ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 

 


Nguồn: Sài Gòn giải phóng, Tp.HCM, số ra ngày 23-11-1988

 

TIẾP TỤC CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI
TRONG SÁNG TẠO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

 

TRẦN BẠCH ĐẰNG

 

Đối với chúng ta, sự nghiệp đổi mới nói chung - từ quan điểm đổi mới bao quát nhất làm nền chung cho đến hành động đổi mới cụ thể trên từng lĩnh vực lớn và nhỏ đi vào đời sống hàng ngày - rõ ràng không đơn giản vì các việc đó là công việc mà chúng ta "tập sự" sau bao nhiêu năm quen với nếp mòn cũ, trước một hiện thực bao giờ cũng được một ý nghĩ khuôn mẫu sẵn gần như một thứ "phản xạ có điều kiện", một loại bản năng mà năm tháng đã hằn sâu, với đôi người, một dạng "bẩm sinh"; đó là công việc đòi phải mò mẫm, thể nghiệm, tất nhiên với thành công và vấp váp xen kẽ: đó là công việc phạm vô số trở lực, trở lực có ý thức và vô tình; xuất phát từ sự sống còn của Tổ quốc đòi hỏi gấp rút đổi mới mà guồng máy quan liêu quen thói hưởng thụ lại xơ cứng, dửng dưng, nếu không nói là quay lưng lại với đổi mới, bởi đổi mới tất xáo trộn, đảo ngược nhiều thứ, trong đó, cái tiên tri ngỡ chừng bất di bất dịch, những "phán truyền" ngỡ chừng không bao giờ dời đổi lúc mà chuẩn mực tài năng, đạo lý lại bắt đầu rời khỏi đầu lưỡi và chiếc ghế để hiển hiện trước phán xét của cơn bão táp vì vận nước, nền dân chủ và đời sống xã hội... Bởi vậy, đổi mới là một cuộc cách mạng trong một cuộc cách mạng, một bước tiến cách mạng trong xâu chuỗi quá trình cách mạng liên tục, một cuộc hành hương vừa trở về nguồn sản sinh ra nó, tức tư tưởng của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học mà trên nhiều mặt chúng ta nhân danh để hoặc phủ định hoặc đi chệch hướng, vừa tìm tòi cái nảy nở tất yếu cho tư tưởng thêm phong phú, thêm thuyết phục và thêm uy lực.

Cái lỗi lớn nhất đã qua, không chỉ riêng của Đảng Việt Nam, chính là đã gây mất lòng tin của hàng triệu người đối với học thuyết mà Mác, Ăngghen, Lênin đã dày công tổng kết từ trí tuệ nhân loại, chỉ ra chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản như một sản phẩm hoàn toàn ở tầm với của quần chúng lao động và là hiện thực mang tính quy luật nhất thiết phải xuất hiện trong các xã hội trên hành tinh chúng ta.

Ngày nay, khi làm một so sánh giữa hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa - so sánh không giấu giếm, với các chứng minh khách quan - về lực lượng sản xuất và về một số điểm khác, chúng ta thiếu phấn khởi, thậm chí buồn lòng. Không sao cả. Còn thiếu phấn khởi, thậm chí buồn lòng tức còn thiên lương chứ không phải che mắt, bịt tai lên án mọi phê phán, gọi mọi phê phán vì sự tiến lên là "vu khống", là "bôi đen" mặc kệ tiếng kêu báo động khắp nơi, khắp địa hạt, miễn sao quyền bính và các thứ lợi ích từ quyền bính không vượt khỏi hưởng thụ của cá nhân mình.

Lịch sử phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới từng chứng kiến nhiều sự phản bội. Nhưng lịch sử sẽ không chịu bỏ qua những dạng khác, tỷ như ngấm ngầm xuyên tạc đầy ác ý lý tưởng xã hội chủ nghĩa, làm cụt hứng ước vọng của loài người hướng đến điều thiện, đồng hóa chủ nghĩa xã hội với nghèo nàn, mất dân chủ và kém nhân bản, đồng hóa chế độ xã hội chủ nghĩa với tệ lũng đoạn cá nhân, với sự thiếu văn hóa và tri thức.

