ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 1 & 2 (9-1-1988)

 

TÍNH NHÂN LOẠI VÀ VĂN HỌC

TRẦN ĐÌNH SỬ

Một đặc điểm của xã hội học dung tục là phủ nhận tính nhân loại, tính người của văn học, làm như ở xã hội có đối kháng giai cấp, tính người đã được thay thế bằng tính giai cấp. Quan điểm đó đã ảnh hưởng tới hàng loạt vấn đề quan trọng của văn học như đánh giá di sản, kế thừa truyền thống, xây dựng điển hình.. Đã đến lúc phải làm sáng tỏ quan điểm Mác-xít về tính người, đối lập nó với lý thuyết tư sản về nhân tính chung chung và mọi biểu hiện của lý luận xã hội học dung tục, từ đó mà lý giải đúng đắn các vấn đề văn học hữu quan.

Trong ngôn ngữ của Mác, các từ tính người, tính chủng loại người, tính nhân loại là một. Khi tiên đoán về quá trình giải phóng con người trong tương lai, Mác từng nói: "Chủ nghĩa cộng sản là sự thủ tiêu một cách tích cực chế độ tư hữu", "là sự thủ tiêu tình trạng tha hóa của con người, do đó mà cũng là sự chiếm hữu thật sự bản chất con người vì con người và bằng con người", là "sự trở về hoàn toàn của con người đối với bản thân nó, với toàn bộ sự phong phú mà nó đã có trong quá trình phát triển, cũng tức là trở về hoàn toàn với con người xã hội, tức là con người mang tính người". Đây là cả một cương lĩnh, một chiến lược con người của chủ nghĩa cộng sản, mà cũng là của chủ nghĩa xã hội - giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

Cương lĩnh đó dựa trên một tiền đề lý luận vững chắc là khẳng định tính người, không đồng nhất tính giai cấp vào tính người. Mác đã chế giễu những người "đồng nhất" như thế, bởi vì điều đó có nghĩa là thủ tiêu giai cấp cũng tức là thủ tiêu tính người hoặc nếu không thì chỉ là thay thế tính giai cấp này bằng tính giai cấp khác (!). Mác, Ăngghen và Lênin luôn luôn xem tính giai cấp là những hình thái lịch sử quá độ của tính nhân loại, và ngay trong điều kiện bị tha hóa của chế độ tư hữu, vẫn luôn luôn xảy ra xung đột nội tại giữa tính giai cấp và tính người, và hơn thế, Mác và Ăngghen xem sự phát triển của nhân cách con người là một điều kiện để xóa bỏ chế độ tư hữu: "Chỉ trong điều kiện cá nhân được phát triển toàn diện thì chế độ tư hữu mới bị tiêu diệt" (Hệ tư tưởng Đức). Chẳng hạn, người vô sản luôn luôn xung đột với tính vô sản của nó. "Nhân cách con người vô sản luôn luôn mâu thuẫn với điều kiện sinh hoạt mà người ta áp đặt lên đầu nó" (Hệ tư tưởng Đức) và do vậy "họ luôn vùng vẫy để giải thoát, nhằm khôi phục địa vị làm người của họ" (Thư gửi M. Haccnet).

