ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 17 & 18 (23-4-1988)

 

 

 

 

PHIẾM LUẬN VỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

 

TRẦN BẠCH ĐẰNG

 

 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đặt yêu cầu đổi mới toàn diện, từ đổi mới tư duy và lý luận, chính trị, kinh tế... đến đổi mới cơ chế, bộ máy và phong cách của tất cả cấu trúc Đảng, Nhà nước, đoàn thể v.v... và của từng con người trong bất cứ lĩnh vực và vị trí nào. Nghĩa là đổi mới len lỏi mọi ngóc ngách, nếu ở đâu có sự sống. Đổi mới vấp sức chống trả có ý thức và không có ý thức của các lực lượng xã hội khác nhau, kể cả những lực lượng vô hình - các thói quen. Sức ì, như ta vẫn thường nói. Mù quáng ngăn chặn đổi mới. Còn các thế lực hưởng đặc quyền đặc lợi trong cung cách cũ, lười biếng và bất tài, vô trách nhiệm và kém đạo đức, bè phái và quyền bính thì nhất thiết tuyên chiến với đổi mới. Cũng có nhưng e ngại đổi mới từ khía cạnh tư duy lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, lo lắng đất nước đi chệch con đường đã vạch do các hiện thực từng được phê phán gay gắt trước đây ở nơi này hay nơi khác (mà hiện nay đang được đáng giá lại nhưng chưa được thông báo và phân tích công khai, rõ ràng ở ta). Dẫu sao, đổi mới vẫn là một sự xuất hiện đầy uy lực, là một thực tại không ai có thể tránh né; ngay phần tử cơ hội cũng buộc phải choàng lên người chiếc áo đổi mới, đôi khi sặc sỡ hơn mọi chiếc áo.

Tuy đổi mới là một quá trình nhưng xét về tính quy luật, đổi mới chỉ có bắt đầu, chỉ có đi tới chứ không bao giờ kết thúc bởi đó là sự vận động liên tục của hiện thực khách quan đòi hỏi sự vận động liên tục tương ứng của chủ quan những người cộng sản. Nói đổi mới là đã mặc nhiên thừa nhận có cái gì đó lạc hậu của bản thân Đảng lãnh đạo - và là Đảng cầm quyền - trước bước tiến của xã hội nước ta, của phe ta và của thế giới mà đổi mới chính là nỗ lực để bắt kịp bước tiến ấy. Có bắt kịp bước tiến ấy mới hòng nhận thức và tác động đến nó để đạt những mục đích mà Đảng xác lập từ khi ra đời, để luôn luôn trung thành với chủ nghĩa xã hội và học thuyết Mác-Lênin, một chủ nghĩa và một học thuyết bao giờ cũng ở trong tư thế động, tư thế phát triển, tư thế tìm tòi. Kẻ thù lớn và nguy hiểm nhất của chủ nghĩa xã hội và học thuyết Mác-Lênin là cái ảo giác đã bắt gặp lằn ranh giới cuối cùng của sự thực, là thói tự mãn "không còn gì phải bàn cãi nữa" bên trong lằn ranh các nguyên lý khoa học đã được khẳng định. Chắc chắn đối với những người mác-xít, "vật chất có trước hay tinh thần có trước", "ngoài các hành tinh còn có một thế giới nào khác không, thiên đường hay địa ngục chẳng hạn"... không còn là đầu đề phải bận tâm, thay vào đó là một mối bận tâm khác: ví dụ sự lý giải hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo của hàng tỷ người trên trái đất và khi tín ngưỡng tôn giáo là một hiện tượng khách quan thì chúng ta cần chọn thái độ cư xử, tranh luận như thế nào cho đứng đắn, cho có sức thuyết phục. Trong khi lãnh tụ Cuba - Fidel Castro thận trọng đối thoại với một linh mục Braxin mà bản ghi đã thành một quyển sách dày thì một nhà văn nước ta theo lối mòn cũ miêu tả về tôn giáo đến nỗi bị một người am hiểu về tôn giáo phê phán khá nặng lời trên báo.

Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev trả lời đồng chí Roland Leroy, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp: "Đổi mới sự nghiệp đấy là của chúng tôi, nội bộ chúng tôi. Nó được sinh ra từ những nhu cầu bên trong của đất nước chúng tôi. Đấy không phải là điều tưởng tượng, bịa đặt, không phải là ý định kỳ quặc, khó hiểu nào đó của một nhóm người, trong phút chốc bỗng dưng nhảy vụt ra trong đầu, bỗng dưng quyết định rằng: cần có một cuộc cải tổ nào đó. Không! Cuộc sống đã hướng chúng tôi đến sự nghiệp cải tổ hiện nay".

Còn, nếu chúng ta muốn diễn đạt cách khác thì có thể mượn lời của nhà thiên văn học Laplaxơ: Còn lâu chúng ta mới hiểu hết được mọi lực lượng tự nhiên và những phương thức tác động của chúng. Cho nên, những người nghiên cứu triết lý trung thực không nên phủ nhận các hiện tượng chỉ vì trình độ và tri thức hiện nay chưa làm sáng tỏ chúng: phải khảo sát - hiện tượng càng khó tin là thực càng phải được khảo sát kỹ.

