ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 21 (21-5-1988)

NHỮNG NÉT MỚI TRONG LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

PHÙNG VĂN TỬU

Tôi muốn nói đến những trang lý luận, phê bình trên tuần báo Văn nghệ thời gian gần đây.

Năm vừa qua đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ ở nước ta, trong đó có mảng lý luận phê bình, nhất là từ sau cuộc gặp gỡ của đồng chí Nguyễn Văn Linh với giới văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hóa hồi đầu tháng Mười 1987, tiếp đó là Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật và văn hóa. Trong không khí chung của cả nước, tuần báo Văn nghệ thuộc loại nhạy bén hơn cả trước tình hình mới và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau từ ngày thành lập cách đây 40 năm, một lần nữa tờ báo chứng tỏ vai trò đầu tiên, có uy tín và phát huy tác dụng kịp thời. Có thể nói không quá đáng là tinh thần đổi mới toát lên ở từng trang báo, từng thể tài: những thiên phóng sự, ký sự mãnh liệt góp phần phanh phui các mặt tiêu cực của đời sống; những truyện ngắn với cách nhìn và cả cách viết mới mẻ thu hút sự chú ý của mọi người; các trang giới thiệu văn học nước ngoài, một cuốn phim hoặc những trích đoạn tiểu thuyết thuộc loại trước đây ta phải lờ đi; những bài ghi chép cuộc gặp mặt cộng tác viên lý luận phê bình của báo Văn nghệ, các cuộc hội thảo về thơ ở nơi này nơi khác trong nước, hoặc phản ánh tình hình văn nghệ trong công cuộc cải tổ ở Liên Xô...

Hoạt động lý luận phê bình nằm ngay trong mạch ngầm của những sáng tác đăng báo, vì bản thân việc lựa chọn cho đăng bài thơ hay truyện ngắn nào cũng đã là một cách đánh giá tác phẩm ấy. Trong làng báo ở nước ta trước đây và thậm chí ngay cả hiện nay, nhiều người từng than phiền rất đau đầu khi chọn bài đăng báo, vì do có những áp lực nên không chỉ đơn giản chọn bài, mà còn phải chọn cả người, giá như được chọn theo kiểu "rọc phách", không biết trước các tác giả là ai thì có lẽ các tác phẩm chọn đăng sẽ khác đi ít nhiều. Những bài đăng báo Văn nghệ vừa qua không gây cho người đọc ấn tượng ấy. Tất nhiên, các bài có chất lượng cao thấp khác nhau, vì nhiều nguyên nhân, nhưng không thấy có dấu hiệu lấy tên tuổi và chức quyền thay thế cho tài năng. Bản lĩnh của báo Văn nghệ còn thể hiện ở khía cạnh khác: các bài chọn đăng đều mang "tính định hướng" rõ rệt và mạnh bạo về phía đổi mới. Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật và văn hóa viết: "Khai thác tiềm năng sáng tạo là tư tưởng chỉ đạo bao trùm để phát triển văn hóa, văn nghệ hiện nay (...) Đảng khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo, khuyến khích và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo và rộng rãi trong sáng tạo nghệ thuật, trong việc phát triển các loại hình và thể loại nghệ thuật, các hình thức biểu hiện". Chính với tinh thần ủng hộ các tìm tòi và thể nghiệm nói trên mà báo Văn nghệ đã giới thiệu những sáng tác làm khuấy động dư luận như Tướng về hưu... Chính vì hiểu rõ tác động của văn nghệ đối với cuộc sống, và thấy "Cần phát huy đầy đủ chức năng xã hội của văn học nghệ thuật" như nhan đề bài phát biểu của Nguyên Ngọc mà báo đã cho in loạt bài ký sự không ngần ngại nói lên những sự thật đau lòng.