Đánh giá các nhà văn lớn của quá khứ, các nhà kinh điển bao giờ cũng nhìn ra sự xung đột, mâu thuẫn giữa tính giai cấp và tính người trong mỗi người. Nói về Goethe, Ăngghen vừa chế nhạo cách hiểu của Goethe theo quan điểm tính người chung chung, phi lịch sử, vừa chỉ ra thái độ hai mặt của nhà thơ đối với hiện thực. Một mặt là nhà thơ vĩ đại thiên tài, một người uyên bác, sôi nổi, giàu sức sống, nhạy cảm, toàn bộ tinh thần hướng về cuộc sống thực tại. Nhà thơ đã thù nghịch với nước Đức, chán ghét nó, chống đối nó và muốn từ bỏ nó, đã chế nhạo nó cay độc như Mephixtophile. Nhưng mặt khác ông lại là con người dung tục, hẹp hòi, tầm thường, xu phụ, bảo vệ, thậm chí là ca ngợi xã hội đó. Mặt thứ hai này chính là bản chất giai cấp của đứa con thận trọng của ngài nghị viện Franfua, là bản chất của ngài cố vấn đáng kính của Viện khu mật Veyma, là sản phẩm của môi trường thị dân Đức đương thời mà Ăngghen ví như cái chuồng phân khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp. Còn mặt thứ nhất là nhu cầu phát triển nhân cách, là sự thức tỉnh về ý thức tư sản chống phong kiến. Về mặt này, Ăngghen đặt Goethe ngang hàng vói các nhân vật lỗi lạc của lịch sử và huyền thoại mà bản thân Goethe say mê: Goethe Phone Beclikingen, Promete, Faust, những kẻ mang tinh thần phản nghịch vĩ đại, mang ý chí phát triển và khát vọng giải phóng của nhân loại.

Phân tích Balzac, Ăngghen cũng chỉ ra một mặt là cái thiên kiến giai cấp hẹp hòi, "tất cả những mối thiện cảm đều hướng về giai cấp bị lịch sử lên án" và mặt khác là nhà văn hiện thực vĩ đại đã nhìn ra sự diệt vong không thể tránh khỏi của những người mà ông yêu dấu, đã nhận ra là họ không xứng đáng được hưởng một số phận tốt hơn, và đã chế giễu họ hết sức cay độc và thừa nhận các chiến sĩ cộng hòa là những con người chân chính của tương lai đương thời. Lênin cũng nhận thấy một mâu thuẫn lớn như vậy trong toàn bộ sáng tạo của Lev Tolstoi. Một mặt là các định kiến giai cấp thiển cận của một bá tước, một địa chủ, một trí thức suy đồi, đam mê tôn giáo của giai cấp nông nô mà ông bảo vệ. Mặt khác, là một nghệ sĩ thiên tài bậc nhất thế giới, là người phản đối mạnh mẽ một cách trực giác và chân thành mọi sự dối trá, lừa mị, người phản kháng mãnh liệt, nhà phê phán vĩ đại, thẳng tay bóc trần mọi sự bóc lột tư sản, một nhà hiện thực tỉnh táo, người chống đối kịch liệt mọi sự thống trị giai cấp. Theo Lênin, đó là "cái thuộc về tương lai", "thuộc về toàn thể nhân dân".

Qua các mẫu mực đánh giá theo quan điểm lịch sử và thẩm mỹ đó, ta thấy một mặt là tính quy định của môi trường xã hội giai cấp đối với nghệ sĩ, sống trong xã hội, không thể thoát ly khỏi xã hội; nhưng mặt khác, cái làm nên giá trị của họ lại không phải là bản chất giai cấp, thuộc tính quá độ của con người, mà là những phẩm chất của kẻ đại diện cho xu thế phát triển tiến bộ của nhân cách trong từng hoàn cảnh cụ thể, cái thuộc về toàn thể nhân dân, toàn nhân loại.

