Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội
THẢO LUẬN
“BÀN
TRÒN” VÂN TRANG lược ghi · Văn nghệ và chính trị · Tự do sáng tác · Vai trò xã hội của nhà văn · Những nhận xét về tình hình văn học. Những cảm tưởng "tùy hứng" nảy sinh trong thảo luận. Nhằm triển khai các vấn đề lý luận trong Nghị quyết mới đây của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về công tác văn hóa văn nghệ, hướng tới Đại hội IV Hội Nhà văn Việt Nam, hướng tới một thời kỳ phát triển mới của nền văn học chúng ta, tuần báo Văn nghệ chủ trương tổ chức những hội thảo "bàn tròn" tại tòa soạn về một loạt vấn đề lý luận và thực tiễn văn học. Tới dự buổi hội thảo mở đầu (28-1-1988) có các nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, các nhà phê bình nghiên cứu văn học Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc, Phong Lê, Bùi Công Hùng (Viện Văn học), Hà Xuân Trường (Tạp chí Cộng sản), Tạ Văn Thành (Học viện Nguyễn Ái Quốc), Từ Sơn, Nguyễn Nghĩa Trọng, Tú Ngọc (Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương), Phan Hồng Giang (Nhà xuất bản Văn Học), Lại Nguyên Ân (Nhà xuất bản Tác phẩm mới), Hoàng Ngọc Hiến (Trường viết văn Nguyễn Du), Hồ Ngọc, Ngô Thảo (Hội nghệ sĩ Sân khấu), Nguyễn Đăng Mạnh, Phương Lựu, Lã Nguyên (Đại học Sư phạm I Hà Nội), Hà Minh Đức (Đại học Tổng hợp Hà Nội). Mở đầu, nhà văn NGUYÊN NGỌC - Tổng biên tập báo Văn nghệ trình bày chủ trương của báo tổ chức một loạt các buổi sinh hoạt học thuật với nội dung như trên. Anh nói: vấn đề chúng tôi chọn cho cuộc thảo luận "bàn tròn" mở đầu hôm nay, như đã ghi trong giấy mời là vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, từ đó có các vấn đề về tự do sáng tác, về vai trò xã hội của nhà văn... Sẽ không có các kết luận ngay cho các nội dung thảo luận, và nếu chúng ta hôm nay mở được ra các vấn đề để tiếp tục suy nghĩ và tranh luận thì có thể coi là buổi thảo luận đạt kết quả. HOÀNG TRINH - Về những vấn đề lý luận này, trên Văn nghệ đã có những bài tiểu luận. Xu hướng chung là tốt, đáp ứng nhu cầu đổi mới. Hiện nay, trong giới chúng ta đang bàn lại những vấn đề cơ bản như bản chất, chức năng, đặc thù v.v... của văn nghệ. Việc trở đi trở lại các vấn đề như vậy, nên xem là bình thường, là biểu hiện tự nhận thức tiếp cận chân lý... Về vấn đề tự do sáng tác, tôi cho điều kiện quan trọng nhất là khêu gợi cái bức thiết bên trong của nghệ sĩ. Chúng ta đòi hỏi sự "bức thiết bên trong" của nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa, bức thiết nói lên lý tưởng của mình, kể cả bức thiết nói lên những hiện tượng tiêu cực. Công việc của các cơ quan nghệ thuật, của báo chí văn nghệ là phải vun trồng cái bức thiết bên trong ấy, kích thích nó. Bức thiết bên trong của nghệ sĩ khác với cảm hứng nhà nước, cảm hứng bao cấp. Ta cần cảm hứng bên trong chân thành, thực sự, cách mạng. Tự do sáng tác là ở đấy. Có khi chúng ta định kiến với loại sáng tác ngụ ý, ám chỉ, thật ra, ám chỉ được là tốt, vì đây là một đặc điểm của văn nghệ. Về quan hệ văn nghệ và chính trị, tôi nghĩ chỗ có vấn đề là việc quản lý văn nghệ. Thực chất của vấn đề này là nghệ sĩ có thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng hay không. Ta có thể góp ý kiến về việc quản lý văn nghệ thế nào cho tốt, chứ thật ra quan hệ này là thống nhất, và đã được nhất trí, không nảy sinh vấn đề gì lớn. HỒ NGỌC - Tôi đồng ý với anh Hoàng Trinh: ta thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng vấn đề là lãnh đạo như thế nào. Tôi để ý cách làm ở các nước anh em: họ khôn lắm, họ làm mọi cách để không can thiệp trực tiếp vào số phận của một tác phẩm, một vở diễn, mà luôn thông qua các cơ quan chuyên môn nghệ thuật. Ở ta thì chưa được như thế, nhất là ở các địa phương, hình như ông nào cũng nhúng tay vào nghệ thuật được cả. Đọc Mác-Lênin, tôi không thấy chỗ nào nói văn nghệ phục vụ chính trị cả. Chỉ nói gắn bó, nói mật thiết, chứ không nói phục vụ. Đồng ý là không có tự do tuyệt đối. Nhưng bản chất của nghệ thuật là sáng tạo tự do. Sáng tạo tức là anh làm ra cái đầu tiên, duy nhất, không lặp lại (chứ không phải hàng gia công hàng loạt). Tính chất công việc đòi hỏi phải có tự do. Thứ hai là động cơ sáng tạo: phải có thôi thúc bên trong - nó cũng tự do. Thứ ba, mục đích sáng tạo - cũng tự do. Nghệ thuật là phạm vi cái đẹp. Nhưng cái đẹp do tôi sáng tạo trước hết là tôi thấy đẹp - tức là cái đẹp do chính nghệ sĩ nhận ra và thể hiện được để rồi công chúng thưởng thức sẽ phải thừa nhận sự khám phá ấy. Những khám phá như của Picasso chẳng hạn, có phải lúc đầu đã được thừa nhận là đẹp ngay đâu? Tất nhiên, khi mở rộng tự do sáng tác, cũng phải chú ý khuynh hướng "tả" - nhân lúc này lấn