Bên cạnh những sáng tác mới mẻ là những đổi mới thật sự trong mảng lý luận phê bình trên báo, mà trước hết là mảng lý luận. Cái đáng mừng là nhiều bài lý luận đăng báo Văn nghệ thời gian vừa qua đã tập trung vào nhiều vấn đề cơ bản với hướng "đặt lại vấn đề" theo tư duy mới góp phần thúc đẩy sáng tác và hướng dẫn dư luận bạn đọc như các bài Văn nghệ và chính trị của Lê ngọc Trà, Về chức năng của văn học nghệ thuật của Nguyễn Văn Hạnh, Tính nhân loại và văn học của Trần Đình Sử, Đôi điều tâm sự của Trần Độ, Vì một quá trình văn học tương lai của Lã Nguyên... Và nổi lên là bài nói của đồng chí Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ cùng một số bài phát biểu của các văn nghệ sĩ trong cuộc gặp mặt ấy được đăng lại trên báo Văn nghệ.

Phải thừa nhận rằng mấy chục năm vừa qua, hoạt động lý luận văn nghệ ở nước ta, trong đó có sự tham gia của báo Văn nghệ, đã góp phần không nhỏ làm sáng tỏ nhiều vấn đề mỹ học Mác-Lênin, xây dựng nền văn học mới với những thành tựu nhất định, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc. Nhưng trong một thời gian dài, lý luận ấy có xu hướng dậm chân tại chỗ, trở nên trì trệ, giáo điều, không theo kịp với tình hình mới. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, vận động là quy luật phổ biến và qua sự cọ xát các ý kiến khác nhau mà chúng ta ngày càng tiếp cận hơn với chân lý. Nhưng trong thực tế ở nước ta, có lúc người ta sợ sự vận động, ngại sự tranh cãi. Chân lý coi như đã được hoàn toàn khẳng định rồi, không phải bàn cãi nữa, cả sáng tác và lý luận chỉ còn việc minh họa một chiều. Một vài sáng tác có vẻ hơi "lạ tai" xuất hiện trên báo trước đây lập tức bị quy kết đủ điều. Bài lý luận về "chủ nghĩa hiện thực phải đạo" của Hoàng Ngọc Hiến cũng cùng chung số phận. Vẫn tác giả bài báo ấy đã một lần "mang tiếng" khi phát biểu ở Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là Đảng cho các nhà nghiên cứu lý luận văn học ăn lương, trong đó có các cán bộ giảng dạy văn học ở đại học, không phải là để lặp lại những điều Đảng đã nói, mà phải đẩy cho lý luận phát triển xa hơn.

Đặt vào trong hoàn cảnh ấy mới thấy hết giá trị của luồng không khí mới tràn vào lĩnh vực lý luận văn nghệ khi các tác giả bài báo nhấn mạnh đến "tính nhân loại" trong văn học mà có một thời người ta đã bỏ quên hoặc không dám nói đến, nhấn mạnh "chức năng sáng tạo", khả năng "dự báo" của văn nghệ, hoặc giải thích mối quan hệ giữa chính trị với văn nghệ một cách đúng đắn hơn, không giáo điều máy móc như trước kia. Một điều thú vị nữa là nhìn vào trật tự loại bài đăng trên báo Văn nghệ, không phải Nghị quyết của Bộ Chính trị ra trước, rồi đến các bài của các nhà lý luận nối theo sau như ta vẫn thường thấy! Có lẽ điều ấy cũng phản ánh một không khí mới như bài nói chuyện của đồng chí Nguyễn Văn Linh với giới văn nghệ sĩ không diễn ra vào đầu cuộc họp mặt với tư cách lời "chỉ thị", mà là sau khi đã nghe hết ý kiến của mọi người rồi.