Ngay đối với các tác phẩm văn học cách mạng trong lịch sử thì giá trị của chúng cũng không phải ở tính giai cấp được thể hiện trong đó. Ăngghen từng nói: "Nói chung, thơ ca cách mạng quá khứ (dĩ nhiên là ngoại trừ Mácxâye) ít khi còn vang lên một cách cách mạng trong các thời đại sau, bởi vì, để tác động vào quần chúng thì nó phải phản ánh cả những thành kiến của quần chúng thời đại ấy" (Thư gửi Sliut, 1885). Và ngay giai cấp vô sản, tính đảng cộng sản, nguyên tắc của văn học mới cũng không phải giản đơn là tính giai cấp vô sản được ý thức cao độ. Cách hiểu tính đảng như vậy không hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Lênin. Trong bài Tổ chức Đảng và văn học có tính đảng Lênin đã nói với tính đảng của văn học như là sự gắn bó của văn học với phong trào công nhân xã hội chủ nghĩa. Chỉ có đảng công nhân giác ngộ xã hội chủ nghĩa mới đại diện cho nhân loại tiến bộ. Đồng thời sự ý thức đó không phải đơn giản là ý thức về lợi ích của vô sản như là một giai cấp, mà là ý thức về tất cả nhiệm vụ lịch sử nặng nề mà sự tiến bộ của nhân loại đặt ra cho giai cấp cách mạng, cũng là trách nhiệm, vị trí của nó đối với sự tiến bộ của nhân loại. Và như vậy, tính đảng mang một nội dung rộng lớn, vượt xa "tính giai cấp tự giác" hay là "sự tự giác về tính giai cấp". Xét về thực chất nguyên tắc tính đảng của văn học là sự đòi hỏi giải phóng văn học khỏi các động cơ cá nhân ích kỷ vì danh lợi, khỏi sự ràng buộc của túi tiền, quan chức để mà tự do, công khai đứng về phía tư tưởng xã hội chủ nghĩa và nhân dân, đem tài năng phục vụ cho hàng triệu nhân dân lao động, - những tinh hoa, sức mạnh và tương lai của đất nước, kế thừa và làm phong phú cho tư tưởng cách mạng của nhân loại. Lênin đã giải phóng khái niệm tính đảng khỏi nội dung ban đầu của thuật ngữ là tính bè phái, phe nhóm. Một tính đảng như thế là điều kiện tất yếu để cho "sự trở về hoàn toàn của con người đối với bản thân nó", trở về với "cuộc sống con người đích thực như là sở hữu không thể bị tước bỏ của con người" như Mác đã tiên đoán trong tác phẩm thời trẻ.

Tính nhân loại đích thực vốn mang một tinh thần cách mạng thường tồn tại trong bản thân nó, bởi vì nó gắn với hoạt động sản xuất xã hội, yếu tố bản chất và năng động nhất của tồn tại con người như một chủng loại. Hơn một trăm năm trước, Mác và Ăngghen đã nói tới lao động sáng tạo loài người, lao động sản xuất ra của cải vật chất là cơ sở của tính người. Người ta vừa sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, vừa sản xuất tính người ở trong đó. Mác nói: "Sự sản xuất của chúng ta là tấm gương phản chiếu bản chất của chúng ta".

Thoát ly lao động sản xuất, sống ăn bám thì bản chất người bị tha hóa. Ngược lại sự tiến hành lao động sản xuất luôn luôn đòi hỏi một tính người phát triển: các cảm giác xã hội như lương tâm, tình cảm chân lý, nghĩa vụ, trách nhiệm, năng lực cải tạo thế giới, khả năng tự hoàn thiện bản thân, nhu cầu hợp tác, dân chủ, tự do, tinh thần vị tha, dũng cảm. Hiển nhiên là không nên hiểu quan hệ giữa tính người và hoạt động sản xuất một cách dung tục. Tính người là một phẩm chất hệ thống "siêu tổng cộng", hình thành từ toàn bộ chỉnh thể xã hội người như là chủ thể của sản xuất và tồn tại một cách lịch sử. Nó hình thành và tồn tại do sự có mặt và nhu cầu duy trì, phát triển của cộng đồng chủ thể đó. Chính vì lẽ đó mà khi trích yếu sách Xã hội nguyên thủy của M. Morgan, Mác nhận xét: "Trong giai đoạn thấp của sự hỗn mang đã bắt đầu phát triển các phẩm chất cao nhất của con người: phẩm giá cá nhân, tài hùng biện, tình cảm tôn giáo, sự thẳng thắn, lòng dũng cảm, sự táo bạo, là những nét ngày nay đã trở thành các đặc điểm chung của tính cách, nhưng đồng thời cũng xuất hiện các tính cách tàn nhẫn, phản trắc, cuồng tính..." (Lưu trữ về Mác, Ăngghen).