Đổi mới nằm trong phạm trù khoa học xã hội - nó là khoa học.

Không biết bao nhiêu khái niệm tưởng chừng nằm chết trong các công thức bất di bất dịch, nay bị cuộc sống xốc dậy, lật bề mặt, bề trái, mổ xẻ... vấn đề dân chủ, tự do, tự do ngôn luận, vấn đề đánh giá lịch sử, đánh giá con người... trong từng quốc gia xã hội chủ nghĩa đòi giải đáp chân thực, có những giải đáp trần trụi khiến chúng ta lạnh toát người như Sám hối ở Liên xô và Lời khai của bị can ở ta.

Đương nhiên, biên độ nghiêm ngặt không được phép vi phạm là vì chủ nghĩa xã hội tốt đẹp hơn, vì nhận thức chín chắn hơn học thuyết Mác-Lênin dưới ánh sáng của hàng loạt tiến bộ khoa học và kỹ thuật, mối tương tác giữa những tiến bộ ấy với đời sống của con người - và con người vào thời đại bây giờ liên đới ngày một chặt chẽ hơn, dù thuộc lục địa nào.

"Đổi mới hay là chết!" - có người cho rằng khẩu hiệu đó hơi cực đoan, song nếu xét trên ý nghĩa tinh thần của nó, nó hoàn toàn chính xác. Không đổi mới thì với chúng ta, những người chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội, tức cho phồn vinh, hạnh phúc, công bằng, sự giải phóng con người ở tầm cao rộng nhất, sẽ bị đặt trong câu nói nổi tiếng của Shakespeare: "Tồn tại hay không tồn tại". Chủ nghĩa xã hội có những thuộc tính mà không có thì phải tạo ra cho nó chứ gạt phắt ra bên ngoài, chủ nghĩa xã hội sẽ còn cái gì, ngoài sự tự phong trống rỗng? Ở nước ta, trong một thời gian không ngắn lắm, chủ nghĩa xã hội bị đồng hóa với những tất yếu trong những hoàn cảnh nhất định. Rõ ràng, bằng ý thức yêu nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta đã lập nên kỳ tích chiến thắng hai đế quốc hùng mạnh, giành lại nền tự chủ sau trăm năm mất nước. Ý thức yêu nước phong kiến đã cho thấy sự bất lực của nó, còn ý thức tư sản thì quả không đảm đương nổi sự nghiệp giải phóng dân tộc và quần chúng lao khổ, như Đảng ta đã hoàn thành. Thế nhưng, không nên cường điệu - chúng ta hay phô trương rằng chỉ chủ nghĩa xã hội mới xây nổi cây cầu này, nhà máy điện kia... Về mặt đó, chủ nghĩa tư bản vẫn làm được, thậm chí làm không tồi nữa. Chúng ta biết chế độ nô lệ còn cho ra đời được Kim Tự Tháp, Angkor và nhiều công trình xếp vào hạng kỳ quan của thế giới. Thế thì, sự phân biệt không do quy mô, kỹ thuật hay giá trị sử dụng của các công trình mà ở chỗ mục đích phục vụ cùng biện pháp tiến hành mang dấu ấn của giai cấp nào, vì lợi ích của ai là chủ yếu.

Sẽ không quá đáng khi chúng ta nói rằng thu nhận chủ nghĩa xã hội trong ý thức chúng ta - "chúng ta" - với phạm vi rộng nhất, từ một quần chúng bình thường đến người lãnh đạo - vào một lúc nào đó còn quá giản lược, quá... duy tâm! Hoàn cảnh lịch sử tạo ra những cơ sở thu nhận ấy: Nói chung, chúng ta tiếp cận với chủ nghĩa xã hội vốn là sản phẩm của trình độ công nghiệp, khoa học và văn hóa trong tư cách một nước nông nghiệp lạc hậu, một nước ngoại thuộc. Khía cạnh tác động sâu sắc đến chúng ta là tình cảm giai cấp theo nghĩa "nghèo giàu", là tình cảm Tổ quốc bị kẻ bên ngoài thống trị. Không có gì phải chê trách sự thu nhận như thế bởi thực tế đã chứng minh đó là sức mạnh vĩ đại đưa những người nghèo khổ lên vũ đài chính trị, đưa một dân tộc "nhược tiểu" cầm vũ khí giành quyền sống. Nhưng, phải chê trách khi nhiệm vụ chiến lược đã thay đổi mà những giáo huấn của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn "bị" truyền bá theo công thức cũ - trước hết, đó là sự đi ngược lại với chủ nghĩa Mác. Tri thức mác-xít của đông đảo cán bộ đảng viên và những người có học ở ta thường qua những lý giải hơn là trực tiếp với nguyên tác. Và, không ít trường hợp những "vị linh mục rao giảng" chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao mà ngỡ là chủ nghĩa Mác!

