ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 39 (25-9-1987)

 

CẦN CÓ NHỮNG GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC

TÔ HOÀI

Trong kháng chiến chống Pháp, các ngành văn học nghệ thuật tập hợp trong Hội Văn nghệ Việt Nam. Sau 1954, khi hòa bình lập lại, vì sự phát triển và trưởng thành của các ngành văn học nghệ thuật, và để đáp ứng yêu cầu ấy, các ngành ở Trung ương đều thành lập các hội riêng. Năm 1957, Hội Nhà văn được ra đời trong tình hình đó.

Đại hội lần thứ II đã tiến hành rất sớm, trước hạn định. Sau một đợt đấu tranh tư tưởng và trước giai đoạn mới của giai đoạn cách mạng, các tổ chức của Hội cần được chỉnh đốn, sắp xếp lại.

Đại hội lần thứ III, về thời gian, lại đã để quá trễ. Một ví dụ vui buồn: khi Đại hội II, Trần Đăng Khoa mới ra đời. Đến Đại hội III, anh trên 20 tuổi, đã là nhà thơ hội viên, đi Đại hội, được cử vào ban kiểm phiếu.

Hiện nay giới văn học đương chuẩn bị Đại hội IV, bảo đảm thời hạn, theo điều lệ. Như vậy, đại hội này sẽ là đại hội thường kỳ. Tuy nhiên, đại hội thường kỳ không có nghĩa là mở một cuộc họp chỉ cốt cho đúng thời hạn.

Công việc cần thiết của đại hội phải là phát động triệt để tập thể hội viên hưởng ứng đại hội đánh giá tình hình phong trào và lực lượng trong thời gian qua, rút ra những nhận xét, những kinh nghiệm và vạch hướng đi tới của giai đoạn mới. Đại hội sẽ gây cho toàn thể hội viên và giới văn học hào hứng thực hiện chương trình hành động, sẵn sàng gánh vác, tham gia hết mình vào sự nghiệp văn học phát triển của giai đoạn mới.

Làm sao tìm ra và đánh giá được đặc điểm tình hình, có được phương hướng hành động chính xác, thỏa mãn và kích thích đến mỗi người cầm bút. Nếu chỉ dừng lại ở những báo cáo và phát biểu toàn những "nói chung" và "tuy nhiên" thì chỉ là một cách làm việc tùy tiện và quan liêu. Sự thật dư luận bạn đọc, dư luận người viết và thời gian, cái thước đo độ bền của tác phẩm, không bao giờ dừng lại ở một đánh giá giữa trời như thế. Bởi từng thời kỳ đã có những tác giả và tác phẩm mà bạn đọc đã có ý kiến về cái hay cái dở của nó và khen chê rõ ràng. Đó không phải là sự phát hiện hoặc sáng kiến của riêng ai mà là thực tế phát triển của các nền văn học, trên thế giới cũng như trong mỗi nước, các nước tư sản và nhất là các nước xã hội chủ nghĩa càng đặc biệt coi trọng những đánh giá và kết luận công phu này đối với bước đường phát triển của văn học. Những tác giả và tác phẩm được khen chê phải được chỉ đích danh. Vả chăng, nếu không đi tới được tác giả và tác phẩm rõ ràng như thế, thì vinh quang của nền văn học, ở một giai đoạn nào đó, chỉ là những lời hoa mỹ trần trụi.

Thử nhìn lại bằng chứng những đánh giá trên cơ sở như trên, bấy lâu đã như thế nào.

Cách đây gần 40 năm, trong Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ I, giới văn học có nhà thơ trào phúng Tú Mỡ được bầu làm chiến sĩ thi đua toàn quốc trong đoàn chiến sĩ ngành văn học văn nghệ. Đồng chí Tú Mỡ là người chiến sĩ nhà văn đầu tiên và cũng là sau cùng dự đại hội thi đua. Bởi từ bấy tới nay chẳng có nhà văn nào được bầu, thậm chí, chẳng được bén mảng tới đại hội thi đua lần nào nữa. Không hiểu vì sao. Vì đặc điểm công việc nhà văn không có điều kiện thi đua như các ngành chăng. Không phải đó chỉ là sự đầu voi đuôi chuột, vô trách nhiệm.

Cũng có thể, trong giới văn học, thi đua như các ngành, có những đặc điểm riêng biệt, nhưng vấn đề đánh giá thì không bao giờ được bỏ qua. Bởi vì biểu dương và khen thưởng trong văn học có tác dụng tuyệt đối trong động viên, khuyến khích phong trào, một mặt khác, đấy là những cột mốc không thể thiếu chứng minh hình ảnh văn học từng giai đoạn.

Nhưng xưa nay hầu như chẳng có một sự đánh giá nào. Trong khi ở các nước anh em, đấy là công việc của một cơ quan phải lo, quy mô và có trở thành. Qua hai cuộc kháng chiến, nhiều nhà văn có công, có tác phẩm cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Chúng ta đã được vinh dự chung với toàn dân, nhận các huân chương kháng chiến chống Pháp và huân chương kháng chiến chống Mỹ. Những thành tích đó được đón nhận qua bình bầu ở mỗi cơ quan hoặc ở xã, ở phường nơi cư trú. Chưa khi nào có một cuộc bình công tặng thưởng qua hai cuộc kháng chiến cho các tác giả và các tác phẩm.

