CẦN PHÁT HUY VAI
TRÒ Phỏng vấn nhà phê bình văn học THIẾU MAI
PHÓNG VIÊN: - Qua thăm dò dư luận chúng tôi thấy nguyện vọng chung của nhiều hội viên là đã đến lúc cần xây dựng Hội Nhà văn thành hội nghề nghiệp. Xin chị cho biết ý kiến cá nhân? THIẾU MAI: - Viết văn là một nghề. Xây dựng Hội Nhà văn thành hội nghề nghiệp là hợp lý. Tôi tán thành ý kiến ấy. Tuy nhiên khi nói đến nghề trong Hội Nhà văn, nhiều anh chị mới chỉ nghĩ tới nghề sáng tác. Nhưng ở đây đâu phải chỉ có người làm thơ, viết truyện! Còn có cả những người làm công tác lý luận, phê bình nữa chứ! Cho nên cần phải nhấn mạnh lại rằng trong Hội Nhà văn có hai nghề: nghề sáng tác và nghề lý luận phê bình. Tuy gắn bó với nhau chặt chẽ nhưng công việc của hai nghề này hết sức khác nhau. Một số anh em có nguyện vọng lập Hiệp hội những người làm công tác lý luận phê bình để đảm bảo quyền hoạt động độc lập và cho phù hợp với tầm quan trọng của công việc. Tôi lại có ý khác. Theo tôi phê bình phải gắn với sáng tác và chỉ có gắn với sáng tác, phê bình mới tốt được. Cho nên về phương diện tổ chức, bộ phận lý luận phê bình không nên tách ra khỏi Hội Nhà văn, bởi nếu làm như thế e rằng sáng tác và phê bình xưa nay vốn dĩ đã có sự xa cách sẽ lại càng xa cách hơn. Rất tiếc vừa qua nhiều đồng chí lãnh đạo Hội rất xem nhẹ công tác lý luận phê bình. P.V. - Xin chị cho biết những biểu hiện cụ thể? T.M. - Lâu nay những người giữ cương vị lãnh đạo Hội là các nhà văn, nhà thơ. Sự coi thường phê bình, lý luận hình như nằm ngay trong máu của họ. Nhiều lần tôi đã nói thẳng cái ý này với những nhà văn, nhà thơ lớp đàn anh. Anh hỏi những biểu hiện cụ thể? Có thể kể ra rất nhiều. Trước hết trong công tác cụ thể, hình như Hội đã gạt chức năng phê bình ra khỏi phạm vi hoạt động của mình. Dường như ngay từ khi mới thành lập người ta đã không tính tới lý luận phê bình trong cơ chế tổ chức của Hội. Trước kia công việc lý luận phê bình thuộc Viện Văn học, nằm trong Ủy ban khoa học xã hội. Từ năm 1968, 1969 gì đó, mới chuyển sang Hội Nhà văn. Theo tôi, Hội chưa bao giờ đặt ra một kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lý luận phê bình một cách nghiêm chỉnh. Những người làm công tác phê bình phần lớn là do ý thích cá nhân, tự làm, tự bồi dưỡng. Hầu hết những cây bút phê bình hiện nay là các nhà giáo. Có thể nói, ở ta chưa có đội ngũ phê bình chuyên nghiệp. Từ 1984 đến nay, có biết bao nhiêu là "vụ việc" văn học quan trọng, như Cù lao Tràm, Học phí trả bằng máu, rồi truyện ngắn Nguyễn Minh Châu. Công chúng chờ đợi tiếng nói của Hội Nhà văn, nhưng Hội không hề lên tiếng, mặc dù, từng nhà văn đều có ý kiến riêng về các tác phẩm ấy, và nhiều ý kiến rất xác đáng. Nhìn sâu vào cơ cấu tổ chức, vào các thành viên của Ban Thư ký, Ban Chấp hành, nhất là Hội đồng lý luận phê bình. Ban Thư ký có nhiệm vụ chỉ đạo mọi hoạt động của Hội. Nhưng ở đây không có nhà phê bình. Trong Ban Chấp hành có một số ủy viên là nhà phê bình được phân công theo dõi tình hình phê bình lý luận. Thực ra các ủy viên này có phải là những nhà phê bình thực thụ đâu! Đó là hai nhà giáo thuộc cùng "một trường phái", một quan điểm, một lối nghiên cứu. Họ viết khá nhiều, rất nhiều nhưng công trình của họ là công trình nghiên cứu hơn là tác phẩm phê bình. Rõ ràng họ không phải là những người làm việc trực tiếp trong đời sống văn học. Cơ cấu của Hội đồng lý luận phê bình cũng bất hợp lý. Ở đây vắng bóng những người thực sự lăn lộn với đời sống văn học. Nói cho đúng cũng có biên tập viên của tờ báo lớn có mặt trong Hội đồng nhưng không phải là ủy viên chính thức nên lại không có quyền biểu quyết. Trong hội đồng có một vài nhà khoa học có uy tín, nhưng trách nhiệm chính của họ lại là công việc khác thuộc cơ quan khác chứ không phải là phần lý luận phê bình thuộc Hội Nhà văn. Lại có ủy viên, do ở xa, nên hầu như vắng mặt trong tất cả các phiên họp của Hội đồng trong nhiều năm qua. Thành phần chính của Hội đồng quanh đi quanh lại vẫn là một vài nhà giáo. Điều đó có nghĩa, toàn bộ hoạt động của hội đồng này đã rơi vào tay một vài người không thuận việc. Cho nên, không đáng ngạc nhiên chút nào là có lần Ban Chấp hành đã phản đối bản báo cáo tổng kết của