ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Công an thành phố, Tp.HCM (6-9-1995)

CHIẾC ÁO DÀI CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM

(Trao đổi với nhà lý luận Vương Trí Nhàn)

TRẦN BÌNH

 

Báo Văn nghệ, số 30 ra ngày 29-7-1995 đã đăng lại bài "Hội nhập với thế giới để tránh nguy cơ văn học tụt hậu trước đời sống". Nhờ vậy tôi mới được đọc bài viết của nhà lý luận phê bình Vương Trí Nhàn và trao đổi của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

Nhìn chung, về cơ bản tôi đồng tình với những ý kiến của ông Hảo. Vì thế ở đây tôi không nhắc lại những ý kiến mà ông Hảo đã bàn đến.

Điều trước tiên dễ nhận thấy là ngay khi viết "... nếu ví von một cách thô thiển, xem văn học cũng là một ngành sản xuất" thì ông Nhàn cũng đã tự bộc lộ sự gượng gạo, gò ép, bất cập trong cách nêu và giải quyết vấn đề do ông đặt ra. Lẽ dĩ nhiên cái đáng quý là ở chỗ ông Nhàn đặt vấn đề đó ra vì lợi ích chung, ông băn khoăn trăn trở với sự phát triển của nền văn học nước nhà trước tình hình đổi mới hiện nay. Xuất cảng các thứ hàng hóa như lúa gạo, quần áo... kể cả các quy trình sản xuất theo công nghệ mới của các hàng hóa đó cũng chỉ vẫn là những thứ hữu hình. Ta hoàn toàn có thể vì lợi ích kinh tế mà thỏa mãn tất cả các yêu cầu của khách hàng về quy cách và phẩm chất của các thứ hàng hóa đó. Song, đối với tác phẩm văn học thì hoàn toàn khác hẳn. Vật liệu xây dựng nên có cơ sở là vật chất nhưng cái "hồn" của sản phẩm lại là tinh thần. Khi một tác phẩm của ta có nội dung tốt, chất lượng cao, đề tài hấp dẫn, quy mô rộng lớn giới thiệu về con người và đất nước Việt Nam, đối tượng phục vụ trước hết là nhân dân ta. Các tác phẩm đó sẽ được những người nước ngoài có lương tri và muốn tìm hiểu nước ta sẽ rất hoan nghênh. Có nước, ở đấy người ta chán ghét chiến tranh đến mức khi nghe đến hai từ "chiến tranh" họ đã nổi khùng, ấy vậy mà có những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh với cách đặt vấn đề, miêu tả và cách giải quyết các mâu thuẫn đạt đến mức Chân - Thiện - Mỹ cao đã được họ ưa thích và hoan nghênh. Chính vì vậy mà tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông Nhàn viết: "Văn học ta vẫn quanh quẩn trong khu vực sản xuất nội địa chứ chưa toan tính làm những thứ hàng xuất khẩu". Xin phép được hỏi ông Nhàn, trừ những tác phẩm mang tính nghiên cứu, tư liệu hay nhằm mục đích chính trị một cách thô bạo hay nham hiểm, còn đối với những tác phẩm văn học tốt, lành mạnh của nước ngoài mà chúng ta đã dịch và xuất bản thì ông và ai đó đã có lần nào đặt câu hỏi: Các tác giả của các tác phẩm đó khi viết có nhằm mục đích "xuất khẩu" không"? Và nếu có thì họ đã làm gì, làm như thế nào?

Câu trả lời khẳng định là: Không! Họ viết cho nhân dân họ, trong đó có phần cho nhân loại, nhưng tuyệt đối không phải vì để "xuất khẩu". Còn nếu tác phẩm đó có giá trị cao và phù hợp với yêu cầu của nhân dân một nước khác thì họ sẽ dịch và phát hành.

Nhà văn trước hết phải làm tròn trách nhiệm với nhân dân nước mình trong bối cảnh lịch sử của dân tộc mình và của thế giới. Chính vì thế mà trong các tác phẩm văn học, tính dân tộc là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua được. Hầu hết các "nguyên liệu" cơ bản về mặt tinh thần cũng như vật chất để xây dựng nên tác phẩm văn học đều là của dân tộc, lấy ra từ nhân dân. Sự nhận thức, đánh giá các sự kiện có thể biến đổi, thậm chí đảo ngược để càng ngày càng tiếp cận sát hơn với chân lý và xu hướng chung của nhân loại, song như thế không có nghĩa là từ bỏ tính dân tộc. Tình cảm mang tính dân tộc nó thấm sâu từ cây đa, cột đình làng, song không phải nó không cảm nhận được cái đẹp tráng lệ của những lâu đài nguy nga. Nó hiểu được sức mạnh của chiếc gậy tầm vông, song nó cũng lường trước được sức hủy diệt kinh khủng của bom nguyên tử. Điều quan trọng là viết như thế nào để tác phẩm vừa có tính dân tộc vừa có tính hiện đại, có lý có tình, làm rung động lòng người mà lương tri thì cao cả.

