ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 46 (12-11-1988)
 

VĂN NGHỆ CẦN TIẾP TỤC ĐỔI MỚI

TRẦN ĐỘ

Để góp phần kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương cũng chuẩn bị ý kiến của mình. Để có ý kiến rộng rãi hơn, Ban đã mời hơn 50 đồng chí văn nghệ sĩ và đại biểu các cơ quan văn hóa văn nghệ, một số báo chí để tham khảo ý kiến. Qua sự phát biểu sôi nổi và tích cực của các đồng chí trong cuộc họp ngày 11, 12 tháng 10 năm 1988, kết hợp với ý kiến chuẩn bị của Ban Văn hóa văn nghệ, tôi xin nêu lên những ý kiến sau đây:

1 - Một nhận định bao trùm là giới văn hóa văn nghệ chờ đợi đổi mới, hết sức tán thành đổi mới, thấy được ý nghĩa sống còn của đổi mới đối với vận mệnh đất nước và tương lai của chủ nghĩa xã hội, đối với cuộc sống và hoạt động sáng tạo của chính mình. Chính vì hiểu đổi mới quan trọng và thiết thân như vậy, nên khi thấy xuất hiện những dao động, khó khăn trên con đường đổi mới thì nhiều anh chị em văn nghệ sĩ lo ngại, sợ phong trào đổi mới vừa khơi lên đã bị chặn lại. Tâm trạng lo ngại đang lan rộng hiện nay trong anh em là rất đáng quan tâm.

Trong quá trình đổi mới, xuất hiện không ít những ý kiến cơ hội chủ nghĩa, gây nhiễu tình hình. Có một số ý kiến cho rằng dường như một số sai sót trong hoạt động văn nghệ vừa qua đã cản trở đổi mới, phá hoại đổi mới. Nhiều đồng chí đã phê phán nhận định này. Tôi muốn nhấn mạnh thêm: Chúng ta phải kiên quyết khắc phục các sai sót đó, nhưng cần nhận thức cho rõ rằng lực cản chính đối với phong trào đổi mới hiện nay là khuynh hướng bảo thủ trì trệ. Trong các người bảo thủ, có nhiều người chân thành muốn đổi mới, nhưng bản thân quá quen thuộc với nếp tư duy cũ, với tâm lý đã hình thành bền vững, chưa vượt được bản thân, chưa quen được với nhiều điều mới, trong đó có nhiều người rất đáng kính trọng: Cũng có những người bị ràng buộc quá chặt với những lề thói cũ, với những lợi ích cá nhân, muốn đổi mới, nhưng lại hết sức khó chịu với những cái mới xuất hiện. Nhưng đặc biệt có hại cho sự nghiệp đổi mới là những người cơ hội chủ nghĩa. Những người cơ hội chủ nghĩa đang lợi dụng những tâm trạng của các người bảo thủ dùng nhiều thủ đoạn xấu xa để gây rối tình hình, mưu đồ lợi ích cá nhân, và thực hiện những tham vọng không tốt đẹp. Tất nhiên cũng có cả những người cơ hội, muốn dùng chiêu bài "đổi mới" để hỏi và làm những việc không hay.

2 - Muốn đánh giá đúng tình hình văn hóa văn nghệ trong hai năm qua, phải theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ.

Bình tĩnh xem xét, có thể nhận thấy đã có chuyển biến tích cực rất đáng trân trọng.