Điều gì đã xảy ra? Chúng ta đôi khi kết án những thành tựu của trí tuệ loài người dưới dạng khoa học, sức sản xuất, công cụ sản xuất, đời sống vật chất, thỏa mãn các nhu cầu tinh thần của con người v.v... là thuộc phạm trù tư sản. Gần đây, một huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng của Liên Xô trả lời rất hay khi được phỏng vấn về tính xã hội chủ nghĩa của bóng đá, ông nói: mục đích, ý nghĩa, tổ chức của bóng đá mang tinh thần giai cấp, còn kỹ thuật làm bàn thì không - ý thức hệ nào cũng nhằm tạo điều kiện cho cầu thủ sút tung lưới đối phương và chiến thắng. Chẳng nhẽ ăn ngon mặc đẹp dành cho tư sản? Ăn bừa phứa, mặc xa xỉ là chuyện khác. Chưa ăn ngon mặc đẹp được vì khả năng nền kinh tế chưa cho phép, chúng ta thẳng thắn thừa nhận. Ăn ngon, mặc đẹp giữa lúc cả nước khó khăn, nhất là bằng thu nhập bất chính, chúng ta không lại. Nhưng ăn mặc kham khổ không phải là chủ nghĩa xã hội - ta phấn đấu vươn lên, cải thiện từng bước - không cho một nhóm người mà cho toàn xã hội. Và "cho toàn xã hội", đến lượt nó, cũng phải hiểu cho đúng quy luật: không hề có trạng thái cào bằng trong hưởng thụ giữa người lao động với kẻ trốn lao động, giữa người lao động giỏi với người lao động tồi, giữa người lao động phức tạp với người lao động giản đơn, giữa người có khả năng sáng tạo với người không có hoặc kém. Thường thường, chúng ta nghiêm khắc với một vụ ăn cắp lộ liễu nhưng rất không quan tâm đến hình thức ăn cắp "tinh tế"; dựa bệ ăn lương - nói theo kiểu dân gian miền Nam - mà không làm được điều lợi ích gì cho xã hội, nếu không nói là chuyện làm hại với bao chủ trương mà sức phá hoại sản xuất của nó, sức ly tán tâm lý xã hội không thể đo đạc bằng bất cứ loại công cụ nào chúng ta từng sử dụng.

Nền dân chủ cũng vậy. Những lẫn lộn giữa quá trình phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính giai đoạn mà nó phải tuân thủ để đạt mục đích tự do rộng lớn hơn trong đó không thể không hạn chế những quyền lợi nhất định - ngay sinh mệnh còn không được tính toán - với yêu cầu hoàn thiện nền dân chủ ấy: đó là những lẫn lộn nguy hiểm. Rõ ràng, có vấn đề nói công khai vào thời điểm nào đó không có lợi cho sự ngiệp chung, nhưng cũng rõ ràng sự thô bạo đối với những phát hiện lẽ ra cần trao đổi hoặc ủng hộ vì thời điểm thích hợp, thậm chí là sự tiên lượng đáng kính trọng. "Thời điểm thích hợp" - điều này hẳn còn đất để tranh luận - nhưng kiểu quy chụp xuất phát từ sự cằn cỗi của tư duy, thái độ độc đoán phản khoa học và bệnh trịch thượng quyền hành là những thủ phạm gây bao điều đau lòng, xâm phạm bản chất của Đảng và đạo lý xã hội. Tôi nhớ có một tài liệu nhận xét một số sai lầm của đồng chí Xtalin: đồng chí hành động sai mà cứ ngỡ mình đúng, cứ ngỡ mình bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong một số sai lầm ấy, nghiêm trọng nhất là đồng chí đã chuyển cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ thành mâu thuẫn đối kháng ta - địch và sử dụng biện pháp trấn áp kẻ thù đối với những ai bất đồng quan điểm với quan điểm "chính thống" mà đồng chí tự xem mình là đại diện. "Chụp mũ" bao giờ cũng được các người giữ cương vị xem như lối giải quyết các va chạm về ý thức tư tưởng và "chụp mũ" nhanh gọn hơn hết là phết cho người dám cãi lại mình bằng một loạt "đơn" kê sẵn: "Xét lại", "mất lập trường", "có vấn đề về chính trị", tệ hơn nữa - mưu phản, tình báo, gián điệp! Chắc chắn có loại sâu mọt đó trong thực tế - song, nó là ai, chứng cứ ra sao, có trường hợp không đủ chính xác mà theo lối suy diễn hoang đường! Bây giờ, bình tĩnh nhìn lại, chúng ta thấy điều gì? Mức phá hoại sức mạnh của Đảng do các "phán quyết" đơn thuần kiểu vua chúa ấy thật lớn. Nghiêm khắc một chút, ta có thể hỏi ai mới đúng là có tội? Lênin từng dạy rằng: Nhiệt tình cộng với dốt nát ngang bằng phá hoại. Ở đây, chưa hẳn nhiệt tình và cũng chưa hẳn dốt nát, sự phá hoại không chủ tâm song hậu quả lại vô cùng phức tạp, đảo lộn công - tội, phải - trái, tạo ra bao nhiêu oan khúc, người nằm xuống không yên mà con cháu bị "liên lụy" có khi đến ba đời! Chúng ta nói về tác hại có thực, biểu hiện sờ sờ trước mắt chúng ta hiện nay. Lời khai của bị can - rất ngắn gọn song mang tầm khái quát - phản ánh cái khiến tất cả những ai còn chút lương tri đều nhức nhối, đều coi như bị xỉ mạ. Hệ thống hành chính, công an, tư pháp... thật ra không đáng bị phê phán nặng nề như vậy; chính tư duy về cái gọi là chuẩn mực đạo lý phải được mổ xẻ với những nhát dao bén và sâu. Nó bộc lộ rằng, trong một trật tự bao cấp và quan liêu, ai thu nhập cao thì nhất định phải gian - không gian thì cũng phải thành gian và điều này thật không khó với hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh của ta - tôi muốn tránh cách diễn đạt trong một số trường hợp, bộ máy nhà nước của ta cai trị bằng sắc luật, bằng nghị định, thậm chí bằng chỉ thị của cơ quan Đảng. Đem Lời khai của bị can ra phân tích, chúng ta sẽ thấy nguồn gốc không chỉ là sự lạm quyền của một số cơ quan. Và, hàng ngàn Lời khai của bị can chưa thốt công khai trên mặt báo, "bàn thờ" vẫn còn tiếp tục nghi ngút khói hương để những "cái kiến" khấn công luận xã hội và ông Nguyễn Văn Linh - "khấn" Đảng chúng ta trong cơn trở mình đổi mới.