Trước hết, chủ nghĩa xã hội khoa học mà chúng ta xác tín, từ cơ bản, bác bỏ lối mạo nhận ấy. Thật khôi hài khi nhà thờ cố gắng nhập thể hóa các giáo điều gọi là của Chúa, còn một số trong chúng ta cố gắng ngược lại - giáo điều hóa những lời dạy đầy tính trần thế của Mác-Lênin.

Tất nhiên, cuộc sống khách quan đã can thiệp và những người trung thành với Mác-Lênin đang tự phê phán, đang perestroika và glasnot theo tiếng Nga, renouveau theo tiếng Pháp, và đổi mới theo tiếng Việt Nam... Chủ nghĩa xã hội hội tụ tính ưu việt - còn làm cho nó mờ nhạt, lạc lõng là lỗi của kẻ thừa hành trong một giai đoạn nào đó. Tình trạng thua kém vừa nhắc chẳng liên quan gì đến bản chất của chủ nghĩa xã hội. Do đó, kẻ phải xưng tội không phải là chủ nghĩa xã hội mà kẻ bẻ quẹo nó, không hiểu nó.

***

Bài này nói về đổi mới trong sáng tạo văn học nghệ thuật, việc nhắc đôi ý về đổi mới nói chung cốt dạo đầu.

Đổi mới trong sáng tạo văn học nghệ thuật bao giờ cũng rắc rối, do lĩnh vực đổi mới này có phần trừu tượng hơn so với đổi mới trong quản lý, trong chính sách kinh tế xã hội chẳng hạn.

Sẽ hết sức dễ dàng nếu chúng ta xem đổi mới trong sáng tạo văn học nghệ thuật là nói những điều ngày hôm qua không được nói, mặc dù, xét trên một nghĩa rất chính xác, thiếu dân chủ đã bóp nghẹt một cách thô bạo sức sáng tạo. Bài học quá khứ về dân chủ vô cùng sâu sắc, chúng ta sẽ còn trở lại với nó không chỉ một lần và bản thân nó là chủ đề sống động đáng được mổ xẻ từ nhiều góc độ, ở nhiều bối cảnh để bộc lộ cả trình độ ấu trĩ lẫn tác hại của bệnh giáo điều, của thói quan lại phong kiến mà không ít người trong chúng ta đã mắc phải, đang mắc phải và sẽ còn mắc phải.

Nhưng văn học không mang chức năng phục thù, khi nhắc điều đau thương hôm qua là cốt cảnh giác hôm nay và ngày mai, giúp người thưởng thức cảm nhận điều nên tránh với bao xót xa và với niềm tin của cả dân tộc, hết thế hệ này đến thế hệ khác đổi mác để xác lập là cao cả, là chính đáng, là thiêng liêng. Chúng ta yêu lý tưởng đánh đổi bằng mạng sống và sự việc hàng triệu người dám đánh đổi bằng mạng sống vì điều chưa phải thoạt tiên đã phơi bày hết các ngóc ngách tiềm ẩn, tự việc ấy đã chứng minh mọi hy sinh không phải thiếu mục đích.

Tính sổ quá khứ là cần thiết, rất cần thiết nữa, tuy nhiên văn học trước hết là vun bồi cho cái đẹp, cho tình yêu, cho giá trị con người. Tính sổ quá khứ cũng để tăng thêm độ nồng nhiệt vì cái đẹp, tình yêu, giá trị con người. Sức mạnh chiến đấu của văn học chính là ở chỗ nó đạp lên trên cái "thường tình" mà cuộc sống thực chứng kiến, trải qua, mà ngay một số người cầm bút phải chịu trăm nỗi đắng cay - chúng ta nói những nỗi đắng cay lẽ ra không thể có với tài năng chân chính, với thiện chí, với tấm lòng trong sáng.

Tôi tạm lấy một ví dụ không liên quan đến văn học: Đồng chí Ianot Cada nay là Chủ tịch danh dự Đảng Hungari, từng vì bất đồng quan điểm với Racoxi theo chủ nghĩa giáo điều mà bị hạ bệ, bị trừng phạt luôn về mặt luật pháp, khi bạo loạn phản cách mạng 1956 nổ ra, Imre Nagi, kẻ cầm đầu cuộc bạo loạn ngỡ đồng chí bất mãn nên lôi kéo. Và chính đồng chí Ianot Cada là người phất cao lá cờ cứu chế độ xã hội chủ nghĩa Hungari. Đồng chí phân biệt bọn cơ hội lợi dụng chủ nghĩa xã hội với bản thân chế độ xã hội chủ nghĩa mà với tư cách một người cộng sản kiên định, đồng chí đã chiến đấu dưới ngọn cờ của nó.