Nghệ sĩ ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước, với nhân dân. Hoạt động văn nghệ trở nên sôi động, hồ hởi, tâm huyết, đa dạng và phong phú hơn, bám sát cuộc sống, mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, đi sâu vào tâm tư, số phận từng con người, xúc động mọi người. Có điều đáng vui là nhân dân ta rất chờ đón văn nghệ, các đồng chí lãnh đạo cũng hết sức quan tâm đến văn nghệ. Khen hay chê cũng đều do quan tâm cả. Điều này là đáng phấn khởi, vì nó khác tình trạng thờ ơ đối với văn nghệ trước đó. Đó là dấu hiệu nói lên văn nghệ gắn bó với xã hội, được xã hội đón nhận như người bạn tâm tình của mình. Đây là nhân tố tích cực để thúc đẩy văn nghệ tiến lên trên con đường đổi mới. Về mặt lý luận, phê bình văn nghệ, cũng xuất hiện rõ xu thế dân chủ hóa: phê bình, lý luận, cũng gắn bó với đời sống, với công chúng. Công chúng quan tâm hơn tới lý luận, phê bình, lắng nghe ý kiến các nhà lý luận, phê bình. Phê bình, lý luận có tranh luận có đối thoại, không phải chỉ một chiều. Tuy trong từng bài còn có những từ, những ý chưa chỉnh, cực đoan, không đúng, nhưng nói chung cũng là có khởi sắc trong lý luận phê bình.

Theo hướng ấy, hoạt động văn nghệ có tác động tích cực đến đời sống xã hội, góp phần tạo ra không khí dân chủ trong xã hội, thức tỉnh lương tri và bồi dưỡng tính tích cực công dân cho mọi người. Đây cũng là trách nhiệm của văn nghệ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI.

Đi sâu hơn, chúng ta thấy đã xuất hiện ngày càng rõ nét những hiện tượng mới, tác phẩm mới, tác giả mới, phong cách mới, ngôn ngữ mới, hình thức hoạt động mới. Ngoài báo Văn nghệ ở trung ương, báo chí văn nghệ ở địa phương cũng có nhiều cái mới. Các nhà xuất bản cũng xuất bản nhiều tác phẩm mới. Đành rằng chưa có tác phẩm kiệt xuất, nhưng rõ ràng, văn nghệ đã có đổi mới, có thành tựu mới, gọi "khởi sắc" là rất đúng. Đây là mặt chủ yếu trong đời sống văn hóa văn nghệ, nét chủ yếu của diện mạo văn nghệ trong hai năm qua. Cần khẳng định và làm rõ hơn nữa nhận định này.

Có một cách nhận định là thừa nhận văn nghệ có khởi sắc, xong rồi kể ra la liệt các thứ khuyết điểm, lệch lạc, tô đậm thêm, đẩy những lệch lạc ấy đến mức nghiêm trọng "chết người" như là bôi đen, kích động, làm mất lòng tin, kêu gọi chống đối, nghĩa là dùng một loạt khái niệm đã quen dùng trước đây để "báo động", làm cho lãnh đạo và nhân dân lo lắng thêm về tình hình văn nghệ, nhận định như vậy là sai lạc hẳn diện mạo của văn nghệ trong quá trình đổi mới sau Đại hội VI và để đưa văn nghệ trở lại như cũ. Hoạt động văn hóa văn nghệ có thiếu sót, đương nhiên, nhưng mặt chủ yếu là có khởi sắc, lành mạnh, có triển vọng, là văn nghệ tích cực thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội VI và Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ.

Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng như Hội Nhà văn đều nhận định văn nghệ là lành mạnh có triển vọng tốt, như vậy nhận định bao quát phải là: tình hình chung là tốt, có khuyết điểm và những điểm chưa được chứ không phải là có đôi việc làm được, còn tình hình chung là xấu".

3 - Vậy văn nghệ có khuyết điểm, lệch lạc không?

Có những thiếu sót và lệch lạc thật. Nhưng cần phân tích cho sáng tỏ. Điều đáng chú ý là hiện nay đứng trước bất cứ hiện tượng nào mới xuất hiện cũng đều có ít nhất là hai cách đánh giá. Đó là sự phân cực ra hai loại ý kiến, xuất phát từ hai quan điểm đánh giá khác nhau. Sự đánh giá khác nhau về báo Văn nghệ là một trường hợp rất tiêu biểu.