Hội đồng lý luận phê bình và chủ tịch Hội đồng phải thừa nhận là Hội đồng lý luận phê bình có phần xơ cứng. Nhiều người đòi hỏi một sự chấn chỉnh về tổ chức, cơ cấu của Hội đồng này. Một số đồng chí mới được bổ sung vào đấy nhưng chưa có thể xem đó là sự chấn chỉnh nghiêm túc, càng không thể xem là cuộc cải tổ thực sự nhằm tạo ra một tổ chức hoạt động có hiệu lực như người ta mong muốn. P.V. - Xin chị cho biết, tình hình trên có liên quan gì tới chất lượng phê bình lý luận ở ta? T.M. - Tôi không phủ nhận những cố gắng và những thành tựu của lý luận phê bình. Nhưng nghiêm túc mà nói, mảng lý luận phê bình của chúng ta còn quá yếu so với nhu cầu đổi mới. Ta chưa có hệ thống lý luận được đúc rút từ thực tiễn văn học nước nhà. Cái mà ta có chỉ là hệ thống lý luận được vay mượn của nước ngoài. Phê bình thì chỉ mới có khả năng bình tác phẩm chứ chưa đặt ra được những vấn đề có ý nghĩa hướng dẫn sáng tác. Dĩ nhiên, Hội Nhà văn phải chịu trách nhiệm trước tình hình ấy. P.V. - Theo ý chị, Đại hội Nhà văn sắp tới nên đi sâu bàn bạc, thảo luận những vấn đề gì, nên đề ra những biện pháp cụ thể nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả của lý luận, phê bình? T.M. - Trước hết, Đại hội phải đánh giá lại công tác lý luận, phê bình trong thời gian qua. Không phải đánh giá một cách chung chung, hình thức mà đánh giá trên cơ sở phân tích sâu sắc những công trình lý luận, phê bình hiện có. Nếu có thể, nên phân công chéo người này đọc công trình của người kia, trình bày trong Hội đồng và trao đổi chung. Phải làm như vậy mới đúc rút được kinh nghiệm, mới tìm ra được những biện pháp cụ thể để khắc phục được hạn chế và mới mở ra được phương hướng phát triển đúng đắn. Về phương diện tổ chức, trong Ban Thư ký nên có ít ra một nhà phê bình lý luận. Ban Chấp hành cũng phải có một số nhà lý luận phê bình. Những người này phải có quan điểm tốt, cụ thể là phải ủng hộ đổi mới thực sự phải chịu khó lăn lộn với đời sống văn học, đặc biệt phải có phẩm chất hết sức cơ bản của người phê bình là sự trung thực. Quan trọng hơn, Đại hội phải bàn bạc, thảo luận đề ra được một nghị quyết dứt khoát về việc đào tạo đội ngũ lý luận phê bình chuyên nghiệp. Đội ngũ này không chỉ bao gồm những người chuyên viết lý luận, phê bình mà còn cả những người làm công tác biên tập ở các nhà xuất bản, các báo và tạp chí. Theo tôi, mỗi biên tập viên là một nhà phê bình. Họ làm công việc phê bình một cách thầm lặng Nhưng mạch phê bình ngầm này giữ vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức văn học, hướng văn học đi vào một quỹ đạo nhất định. Sở dĩ có những tác phẩm tồi được in ra, còn một số tác phẩm hay bị bỏ rơi một phần do biên tập yếu, kém. Nhưng muốn biên tập làm việc tốt, đội ngũ biên tập viên cũng phải được đào tạo để đảm bảo những tiêu chuẩn nhất định. Lâu nay Hội Nhà văn không hề chú ý tới vấn đề này. Cho nên việc tuyển lựa biên tập rất tùy tiện. Thông thường, đồng chí A hay đồng chí B nào đấy chỉ cần ra một cuốn sách hay in dăm bảy bài thơ ở báo Trung ương là có thể được nhấc khỏi cơ sở để trở thành biên tập viên văn học, chứ không cần thiết phải có những hiểu biết về công việc biên tập. Theo ý kiến chủ quan của tôi, đội ngũ biên tập viên của ta rất yếu. Hiện nay, những biên tập viên có trình độ, có quan điểm tốt, có khiếu thẩm mỹ và bản lĩnh nghề nghiệp còn rất ít, rất hiếm. Cho nên, tôi đề nghị, từ nay biên tập viên phải được tuyển lựa, không tuyển lựa một cách tùy tiện, nặng nề về cảm tính. Ngoài đội ngũ biên tập trong các nhà xuất bản, các báo và tạp chí trực thuộc Hội Nhà văn, Hội nên có kế hoạch bàn bạc, thảo luận liên đới chịu trách nhiệm về việc tuyển lựa biên tập của nhà xuất bản Văn học. Hội cũng cần với tay sang cả các nhà xuất bản, các tờ báo và tạp chí khác để giúp lãnh đạo của họ tuyển lựa, bồi dưỡng biên tập viên phần văn học thuộc các nhà xuất bản, các tờ báo và tạp chí ấy. Nếu làm được như thế, tôi tin rằng, chẳng những chất lượng sách xuất bản sẽ được nâng cao mà việc chỉ đạo phương hướng phát triển văn học của Hội cũng tăng thêm hiệu quả rất nhiều. (LÃ NGUYÊN thực hiện) Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 19 (7-5-1988)
13-12-08 |