tới, lợi dụng để nói hết những ấm ức, không tính gì đến trách nhiệm công dân. Lại cũng phải chú ý tới lối cơ hội, nhân có "tự do" để buôn bán nghệ thuật nhằm kiếm lời, viết ẩu viết bậy, phản nghệ thuật. Bởi vậy, tự do sáng tác phải được đảm bảo bằng tự do phê bình. Cái này quan trọng lắm. Đã có những thủ đoạn tinh vi, lợi dụng ngôn luận để tự vệ, để quảng cáo, để móc ngoặc. Phải chống cả những thói tật ấy trong phê bình. Tự do sáng tác mới chỉ là một điều kiện. Để có tác phẩm hay, còn phải có tài năng, mà tài năng lại là của hiếm. Trong việc này, không có cách gì khác hơn là cho phép mạnh dạn thí nghiệm, chỉ có thế mới đẩy mạnh tìm tòi đổi mới văn nghệ. NGUYỄN ĐĂNG MẠNH - Về vấn đề hôm nay ta bàn, tôi đánh giá cao hai bài của Hồ Ngọc và Lê Ngọc Trà đã đăng trên Văn Nghệ. Phải tính điểm cho người nói sớm, nói trước, trong khi người khác còn e sợ, còn nghe ngóng. Tô Hoài có cái chuyện về hai con chuột bạch, được thả ra rồi mà không biết đi đâu, lại tìm đường bò vào chuồng. Chưa biết tự do thì không dám tự do. Quan hệ văn nghệ và chính trị là vấn đề quan trọng. Trước đây ở ta chính trị gò bó văn nghệ. Nay ta được bàn vì chính trị thay đổi. Từ đó mà suy ra, thì văn nghệ và chính trị bao giờ cũng thống nhất, nhưng là thống nhất với thứ chính trị thực sự dân chủ, nhân đạo, vì con người. Trước Đại hội VI chưa được như vậy, cho nên giữa văn nghệ và chính trị có mâu thuẫn. Chính trị và văn nghệ thống nhất với nhau ở cuối cùng, nhưng không đồng nhất. Thời gian qua xu hướng đồng nhất lại là xu hướng chủ đạo. Chính trị cần tuyên truyền thì đẻ ra văn nghệ minh họa. Văn nghệ do làm cái việc tình cảm hóa nội dung chính trị nên không có văn nghệ lớn. Văn nghệ lớn phải có tư tưởng riêng, có những khám phá tư tưởng riêng. Cũng vì đồng nhất như thế nên văn nghệ không đào sâu vào phương diện nhân cách, chỉ chú ý nói công đức mà quên tư đức. Có người tư đức hèn lại hay nói công đức, nhập nhèm che đậy tư đức xấu. Vì đồng nhất nên vô hình trung nhà chính trị trở thành nhà phê bình thẩm quyền cao nhất, từ tình thế ấy mà đẻ ra phương pháp phê bình nghe ngóng, đón ý cấp trên, dựa uy ông to, xu nịnh người có quyền, chụp mũ, quy kết những người khác. Một bài báo gần đây (Văn nghệ quân đội, số 12-1987) vẫn tiếp tục dùng lối này để dọa dẫm, trái với tinh thần dân chủ. Về tự do sáng tác, tôi nêu hai điểm. Một là cá tính. Văn nghệ đòi cá tính, đòi sự phát triển ý thức cá nhân. Cái đẹp, cái thẩm mỹ đối lập với sự bằng phẳng nhạt nhẽo thiếu cá tính. Xúc tiếp với nhà văn, tôi thấy họ rất ghét sự vô bản sắc, thiếu cá tính. Nghệ thuật cần cá tính, cần cái tôi. Lối ăn nói gia giáo "kẻ ngu này trộm nghĩ..." thật ra là sỉ nhục cái tôi. Do cái di họa này mà lâu nay văn học 30-45 (chủ yếu là Tự lực văn đoàn và Thơ Mới) bị coi rẻ, vì nó nêu vấn đề cá nhân, nó đóng góp vào sự phát triển ý thức cá nhân. Đã đến lúc phải đánh giá lại các giá trị này. Một điểm nữa là chủ nghĩa anh hùng. Ở ta lâu nay chủ nghĩa anh hùng là nhân danh cộng đồng. Còn khi nhân danh cá nhân, người ta lại hèn. Thế mà văn học lại chính là tiếng nói nhân danh cá nhân. Vấn đề này cũng cần được xem lại. LẠI NGUYÊN ÂN - Cả ba anh Hoàng Trinh, Hồ Ngọc, Nguyễn Đăng Mạnh khi triển khai ý kiến, đã khía cào những chỗ rất hay, nhưng khi thâu tóm lại, các anh chỉ nói sự thống nhất giữa văn nghệ và chính trị, có vẻ như về mặt lý luận thì không có vấn đề gì lắm. Riêng tôi, tôi cho quan hệ này rất có vấn đề. Nội cái việc nó đã được bàn từ ba bốn chục năm trước, nay vẫn phải bàn lại đã tỏ rõ điều đó. Hoặc những việc ở các nước anh em, khôi phục cho những văn nghệ sĩ từng bị đàn áp, trù dập, mà chúng ta đã và đang biết thêm nhiều trường hợp, chứng tỏ điều đó. Bài của anh Hồ Ngọc, anh Lê Ngọc Trà chú ý phân giới, nêu khác biệt giữa hai hình thái ý thức này, đó là việc cần thiết. Nhưng nói khác biệt thì cũng phải nói tương tác, và không thể quên cái hiện tượng rất phổ cập ở thời đại ta là hiện tượng chính trị hóa các hình thái ý thức, kể cả văn nghệ. Từ đó mà có thơ trữ tình chính trị, tiểu thuyết chính trị... Bàn chuyện chính trị không phải là điều mà nhà văn bị cấm kỵ hoặc nên kiêng kỵ. Đó là một phương diện cần được khảo sát riêng. Nhưng khía cạnh mà tôi cho có vấn đề hơn cả, có vấn đề một cách lâu dài, thường xuyên, ấy là quan hệ giữa nhà chính trị cầm quyền với các nghệ sĩ, trí thức. Đây cũng là vấn đề quan hệ giữa hai thứ “bá quyền”: quyền lực chính trị và “quyền” của các giá trị văn hóa, tri thức khoa học. Về quyền lực chính trị, càng ngược về quá khứ ta càng thấy quyền lực tuyệt đối của người cầm quyền, cá nhân họ được tôn lên thành đối tượng của sự sùng bái. Nhưng xã hội càng văn minh thì càng tìm ra được những