta đào tạo ra sẽ sống và hoạt động chủ yếu trong thế kỷ XXI, trong một mối quan hệ con người có tính toàn cầu.

Trong hai cuộc chiến tranh kéo dài một phần ba thế kỷ, con người Việt Nam đã phát huy hết những tính cách phù hợp với cuộc sống nghiệt ngã của quy luật súng đạn, lúc đó đề cao việc giáo dục tinh thần cảnh giác và lòng căm thù là cần thiết. Song đến nay bước ra khỏi chiến tranh, cuộc sống trở lại bình thường, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc sống mới, con người mới phải được đặt trên nền tảng mới. Chủ nghĩa yêu nước là viên ngọc quý nhất của nhân cách người Việt và cũng là dòng chủ lưu của văn học Việt Nam, điều đó mãi mãi cần được phát huy trong giai đoạn mới, trong chương trình cải cách môn văn ở nhà trường. Song chủ nghĩa yêu nước phải được định hướng vào những chỉ tiêu mới, những yêu cầu mới trong việc xây dựng nội dung nhân cách của thế hệ trẻ trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam. Và cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể khởi đầu một nền giáo dục trên nền tảng của lòng căm thù và tinh thần cảnh giác, mà phải đặt nó trên nền tảng nhân bản. Cuộc sống và cái đẹp phải là chủ thể, phải được đặt cao hơn cái chết và sự xấu xa. Lòng nhân ái và niềm tin bao giờ cũng phải được nuôi dưỡng, chăm chút nhiều hơn lòng hận thù. Xa rời chân lý đó là xa rời bản chất cuộc sống con người, xa rời bản chất dân tộc và nhân loại, nhất định sẽ dẫn đến sự băng hoại nhân tính. Khuynh hướng "tự hoàn thiện" và "hoàn thiện" đối tượng bao giờ cũng phải là chủ thể và phổ quát của một nền giáo dục chân chính. Trong cuộc sống hiện tại ở hành tinh chúng ta, hiện tượng mai một đạo lý và nhân tính... đang có nguy cơ lan rộng và trở thành một hiểm họa; do đó một nền giáo dục sáng suốt càng phải đặt mình trên nền tảng nhân bản. Đây là vấn đề cơ bản nhất không những của việc xây dựng chương trình văn học ở nhà trường, mà còn là của cả việc xây dựng một nền giáo dục tiên tiến nữa.

Tiện đây, tôi xin được dẫn một ý nhỏ làm ví dụ. Xin không nói đến những giai đoạn văn học Việt Nam thuộc những thế kỷ gần đây mà giá trị văn học đã được nhiều người nhắc đến. Hãy trở lại thời kỳ khởi nguyên của nền văn học chữ viết Việt Nam có học ở nhà trường phổ thông thời Lý - Trần. Đây là một thời đại được coi là phục hưng của văn hóa Đại Việt, là thời kỳ của nền văn minh Đại Việt, một trong những thời kỳ đáng tự hào nhất của lịch sử dân tộc. Đời Lý có thể coi là "đời thuần từ" (chữ dùng của Hoàng Xuân Hãn) nhất trong lịch sử nước ta. Đời Trần, ngoài những chiến công hiển hách chống xâm lược Nguyên - Mông, còn là một thời in đậm bản sắc và cá tính của tâm hồn Việt Nam. Một thời kỳ quốc học đặt trên nền tảng "tam giáo đồng nguyên", đã sản sinh ra những anh hùng hào kiệt, văn võ kiêm toàn, vua chúa còn thương dân, gần dân, không tham quyền cố vị, đời sống xã hội với đời sống tư tưởng, tâm linh hài hòa, con người sống cân bằng trong tâm thế hòa hợp: tâm hồn trí tuệ, con người xã hội - con người tâm thức... Phải chăng suốt bốn thế kỷ sáng danh như vậy mà chỉ đáng học có một Chiếu dời đô, một Thơ thần, một Hịch tướng sĩ? Cái làm nên bản sắc của thời đại phục hưng ấy đâu phải chỉ có thơ thần, hịch tướng sĩ, chỉ có Đoạt sáo Chương Dương độ... Một nhà sư đời Lý (Lý Trường - Mãn Giác - 1052-1096) có bài thơ sau đây:

CÓ BỆNH BẢO MỌI NGƯỜI

Xuân ruổi, trăm hoa rụng

Xuân tới, trăm hoa cười

Trước mắt, việc đi mãi

Trên đầu, già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước, một cành mai.