Bạn nào có dịp đến Hội Nhà văn Liên Xô hoặc thăm Hội Nhà văn các nước Cộng hòa ở Liên Xô, bạn sẽ được trông thấy một tấm bia đá lớn ngay trước cửa. Trên bia, khắc tên các nhà văn liệt sĩ đã hy sinh trong tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Mười, trong nội chiến và trong chiến tranh chống phát xít bảo vệ Tổ quốc. Dưới chân bia, chẳng mấy khi vắng hoa của bè bạn, của những bạn đọc ngưỡng mộ.

Ở Hội Nhà văn Liên Xô, các nhà văn từ 50 tuổi trở lên, cứ năm năm một lần, lại được xem xét công lao và tác phẩm, có xứng đáng được tặng thưởng hay không.

Những việc nêu ở trên để minh họa thêm công việc và trách nhiệm nghiêm túc và lâu dài đối với những thành tựu văn học.

Mấy chục năm nay, ở nước ta, không có hoa, không có huân chương gì cho các sáng tác văn học giá trị, cho cống hiến của các tác giả. Trong kháng chiến chống Pháp và khi hòa bình mới lập lại, một số lần Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức tặng giải. Không ai phủ nhận kết quả tích cực của những giải thưởng ấy, nhưng giới văn học coi những việc làm đó chỉ là tùy hứng, tùy tiện. Bởi có thành nền nếp gì đâu, từ 30 năm nay cũng chẳng có những việc tốt đẹp ấy! Tất nhiên, không kể đến các giải thưởng tặng thưởng thường xuyên của các ngành, giải thưởng của các bộ môn đề tài, các kết quả vận động, cuộc thi, các tặng thưởng của các thành phố, các tỉnh các địa phương, những tin vui đó thực sự là những cố gắng đáng biểu dương, nhưng cũng thực sự nó chưa đủ giá trị trình làng. Trong khi đó, Hội Nhà văn Việt Nam chưa hề lần nào có giải thưởng văn học của Hội.

Cũng là một sự lãng quên vô trách nhiệm.

Cách đây vài năm, trên báo chí cả nước công bố những lệnh, những thể lệ giải thưởng văn nghệ (trong đó có văn học), những giải thưởng lớn của Nhà nước, lại tự khen đây là hoạt động thường xuyên chứng tỏ quan tâm của Đảng và Chính phủ, hơn nữa lại ấn định ngày giờ, công bố vào dịp nào, dịp nào.

Bấy giờ giới văn học được giải thích: các ngành, các giới có anh hùng, chiến sĩ, có các danh hiệu cao quý cho thầy thuốc, nhà giáo. Riêng văn học, những vinh dự trên được thể hiện bằng các tặng thưởng của Nhà nước trao tặng cho các tác giả có công và các tác phẩm giá trị.

Ý nghĩa công việc thật đẹp và thật quan trọng. Hoạt động và tác phẩm văn học được đóng dấu son, kết tinh của sự đánh giá công phu từ bạn đọc đến các cơ quan có trách nhiệm cao nhất.

Nhưng cho đến nay, việc ấy vẫn chỉ là cái bong bóng và bây giờ nếu ai còn nhớ cũng chỉ chép miệng cho là câu chuyện tếu nói rồi bỏ đấy nhưng mà đấy là Nhà nước long trọng nói, cho nên nó đã gây nên một dư luận chê trách, công phẫn mất tin tưởng tệ hại trong giới chúng ta. Nếu chỉ là một vị nào cao hứng hùng biện quá lời trong các dịp khai mạc, bế mạc hội nghị thì người ta cũng không chấp, đằng này lại là những văn bản nhà nước trịnh trọng đăng trang nhất các báo khắp nước và loan tin đi thế giới.

Nhưng thôi, bây giờ trách móc hoặc truy tìm cái bê trễ đánh trống bỏ dùi ấy trách nhiệm cơ quan nào, người nào, e rằng lại sa vào cãi vã suông đến khuya cũng chưa xong. Tôi chỉ muốn đề cập vấn đề này trong tinh thần nói rồi làm và làm ngay.

Đây là một việc cần làm ngay trước đại hội: tầm quan trọng của các tặng thưởng văn học, tác dụng to lớn và sâu xa của nó, chứng minh sự khẳng định một giai đoạn, một phong trào, một lực lượng, một tác giả, một tác phẩm. Chúng ta đã biểu dương, phân tích, cho là một giai đoạn thịnh vượng nhất của văn học, lẽ nào lại không gọi tên ra mà tặng thưởng được một tác giả, một tác phẩm nào.

Không biết những văn bản nhà nước đã công bố về các giải thưởng văn học có còn giá trị và hiệu lực không, nhưng tôi nghĩ trước nhất, Hội Nhà văn trong phạm vi mình, cần làm và có thể làm được việc ấy. Trách nhiệm thuộc về Ban Chấp hành đương nhiệm, mà Ban Thư ký là bộ phận thường trực. Trong cuộc họp mặt lớn của giới chúng ta sắp tới, không thể chí có báo cáo chung với dăm ba tham luận minh họa. Phải có giải thưởng văn học của Hội Nhà văn - những bánh pháo toàn hồng phải được đốt tưng bừng lên. Nếu không thì chỉ là nói suông.

Phải có giải thưởng văn học - bét nhất là giải thưởng của Hội Nhà văn, thì hãy nên họp đại hội.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 39 (25-9-1987)

Mục lục

 

31-5-08