thể chế thích hợp, người cầm quyền chỉ là người quản lý, điều hành trên cơ sở những "khế ước" do cả xã hội đề ra làm quy tắc chung. Về "quyền" của các giá trị văn hóa, khoa học, có lẽ không cần biện giải là có hay không, bởi ngay xã hội văn minh vẫn có những nghệ sĩ lớn, những trí thức lớn được mọi người hâm mộ, nể trọng. Về quan hệ giữa hai loại, chỉ cần nêu hai kiểu biểu hiện ở hai cực: một là bác bỏ, đàn áp (nhà Tần đốt sách chôn nhà nho, Hitler đốt sách, trục xuất văn nghệ sĩ...) và hai là ưu ái, bảo trợ. Kiểu bảo trợ có nhiều mức, nhiều dạng, nhưng mức cao nhất là đẻ ra nghệ thuật quan phương, như kiểu "tao đàn" của Lê Thánh Tông. Dạng nghệ thuật này khó mà có giá trị cao, vì nó gắn với "cảm hứng nhà nước" (chữ mà anh Hoàng Trinh vừa nói) diễn đạt tư tưởng của nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước. Trong khi đó, nghệ thuật chân chính phải phát ngôn ý thức nhân dân, ý thức thời đại, phải diễn đạt nhu cầu phát triển con người và xã hội cao nhất của thời đại và dân tộc. Những nghệ sĩ lớn bao giờ cũng phải "bung ra" khỏi ý thức ấy: độ lớn về tư tưởng và nghệ thuật của họ, đến thời đại còn chưa dễ chấp nhận, nói gì đến cái khung hẹp và thực dụng của tư tưởng và nghệ thuật cung đình! Nếu có thể nói về quá khứ như vậy thì với chủ nghĩa xã hội, phải chăng trên thực tế không có vấn đề bất đồng nảy sinh trong quan hệ giữa đảng cầm quyền với văn nghệ sĩ, trí thức? Ở Hungari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Xô nữa, đã có không ít ví dụ. Mấy ai, dù tài năng kiệt xuất đi nữa, đã có được cái may mắn của Hemingway hay Marquez làm "công dân của thế giới" mà sáng tác? Ở ta, hậu quả bao cấp trong văn nghệ biểu hiện rõ nhất ở chỗ đã biến văn nghệ sĩ thành cán bộ nhà nước, thành viên chức ăn lương để làm văn nghệ – một tình trạng na ná "tao đàn" của văn nghệ quan phương. Chính sách đối với văn nghệ sĩ, trí thức là cả một vấn đề có quy mô ít nhất là trong toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa. Lâu nay, ta mới biết đến một cách giải thích: người nghệ sĩ tiểu tư sản thường ngả nghiêng dao động. Nhưng gần đây, ta còn biết thêm một sự thực: chính các đảng cầm quyền cũng phạm không ít sai lầm trong đường lối. Câu hỏi đặt ra là: nếu như một nghệ sĩ (lớn hoặc chưa được coi là lớn) không đồng ý với đảng cầm quyền thì sẽ phải xử sự ra sao để đảm bảo tự do sáng tác, tự do công bố tác phẩm? Làm sao để hầu như không còn bao giờ trót trù dập một ai đó để rồi sau lại khôi phục? Câu trả lời tất nhiên nằm ở chỗ "dân chủ hóa", nhưng từ phương hướng chung đến các quy chế đảm bảo cụ thể thì quả là không đơn giản chút nào. VŨ ĐỨC PHÚC - Xung quanh vấn đề văn nghệ và chính trị là các vấn đề tính đảng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa của nhà văn, là nguyên tắc Đảng lãnh đạo văn nghệ. Tôi thấy mừng là trong Nghị quyết của Bộ Chính trị vẫn giữ lại các nguyên tắc ấy. Đấy là những điều không thể và không nên đặt lại, bàn lại, nếu không sẽ rơi vào quan điểm tư sản. Chính trị chi phối văn nghệ là một quy luật, không thể cưỡng được. Chính trị tốt thì văn nghệ tốt, chính trị xấu thì văn nghệ xấu. Ở dân chủ tư sản thì các phe phái văn nghệ chống lại nhau, vì các phe phái chính trị cũng chống đối nhau. Chủ nghĩa xã hội cần đặt văn nghệ sĩ thành viên chức ăn lương để sáng tác, vì nó liên quan đến vấn đề chính: anh có phải người cộng sản hay không - cộng sản về lý tưởng, lý tưởng cao đẹp. Đấy cũng là quy luật không cưỡng được. Trước đây bọn "Nhân văn" chống chủ nghĩa xã hội, đòi chia quyền lãnh đạo với Đảng, đòi trả văn nghệ cho văn nghệ, mấy anh nghệ sĩ làm bồi bút cho bọn đó. Giai cấp vô sản phải chuyên chính với họ. Tất nhiên ở ta cũng có chuyện của cơ chế, nhưng vẫn cần chuyên chính, nếu không sẽ quay lại đường lối tư sản. Trong một thời gian dài ở ta văn nghệ và chính trị là thống nhất. Hồi đầu cách mạng ai đánh giá thấp văn hóa dân tộc? Chính là văn nghệ sĩ, trí thức. Đảng đã chỉ đường, đã cứu cả một nền văn nghệ, đã đánh giá cao di sản. Phải nhớ điều đó, không được vô ơn. Các anh nói đổi mới, cải tổ. Tôi thấy cứ phải chờ xem, đừng vội ngưỡng mộ những thần tượng cải tổ, đừng vội xét lại các nguyên tắc. Văn nghệ sĩ không thể góp ý kiến cho Đảng vì Đảng đúng, đánh Pháp, đánh Mỹ đều đúng, xây dựng chủ nghĩa xã hội lúc đầu rất tốt, chỉ sau 1975 mới phát sinh tiêu cực. Bây giờ tiêu cực đầy rẫy mà văn nghệ lại né tránh. Văn nghệ toàn nói dối, ca ngợi một chiều. Lâu nay tôi không viết phê bình vì sáng tác nói dối nhiều quá. Không nên nói như anh Mạnh rằng ta chưa chú ý cá tính. Anh Đồng, anh Tố Hữu luôn nói cần cá tính. Không có bài phê bình nào khuyên sáng tác phải giống nhau. Nhưng chỗ dở là cứ khen