Một bài thơ rất Lý ấy ta đánh giá thế nào? Có đáng học để hiểu Lý ở một góc độ khác nữa không?

Đời Trần, bên cạnh Hịch tướng sĩ và thơ phú khác hừng hực hào khí Đông A, có nên điểm xuyết vào tâm hồn thế hệ trẻ hôm nay một trạng thái khác nữa để hiểu rõ thêm cái tình Trần, cả cảnh Trần qua bài thơ của một ông vua Trần không?

BUỔI CHIỀU NGẮM CẢNH THIÊN TRƯỜNG

Xóm trước thôn sau tựa khói lồng

Bóng chiều dường có lại dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Đây chỉ là một đơn cử để nói rằng ta nhìn và học Lý - Trần còn thô thiển, nông cạn, phiến diện quá.

Và một ví dụ khác về văn học thế giới. Văn học thế giới không những học đã ít mà lại còn phiến diện nữa. Trong cách chọn lựa kho tàng văn học thế giới có một điều cần phê phán, đó là quan điểm tuyển chọn vẫn chịu ảnh hưởng nặng của ý thức "lấy châu Âu làm trung tâm văn hóa nhân loại". Ảnh hưởng đó là hệ quả tất yếu của một thế hệ trí thức được đào tạo trong khuôn khổ văn hóa Pháp và châu Âu trước thế kỷ XX. Văn học phương Đông không được chú trọng đúng mức. Không học kỹ thơ Đường và các thể loại thơ phú, truyện ký Trung Quốc thì hiểu sâu làm sao được văn học cổ điển Việt Nam. Ấn Độ là một thế giới quan trọng khác. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn lan tỏa khắp Đông Nam Á trong đó có cả Việt Nam. Sử thi Ấn Độ và thơ Tagor không nên bỏ qua. Học Ấn sẽ hiểu Lý - Trần hơn. Duy lý Trung Hoa và tâm linh Ấn Độ tạo nên cái hài hòa của tâm thức con người sống giữa bán đảo "Ấn Độ - China" này.

Xây dựng chương trình môn văn trên nền tảng nhân bản là để tạo nên sự hài hòa giữa con người tự nhiên với con người xã hội, giữa con người công dân với con người riêng tư, cá thể, giữa con người lý tưởng với con người trần thế, con người giai cấp với con người muôn thuở, con người hiện đại với con người truyền thống, và con người dân tộc với con người thế giới.

