ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 29 & 30 (16-7-1988)

 

LẠI BÌNH VỀ GIÁ TRỊ CỦA "CHẤT XÁM"

PHONG LÊ

Có lúc nào đó ta quen nghĩ hoặc bị ép nghĩ: Cuộc sống cách mạng không còn cái bi, chỉ có cái hùng, dẫu cuộc chiến đấu của dân tộc đầy những hy sinh, những khổ đau... Ta đã quên ý Mác: ngay sự ngu dốt cũng gây nhiều bi kịch. Mà sự dốt nát thì đâu phải là chuyện con người có thể thanh toán một lần là xong. Đó là chuyện đồng hành cùng nhân loại, để cho con người đi từ chỗ nhiều đến ít dần đi sự ngu dốt, ít dần đi chứ không bao giờ hết.

Câu chuyện thật ra đã quá cũ. Tôi nhắc lại để cho ta thấm thía thêm cái hại của sự dốt nát. Chính nó còn gây ra bi kịch - như ý Mác: cũng chính vì nó mà có câu chuyện áp đặt về cái sự cuộc sống không còn bi kịch trên đây.

Rõ ràng, từ bấy đến nay thực tiễn đã cho ta sáng ra biết bao điều. Và những bi kịch của riêng sự dốt nát không thôi diễn ra hôm nay, sau gần nửa thế kỷ cách mạng, đã quá đủ cho ta rùng rợn: tháo guốc hãm của tàu hỏa để bán cho cửa hàng làm chân máy khâu; tháo dây điện, đinh tà vẹt để làm nhà, xây trường; phá máy móc, tàu xe còn lành nguyên làm sắt vụn bán cho đồng nát các cỡ... Những kẻ gây ra chuyện đó vì tham lợi, cố nhiên, nhưng là sự tham lợi của kẻ dốt nát nên tác hại càng trầm trọng, những hiểm họa họ gây ra thật tày đình... Việc tìm nguyên nhân của các bi kịch ấy không khó lắm, nó chẳng phải là tàn dư, là hậu quả gì của xã hội cũ, mà vẫn cứ là sản phẩm của xã hội mới, dẫu chúng ta đã có trên 40 năm cách mạng; và sự nghiệp phát triển giáo dục, khoa học, trong các dịp tổng kết, trên các bảng thống kê thành tích thì lúc nào cũng là những con số nức lòng.

Từ lâu ta đã quen nói về những mặt tiêu cực, phản động của giai cấp tư sản, và cái may lớn của một đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Đúng, giai cấp tư sản có nhiều tội, nhưng có lúc phải tính đến công; đúng, có cái may ấy cho dân tộc, nhưng rồi đến lúc phải nhìn ra cái rủi... (Cái bi kịch của sự dốt nát vừa nêu trên là một trong rất nhiều biểu hiện của cái rủi). Và dường như ta nhận thức quá chậm điều này, trong cái định đề bất dịch đến thành tín điều: chủ nghĩa xã hội là ưu việt, chế độ ta tươi đẹp, thành tích là cơ bản... Nói khác đi là bi quan, là "bôi đen", là mất cảnh giác, để cho địch lợi dụng!

Thế kỷ XVIII, khi giai cấp tư sản đang lên, trong cuộc chiến để giành quyền lãnh đạo xã hội, đã sớm tạo được lực lượng trí thức của nó - và đội ngũ này không bị "hạn chế tư sản", theo cách nói của Ănghen: "Những người đã đặt cơ sở cho nền thống trị hiện đại của giai cấp tư sản có thể được coi bất cứ là những người như thế nào nhưng quyết không phải là những người có tính hạn chế tư sản" (Lời nói đầu Biện chứng của tự nhiên). Chính nhờ lực lượng này mà có Bách khoa toàn thư, có Triết họcVăn học Ánh sáng, thứ sản phẩm mà Mác từng xem như là vũ khí tiếng nói có sức công phá trước vào những bức tường dày của nhà ngục Basti. Cũng thế kỷ XVIII đó, bên cạnh việc tạo giới trí thức của mình, như một lực lượng tiên phong xung trận, giai cấp tư sản đã thực hiện được một cái công lớn là chính trị hóakhoa học hóa ý thức quần chúng trên một phạm vi và mức độ đáng kể, tức là sự tấn công vào chủ nghĩa ngu dân phong kiến, đập tan thần quyền và các đặc quyền quý tộc, cổ động cho nền dân chủ tư sản.