những sáng tác kém. Mà không khen thì khó đăng, vì cầm quyền trong văn nghệ là những người biên tập. Tóm lại, tôi cho bây giờ quan trọng nhất là nói sự thật, là yêu cầu nhà văn viết sự thật, nhất là sự thật tiêu cực, sự thật của bọn cường hào mới áp bức người lao động. Vấn đề là ở đấy chứ không phải là xem xét lại các nguyên lý, đành rằng việc lãnh đạo văn nghệ cũng có lúc đúng có lúc sai... NGUYỄN KHẢI - Tôi là người viết, xin được góp với các nhà lý luận một vài điều. Lắm lúc ngẫm lại, tôi thấy mình là một đảng viên không đến nỗi kém cỏi gì. Thế mà hình như bao giờ cũng cứ bị chê trách. Ví như trước đây trước khi đi nông thôn, thế nào tôi cũng phải nắm chắc những nhận định chủ trương trong các nghị quyết. Nhưng đến nông thôn thì thấy khác. Thế là trong đầu nảy sinh thắc mắc. Tôi gắng đưa những điều ấy vào sáng tác, chỉ đến đoạn kết thì mới uốn éo đi. Vậy mà đã bị chê trách rồi. Hoặc như vấn đề tôn giáo. Mình cứ nhớ cái ý: tôn giáo là thuốc phiện. Nhưng đi vào tìm hiểu thực tế, mới thấy rằng nếu không có tôn giáo thì con người là con vật. Thế là tôi "lệch" dần, nhưng không dám chống thẳng thừng, chỉ dám biện bạch cách này cách khác, rằng tôn giáo có cái lý của nó. "Lệch" là dại, cho nên mới bị trách. Hồi năm 74, tôi viết người cộng sản phải làm ăn thật thà. Có mấy ông cán bộ chính trị cổ vũ tôi, bảo cứ viết mạnh vào. Ấy thế rồi mình bị nạn, bị mắng là thằng đểu, thằng mất dạy. Nhưng có ai can hộ mình đâu! Tôi im không cãi, nhưng như thế là có vấn đề chứ! Sau này tôi rút ra kinh nghiệm, phải có chủ động để nghiên cứu thực tế. Không gì thoát được chính trị, nhưng khi viết phải đối thoại lại, phải đem sự từng trải, đem kinh nghiệm của mình mà đối thoại lại. Vừa nãy có ý kiến bảo là tại biên tập, nhưng chả lẽ trên đúng mà biên tập lại sai à? Phải có cái gì không sòng phẳng ở đây chứ? Nhiều khi, tôi cảm thấy cái hiện thực xã hội chủ nghĩa cứ làm hại mình, vì hiện thực xã hội chủ nghĩa là không được phê phán, là cuối cùng phải tốt đẹp, cứ đến đoạn kết thì mình phải lãng mạn. Cả một mảng viết nông nghiệp của tôi coi như bỏ đi, tôi đã viết Cái thời lãng mạn để tự phê bình rồi. Ai bảo là từ 75 mới phát sinh tiêu cực, chứ thật ra nhiều cái đã có nguồn gốc từ trước đó lâu rồi, ví dụ như quan niệm hiện thực là phải tốt đẹp. Đã có những chủ trương giả, dẫn đến bố trí cán bộ giả, chính sách giả, kết quả cũng giả nốt. Viết theo sát cái đó thì thành văn chương nói dối, ba anh nói dối đối đáp nhau. Đến khi người ta nhận ra cái giả ấy, thay bằng chính sách khác, thì chính sách mình còn đó sờ sờ chịu trận, không trốn được. Mình trót nói dối hết hai phần ba thì cũng phải tự phủ định hai phần ba ấy. Đến tuổi này, lúc này, không nói dối được nữa. Từ nay, cứ lấy sự gắn bó với đất nước với sự nghiệp chung làm chính, viết gì, nói gì tự chịu trách nhiệm, có làm sao cũng khỏi phải oán trách ai. Tôi nghĩ tình hình sẽ không giản đơn đi mà sẽ phức tạp thêm. Ta cho nước ngoài đầu tư là chịu thêm sự phức tạp. Phải huấn luyện cho nhau, cho bạn đọc quen dần với sự phức tạp, khiến cho họ trở nên từng trải hơn, hiểu được chịu được phức tạp nhiều hơn. Tạo được một lớp bạn đọc mới cũng là tiếp thêm sức mạnh mới cho đời sống, cho văn nghệ. PHƯƠNG LỰU - Có khía cạnh trong quan hệ văn nghệ - chính trị, nhưng ít nhất có thể nói thế nào: văn nghệ chân chính thì luôn luôn chống lại thứ chính trị thoái hóa, nhưng luôn thống nhất với chính trị chân chính. Đại hội VI nêu "lấy dân làm gốc" như một quốc sách. Có thể suy ra: trước đó ta cũng đã "lấy dân làm gốc" ít nhiều, nhưng xu hướng "không lấy dân làm gốc" vẫn mạnh hơn. Tình hình đó tác động đến văn nghệ sĩ: tuy đều là "hàn sĩ" sống gần dân, nhưng số đông vẫn thụ động, chỉ có số ít là tâm huyết, bản lĩnh, dám tỏ bất bình với chỗ sai của lãnh đạo không lấy dân làm gốc. Đại hội VI xoay vấn đề trở lại, nêu "lấy dân làm gốc" tức là mở trời cho văn nghệ. Nhưng vẫn có hai việc của văn nghệ là tiếp tục bất bình, phê phán thứ chính trị không lấy dân làm gốc, và ủng hộ chính trị lấy dân làm gốc. Song cả hai thứ chân chính (văn nghệ và chính trị) vẫn không đồng nhất. Tôi nghĩ lý luận chúng ta còn tồi thật, nhưng không đến nỗi chỉ thấy văn nghệ có mỗi một đặc trưng hình tượng, chỉ thấy mỗi một mặt phương thức mà không thấy gì khác. Nhưng cũng không nên cát cứ: chính trị thì làm cái này, còn nghệ thuật thì làm cái kia. Không có vùng cấm của chính trị mà văn nghệ không được động đến. Ngược lại, những chuyện như xung quanh cái chết của em Nguyễn Văn Thanh chứng tỏ chính trị cũng can dự đến số phận con người. Số phận, lương tâm... không phải là đất riêng của văn nghệ. TẠ VĂN THÀNH - Những vấn đề chúng ta bàn từ sáng đến giờ động chạm