Đọc đến đây, có bạn sẽ hỏi: tựa của bài viết là Phiếm luận về văn học nghệ thuật, nhưng tác giả lạc đề, nói lòng vòng. Không, tôi không lạc đề. Văn học nghệ thuật đâu phải lĩnh vực riêng biệt và đơn thuần học thuật. Nó cũng không chỉ minh họa mà phát hiện, phê phán, giải đáp, - tất nhiên, theo sở trường của nó. Thời sự là chất dinh dưỡng tối quan trọng của mọi tủy não và mạch máu sáng tạo văn học nghệ thuật. Vui, buồn, giận, hân hoan, chua xót, yêu và ghét, kính trọng và khinh miệt, đề cao và đả phá v.v... và v.v... làm sao rời khỏi dòng chữ, nét vẽ, nốt nhạc, câu ca... được, nếu người mà thiên hạ gọi là nhà văn, nhà sáng tác và thể hiện nghệ thuật không hổ thẹn với danh hiệu ấy - tôi không nói chữ tài, chủ yếu nói về chữ đức. Tiện thể, tôi xin mở một ngoặc nhỏ: Hiện nay, thể loại báo chí và thể loại văn học thu hẹp khoảng cách, "văn học hóa báo chí, báo chí hóa văn học" - ta có thể tạm ví von như thế. Thể loại, văn phong là hình thức, điều quyết định tất cả - nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, cùng gắn với cuộc sống, cùng trầm tư và thổ lộ vì nó, cùng bị nó cuốn hút, cùng với nó phán xét và xử lý. Không có gì lạc lõng hơn một tác phẩm không vương trong mình một chút hơi hám của bối cảnh hiện tại. Ranh giới chia các thể loại, văn phong... như sách vở ghi, không còn là một đơn vị đo đạc nữa - nội dung, độ rung động là đơn vị đo đạc. Tại sao một bài nghiên cứu triết học không được một văn phong nghệ thuật chở đi? Trong bộ Tư bản, Mác trích dẫn không biết bao nhiêu tác phẩm văn học cổ điển, cả thơ ca. Một số nhà văn quen biết gặp tôi, than: "Viết khó quá!". Tôi hiểu chữ "khó" ở đây không phải vì các anh các chị thiếu vốn, thiếu câu chuyện, thiếu khả năng. "Khó" vì một nguyên nhân phụ, rất phụ: Liệu "mấy ông tuyên huấn" có chịu cho viết không. "Mấy ông tuyên huấn" - xin hiểu luôn, cả "mấy ông Ban Văn hóa văn nghệ" ở những nơi có ban này - trở thành "nỗi đe dọa" thường trực. Viết không vì chủ đề, đề tài, người đọc, nhu cầu của thực tế, trách nhiệm và lương tâm của người cộng sản cầm bút... mà "lách" sao cho qua "cửa ải" kỳ lạ này.

Có lẽ cần sòng phẳng về cá nhân tôi - tôi "hành nghề" tuyên huấn thuộc dạng tương đối thâm niên, sai đúng trên một phạm vi nào đó, tôi không thể trốn tránh trách nhiệm. Tôi có phạm bệnh giáo điều, công thức không? Có. Ai mà không qua cây cầu ấu trĩ. Và, trong tương lai, chẳng có gì đảm bảo những người như tôi không sai phạm một cái gì đó, bây giờ thậm chí chưa biết tên, về tư duy. Tôi hoàn toàn không muốn xuất hiện "cái tôi" ở đây, song tôi nghĩ đến một hiện tượng buộc tôi phải "cá nhân chủ nghĩa": có người làm ra vẻ không bao giờ sai, ngay trong cái sai sờ sờ người đó vẫn phải đúng.