Cải cách chương trình phải gắn liền với việc tuyển chọn tác phẩm văn chương và viết sách giáo khoa văn học. Việc trọng yếu đầu tiên ở đây là phải chọn lựa những tác phẩm văn chương đích thực có giá trị nghệ thuật cao, tiêu biểu cho các trào lưu, xu hướng văn học, phản ánh đúng chân dung văn học dân tộc và thế giới, đồng thời phải phù hợp với những yêu cầu sư phạm có tính tổng thể và hệ thống của trường phổ thông. Việc tuyển chọn tác phẩm (nguyên bản và trích đoạn) không nên chỉ do một nhóm chuyên gia giáo dục tiến hành đơn độc, mà nên thành lập một hội đồng tuyển chọn bao gồm các chuyên gia văn học của ngành giáo dục, các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học và các nhà văn hóa có tầm nhìn bao quát và chiến lược. Tuy vậy, xây dựng được chương trình mới chỉ tạo nên được cái khung cốt văn chương. Để trở thành một thực thể sống động, phải là sách giáo khoa. Việc viết sách giáo khoa lại phải do chính bản thân những nhà sư phạm tiến hành. Song không nên chỉ do một hội đồng tu thư đảm nhiệm. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn vào từng cuốn sách giáo khoa văn học ở cấp phổ thông trung học hiện nay để tự đánh giá. Có thể nói khái quát mà không cường điệu là giở bất cứ một trang sách giáo khoa nào cũng có vấn đề để bàn, không vấn đề văn bản thì là vấn đề nhận định, không là vấn đề học thuật thì là văn phong v.v... Ngành giáo dục nên tiến hành những cuộc thi viết sách giáo khoa. Có thể dự thi viết từng bài, từng chương, về một tác phẩm hay về một trào lưu văn học, hoặc toàn bộ giáo trình của một lớp. Có như vậy mới thâu góp được trí tuệ và kinh nghiệm của toàn ngành. "Trước thư lập ngôn" ở cái ngành này ăn nhau có khi chỉ một chữ, một câu, cho nên nó khó lắm. Gặp một từ sạn, một ý sạn trong sách giáo khoa mà cứ phải lặp đi lặp lại ngày này qua tháng khác, nó ấm ách khó chịu có khi suốt cả một đời nghề.

Bên cạnh bộ sách giáo khoa, ngành giáo dục phải cho xuất bản toàn bộ tác phẩm văn chương có học trong chương trình. Tránh tình trạng chỉ tuyển chọn một số chương đoạn còn phần khác thì tóm tắt giới thiệu. Cần cho học sinh tiếp cận văn bản một cách đầy đủ và phong phú. Học văn mà không học được nhiều tác phẩm thì làm sao mà khá được. Còn hệ thống sách hướng dẫn giảng dạy cho thầy là hết sức cần thiết nhưng phải tiến hành một cách thận trọng. Đây cũng là một việc cần tổng kết kinh nghiệm của 30 năm qua để tìm ra một phương án tốt nhất. Hướng dẫn một người sai, hại ít. Hướng dẫn cho cả nước sai, hại không lường hết được.

Cuối cùng - cho rằng chúng ta có thể xây dựng được chương trình tốt, có sách giáo khoa tốt, thì cũng chỉ có thể tin cải cách thành công mới có một nửa. Một nửa nữa còn do con người truyền đạt. Ở đây vai trò của người thầy giáo dạy văn mới là quyết định. Tình hình dạy và học văn có được những thành quả tốt đẹp hay không chính là do ở ông thầy. Đến đây bất giác tôi lại nhớ đến mấy dòng chữ của Hoàng Minh trong bài Suy nghĩ và ước mong của một người đọc (Văn nghệ, số 19 ra ngày 14-5-1988) nhắc đến câu chuyện một giáo sư trước kia dạy văn học ở trường Đại học Sư phạm nói: "Trước khi vào trường, họ còn biết rung đùi khoái chí khi ngâm Kiều, nhưng sau bốn năm học văn học, họ mất hẳn khả năng đó. Bây giờ họ chỉ còn là những cán bộ tổ chức ngồi xét lý lịch và hành vi của tác giả và của các nhân vật trong truyện". Cho nên xem ra cải cách môn văn ở trường phổ thông trung học lại còn do một khâu hết sức cơ bản nữa quyết định: việc đào tạo những thầy giáo dạy văn trường phổ thông trung học. Cho nên song song với việc cải cách việc dạy và học văn ở trường phổ thông trung học, phải cải cách việc đào tạo ở các trường Đại học sư phạm. Phải cải cách cái "máy cái" này mới là cải cách tận gốc, và trong đó cải cách phương pháp luận dạy - học môn văn lại là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu. Cải cách việc đào tạo và đào tạo lại những thầy giáo đã được đào tạo để dạy văn, là một cuộc cải cách cực kỳ khó khăn, vất vả của ngành giáo dục. Mới hay cái chuyện văn chương tự cổ đâu có phải "vô bằng cứ".

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 22 (28-5-1988)

Mục lục

20-5-12