Các thời đại sau sẽ làm nảy sinh thêm các phẩm chất mới, nhưng "các phẩm chất cao nhất" kia vẫn tồn tại như những mẫu mực của tồn tại con người. Nếu như các quan hệ sản xuất thường xuyên mâu thuẫn với sức sản xuất, thì cũng như vậy, tính giai cấp, thuộc tính của con người nảy sinh trên cơ sở tư hữu, cũng luôn luôn mâu thuẫn với tính người như là thuộc tính của cộng đồng sản xuất năng động và làm nó thêm phức tạp. Chủ thể của lịch sử xã hội tồn tại ở các cấp độ: cá nhân, dân tộc, nhân loại, giai cấp. Nhưng chỉ có sự phát triển của nhân cách, nhân loại mới là thước đo cho vai trò lịch sử của giai cấp, dân tộc. Bỏ qua tính nhân loại là bỏ qua thước đo cơ bản đó và bỏ qua bản thân mục đích cuối cùng của tiến bộ, bởi lẽ các hình thái kinh tế xã hội xét đến cùng cũng chỉ là các hình thức quá độ của lịch sử, các hình thức giải phóng của con người trong các khả năng của lịch sử cụ thể. Các giai cấp khác nhau xuất hiện trong lịch sử bao giờ cũng giải quyết các vấn đề của con người ở giai đoạn của họ. Và nếu quan hệ giai cấp có thể kìm hãm hay thúc đẩy sản xuất, chứ không thay thế được nó, thì cũng vậy, tính giai cấp có thể làm biến đổi tính người một cách lịch sử chứ không thể thay thế nó. Trong đời sống tinh thần của con người thuộc xã hội có đối kháng giai cấp, các nhà kinh điển mác-xít không bao giờ chỉ thấy tính giai cấp mà không thấy tính người. Ngược lại, các vị nhận thấy tính người được phát triển giải phóng từng bước, và tiên đoán sự nảy nở hoàn toàn của tính người trong xã hội ngày mai. Trong xã hội có giai cấp, nhà văn không tránh khỏi mang tính giai cấp, nhưng không bao giờ chỉ chiến đấu cho lợi ích hẹp hòi của một giai cấp nào đó. Lênin từng gọi cách mạng tư sản Nga là "Cách mạng toàn dân", bởi vì nó "thực hiện đòi hỏi của một giai cấp trong xã hội tư sản" là lật đổ chế độ chuyên chế. Nghệ sĩ chân chính là người đại diện cho trình độ phát triển của con người trong thời đại của nó. Do vậy, nếu anh ta chỉ là giác quan của giai cấp thôi thì đó là nỗi buồn sâu xa của nghệ thuật. Nếu nạn nhân của vùng đói kém không biết đến thưởng thức hoa lan thì đó vừa là sự thực của tính giai cấp, vừa là sự sỉ nhục đối với con người bị tha hóa, kém phát triển. Vấn đề đặt ra không phải là đối lập và coi nhẹ tính giai cấp, mà là phải nhìn nhận mối quan hệ biện chứng giữa tính nhân loại và tính giai cấp, đánh giá ý nghĩa của tính giai cấp trong viễn cảnh phát triển của con người.