đến một phạm vi rất rộng, cả triết học, cả lý luận văn hóa, cả mỹ học... Các anh đã nói cần xem chính trị như là hình thái chính trị, như là hình thái ý thức, tôi thêm một nghĩa thứ ba: chính trị như là hoạt động thực tiễn. Nói chính trị như một hình thái ý thức là để khu biệt với các hình thái ý thức khác, trong đó có nghệ thuật, nhưng nên lưu ý quan hệ giữa ý thức chính trị và ý thức nghệ thuật. Ý thức chính trị không phải là của riêng nhà chính trị. Nghệ sĩ cũng có ý thức chính trị, có điều khi thể hiện vào sáng tác, đó phải là tư tưởng riêng của nghệ sĩ, và phải là tư tưởng thẩm mỹ. Theo tôi mệnh đề "văn nghệ phục vụ chính trị" chung chung quá. Không phải cứ là nhà chính trị thì cao hơn nhà nghệ sĩ. Nhà văn lớn phải là nhà tư tưởng lớn. Chính trị có nhiều cấp độ, thật đáng buồn khi người ta đòi văn nghệ trở thành sự vụ, đòi phải múa lợn lai kinh tế v.v... tức là hạ chính trị xuống những cấp độ thông tục nhất và bắt văn nghệ "phục vụ" ở cấp độ ấy. Không ai còn đồng nhất hai hình thái ý thức này, chúng phân biệt nhau ở đối tượng, ở phương thức, ở vai trò, kết quả v.v... Nhưng theo tôi thực tiễn chính trị cũng là một trong những nội dung miêu tả, phản ánh của nghệ thuật. Tuy thế, đối tượng của nghệ thuật rất khác đối tượng của chính trị. Người ta định nghĩa đối tượng của nghệ thuật là "thực tại thẩm mỹ". Tôi tán thành quan niệm của Todor Pavlov: đối tượng của nghệ thuật là thực tại thẩm mỹ cộng với nghệ sĩ. Trong tác phẩm nghệ thuật có cả thế giới lẫn chủ thể nghệ sĩ. Nghệ thuật có nhiều chức năng, nhưng quan trọng nhất có lẽ là nó nhân đạo hóa con người, giữ cho con người là người. Nói khác đi, chức năng của nó là xã hội hóa con người về mặt thẩm mỹ. Giáo dục (dạy và học) là nâng văn hóa của một cá thể lên trình độ văn hóa của loài. Đó là một mặt xã hội hóa quan trọng. Nhưng khi được xã hội hóa về thẩm mỹ, con người cũng đồng thời được xã hội hóa về các mặt khác. Bây giờ xin nói về tiêu chuẩn chính trị đối với văn nghệ. Nói vấn đề chính trị là nói vấn đề lợi ích (dân tộc, giai cấp, cá nhân). Chỗ này có một câu hỏi chưa được sáng tỏ: Đảng là một lợi ích hay còn là gì khác nữa? Ở ta lâu nay có những định đề, những suy diễn theo lối định đề: "Giai cấp vô sản là tiên tiến nhất" - từ đó: "Đảng bao giờ cũng đúng". "Các chính sách bao giờ cũng đúng"... Ở chỗ này, nên chăng nêu một nghi vấn để suy nghĩ: liệu giai cấp vô sản có chịu hạn chế lịch sử như bất cứ giai cấp nào khác không? Lúc sáng anh Khải nói chủ thể nào cũng chịu hạn chế, cũng ở trong quá trình nhận thức. Nhà văn không thể nói tôi nhận thức tốt hơn nhà chính trị, và ngược lại, có lẽ nhà chính trị cũng không thể nói như vậy. Ai cũng ở trong quá trình suy nghĩ, tìm tòi. Vậy thì cần tôn trọng sự tìm tòi. Tôi nhắc lại tâm sự của anh Khải hồi sáng: đau nhất là sau 30 năm theo Đảng, nhà văn nhìn lại đứa con tinh thần đẻ chung thì lại thấy hình như nó yểu tướng quá, đoản thọ quá. Chính sách sai thì đến lúc sửa. Nghệ thuật gắn với chính sách sai thì đã thành tác phẩm rồi, không chữa được. Chỗ này, lỗi tại ai? Cố nhiên "tại anh, tại ả, tại cả hai bên". Song suy đến cùng, tôi nghĩ Đảng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Nếu Đảng tỉnh hơn thì đỡ hơn chứ, đỡ cho cho lịch sử, và cho cả văn nghệ. Đến đây, có vấn đề đặt ra, mà tôi đồng ý với anh Ân, là phải tìm cách nào để khi Đảng đúng thì cả nhân dân, dân tộc cũng được nhờ, văn nghệ cũng được nhờ; nhưng khi Đảng có chỗ sai thì làm sao để cái sai kia đừng ràng buộc nghệ sĩ, đừng để đến nỗi nghệ sĩ không thể giúp gì cho nhân dân, dân tộc mình, cho cả Đảng của mình nữa. Đây đúng là chỗ khó nhất. Cuối cùng, Đảng lãnh đạo văn nghệ là có cả một cơ chế, những phương thức, những đoàn thể v.v... chứ chỉ trông cậy vào các cá nhân lãnh đạo thì rất khó. Có cả một lý thuyết về sự lãnh đạo văn hóa văn nghệ. Trong các nguyên lý lãnh đạo thì quan trọng nhất là phải quản lý một cách khách quan. Về mặt này, ta còn vi phạm khá nhiều. Nghị quyết Bộ Chính trị đặt vấn đề nâng cao trình độ lãnh đạo văn nghệ của Đảng tức là đáp ứng đúng vào nhu cầu cấp bách nhất. HÀ MINH ĐỨC - Vấn đề thật là khó. Nghe các anh bàn tôi thấy đã gỡ ra được một số mặt. Xin bổ sung thêm ở một khía cạnh. Ở xã hội cũ, giai cấp thống trị có hai cách chi phối văn nghệ. Một là tạo ra những cây bút thừa hành, hai là tạo ra những lý thuyết văn nghệ để lảng tránh những hiện thực mà nó cần che đậy. Song ý thức chính trị cũ không đủ sức chi phối toàn bộ văn nghệ. Bộ phận bị nó chi phối thì không có giá trị sáng tạo. Bộ phận chống đối nó thì tạo được nhiều giá trị... VŨ ĐỨC PHÚC - Thế Bình Ngô đại cáo thì sao? HÀ MINH ĐỨC - Chỗ ấy là do có sự thống nhất. Trong xã hội