Chúng ta trở lại mối liên hệ giữa văn nghệ và cuộc sống. Văn nghệ là chính trị bởi văn nghệ gắn với cuộc sống. Khái niệm "chính trị chỉ huy văn nghệ" vẫn không mất ý nghĩa khi ta hiểu làm văn nghệ là sử dụng một loại hình chiến đấu, với mục đích rõ ràng. Ngay Nguyễn Du viết Kiều hòng người đọc "mua vui cũng được một vài trống canh" - tôi nhấn mạnh chữ mua vui - đã hàm chỉ ra tính khiêm tốn của mình; dĩ nhiên, Kiều vượt quá chữ mua vui đến muôn trượng và là tiếng thao thức không "vài trống canh". Giải trí cũng là mục đích - nếu chúng ta thích tranh luận từ ngữ.

Cuộc sống thì nhiều mặt, sôi động. Qua rồi thời kỳ "tô hồng, bôi đen" thô sơ và lộ liễu. Bây giờ, trách nhiệm của nhà văn định giá trị của nhà văn. Tất nhiên, còn tài năng, song nói như thế nào đây về hai chữ "tài năng" gọn gãy lại cực kỳ rối rắm. Ta đành bằng lòng đồng hóa "tài năng" với "khả năng" vậy. Và ta hãy cổ vũ mọi người sáng tác, thậm chí, chưa nói vội chữ sáng tác kênh kiệu, mà viết mà vẽ, mà làm nhạc, mà dàn dựng phim, tuồng, kịch... Trên một cái nền sum suê, của nào đứng được qua sàng lọc của người thưởng thức và thời gian, của ấy là sản phẩm quý và người đẻ ra sản phẩm quý nhất định có tài. Đôi khi, dùng một lăng kính nào đó, với chỗ ngồi nào đó, sự phán xét vội vàng về tài năng bóp chết tài năng đích thực. Vô số mẩu chuyện về bước khởi đầu của các văn hào, thi hào, bậc thầy về kịch, nhạc, họa... cảnh cáo chúng ta. Nói như vậy, không có nghĩa là bít lối phê bình văn học. Trái lại, miễn quan điểm và thái độ phê bình nhằm vào hướng nào - có loại (và đấy là bộ phận chủ yếu của đội ngũ sáng tác) cần tìm hiểu, thảo luận bình đẳng. Một tác phẩm được đòi hỏi được thông tin về tác phẩm đó và phải qua thử thách thời gian có khi dài có khi ngắn, người phê bình mới hội tụ tương đối tàm tạm một số cơ sở để đánh giá. Đọc lại một số không ít các bài, luôn cả tập năm nay, chúng ta khổ tâm. Sự khen chê quá theo "điều khiển học" và là thứ xi-béc-nê-tích... dởm. Một "đề dẫn" của Nguyên Ngọc bị búa tạ, một bài luận về chữ "đạo" của Hoàng Ngọc Hiến bị phang tới tấp. Và, đây chỉ là linh cảm của tôi, coi chừng thơ Tố Hữu sẽ lên bàn mổ với đủ thứ đánh giá mặt kém cỏi khi anh không còn là nhân vật lãnh đạo nữa.

Trong mọi nỗi buồn, nỗi buồn day dứt chúng ta hơn cả là cảnh thiếu trung thực của người sáng tác lẫn người phê bình. Né tránh cái đúng, cái cần ủng hộ, né tránh cái sai, cái cần phê phán... chúng ta có thể thông cảm được bởi những kiềm tỏa cũ rất phi lý. Nhưng chuyển cái sai thành cái đúng, chuyển cái đúng thành cái sai thì là điều không sao biện bạch nổi. Tiếc thay vừa qua không phải không có những truyện trái khoáy. Nền văn học nghệ thuật của ta thấp xuống vì ba thứ lộn xộn lẽ ra tránh được ấy.

Nhân đây, tôi nói về bài Phở của bác Nguyễn Tuân. Nhà văn lớn nước ta vừa qua đời, báo chí và dư luận cả nước - luôn ngoài nước - dành cho bác những lời trang trọng. Tôi không quen thân với bác song phục bác, phục tài và phục thái độ kiên cường, tự trọng của bác. Nhưng, tôi vẫn không đồng ý với nội dung bài Phở. Lý do đơn giản: lúc bài Phở ra đời là lúc miền Nam chưa đồng khởi, chúng tôi đang trong những điều kiện gay go, thế mà ở Hà Nội, vì bát phở thiếu thịt mà một nhà văn cỡ bác Nguyễn Tuân lại viết một bài chua cay, tôi ngỡ ngàng. Tận hôm nay, tôi vẫn cho là mình có lý khi bảo vệ bài báo tôi ký là D.C. và T.V. đăng trên Nhân dân năm 1958, trong phạm vi ý nghĩa của thời điểm đó. Tất nhiên, không vì một vài bài như Phở - và theo nhận định của riêng tôi thôi - mà bác Nguyễn Tuân bớt đi tầm cao.