Bản chất của con người trong tính thực tại của nó là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Nhưng Mác cực lực phản đối quan niệm dung tục chỉ thấy "quan hệ" mà không thấy con người, "dường như các quan hệ kinh tế sai khiến con người như quân cờ (nhưng chính con người sáng tạo ra các quan hệ đó!)" (Thư Ăngghen gửi Paul Ernext). Trong thư gửi P. V. Annencov tháng 12-1847 Mác nói: "Quan hệ xã hội của con người trước sau là lịch sử phát triển của các cá nhân của họ". Trong Gia đình thần thánh Mác và Ăngghen đã chế giễu quan niệm xem lịch sử chỉ là sự đấu tranh của các sức mạnh bên ngoài con người: "Lịch sử không là gì cả, nó không có sự phong phú vô tận nào cả. Trái lại, chính con người, con người hiện thực và sống động đã làm tất cả những cái đó và có tất cả những cái đó, nó đã tiến hành các cuộc đấu tranh đó". Trong Hệ tư tưởng Đức hai ông lại nói: "Người ta bao giờ cũng xuất phát từ bản thân mình", và "Quan hệ tư nhân giữa cá nhân với nhau với tư cách là quan hệ cá nhân đã xây dựng nên và hàng ngày đang xây dựng lại các quan hệ hiện có". Các quan hệ tạo thành bản chất con người rõ ràng là không cứng nhắc, bất biến, nó biến đổi hàng ngày theo quan hệ cá nhân của nó, trong hoạt động sống của nó. Nhà thơ Đức Beso đã nói rất hay: "Xung đột văn học không phải là ở chỗ hai người hoàn toàn đối lập nhau về bản chất chống đối nhau. Chẳng hạn tên địa chủ và người nông dân mang các quan điểm khác nhau và hành động chống lại nhau theo các quan điểm ấy. Đó không phải là xung đột trong ý nghĩa đích thực của văn học. Xung đột đích thực là văn học chỉ tìm thấy khi nào người nông dân biết tên địa chủ lường gạt, ý thức được sự lường gạt ấy, tỉnh ngộ và tìm cách trở lại làm mình, tức trở lại làm người nông dân có danh dự" (Thơ của tôi - tình yêu của tôi). Văn học minh họa chỉ biết tới cái khung "tổng hòa các quan hệ xã hội" trừu tượng mà không biết tới con người trong cái tổng hòa đó. Nhưng nếu vậy thì chỉ miêu tả đồ vật thôi chẳng hạn cái xe tay, cái xe volga, cũng đã đạt được cái tổng hòa các quan hệ xã hội" rồi! Bản chất của sinh thể người chưa phải là con người. Bất cứ trường hợp nào, cá nhân, cái "tôi" con người cũng là trung tâm sinh thành và biến đổi của các quan hệ hiện thực. Bỏ qua nó sẽ trượt theo con đường minh họa cho những tư tưởng có sẵn. Goethe cũng đã nói: "Phải nắm được cái tối cao và là cái khó nhất trong nghệ thuật - tức là hiểu được cái cá nhân, thì mới thoát khỏi được quyền lực của tư tưởng". Hiểu được điều này thì cũng sẽ hiểu được một câu nói rất đúng khác của Turgheniev: "Nếu xét về nhân vật được miêu tả, thì điển hình là một cá nhân cụ thể nhất của thời đại".

Khi nói tới phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa người ta thường nhấn mạnh tới tính cụ thể lịch sử của quá trình phát triển cách mạng. Nhưng tính cụ thể lịch sử ấy chỉ đạt được khi nhà văn tìm ra cái cá nhân con người cụ thể ở trong đó. Cũng nhà thơ Đức Beso đã nói rất đúng: "Phương pháp sáng tác đích thực là phương pháp mang tính người đích thực". Vậy là trong văn học nghệ thuật xét từ quan điểm nghệ thuật, cái cao hơn mọi nguyên tắc, nguyên lý, cao hơn mọi phương pháp, bản chất là sự hiểu biết về con người, tình yêu và trách nhiệm đối với con người, yếu tố năng động nhất của cuộc sống. Văn học là nhân học. Thiếu hiểu biết thực sự về con người làm sao phục vụ con người bằng văn học được?

Nghệ thuật là ngành sản xuất tinh thần xã hội tức là sản xuất ra những giá trị góp phần hình thành những chủ thể của đời sống mang các nhu cầu thời đại. Nghệ sĩ là người nhạy cảm nhất, tinh tế nhất và tiêu biểu cho các nhu cầu phát triển nhân cách của nhân loại. Anh ta phải sớm nhận ra các đổi thay, các mâu thuẫn, các khả năng phát triển của hiện thực để tạo ra các nhu cầu mới nhằm khẳng định và cải tạo cuộc sống. Có như vậy văn nghệ mới đáp ứng được đòi hỏi của bạn đọc. Nghệ thuật minh họa về bản chất chỉ là lặp lại những nhu cầu trừu tượng, là sự từ chối đề xuất nhu cầu mới từ phía đời sống. Nghệ thuật ấy sớm muộn sẽ bị nhân dân từ bỏ.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 1 & 2 (9-1-1988)

Mục lục