Đúng là trong văn nghệ, trước hết là trong sáng tác và lý luận, phê bình, thời gian qua, có những khuyết điểm và lệch lạc. Nhưng không thể hồ đồ lấy tất cả những thiếu sót, lệch lạc khác nhau có ở bài này bài khác, người này người khác, cộng lại để đưa ra một bức tranh đen tối nhằm sổ toẹt tất cả những gì có được trong văn nghệ thời gian qua. Như vậy là bóp méo, xuyên tạc sự thật. Rất đáng chú ý là có loại ý kiến nhận xét là trong văn nghệ vừa qua lý luận phê bình thì lộn xộn, sáng tác văn chương thì suy thoái, chỉ mới có đóng góp về mặt báo chí, còn văn chương thì hạ cấp, xuất hiện nhiều hiện tượng có tính chất phá hoại nguy hiểm cho tình hình xã hội và đất nước. Loại ý kiến này phát hiện ở mọi chỗ, mọi nơi những hiện tượng thiếu lành mạnh, có tác động xấu đến tình hình chung của đất nước, như "phản dân tộc", "phủ định sạch trơn quá khứ", "đề cao mọi thứ văn nghệ không cách mạng", "gây nên hoài nghi" làm giảm thêm lòng tin vốn đang thiếu, cố ý kích động gây chống đối chế độ v.v...

Cần phải bác bỏ dứt khoát loại nhận định này. Vì loại nhận định này tất nhiên đưa đến yêu cầu trở lại như cũ, để đảm bảo "vững lập trường". Loại ý kiến này không thừa nhận đổi mới và tác động hù dọa vào những tâm trạng bảo thủ. Tác dụng khách quan là chống lại đổi mới. Cũng cần tiếp tục làm rõ cái gì thực sự là khuyết điểm, cái gì là lệch lạc. Có sự việc, chi tiết, tác phẩm, người này cho là lệch lạc; người kia lại cho là không phải, là có giá trị; người khác lại cho là cần tiếp tục thảo luận, phân tích thêm. Trong không khí dân chủ, theo tinh thần "tự do sáng tác đi đôi với tự do phê bình", theo ý tôi là cần lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau, tôn trọng ý kiến của nhiều người, nhưng cái khó, như nhiều đồng chí đã nói, là có khi ý kiến đa số không phải là chân lý.

Vừa qua, có một số vấn đề được đề cập, đã có ý kiến trao đổi, nhưng chưa thống nhất, chưa kết luận. Việc này cũng có mặt bình thường, nhưng có mặt thiếu nhạy bén, chậm trễ của công tác lý luận, phê bình, của công tác chỉ đạo. Muốn có sự uốn nắn và chỉ đạo cho đúng, phải phân tích được thực chất của khuyết điểm, lệch lạc, và sự phân tích này phải trên quan điểm đổi mới. Có ý kiến kêu gọi "uốn nắn", nhưng lại trên cơ sở những tiêu chuẩn và quan điểm cũ đã lỗi thời và cả những thể lệ, thói quen đã quá cũ để đề ra uốn nắn và như thế tất nhiên đi đến sự trở lại như cũ. Có loại ý kiến, nhân có sự "cần uốn nắn" thì lại cường điệu, nghiêm trọng hóa, và bịa thêm các thứ lệch lạc cần uốn nắn, làm sai lạc thực chất những điều cần uốn nắn. Loại ý kiến này có thể gây nên dư luận lo lắng, những điều không đáng lo lắng, đồng thời cũng là cái cớ cho khuynh hướng bảo thủ và cơ hội lợi dụng để công kích đổi mới, làm rối thêm tình hình. Uốn nắn các lệch lạc không phải tiến hành theo kiểu dạy bảo một chiều, răn đe, cấm đoán mà phải có lý lẽ thuyết phục và phải để những người bị phê bình được trình bày, được nói lại, nghĩa là phải uốn nắn theo phương pháp dân chủ. Phải thực hiện sự uốn nắn theo tinh thần công khai và có luật lệ đàng hoàng.