Thế nào là trung thực? Đây là một lĩnh vực chắc phát sinh nhiều ý kiến khác nhau thú vị. Tính trung thực trong văn nghệ có thể tóm được chăng như thế này: thà không nói điều chưa nói được còn hơn là nói sai điều có thể nói. Thế nào là trung thực, chúng ta sẽ bàn cãi, song thế nào là không trung thực thì lại dễ nhận diện - văn học thế giới gần chúng ta, gần về thời gian và cả không gian, cung cấp nhiều ví dụ sống động.

Nền văn học cách mạng Việt Nam góp mặt không lâu lắm trên văn đàn và góp mặt rộ lên chủ yếu trong phong thái cầm súng, đánh giặc, giữ nước, thu hồi toàn vẹn lãnh thổ... Về phương diện đó, sự trung thực ít bị thử thách - đạo lý mãi mãi đòi hỏi khắc họa sắc nét, nổi bật tấm gương anh hùng vĩ đại của dân tộc, nhân dân và trí tuệ lãnh đạo của Đảng. Cứ nhìn lịch sử ngàn năm trước, chúng ta dễ đồng ý người đời sau muốn, thích người đời trước ghi chép điều gì trong khi tuốt gươm giục ngựa. Người ta ngán Lệ Chi Viên mà hứng khởi với Bình Ngô đại cáo. Người ta ngán cảnh Trần Thủ Độ tru di họ nhà Lý mà hứng khởi với chiến thắng Bạch Đằng. Đó là màu sắc Việt Nam. Mặc dù sử ghi đầy đủ cả: Thái phi Dương Vân Nga không mấy hay đối với Thái hậu Thượng Dương; Lý Thường Kiệt có lúc quá trớn với Lý Đạo Thành; Trần Quốc Tuấn vượt tường thông dâm với cô ruột; mối quan hệ đặt thành dấu hỏi giữa vua Thái Tông nhà Lê và Thị Lộ - vợ lẽ Nguyễn Trãi; Đặng Thị Huệ lộng hành phủ chúa Trịnh, Nguyễn Huệ mang quân vây bức Nguyễn Nhạc vì việc Nhạc thông dâm với vợ ông v.v... nhưng văn học thường không xét các vụ việc thơm tho ấy mà nghiêng về mặt phát huy cái đẹp. Trung thực của văn học không hoàn toàn giống trung thực của sử học.

Trong hai cuộc kháng chiến vào thời đại chúng ta có mặt nào tiêu cực không? Chắc chắn là có. Chẳng phải trận nào chúng ta cũng thắng cả. Chẳng phải người chỉ huy nào cũng tài ba cả. Vẫn có rải rác những hành vi hèn nhát, phản bội... Không phản ánh những mặt đó là không đúng, vì nó hạ thấp thắng lợi đầy gian nan của chúng ta, vì nó khiến bức tranh đơn điệu, vì nó không thực. Nhưng dù thế nào đi nữa, như Bưcov và một số nhà văn Xô viết miêu tả những điều nhói tim trong chiến đấu, cuộc chiến đấu vẫn đã kết thúc với cái bao trùm nhất: chúng ta thắng.

Còn chúng ta đang bàn về văn học gánh vác trong quá trình đổi mới sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở tình thế cả nước cơ bản hòa bình. Trung thực đã định chuẩn hóa: nói thẳng, nói thật, nói công khai. Đó là tính đảng biểu hiện trên ý thức trách nhiệm của người cầm bút. Công bằng mà xét, hoàn cảnh "nói năng" hơn so với trước kia bắt nguồn từ đại hội VI - văn học và báo chí được "bật đèn xanh" chậm hơn kinh tế: tư duy kinh tế bắt đầu được soát xét từ Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VI, khóa 4.

Anh Thái Duy thuật cho tôi nghe một chuyện vui. Lúc anh làm báo Cứu quốc, có viết một bài tố cáo một anh cán bộ cấp huyện bê bối về tiền bạc hay về một cái gì đó không sạch sẽ lắm; anh vào Nam chiến đấu một số năm, trở ra làm tại tờ báo cũ, đến tỉnh kia xin gặp anh cán bộ có trách nhiệm thì người tiếp anh là... ông cán bộ cấp huyện độ nọ, bây giờ lên chức to hơn; anh lặng lẽ rút lui, hú ba hồn chín vía!

Nếu không có tư trào đổi mới - kể cả một số người chỉ bán rao đổi mới - thì Bên kia bờ ảo vọng khó sinh đẻ, Lời khai của bị can sẽ là lời... phản tỉnh (có thể giả bộ) của người viết.

Tuy nhiên, trung thực không đồng nghĩa với chỉ phản ánh điều xấu. Chúng ta mắc nhiều, thật nhiều sai sót, không cần phải bào chữa - và bào chữa cũng vô ích - song chúng ta cũng có những thành công. Tiêu cực đầy rẫy nhưng tích cực không phải lác đác đến nỗi "thắp đèn giữa ban ngày" để đi tìm. Phần tử trung kiên trong xã hội vẫn đông đúc. Ngay một bộ phận quần chúng tha hóa mức nào đó, nếu đánh bật các thế lực khống chế họ, mơn trớn họ vì quyền bính và lợi ích riêng tư thì bản chất cách mạng trong họ sẽ trỗi dậy. Chúng ta có lòng tin vững chắc điều thiện phải chiến thắng. Xu thế - dù còn trắc trở - dự báo điềm lành.