mới, chính trị và văn nghệ phù hợp nhau, trong thời gian chiến tranh, sự thống nhất này nổi bật nhất (tất nhiên hiện nay cũng phải bàn xem đường lối chính trị thời chống Pháp chống Mỹ có gì sai không). Sau 75, tình hình mở ra, tiêu chuẩn chính trị, ví dụ trong những sáng tác về cải cách ruộng đất, cái nào đứng được – là điều rất khó. Hiện nay việc giảng dạy các tác phẩm trước đây đều trở nên khó khăn. Có người khi đọc truyện ngắn mới đây của anh Khải có bàn thế này: giá như hồi ấy anh khen Tuy Kiền thì thật vĩ đại! Tất nhiên trọng tài vẫn là đời sống. Nếu văn nghệ minh họa cho chính sách thì dù chính sách đúng cũng không hay, chính sách sai thì tác phẩm càng sai lầm. Cho nên, ở từng thời điểm, cần thấy những khác biệt giữa chính trị và văn nghệ. Lâu nay, hai vế trong ý kiến Lênin, ta thường nhấn mạnh vế văn nghệ là "bánh xe", "đinh ốc" trong sự nghiệp chung mà quên hoặc coi nhẹ vế nói văn nghệ là lĩnh vực không chịu bình quân, san bằng, là lĩnh vực của cá tính, tài năng, tưởng tượng, sáng kiến cá nhân v.v... Lúc này, chính vế thứ hai cũng cần được nhấn mạnh... HOÀNG NGỌC HIẾN - Về vấn đề tự do sáng tác, tôi nghĩ là Đảng có thể tuyên bố rằng những nghệ sĩ yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội thì được tự do tuyệt đối trong tìm tòi sáng tạo. Còn việc công bố tác phẩm lúc nào, công bố thế nào là việc của người biên tập; người viết không thể thấy hết. Về những nguyên tắc, cần thấy rõ rằng chủ nghĩa Mác không phải là giáo điều mà là phương pháp; cái thần của chủ nghĩa Mác không phải là giáo điều mà là tinh thần phê phán và tinh thần cách mạng của nó. Có những nguyên tắc trong thời gian lịch sử đã buộc phải được xem xét lại toàn bộ. Tính phê phán của chủ nghĩa Mác không trừ một nguyên tắc nào. Lênin năm 1921 đã viết rằng "chúng ta buộc phải thay đổi tận gốc toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội" (Bàn về hợp tác hóa). Đến khái niệm rộng lớn bao trùm như chủ nghĩa xã hội còn có thể thay đổi, huống gì những khái niệm nhỏ hơn như về văn học nghệ thuật! Những khái niệm ta vẫn dùng như tính đảng, tính nhân dân v.v... đều quan trọng, nhưng phải đổi mới nghĩa của nó, nếu không sẽ không còn sức hấp dẫn. Ví dụ về tính đảng, không thể nói như cũ. Theo tôi, tính đảng trong văn học nghệ thuật phải mang chiều sâu triết học. Người hời hợt về triết học không thể được xem là nghệ sĩ có tính đảng. Tác phẩm của ta còn hời hợt, dù vốn sống phong phú, ngôn ngữ phong phú nhưng thiếu chiều sâu triết học. Chính chiều sâu này mới trả cho văn nghệ tính đảng đích thực. Vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng cần được xem lại. Tôi đã đối chiếu gốc, không có "không" thấy đây là một khái niệm giả đã gây đau khổ kéo dài cho cả nghệ sĩ, cả nhà nghiên cứu lẫn lãnh đạo. Nó lúc đầu được nêu lên như một ngọn cờ, và đã có sức tập hợp, vẫy gọi. Nhưng tai hại là ở chỗ từ một ngọn cờ, người ta lại định biến nó thành khái niệm học thuật, để làm sang cho nó, chứng minh nó là phương pháp sáng tác, biến nó thành vạn năng. Sự luận chứng này là vô bổ, không cần thiết. Đảng cần gì ở nhà văn, cứ nói thẳng, không cần vòng qua khái niệm này. Trong chuyện này, ta chủ yếu vốn tiếp thụ lý luận cũ của Liên Xô. Nay ta đã trưởng thành, có thể và cần phải xem xét lại. Về nguyên tắc quyền uy mà một số anh gần đây có đề cập, tôi xin bổ sung. Khi nói về chủ nghĩa quan liêu, Mác nêu hai đặc điểm: thích bí mật và lấy quyền uy làm nguyên tắc. Chủ nghĩa quan liêu là nhà nước trong một nhà nước, nó rất ghét công khai, nó thích bí mật, duy trì bí mật bên trong (tôn ti trật tự) và bí mật bên ngoài (tính chất phường hội khép kín). Chủ nghĩa quan liêu lấy quyền uy là nguyên tắc thần thánh của nó. Ta phê phán, bác bỏ nguyên tắc quyền uy quan liêu, nhưng lại phải xây dựng những uy tín chân chính trong văn học nghệ thuật. Ví dụ làm báo chí, phải xây dựng được những tờ báo, tạp chí có uy tín mới có sức tập hợp, lãnh đạo. Xây dựng uy tín là rất khó. Về sự hèn, sự giả dối đang phổ cập, cũng cần chú ý ý kiến của Mác khi so sánh đạo đức phong kiến và đạo đức tư sản: cái trước thì vô thức, cái sau thì có ý thức. Ở ta, số đông giả dối một cách vô thức, không đeo mặt nạ, nhưng có một số người giả dối một cách có ý thức, họ đeo mặt nạ, họ hèn một cách có ý thức. Quá trình văn học vừa qua đẻ ra một số điều kiện rất khó cải tạo. Phải chỉnh lại cho đúng hơn, xác thực hơn. Cuối cùng, ta đang bàn triển khai nghị quyết mới về văn hóa văn nghệ, tạo điều kiện để văn học nghệ thuật phát triển thuận lợi. Tôi nghĩ tác động của bản nghị quyết làm tăng uy tín của Đảng. Nếu sự chuyên quyền độc đoán, thói nha lại thời gian trước đây làm cho người sáng tác mất lòng tin thì