Ví dụ của tôi ít liên quan đến văn học, song không phải không có một mẫu số chung nào với cuộc chiến đấu đổi mới của chúng ta. Nhà văn chân chính là người tự đặt mình nghĩa vụ xếp hàng về phía chủ nghĩa xã hội và phía dân tộc và nhân dân, tự đặt mình trách nhiệm bảo vệ tinh anh của lý tưởng từng bị thách thức gay gắt ấy.

"Bất cứ như thế nào cũng không được bẻ cong ngòi bút" - tôi nhớ không hẳn đúng từng chữ lời của anh Nguyễn Văn Linh - "cong" về phía nào cũng không tốt.

Văn học gần đây bắt đầu những tìm tòi mới, qua một số sáng tác văn xuôi, kịch và thơ không lẩn tránh sự thật nghiệt ngã. Cả nước trân trọng lao động gian khổ trung thực, dũng cảm của tất thảy những ai day dứt về những bất công, khốn khổ mà quần chúng còn gánh chịu - gánh chịu dưới một chế độ mà lẽ ra không thể dung thứ các dạng lộng quyền, ức hiếp những con người tạo lập ra chế độ. Nói cho công bằng, mức phản ánh chưa phải đã đến chiều sâu, tầm cao và độ khái quát cần thiết. Vẫn còn né tránh cái gốc gây bao bất công và bất bình. Cũng nói cho công bằng, đấy cũng chỉ mới là những tín hiệu đầu tiên. Và ngay trong tín hiệu đầu tiên, người thưởng thức phát hiện không mấy cái chưa đủ độ lượng, chưa đủ bề rộng mà văn học cần tỏ rõ bản lĩnh ưu thế không gì thay đổi của mình.

Đấy là tôi diễn đạt đơn thuần lý thuyết. Sáng tác văn học không giống một bài chính luận. Cho nên, cái đáng trân trọng lớn hơn cái "lẽ ra" phải như thế này, thế khác. Còn va vấp, chẳng giấu đi đâu cho ổn, nó sờ sờ trước mắt mọi người. Va vấp thì rút kinh nghiệm, thì sửa, chắc chắn không thể vì va vấp mà bỏ công cuộc đổi mới.

Trước kia, văn học chúng ta "nói một chiều". Ngay phạm trù này cũng cần xác định: trong chiến tranh, nếu không định hướng cả rộng lẫn hẹp về sáng tác văn nghệ, đó là tội ác. Tôi kinh ngạc khi nghe một người trong chúng ta khen Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng, hai tên bệ rạc đến mức ngay dân Sài Gòn ngày xưa cũng nhăn mặt, vì cả hai vừa chống cộng, chống dân tộc, bợ đít Ngô Đình Diệm và Mỹ ngụy, vừa cực kỳ trác táng. "Nói lại chiều khác" không có nghĩa là quay ngoắt trước hiện thực lịch sử, bôi bác các liệt sĩ. Công việc đó, Xuân Vũ - một cây viết phản bội - cùng bộ sậu đã làm và càng tiếp tục làm ở California. Rồi đây, theo thời gian, phản ánh chiến tranh sẽ đậm sắc thái độ hiện thực, trong đó, số phận con người cùng cái sai cái đúng của chỉ huy sẽ được mổ xẻ, tuy nhiên chiến công cùng sự hy sinh thì vĩnh viễn là gia sản mà từng thế hệ nối tiếp sẽ bảo vệ như thế hệ trước bảo vệ nền tự chủ của dân tộc.

Bây giờ, thời kỳ xây dựng hòa bình - tức thời kỳ mà các nhân tố bình thường của đời sống, của quy luật phát huy một cách tự nhiên. Bất kỳ cách cưỡng ép nào cũng dẫn đến phản ứng, sớm hoặc muộn. Ta có quá nhiều bài học về vi phạm dân chủ ở ta và ở nước bạn với các hậu quả nguy hiểm khôn lường.

Dân chủ và công khai trở thành yêu cầu bức xúc của xã hội văn minh, của chế độ xã hội chủ nghĩa tự hoàn thiện.