Người cán bộ lãnh đạo sai lầm nghiêm trọng khi nhìn mọi người đều xấu, đều kém, đều "khả nghi" về chính trị - chủ nghĩa cá nhân dẫn người cán bộ chính trị ấy vào ngõ cụt. Người sáng tác văn học cũng phạm sai lầm nghiêm trọng nếu nhìn tất cả tiêu điều, chỉ còn mỗi ngòi bút của mình là trong sáng. Xã hội ta đang báo động nhiều mặt về đạo lý song số người trung thực vẫn chiếm tỷ lệ tuyệt đối. Đó là sự thực, không phải chỉ của bây giờ, mà của lịch sử, của nhân loại.

Phê phán những biểu hiện sai trái tất nhiên không thể không căm giận. Phê phán những biểu hiện sai trái là "đâm gian"; có "đâm gian" với cả nộ khí xung thiên thì mới "chở đạo" đến bờ bến - tôi diễn đạt theo cụ đồ Chiểu. Thói quan liêu độc đoán và quyền bính ở ta tất nhiên không như ở vài nước mà chúng ta biết, song chúng vẫn là một loại tội ác: gây trì trệ nền kinh tế - xã hội, kìm hãm sức phát triển của mấy thế hệ, gieo đau khổ cho người này người khác v.v...

Điều cần trao đổi là căm giận, nộ khí xung thiên, khinh ghét thói xấu lại rất xa lạ với thái độ hả hê. Chúng ta nhức nhối. Chúng ta khóc dù vừa khóc vừa nghiến răng. Bởi vì, không phải ai khác, mà chúng ta là tác nhân đông thời là nạn nhân, dù kẻ phạm tội mang địa chỉ cụ thể nào đi nữa. Theo tôi, đó là lằn ranh phân chia thật giả trong phê phán các loại tiêu cực. Không phải giữ cân đối giữa mặt tốt với mặt xấu là lằn ranh: trong một lúc nào đó, điểm xấu cần trừ khử nên chúng nổi lên, không sao cả, mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp, "có hậu" nếu nhà văn xác lập chỗ đứng của người trong cuộc. Ở đây cho không có đất cho tư tưởng phục thù, trả đũa, nói cho đã nữa. Ở đây, đúng là vở Bi kịch lạc quan, Lời khai của bị can vẫn là viên thuốc bổ cho tâm hồn - cơ hội để người trong cuộc tự ngắm mình qua kính phản chiếu, đúng hơn, qua kính chiếu hậu. Nếu nghiêm túc kiểm điểm, văn nghệ đã qua góp phần không nhỏ vào những hậu quả đang xúc phạm chúng ta: ca ngợi một chiều, "tán" hết lời một số hiện tượng chưa đủ cứng cáp như Định Công, như Tân Hội, thậm chí có nhà văn còn viết cả truyện ngắn ca ngợi thức ăn cho lợn - phân trâu nấu với rau muống!

Chúng ta không phải là công dân Liên Xô nên không có quyền nhận xét về sự đánh giá đồng chí Xtalin trong một số tác phẩm văn học. Song vì Liên Xô là nước đi trước trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, do đó, Xtalin có vị trí trong tâm lý tình cảm của nhân dân Việt Nam. Đứng từ góc độ đó - và chỉ từ góc độ đó - chúng ta phân biệt sai đúng, và về mặt đúng, mặt vĩ đại của Xtalin trong nội chiến và nhất là trong chiến tranh vệ quốc lừng lẫy, chúng ta luôn tôn trọng. Đồng thời, với lượng thông tin mới, chúng ta không thể không phản ứng thái độ tiếm quyền của Xtalin, mà xử Bukhatin là một ví dụ.

Trở lại vấn đề của chúng ta, chúng ta biết biểu hiện cực đoan rất dễ len lỏi trong sáng tác - tôi không nói thái độ cơ hội chủ nghĩa mà nói những suy nghĩ chín chắn, trọng đạo đức. Lịch sử tự thân đã bao gồm những điều kiện hình thành nhất định, cách nào đó người cầm bút sẽ rơi vào con đường duy tâm, duy ý chí, phi lịch sử.

Kinh nghiệm kể ra cũng không thiếu đối với chúng ta. Biên độ của quả lắc khi nhích lố về phía này một tí, chính quá trình cọ xát với hiện thực, quả lắc sẽ tìm được biên độ cần thiết. Cái đáng quan tâm là chúng ta chủ động trao đổi với nhau, phân tích với nhau, tìm được mẫu số chung trong suy luận và đánh giá lịch sử cũng như đánh giá bây giờ. Tôi cho rằng chúng ta đang thiếu - gọi cường điệu để người ta lưu ý: khủng hoảng lý luận. Hình như Đảng Cộng sản Liên Xô rất quan tâm đến thực tế này.