nghị quyết này sẽ lấy lại lòng tin ấy. Để có tác phẩm, để có nền văn nghệ lớn, còn phụ thuộc vào nhiều điều. Nhưng bản thân việc công bố nghị quyết đã có ý nghĩa lớn. VŨ ĐỨC PHÚC - Tôi không tán thành anh Hiến nói bản chất chủ nghĩa Mác là tinh thần phê phán. Tinh thần ấy là của phái Hegel trẻ. Cũng không đúng nếu đòi bàn lại vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nếu định từ bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa thì lại là chuyện khác. Cố nhiên, Xtalin, Mao, Pônpốt đã khiến người ta nghi ngờ chủ nghĩa xã hội nhưng chúng ta vẫn giữ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nên nguyên tắc hiện thực xã hội chủ nghĩa cần giữ lại. HỒ NGỌC - Tôi xin góp ý với anh Vũ Đức Phúc thế này: chúng ta đâu có định từ bỏ chủ nghĩa xã hội! Nhưng có những vấn đề thuộc phạm vi các quan niệm, nguyên tắc cần phải đổi mới. Anh Hà Minh Đức cắt ra "trước" và "sau" cách mạng, cho là trước thì văn nghệ và chính trị không có sự thống nhất. Tôi nghĩ không hẳn như vậy. Cái lõi của vấn đề là: cái "nghiệp" làm nghệ sĩ buộc nghệ sĩ không thể thỏa mãn với thực tại. Họ bao giờ cũng đòi vươn tới cái tốt đẹp hơn. Bằng lòng, mãn nguyện với hiện trạng không phải là thái độ của nghệ sĩ chân chính. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - không chỉ giải thích mà còn cải tạo thế giới - có thể nói cũng rất nhất trí với điểm này. Nghệ sĩ được quyền không thỏa mãn với hiện tại. Thỏa mãn thì chỉ có thể minh họa. Không thỏa mãn thì mới vươn tới. Không nên lặp lại sai lầm về "bôi đen", "tô hồng" trước đây, đó là hai cực của quan niệm sai lầm về quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. NGÔ THẢO - Cho tôi nói một cảm nghĩ là từ sáng đến giờ hoàn toàn chỉ có những người của Đảng làm văn nghệ bàn về các vấn đề đặt ra. Có lúc ta thử đẩy phần trách nhiệm về Đảng để nêu một số điều đã hạn chế công việc. Có lúc ta tự nhận lấy trách nhiệm để tự chê trách mình. Tuy vậy, nếu cả hai phía trách nhiệm đều vẹn toàn mà thời ta không có nghệ sĩ lớn thì cũng đành phải chịu. Thiên tài là của hiếm, không có cũng đành chịu chứ biết làm sao! Trong một số bộ phim, vở kịch, cuốn truyện gần đây, có cảm tưởng là ta dồn trách nhiệm, thiếu sót của cả một thời, một đảng cho một đôi người, ghép cái bất lực chung với bất nhân riêng của một số kẻ nào đó. Các nghệ sĩ lớn thì dù thể chế nào họ cũng có cách tồn tại, cũng còn lại lừng lững với đời sau. Nếu thời gian qua ta chưa làm được những gì lẽ ra có thể làm được thì cái chính là vì chúng ta đã quá gắn với một xã hội lấy chính trị làm thống soái. Có đổ lỗi cho ai cũng không gỡ được cho hôm nay. Cái chính, tôi nghĩ là phải đề cao trách nhiệm, đề cao nhân cách của người nghệ sĩ. LÃ NGUYÊN - Tôi tán thành với một số ý kiến tại đây về quan hệ giữa ý thức chính trị và ý thức nghệ thuật, về sự phân biệt bản chất đặc thù của mỗi hình thái đó. Nhưng tôi băn khoăn: nếu chỉ phân biệt như thế thôi thì có rơi vào tuyệt đối hóa bản chất của ý thức nghệ thuật hay không, nếu ta biết rằng nghệ thuật hình thành do tách ra từ ý thức nguyên hợp (văn sử triết bất phân)? Ta nhấn vào đặc thù để bảo văn nghệ hãy quay về với văn nghệ thì vô tình ta đã hạn chế quyền của nghệ sĩ can dự vào những vấn đề chính trị nóng bỏng của thời đại. Không phải bao giờ, thời nào, văn nghệ cũng thích "dấn thân" vào chính trị. Ở văn học hiện đại của ta, tôi chỉ thấy có hai giai đoạn văn nghệ buộc xã hội phải "nghe" nó, chú ý đến tiếng nói, ý kiến của nó: đó là thời 1930-1945 và hiện nay. Phương diện quan hệ, tương quan này không thể bỏ qua. Về một mặt khác, theo tôi, ngay trong chính trị chân chính đã chứa đựng những mặt đối lập dẫn đến chỗ mâu thuẫn với ý thức nghệ thuật. Chính trị là công cụ của giai cấp, của nhà nước giai cấp: nghệ thuật là sự tự ý thức của nhân dân. Chủ thể của ý thức nghệ thuật là nhân dân. Người đề xướng nguyên tắc tính đảng là Lênin lại xem văn học như là kết quả sự tác động của tất cả các xu hướng tư tưởng ở xã hội đương thời (chứ không như là phản ánh ý thức một giai cấp). Trong xã hội cũ, nếu có sự thống nhất giữa chính trị và văn nghệ thì đó là một sự thống nhất có điều kiện. Mục đích của chính trị là vì lợi ích trực tiếp. Nghệ thuật thì lại vô tư. Chỗ này cũng gây khả năng "đụng độ". Chính trị là pháp quyền, là cả một cơ chế quan phương, chính thống. Trong khi đó, nghệ thuật lại là thứ ý thức phi quan phương. Chỗ này cũng nảy sinh khả năng "đụng độ". Sự đụng độ giữa ý thức nghệ thuật và ý thức chính trị quan phương vẫn tồn tại ngay trong văn nghệ dưới thời Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Có ý kiến nói nếu người lãnh đạo hiểu biết văn nghệ thì tình hình sẽ tốt đẹp. Không phải thế