THƠ - CAN ĐẢM VÀ ĐOÀN KẾT THANH THẢO Hơn bao giờ, trong công cuộc đổi mới quyết liệt hiện nay nhằm đưa đất nước ta đi lên, thơ lại tìm thấy vị trí và tiếng nói của mình. Đó là vị trí xung kích của người lính. Đó là tiếng nói trung thực của lương tâm xã hội. Chúng ta đừng sợ những ngôn từ lớn, dù nhiều năm nay chúng ta đã xào sáo rỗng những ngôn từ ấy. Đó cũng là một cách trả ngôn ngữ trở về đúng vị trí của nó trong mỗi dòng thơ. Khi Bác Hồ yêu cầu trong thơ phải có thép, chính là Bác đã yêu cầu trước hết, sự trung thành với xác tín thơ ca của nhà thơ trong mọi nghịch cảnh. Đã qua rồi cái thời những nhà thơ tô chuốt vần điệu, cất lên giọng tung ca nhàm chán. Qua rồi những bài thơ tròn trịa và trơn nhẫy, trượt qua đời sống, trượt qua số phận con người. Đã qua rồi những nhân cách thơ hèn nhát và ích kỷ, những kẻ dùng thơ như một phương tiện cầu danh, trục lợi. Với nhà thơ, sự can đảm bộc lộ trước hết sự trung thực với lương tâm mình: trong bất cứ trường hợp nào, nhà thơ cũng không được phép nói dối trong thơ. Mà chúng ta biết trò nói dối trong thơ cũng được biểu hiện muôn màu nghìn vẻ kể cả cách biểu hiện tưởng như thật thà ngây ngô. Có những kẻ trong đời sống thì quay lưng lại với những niềm vui nỗi khổ của bạn bè, của láng giềng, nhưng trong thơ lại cứ gào lên là mình yêu nhân dân. Có kẻ chuyên lừa lọc phụ nữ nhưng lại viết những bài thơ tình não nuột như một người bất hạnh bị ruồng bỏ. Và cũng không ít những nhà thơ chuyên đón gió trở cờ, nay khen mai chửi một cách nồng nhiệt và hồn nhiên. Những kẻ như thế, làm người còn thấy vất vả, nói gì đến làm thơ. Mặc dù như thế, thơ đích thực vẫn tồn tại và phát triển, không phải bằng cách lạm phát số lượng nhà thơ, mà bằng cuộc phấn đấu kiên trì của mỗi nhà thơ chân chính để học hỏi rèn luyện, tự vượt lên, bằng một ý chí cao bảo vệ nhân cách của mình dù trong những hoàn cảnh nghiệt ngã. Không lẩn tránh, không thoái thác trách nhiệm thi sĩ của mình, tự nguyện chấp nhận, số phận không đòi hỏi bất cứ uy quyền nào, nhà thơ hôm nay thực sự tham dự vào đời sống, kích thích sự phát triển của đời sống thậm chí phải chịu lấm bùn từ đầu đến chân như những người lính chống Mỹ ngày trước đã lăn lộn, và những câu thơ của anh phải lay động được lương tâm con người, tập hợp được những người tích cực trong cuộc đấu tranh chống cái xấu, cái ác, cái trì trệ bảo thủ đang cản bước đi lên của Tổ quốc ta. Hơn bao giờ hết, nhiệt tình công dân của nhà thơ phải được bộc lộ qua từng dòng thơ. Công cuộc đổi mới lại một lần nữa thử thách lòng yêu nước ở mỗi nhà thơ chúng ta. Thế hệ chúng tôi, những người lính chống Mỹ, trong những tháng ngày này, lại cảm thấy như mình đang ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh mới, gay go và quyết liệt không kém gì cuộc chiến đấu ngày trước. Lời kêu gọi tha thiết đến đau đớn của đồng chí Tổng Bí thư, hàng ngày qua báo Đảng, đã động vào khoảng sâu của lương tâm chúng tôi, và chúng tôi biết, mình không thể ủng hộ công cuộc đổi mới bằng cách ngồi gật đầu đến sái cổ trong các cuộc hội nghị, mà bằng cách lao thơ mình và cả đầu mình để phá vỡ những bức tường đang ngăn cản công cuộc đổi mới. Có thể, mà điều này cũng thường tình, chúng ta sẽ bị vỡ đầu và vỡ thơ khi hành động như thế. Nhưng có thể và cũng thường tình, đầu chúng ta sẽ cứng hơn khi được rèn luyện như vậy, và thơ chúng ta, nếu đó là thơ thứ thiệt, sẽ bật lửa trong sự va chạm quyết liệt ấy. Chưa bao giờ chúng ta lại cần lửa trong thơ như những tháng ngày này. Tôi xin phép được kết thúc bằng bài thơ mới viết, bài Bày tỏ để hưởng ứng "Những việc cần làm ngay" của đồng chí Nguyễn Văn Linh. BÀY TỎ Kính gửi đồng chí Nguyễn Văn Linh
Có những khi cực kỳ mệt mỏi hay là thôi, đồng chí Nguyễn Văn Linh ơi! những con gà trống trong thơ Neruda xin đừng gáy nữa. Nhưng gáy lên báo hiệu bình minh là bản chất gà trống đừng thiến chúng tôi, hỡi những người bạn đầy tham vọng chúng tôi không thể béo quay trên bàn thờ đầu xuân Dù những con gà trống không gáy lên thì bình minh cứ tới những con gà trống nào mệt mỏi hãy lùi ra! Chúng ta đã căng ngực mình trước làn đạn quân thù chính chúng ta không thể nhìn được nữa Vì Tổ quốc ta đổi mới chúng tôi xin hiến tiếp đời mình.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 34 (22-8-1987) 24-4-08 |