Những cuộc cách mạng đưa một giai cấp mới, đại diện cho một phương thức sản xuất mới lên nắm quyền; đồng thời những cuộc cách mạng, như là cuộc chạy tiếp sức của lịch sử, đưa văn minh nhân loại lên một bước phát triển cao hơn. Sứ mệnh đó đặt lên vai người trí thức; và trên trọng trách đó, họ vượt ra khỏi hạn chế giai cấp để thành lực lượng đại diện cho văn minh và tiến bộ xã hội.

Quả là trên tất cả các văn kiện của Đảng và Nhà nước chúng ta, vai trò trí thức thường được nhắc đến, có được đề cao. Nhưng trong thực tế, việc sử dụng và cách cư xử đối với họ, quả là có vấn đề, do những kìm tỏa lưu cữu, khắc nghiệt của hệ ý thức nông dân và một cơ chế quan liêu quá tải. Chẳng thế mà suốt một thời gian dài luôn luôn có sự cọc cạch không bình đẳng giữa người quản lý và người chuyên môn. Cả một thời gian dài sau chiến tranh, bất chấp mọi thay đổi của hoàn cảnh, lao động của người trí thức vẫn chỉ được xem như mọi dạng lao động đơn giản khác, và chỉ nhận được một sự phân phối theo lối bình quân, nếu họ không lọt được vào thang bậc quản lý - lãnh đạo. (Cái khung lương vừa được cải tiến mà chúng ta đang áp dụng hôm nay chính là một khung lương khuyến khích người ta "chui" và "giành giật" nhau vào thang quản lý này!). Mức lương cao nhất được gọi là "tột khung" hoặc "phá khung" cho số ít người xuất sắc, đơn thuần làm công tác khoa học hoặc nghệ thuật, cũng chỉ đến bậc 7 - "chuyên viên 7", tức là tương đương với hàm thứ trưởng. Kể cũng buồn, con số thứ trưởng đương nhiệm (chứ không nói tổng số những người từng có chức, có hàm ấy từ khi có chính quyền cách mạng) trong bộ máy nhà nước ta dễ có đến vài ba trăm, và việc thay ngay chắc không khó lắm, vì luôn luôn có sẵn đội ngũ thường trực kế cận ở khung Cục - Vụ - Viện; còn nhà khoa học lớn, hoặc nghệ sĩ giỏi thì hẳn không phải là dạng có thể xuất hiện hàng loạt, và dễ dàng thay thế.