Tôi muốn lưu ý các vấn đề sau đây:

a) Quan hệ giữa chính trị và văn nghệ

Ngày nay ai cũng thừa nhận: đường lối chính trị quyết định sự thành bại của cách mạng, sự mất còn của đất nước. Văn nghệ cũng như các lĩnh vực khác đều phải hoạt động phù hợp với đường lối chính trị của Đảng, đội ngũ tiên phong đang lãnh đạo đất nước đi lên. Trên báo có bàn về vấn đề này là cốt làm cho rõ thêm, sáng thêm một số khía cạnh mà thôi. Nhiều đồng chí khẳng định: với tư cách là hai hình thái ý thức xã hội khác nhau, hai lĩnh vực hoạt động khác nhau, chính trị và văn nghệ thống nhất nhưng không đồng nhất. Để tránh nhầm lẫn, đồng chí Nguyễn Đình Thi cũng như nhiều đồng chí khác đề nghị không nên nói "văn nghệ phục vụ chính trị", mà nói: văn nghệ phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ chủ nghĩa xã hội. Trong thảo luận, cũng có ý kiến nói đến "bá quyền chính trị" và "bá quyền văn nghệ". Đây là một quan niệm sai, không thể chấp nhận được.

Cần phải khẳng định dứt khoát sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa văn nghệ cũng như đối với các lĩnh vực khác của công tác cách mạng. Mỗi xã hội đều phải có lực lượng lãnh đạo. Ở nước ta, lịch sử và tình hình hiện nay cũng xác định lực lượng lãnh đạo đó chỉ có thể là Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng như Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, cần phải đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo và quản lý văn hóa văn nghệ để phát huy tiềm năng sáng tạo, bảo đảm chính sách tự do sáng tác và tự do phê bình, tạo điều kiện cho văn hóa văn nghệ phát triển thuận lợi. Rõ ràng là có vấn đề phải đi sâu làm rõ thêm là Đảng lãnh đạo xã hội, lãnh đạo văn nghệ như thế nào và theo những quan điểm của một chủ nghĩa xã hội như thế nào?

b) Vấn đề phủ nhận thành tựu

Không ai phủ nhận thành tựu quá khứ cả. Tôi đã đọc kỹ các bài, không hề có ấn tượng này. Rõ ràng văn nghệ ta trong 40 năm qua đã được Đảng đánh giá cao và những giá trị của nó còn sờ sờ ra đó, không ai muốn phủ nhận và cũng không thể nào phủ nhận được. Nhưng cũng rất rõ ràng là văn nghệ trong 40 năm qua cũng có chỗ yếu kém, cũng có nhược điểm, khuyết điểm. Vậy, xem lại những yếu kém khuyết điểm là một việc cần thiết. Chỉ có tự phê bình, tự phê phán mới có thể có sự đổi mới. Tại sao lại có ý kiến báo động ầm lên rằng có sự phủ nhận thành tựu, phủ nhận sạch trơn, phủ nhận văn nghệ để phủ nhận cách mạng, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng? Đó là sự cố ý không đi vào thực chất của vấn đề, không phải là nhiệt huyết đòi đổi mới, mà là một sự cố ý không tốt đẹp. Trước yêu cầu lớn lao của đổi mới, các nhà văn, đặc biệt những nhà văn có tài, trung thực và còn sung sức, không kể thế hệ tuổi tác có những ý kiến xúc động, tự kiểm tra lại mình để đổi mới được mạnh hơn, tốt hơn. Đó là những cảm xúc đáng hoan nghênh. Nó không hề mảy may có tác dụng phủ định bất cứ cái gì. Tuy nhiên, ở đây cũng lại có sơ hở, như anh Nguyễn Minh Châu viết: "Lời ai điếu cho một thời kỳ văn học minh họa". Tôi nói đã là sơ hở về ngôn từ, sơ hở do xúc động. Nói tóm lại, không thể phủ nhận những thành tựu hiển nhiên đã có, và không có ai muốn phủ nhận những thành tựu trong đó có sự đóng góp của chính bản thân mình.

c) Vấn đề "hạ bệ thần tượng"

Có ý kiến buộc tội một số nhà văn muốn "hạ bệ thần tượng".