Lý luận cơ bản thì không có gì phải tranh luận, nhưng lý luận vào thời kỳ trở mình hiện nay quả đáng được lật mặt nọ mặt kia; lý luận văn học càng cần đặt ra để tiến tới sự xác lập thống nhất.

Nên chấm dứt những kết luận có vẻ khẳng định mà kỳ thực chưa đủ sức thuyết phục. Tôi nêu ví dụ: các bài Thiên Thai, Suối mơ, Đàn chim Việt... của Văn Cao bị dán cho nhãn "nhạc vàng", trong khi Đời cô Lựu của Trần Hữu Trang, Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính... tuy chẳng thể nào "đỏ" vẫn được ca ngợi. Đâu là chỗ nhất quán? Và, chúng ta trầm trồ khen Chopin, khen đáo để Dostoevski, cả Hector Malot, cả Conan Doyle thì lại e dè Buồn tàn thu, Làm đĩ, Cha con nghĩa nặng, Mai Hương và Lê Phong... Ngay văn học cổ cũng vậy, chúng ta cho in bài điếu chiến sĩ trận vong của Nguyễn Văn Thành nhưng cấm bài văn tế Võ Tánh và Ngô Tòng Châu của Đặng Đức Siêu (hay Vũ Lượng?). Thiếu nhất quán là một cách đánh giá, tùy tiện là một cách đánh giá khác.

Yêu cầu thống nhất về mặt lý luận văn học đặc biệt quan trọng khi chúng ta muốn ngừa trước những đồng hóa, những tên biệt kích ăn gan uống máu người được lau sạch và đặt bên cạnh các liệt sĩ. Nếu một tình hình bi đát như vậy xảy ra thì lỗi ở chúng ta: chúng ta chưa đủ đảm lượng và nhạy bén tự phê phán - là kẽ hở để cho vàng thau lẫn lộn.

Tôi khẳng định: văn nghệ là thành viên của đội ngũ làm công tác tư tưởng. Làm công tác tư tưởng bằng văn nghệ vì văn nghệ là phương tiện thể hiện công tác tư tưởng. Hiệu quả của văn nghệ là tác động lành mạnh vào tâm hồn con người, dĩ nhiên, thông qua tính năng riêng của nó. Đối tượng của văn nghệ là quần chúng. Văn nghệ vừa phải thâm nhập vào đông đảo quần chúng vừa phải thuyết phục quần chúng về cảm quan và trình độ để mỗi ngày mỗi nâng cao - hai mặt khăng khít với nhau, nếu chúng ta không đi sâu vào vài bộ môn cụ thể ấy, mà ngay với bộ môn cụ thể ấy, ví dụ như vũ kịch, opera, nhạc giao hưởng, chèo, tuồng... cũng sẽ có ngày mang tính phổ cập tương ứng với trình độ văn hóa và mức sống cải thiện của xã hội.

Tôi cũng khẳng định: văn nghệ chúng ta phát triển theo quy hoạch, đại kỵ với tính tự phát. "Ăn khách" là một tiêu chuẩn - một tiêu chuẩn tổng hợp. Ta kịch liệt chống lối "ăn khách" theo thị hiếu tầm thường - có loại thị hiếu tầm thường trong thực tế - và ta cũng kịch liệt chống lối sáng tác, biểu diễn "salon" cho một số người thưởng thức - là công việc khó khăn, song không phải không vượt qua nổi.

Văn nghệ đòi hỏi hình thành một mặt trận hẳn hoi - vai trò từng nhà văn và nghệ sĩ, vai trò của đoàn thể văn nghệ, vai trò của bộ máy nhà nước và vai trò của cơ quan lãnh đạo về mặt Đảng.

Tóm tắt: phải có một chiến lược văn nghệ ít nhất từ nay đến năm 2000.

Chúng ta báo động về xuất bản, về sách dịch, về truyện tranh cho thiếu nhi, về truyện "vụ án" v.v... Nhưng cái đáng báo động hàng đầu là một chính quyền do Đảng vô sản phụ trách đất nước hoàn toàn giải phóng 13 năm rồi lại chưa có chính sách đối với quyền lợi của nhà văn, nghệ sĩ - những người lao động vất vả - chưa có luật về bản quyền v.v...

Trong bao nhiêu yêu cầu đổi mới, xuất bản và nhuận bút chẳng hạn lại chậm đổi mới thì dễ phát sinh trăm thứ rối.

Nói văn nghệ là nói chuyện cao xa, nói tiền nong để người làm văn nghệ sống được mà làm văn nghệ chắc chẳng phải là chuyện "phàm phu tục tử". Nhà văn được khuyến khích chiến đấu chống bất công trong khi họ chịu một bất công nhãn tiền: thù lao chưa đến 2% tiền bán tác phẩm do họ đẻ ra, trong khi phát hành nhận được 20% để làm công việc tải sản phẩm của nhà văn đến người đọc!

Tôi kết thúc hai chương phiếm luận đầu tiên về văn nghệ bằng lời kêu cứu của giới văn nghệ.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 17 & 18 (23-4-1988)
 

Mục lục

8-12-08