Song song với hướng "đặt lại vấn đề" cho đúng đắn hơn của mảng lý luận, những trang phê bình góp phần "định lại giá trị" theo hướng đổi mới. Nghị quyết của Bộ Chính trị có nói đến "tự do sáng tác đi đôi với tự do phê bình", phê bình phải "khắc phục thói nể nang hoặc thô bạo, lối phê bình một chiều, hời hợt, hình thức, sách vở". Tinh thần ấy cũng toát lên trong bài Phê bình văn học trong tình hình mới, một bài mang tính chất lý luận về phê bình của Nguyễn Đăng Mạnh. Nhiều bài phê bình với ý kiến đánh giá trái ngược nhau theo tinh thần nói thẳng nói thật đối với một tác phẩm mới ra mắt cùng được xuất hiện trên trang báo. Có trường hợp một bài phê bình lại trở thành đối tượng của phê bình. Tinh thần phê bình mới thấm cả vào trong những bài viết về Nguyễn Tuân khi nhà văn qua đời, trong cách lựa chọn giới thiệu một chân dung văn học như trường hợp Quang Dũng, hay giới thiệu một loạt tuyển tập các nhà văn, nhà thơ Việt Nam vừa ra mắt, trong số đó có không ít những tài năng trước đây người ta tránh nói đến, như một điều cấm kỵ. Một luồng không khí mới khác xa với lối phê bình áp đặt, có tính chất phán quyết như trước kia.

Những nét mới trong mảng lý luận phê bình trên báo Văn nghệ đã tranh thủ được sự đồng tình của bạn đọc rộng rãi, tuy có những người hoài nghi, lo lắng, tức tối, âu đó cũng là chuyện tất nhiên trong cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Những đổi mới ấy cũng hứa hẹn tờ báo sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường này. Theo tôi, mảng lý luận cần có những bài đi sâu vào những vấn đề thi pháp hầu như còn vắng bóng ở ta, trong khi ở Liên Xô và các nước phương Tây đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và có những cống hiến đáng kể thúc đẩy sáng tác "tìm tòi" và "thể nghiệm". Mảng phê bình tuy đã có những bước chuyển mình đáng kể, nhưng vẫn chưa mạnh bạo bằng mảng lý luận. Nhiều người mong muốn một không khí phê bình thật sự dân chủ, trung thực, thẳng thắn, không cần rào trước đón sau, nhưng việc đó đâu có dễ, nhất là khi đánh giá tác phẩm của những cây bút đang còn sống lại có một chút quyền hành hoặc uy tín nào đấy.

Chẳng phải ngẫu nhiên người ta thường nói rằng trong sinh hoạt phê bình văn nghệ nói chung của ta hiện nay có hai luồng phê bình miệng và phê bình viết không hẳn đối lập nhau như trước kia đã có lúc xảy ra ở nơi này nơi khác, nhưng vẫn cứ khác biệt nhau. Những dư luận bàn tán khen chê chung quanh một tác phẩm nào đấy vẫn thẳng thắn, mạnh dạn hơn là các bài đã được viết ra và đăng báo. Phê bình cũng cần hướng vào các công trình nghiên cứu, lý luận văn học đã in thành sách, vì ở mảng sách này ta bắt gặp không ít những quan điểm giáo điều, cũ kỹ. Tất nhiên khi xem xét những công trình ấy, ta cần có quan điểm lịch sử và chú ý đến thời điểm xuất hiện của chúng. Cũng như lý luận, phê bình còn phải hướng mạnh hơn nữa vào những vấn đề thi pháp của tác phẩm. Đó là chỗ khác nhau giữa những người phê bình nghiệp dư với các nhà phê bình văn học. Chỗ yếu của ngành phê bình văn học ở ta lâu nay là chưa vượt được bộ phận phê bình nghiệp dư bao nhiêu. Một người nào đó chỉ cần đọc qua tác phẩm là đã có thể phán đôi điều về nó rồi, theo lối phê bình quen thuộc xưa nay. Nhưng muốn viết một bài phê bình theo hướng tiếp cận thi pháp thì phải là người trong nghiệp văn chương và phải nghiên cứu kỹ tác phẩm mới đánh giá về nó được. Và đây chính là chỗ gặp gỡ giữa sáng tác, nghiên cứu và lý luận phê bình.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 21 (21-5-1988)

Mục lục

Lên trang này ngày 25-12-08