Nhìn vào tình cảnh người trí thức hôm nay lại càng bi. Lao động chất xám đang là thứ lao động giá rẻ nhất, rẻ đến mức không nuôi nổi chính anh ta, chứ không nói nuôi nghề, càng không nói nuôi thêm đám người "ăn theo" nữa. Chẳng thế mà anh Nguyễn Minh Châu trong bài trả lời phỏng vấn của tạp chí Văn nghệ quân đội, số Xuân vừa rồi đã nêu cái vấn đề cốt tử là vấn đề sức khỏe của người dân, vấn đề nạn suy dinh dưỡng chung của dân tộc, trong đó có người trí thức trong sạch. Người trí thức muốn sáng tạo trước hết phải tồn tại. Phải sống. Đọc một số nhà văn lớn của ta viết trước Cách mạng thấy quả có lúc dư vị đói có ngấm vào từng trang. Nhưng xem ra cung cách sinh hoạt của mấy anh trí thức thuộc địa chưa quá thảm hại, nhếch nhác lắm. Đọc một số nhà văn nước ngoài thấy có nói đến cái sống vất vả, sống hèn, sống mòn. Nhưng chẳng bao giờ thấy nhân vật băn khoăn về cái đói vật chất cả. Còn chúng ta bây giờ, cái sống này xem ra gay gắt quá. Chỉ cần biết, không ít người (cố nhiên không phải tất cả) trong các giới được gọi là trí thức từ thấp lên cao, ít ai sống được bằng nghề. Nghĩa là không nói đến chuyện chuyên môn hóa để đi sâu vào nghề, nâng cao tay nghề, mà nói chuyện phấn đấu sao cho khỏi phải bỏ nghề cũng đã là cả một cuộc vật lộn gian khổ. Mà cũng vị tất đã chung thủy được với nghề! Không ít người đã phải bỏ nghề hoặc chuyển nghề. Hoặc làm một cái gì đó để nuôi nghề mình theo cái công thức lấy chính làm phụ, lấy ngắn nuôi dài, lấy ngoài nuôi trong... Ai may mắn hoặc khéo "chạy" thì có một dịp đi ra nước ngoài, và nếu là đi, bất kể theo con đường nào, và càng là con đường khoa học thì sẽ diễn ra cái cảnh "chuyện như đùa", đúng như anh Mai Ngữ tả. Đáng buồn thay cho nền kinh tế thì nghèo, đang cần bao sức làm sức nghĩ, bao nhiêu hiến kế, thế mà chất xám cứ như là vật thừa, cứ teo đi. Đáng buồn thay cho các thứ chế độ (lương bổng, nhuận bút, thù lao, bồi dưỡng) nhằm đem lại nguồn thu để nuôi sống, chứ chưa nói để tái hồi sức lao động của người trí thức... và oái oăm thay, càng là lao động đơn giản như bán vé xổ số, bơm vá xe, chuyển hàng từ chợ nọ sang chợ kia, mở "quầy" dịch vụ, dầu chỉ là một sàng thuốc lá... lại có số thu nhập đến gấp mấy các loại lao động được gọi là phức tạp, tế nhị, đòi hỏi rất nhiều công của đào tạo.

Cái bi này đã mang vị chua chát khi đưa chất xám so với mồ hôi, rồi nước bọt! Và khi ghép nó lại thành câu cho có vần vè thì thành một sự gây cười, và chuyển sang cái hài thật sự. Xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm đưa cuộc sống tiến lên không thể chỉ dựa vào lao động cơ bắp và bình tâm trong sự ngu dốt, vậy mà chất xám lại rẻ giá thế ư? Lãnh đạo một cuộc cách mạng nhằm lật đổ, hoặc thay thế chủ nghĩa tư bản trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật tiến lên như vũ bão hiện nay lại không biết chăm nom, xây dựng một đội ngũ trí thức ư? Xây dựng chủ nghĩa xã hội cần tiếp tục sự phân công lao động ở trình độ cao, đòi hỏi sự chuyên sâu vào nghề, thế mà đành làm ngơ hoặc bỏ mặc cho không ít người trí thức phải chuyển nghề, hoặc bỏ nghề? Nghịch lý đó ta không tin, nhưng cứ phải yên tâm chấp nhận trong một thời kỳ cần sắp xếp, tổ chức lại toàn bộ đời sống, và mong mỏi một sự cải thiện sớm tình hình, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Ai cũng thấy còn là phải chờ đợi; và trong chờ đợi cần phải kiên tâm chịu đựng và tiếp tục lao động, tiếp tục hành nghề. Nhưng nếu sự chờ đợi là quá lâu, nếu sự khởi động là quá chậm, và sự chuyển động là không đồng bộ? Điều đáng mừng là khi cái bi trong thực trạng đã mang dư vị hài - tức là những phi lý, nghịch lý đã quá rõ, quá chướng đến không thể chấp nhận, không thể chịu đựng được nữa thì cũng là lúc những khả năng giải quyết đã có thể đặt ra. Tôi muốn kết thúc bài này bằng một sự hy vọng như trên, vì lại nhớ ý Mác: con người từ giã quá khứ bằng cái hài để cho nhân loại có một kết thúc vui vẻ mà đi lên. Dư vị hài đó hôm nay quả đã quá rõ, quá ngấm: nhưng để đến được cái "kết thúc vui vẻ" chưa thì còn là tùy thuộc vào sự nhận thức và quyết tâm đổi mới, quyết tâm đoạn tuyệt với cái cũ của tất cả chúng ta, của toàn đảng - toàn dân, và trước hết là của những người quản lý, lãnh đạo.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 29 & 30 (16-7-1988)

 

 Mục lục

1-3-10