Tất nhiên, không được động chạm đến những tình cảm thiêng liêng của dân tộc, phải có thái độ tôn kính đối với các anh hùng dân tộc. Vi phạm nguyên tắc này, nhà văn nhất định sẽ bị nhân dân phê phán. Chúng ta hiểu được thái độ với Nguyễn Huy Thiệp về cách xây dựng nhân vật Quang Trung của anh trong truyện ngắn Phẩm tiết. Nhà văn cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm về trường hợp này. Nhưng không thể từ những chỗ non kém, từ chỗ chưa thành công của anh trong việc xây dựng một nhân vật văn học lấy nguyên mẫu từ một anh hùng dân tộc, để kết tội anh là "hạ bệ thần tượng", bôi nhọ anh hùng dân tộc. Tất cả những ai có thái độ khách quan, các nhà chuyên môn đọc kỹ tác phẩm đều dễ thống nhất như vậy. Và cần phải suy nghĩ thêm: tư duy của người mác-xit, của người cộng sản là tư duy khoa học, tư duy "tỉnh táo". Chúng ta tôn kính anh hùng dân tộc, tôn kính lãnh tụ cũng một cách khoa học và tỉnh táo như vậy. Niềm tin của chúng ta cũng là một niềm tin có cơ sở khoa học và có tính chất phê phán. Cho nên chúng ta tôn kính anh hùng dân tộc hay lãnh tụ, nhưng không xem anh hùng dân tộc hay lãnh tụ là thánh thần thiêng liêng, huyền bí. Nếu có hiện tượng bôi nhọ anh hùng dân tộc thì dứt khoát phải phê phán. Vừa qua ở một số nhà văn nghệ sĩ và trí thức, có thể nhận thấy thái độ muốn có một cái nhìn tỉnh táo đối với mọi sự việc, mọi giá trị. Điều này là tất nhiên, dễ hiểu và đáng khuyến khích trong hoàn cảnh đổi mới, không nên xem đây là khuynh hướng "hạ bệ thần tượng", phủ nhận các giá trị truyền thống chân chính của dân tộc.

d) Vấn đề địch lợi dụng

Địch đã và sẽ lợi dụng mọi cái để phá hoại ta. Ta đúng nó cũng phá, ta sai nó cũng phá. Nhà văn không thể coi thường hoạt động của địch. Nhưng không thể vì sợ địch lợi dụng mà không phê phán những hiện tượng tiêu cực. Ta chủ trương tự phê bình công khai: có đói, ăn cắp, hối lộ... ta nói có. Địch có thể lợi dụng. Nhưng chính nhờ phê phán công khai như vậy, nhân dân sẽ biết, sẽ tham gia chống tiêu cực, các hiện tượng tiêu cực sẽ được khắc phục, địch dẫu muốn lợi dụng cũng khó có kết quả.

Hoạt động văn nghệ vừa qua có thiếu sót, có những hiện tượng quá trớn (trang thơ nói về em Thanh, tranh cóc bắn vào mạng nhện v.v...). Nhưng những cái đó tác động vào xã hội như thế nào, có làm giảm sút niềm tin vào Đảng, kích động chống đối, làm lung lay chế độ không? Theo tôi là không. Ngược lại, văn nghệ đã nói lên tiếng nói của nhân dân, khiến cho nhân dân càng thêm tin vào Đảng, tin vào sự trong sáng và sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thử hỏi: nhân dân miền Nam đòi giải quyết vấn đề ruộng đất, nhân dân miền Bắc đói ăn... có phải tại văn nghệ kích động đâu?!

Đúng là tình hình video, "sách đen" có lộn xộn, cần chấn chỉnh, nhưng không phải trẻ em hư là chỉ tại có video và "sách đen"!

đ) Về tuần báo Văn nghệ

Thái độ phản ứng đối với ý kiến Ban Chấp hành Hội Nhà văn về báo Văn nghệ là một tiếng nói đáng quan tâm, không phải là một tiếng nói lẻ tẻ, mà là một tiếng nói khá rộng, cả ở trung ương và cơ sở, cần phải chú ý.

- Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội Nhà văn là Nghị quyết của Ban lãnh đạo một tổ chức, cần phải tôn trọng. Nhưng Hội Nhà văn là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức của những trí thức sáng tạo, mỗi nhà văn là một chủ thể sáng tạo có suy nghĩ riêng về mọi vấn đề. Ban Chấp hành cũng cần lắng nghe ý kiến của các hội viên để xử lý tiếp vấn đề tuần báo Văn nghệ cho tốt.

 - Báo Văn nghệ là của Hội Nhà văn nhưng cũng là của xã hội, của công chúng, xã hội và công chúng có quyền đánh giá, nhận xét và nó căn cứ vào giá trị các bài viết trên báo, về tác dụng của báo đối với xã hội.

- Báo Văn nghệ tuy có khuyết điểm nhưng là một dấu hiệu rõ rệt sự đổi mới của văn nghệ và của xã hội nữa, như nhiều đồng chí đã nhận xét trong hội nghị này, cũng như trong hội nghị các tổng biên tập báo và tạp chí văn hóa văn nghệ gần đây. Kết án một dấu hiệu đổi mới thì là thúc đẩy đổi mới hay kìm hãm đổi mới? Hội Nhà văn đã xác định phải nâng cao chất lượng báo Văn nghệ theo hướng đổi mới chứ không phải kết tội, lên án những đóng góp tích cực vào đổi mới đã có của báo Văn nghệ. Điều đó hết sức chính xác và cần thiết.

Tóm lại, hoạt động văn nghệ vừa qua có lệch lạc, có quá trớn, chứ không phải kích động chống lãnh đạo, làm giảm niềm tin nhân dân đối với Đảng.

Thành tựu của văn nghệ vẫn là chủ yếu. Thiếu sót, lệch lạc là những hiện tượng khó tránh khỏi trong khi đổi mới. Đó là những hiện tượng cần khắc phục. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là: những thiếu sót, những lệch lạc trong văn nghệ vừa qua có ảnh hưởng đến kết quả đổi mới, nhưng lực cản trở đổi mới hiện nay là những ý kiến bảo thủ trì trệ và nhất là biểu hiện cơ hội chủ nghĩa cả cơ hội bảo thủ cũng như cơ hội ra điều đổi mới. Điều chủ yếu vẫn là quyết tâm thúc đẩy và tiếp tục đổi mới, ủng hộ những nhân tố mới, bình tĩnh để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới.

Trong tình hình mới, nhiều vấn đề mới nảy sinh, có những ý kiến khác nhau là lẽ thường. Nhưng trong nội bộ, anh chị em văn nghệ sĩ cũng có một số hiện tượng mất đoàn kết. Như vậy, ta càng cần bình tĩnh khách quan tìm hiểu ý kiến của nhau, tránh nóng nảy, tránh định kiến thì mới tránh được sự khoét sâu thêm tình hình mất đoàn kết. Chúng ta tin rằng với tình hình đổi mới và dân chủ, các đại hội của các hội sắp tới sẽ góp phần giải quyết các vấn đề tốt hơn.

Phải cùng nhau khắc phục những non kém, những chuệch choạc, lệch lạc, khuyết điểm để tiếp tục đổi mới tốt hơn. Ai ai (đảng viên cũng như không đảng) đều có trách nhiệm đối với đất nước, đều cần tự đổi mới, có thể tự đổi mới. Việc đổi mới không phải của riêng ai hay một số người nào. Việc khắc phục những khuyết điểm cũng không phải của một số người nào đó tự cho mình có quyền uốn nắn dạy bảo người khác là những người đổi mới có chút khuyết điểm, còn những người đó tự mình không có gì chứng minh với xã hội là góp phần đổi mới như thế nào.

Tóm lại: Văn nghệ cần tiếp tục đổi mới.

 

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 46 (12-11-1988)

Mục lục

7-3-10