Tất nhiên, người cầm bút bao giờ cũng tự giác về ý thức trách nhiệm, về câu hỏi từ xa xưa: viết vì ai, viết để làm gì?

Chúng ta chưa có tác phẩm hay, tầm cỡ. Không sao cả. Rồi sẽ có thôi, với truyền thống dân tộc rực rỡ như chúng ta thừa hưởng.

Điều cần nói là tấm lòng. Sở dĩ tôi nêu nguyên lý trừu tượng kia bởi vì người đọc, người thưởng thức hiện nay đủ trình độ phân biệt một tác phẩm - nói sự thực 100% đi nữa - nhưng vì cái gì.

Một nhà báo nước ngoài - viết cho một tờ báo lớn - nói với tôi: văn học thế giới quan tâm đến tính nhân bản, tính "người" hơn là các cuộc "đấu đá" của riêng biệt một nước nào đó. Tôi đồng ý với ông.

Và chúng ta đang mở đầu. Đổi mới văn học nghệ thuật cũng giống như đổi mới tư duy kinh tế - xã hội. Quá trình tìm tòi khó tránh sơ suất. Miễn là mỗi người cầm bút hiểu vai trò của mình, nâng niu "nghề" viết như một sứ mạng vừa lành mạnh vừa cao quý thì sơ suất sẽ được khắc phục. Bởi vì chúng ta cần nhiều tác phẩm chân thật, bổ ích, hay - cái còn rất hiếm hiện nay.

Vả lại, chúng ta có công luận. Tất nhiên có nhiều loại công luận, tuy vậy, chân lý không phải là điều dễ bị xâm phạm. Độc giả hoan nghênh Nguyễn Huy Thiệp ở các phát hiện đẹp của anh và thẳng tay phê phán Phẩm tiết của anh - không chỉ một ít người. Nhưng chúng ta muốn điều gì ở Nguyễn Huy Thiệp? Gác bút hay tiếp tục viết với lời căn dặn của người đọc yêu mến anh? Việc "cấm" trước kia đã thành một chương mục không đẹp trong lịch sử văn học nước ta. Nó cũ kỹ và trái với xu thế tự do của mọi thời đại - tất nhiên vẫn phải "cấm" những kẻ lợi dụng văn học chống lại Tổ quốc, phá hoại nền an ninh đất nước. Nhưng, đó càng ngày càng hãn hữu, nhất là không ai có quyền đẩy các khác biệt về tư tưởng với cái gọi là "chính thống" sang trận địa đối địch, để hành xác, để quy chụp lung tung. Chúng ta hiểu ở ngoài nước, cả một "chiến dịch" điên cuồng vu khống chúng ta, kêu gào xóa bỏ tất cả quá khứ chiến đấu anh hùng của dân tộc, tức xóa bỏ thế mạnh áp đảo trong đó chúng ta là thành viên. "Indochina Resource Action Center" cung cấp cho chúng ta số liệu 10 năm (1975-1985) một mục lục báo chí Việt Nam ở hải ngoại lên đến con số 261 mà chỉ có một ít tờ yêu nước thôi. Bôi xóa quá khứ nói chung "dưới chế độ cộng sản từ năm 1945 đến nay không có văn học "nói riêng" chỉ có văn học tiền chiến, văn học ở vùng quốc gia và gần đây, có văn học phản kháng" - đấy, nỗ lực của các phe nhóm lưu vong là như thế.

Chúng ta không bận tâm với các luận điệu kia nhưng chúng ta vẫn hiểu từng trang viết của mình đòi hỏi trí tuệ, tầm nhìn, tấm lòng ra sao. Thái độ cực đoan nào cũng không có lợi và đôi khi nó đánh vào chúng ta - vào những ngòi bút có tâm hồn. Không phải từ cơ quan quyền năng mà từ bạn đọc...

Không tin đổi mới, không tin điều kiện sẽ thắng, tức mất lòng tin.

Văn nghệ cần đổi mới như tất cả các mặt của đất nước cần đổi mới.

Những lệch lạc cũng chẳng qua là các chướng ngại vật mà con đường đi đến cái đẹp phải vượt qua. Tôi hoàn toàn không nói những ý định cơ hội chủ nghĩa - nó không phải là vấn đề thuộc phạm vi bài này.

 

w Nguồn: Sài Gòn giải phóng, Tp.HCM, số ra ngày 23-11-1988

Mục lục

 

7-3-10