Ta có thể và cần phải học tập các phương pháp, sử dụng các phương tiện hiện đại của thế giới, nhưng không thể vì thế mà lại yêu cái cần phải ghét hay ngược lại ghét cái đáng yêu. Nói đến "xuất cảng văn học" cũng như "xuất cảng cách mạng", chủ yếu là ở nhân dân nước đó, ở tài năng của các nhà bản xứ. Sự giúp đỡ của bên ngoài chỉ tạo thêm điều kiện thuận lợi. Ông Nhàn viết: "Vậy với tư cách người sản xuất, các nhà văn của ta phải quan tâm mổ xẻ hiện tượng này, xem viết như thế nào thì họ sẽ dịch". Ở trên tôi đã phân tích, xin nói thêm, nếu có mổ xẻ bất quá cũng chỉ học tập được về mặt thiết kế tác phẩm, văn phong... mà những vấn đề này chỉ giúp nâng cao phần nào giá trị tác phẩm. Còn cái "hồn", cái "thần" của tác phẩm thì lại nằm ở nhận thức, quan điểm nhân sinh, tài năng, cảm xúc... của tác giả. Nó là những thứ thuộc phạm trù vô hình và mang nhiều màu sắc cá biệt, mấy ai giống ai. Nó hoàn toàn khác với một bác thợ may nghiên cứu, xem nên may cái áo măng-tô tám túi hay 10 túi thì sẽ bán chạy hàng hơn.

Trong bài viết của mình, ông Nhàn còn đề cập đến "quy trình sản xuất văn chương". E sự hiểu biết của mình còn thiếu sót, tôi phải tra từ điển để tìm hiểu hai tiếng "quy trình". Theo cụ Đào Duy Anh và Tứ giác từ điển (ký hiệu 5601) thì "quy trình" cũng như "quy tắc": Chương trình và phạm vi làm việc. Quyển "Từ hải" thì không thấy đề cập đến. Còn ở quyển "Từ nguyên" và từ điển của cụ Nguyễn Lân có nói rõ hơn một chút. Vậy phải chăng "quy trình sản xuất văn chương" ở đây là các bước, các công đoạn tiến hành để "sản xuất văn chương"? Ta tạm hình dung như thu thập, ghi chép tư liệu, lập đề cương, dàn bài, viết bản thảo lần 1, lần 2... mà nếu chỉ có thế thôi thì "mổ xẻ" tác phẩm của họ thì làm sao mà thấy được "quy trình"?

Ông Nhàn còn viết: "Nhưng tôi tưởng điều đầu tiên cần nói với nhau là phải công nhận có cái quy trình đó". Đành rằng ông Nhàn cũng đã nhận ra rằng "bản thân còn biết rất ít" về quy trình đó, thì ông cũng nên có đôi dòng giới thiệu, gợi ý những điều ông biết. Được như vậy thì người đọc mới có hướng để cùng ông trao đổi và bàn bạc. Ngoài những điều trên còn phải kể đến các trường phái, văn phong, mô típ... cái riêng của từng nhà văn và cái "gu" của thiên hạ. Phải chăng còn các "quy trình tiếp nhận hay phát sinh cảm xúc"? Cẩn thận nếu không sẽ có "quy trình tình ái" và các "công thức tình cảm"!! Ta hãy nhớ rằng, không phải mọi thứ trong xã hội, trong đời sống của con người đều có thể công nghệ hóa được, đặc biệt trong phạm vi tinh thần. Ta chỉ nên băn khoăn là hiện nay chúng ta chưa có được những tác phẩm có tầm cỡ quốc tế. Muốn có những tác phẩm có tầm cỡ lớn như thế thì phải có sự cố gắng rất lớn của bản thân các nhà văn, sự giúp đỡ của xã hội, của các cơ quan có trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng không dám lạm bàn thêm vì Hội Nhà văn đã nắm vững và biết quá nhiều hơn tôi là cần phải làm gì?

Một tác phẩm có tính dân tộc, tính Chân - Thiện - Mỹ cao, đề tài có quy mô rộng lớn cả về không gian lẫn thời gian, bút pháp sắc sảo, văn phong hấp dẫn... chắc chắn không chỉ được nhân dân trong nước mà cả người nước ngoài cũng ưa thích và hoan nghênh.

Có lẽ chưa có nước nào đặt hàng để nhập áo dài mà phụ nữ Việt Nam thường mặc. Nhưng chắc chắn rằng họ cũng phải công nhận là đẹp và rất đẹp với sự thướt tha, mềm mại, duyên dáng đậm đà màu sắc dân tộc của nó. Tuy nó không được xuất khẩu (?) nhưng nó cũng không hề bị tụt hậu so với thời trang của thế giới hiện nay.

Xin chớ vì tham vọng xuất khẩu mà sửa nó thành cái áo choàng!

w Nguồn: Công an thành phố, Tp.HCM (6-9-1995)

Mục lục

30-4-11