đâu. Phạm sai lầm trong các vụ việc trước đây là những người rất hiểu văn nghệ. Ai cấm văn nghệ dân gian chống tiêu cực trước đây, gọi nó là phản động? Ai cấm Hà Nội trong mắt ai? Chính là những người rất hiểu văn nghệ. Lập trường quan phương đương thời khiến họ không chấp nhận những nghệ thuật nhân danh ý thức phi quan phương. Giải tỏa điều này thế nào, xin chốt lại ở dân chủ hóa, ở tự do sáng tác, mà tựu trung là chống bao cấp, nhất là bao cấp về tư tưởng. Vì bao cấp tư tưởng trong văn nghệ chính thống, quan phương, không cho nó bung ra để phát ngôn cho ý thức nhân dân, cho sự tự ý thức của lịch sử. NGUYÊN NGỌC - Chúng ta đã đề cập một vấn đề quan trọng, vừa có ý nghĩa lý luận vừa có ý nghĩa thực tiễn. Chúng ta đã gợi mở vấn đề, khám phá thêm những chiều sâu của nó để tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, thảo luận, tranh luận. Hẳn các anh đồng ý với tôi là chúng ta đã có một ngày làm việc có kết quả. Tuy không kết luận, nhưng tôi nghĩ chúng ta đều nhất trí rằng đặt vấn đề thảo luận là để thúc đẩy văn nghệ ta đi lên, chúng ta cũng nhất trí là không ai đặt vấn đề phủ nhận, từ bỏ chủ nghĩa xã hội và văn học của chủ nghĩa xã hội. Nhưng thế nào là chủ nghĩa xã hội, thế nào là văn nghệ xã hội chủ nghĩa đích thực? Công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước anh em, công cuộc đổi mới đang tiến hành ở ta cho thấy có hàng loạt vấn đề cần được xem xét lại, nhận thức lại. Có thể nói chính sự phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực đến chặng này đã làm nảy sinh các vấn đề cần xem xét giải quyết. Đối với văn nghệ xã hội chủ nghĩa cũng vậy. Thực tiễn phát triển của nó đến đây đặt ra nhiều vấn đề. Và việc xem xét trở lại những vấn đề cơ bản, như các anh có nói, cần được coi là việc bình thường. Tôi nghĩ những sinh hoạt trao đổi như thế này là rất tốt, góp phần thúc đẩy nhận thức của chúng ta, tức là góp phần thúc đẩy văn nghệ phát triển. Xin cảm ơn các anh đã tham gia hội thảo sôi nổi, chân thành và thẳng thắn. Xin hẹn các anh ở lần gặp mặt tiếp theo tại tòa soạn chúng tôi, với đề tài chúng tôi dự kiến là vấn đề văn nghệ và hiện thực.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 9 (27-2-1988), số 10 (5-3-1988)
MẤY LỜI NÓI LẠI VÀ NÓI THÊM NGUYỄN KHẢI Tôi ở xa không được đọc lại bản ghi chép những ý kiến nói miệng của mình tại cuộc thảo luận "bàn tròn" do tuần báo Văn nghệ tổ chức, trước khi đưa đăng báo (Văn nghệ, số 9-1988) nên đã có một sai sót quan trọng, chủ yếu xung quanh vấn đề tôn giáo. Tôi thấy cần phải viết lại hẳn hoi, trọn vẹn những ý kiến của tôi về vấn đề này như sau: ... Trước đây khi nói tới tôn giáo là tôi nghĩ ngay tới mặt tiêu cực của nó. Vì nó là "thuốc phiện của quần chúng", và cả vì cái thái độ thù địch với cách mạng, với kháng chiến của giáo hội Thiên Chúa ở miền Bắc suốt thời kỳ đánh Pháp và còn kéo dài thêm nhiều năm sau đó nữa. Người và việc của cái thực tế đáng buồn này tôi đã ghi chép lại trong tiểu thuyết Xung đột. Nhưng từ sau ngày thống nhất đất nước, tôi được tiếp xúc với nhiều giáo sĩ yêu nước, tiến bộ và nhiều gia đình giáo dân đã dám hy sinh tất cả cho sự nghiệp đánh Mỹ tại nhiều tỉnh phía Nam, buộc tôi phải nghĩ thêm tới mặt tích cực của tôn giáo, một khi nó trở lại cội nguồn, thoát khỏi những ham muốn vô vọng về quyền lực. Như tôi đã viết trong cuốn tiểu thuyết Thời gian của người. Tôi nghĩ, con người sở dĩ khác với con vật vì nó không chỉ sống cho cái bây giờ, cái tức thì, cái trước mắt, mà còn dám sống cho một niềm tin cao đẹp, thiêng liêng hơn chính là bản thân nó. Hoặc là niềm tin vào một lý tưởng xã hội. Hoặc là niềm tin vào một lý tưởng tôn giáo. Viết về những con người sống và chiến đấu cho một lý tưởng xã hội là công việc quen thuộc của chúng ta khỏi bàn cãi. Những quan tâm một cách thông cảm và trân trọng những người sống cho một niềm tin tôn giáo trong sáng có phải bị chê trách là sai lệch không? Là có khuynh hướng duy tâm không? Cái thế giới tinh thần của con người là vô cùng phức tạp vì sự vận động của nó luôn luôn nhằm tới cái thật cao và cái thật xa. Càng có tuổi thì nhu cầu hướng tới cái tận thiện tận mỹ, thậm chí cả cái vô cùng nữa càng mãnh liệt. Gần như là day dứt, một khắc khoải. Những day dứt và khắc khoải ấy có nhiễm chút nào cái hương vị của tôn giáo? Hoặc chỉ là một nhu cầu rất tự nhiên của con người vốn không cam chịu dừng lại trước bất kỳ một giới hạn nào? Tôi ao ước được tiếp tục phiêu lưu vào cái cõi mênh mang và đầy bí mật này, dẫu biết là hết sức nguy hiểm, rất dễ trượt ngã, nhưng không sao dửng dưng nổi vì lời mời của nó lại quá quyến rũ. w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 11 (12-3-1988)
5-1-08 |