ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 30 (29-7-1995)

 

 

 

ĐỪNG CÔNG NGHỆ HÓA VĂN CHƯƠNG

TRẦN MẠNH HẢO

Báo Tiền phong thứ năm, số 28 ra ngày 6-7-1995 có in bài của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn với nhan đề Làm thế nào để văn chương nước ta hội nhập với thế giới và một nhan đề phụ khá hấp dẫn: "Không còn là thứ hàng nội địa", khiến chúng tôi khấp khểnh mừng thầm. Rằng, Vương Trí Nhàn bằng nhiệt tâm rất hiện đại, rất công nghiệp hóa, rất quốc tế hóa của mình đã toan làm ngòi nổi cho quả pháo thăng thiên văn học Việt Nam bay lên và bay ra thế giới. Rằng, Việt Nam đã xuất khẩu gạo, dầu hỏa, sao lại không nghĩ đến quy trình xuất khẩu văn chương để lấy ngoại tệ về cho nhà văn và cho đất nước? Chúng tôi trân trọng, chia sẻ với niềm tâm huyết ấy và sự sốt ruột của ông Vương Trí Nhàn, với món hàng văn chương nội địa đang như một con rùa trong quá trình tên lửa của sự hội nhập kinh tế thế giới. Nhất là từ đầu tháng 7 năm nay, nước ta đã trở thành thành viên thứ bảy của khối ASEAN, thì sự đặt vấn đề hội nhập văn chương của ông Vương Trí Nhàn quả là khá nhạy bén về tính thời sự chính trị của vấn đề.

Nói hội nhập kinh tế Việt Nam vào kinh tế khu vực và thế giới quả tình là thành khẩu hiệu hành động, thành cương lĩnh của chúng ta. Nhưng đặt vấn đề hội nhập văn chương Việt Nam vào văn chương khu vực và thế giới thì còn cần phải bàn cái đã. Mặc dù, mỗi chúng ta ý thức được rằng, khi một tác phẩm nào đó được dịch ra tiếng nước ngoài và được hoan nghênh, khen ngợi, thì vinh quang đó không chỉ còn là vinh quang của nền văn học. Ai chẳng muốn thế giới nhìn Việt Nam bằng con mắt thán phục, không chỉ vì khả năng xuất khẩu gạo thuộc hàng thứ ba trên thế giới, mà còn vì chúng ta sẽ là một cường quốc xuất khẩu tiểu thuyết, xuất khẩu thơ ca và xuất khẩu cả lý luận phê bình văn học nữa theo sự đề xuất của Vương Trí Nhàn. Nhưng muốn là một chuyện và làm lại là chuyện khác. Bởi vì, một điều quá đơn giản là gạo, dầu lửa là sản phẩm chung của mọi dân tộc nên nó không phải phiên dịch. Nhưng văn chương muốn xuất khẩu phải qua quy trình quá nhiêu khê, rắc rối của nghệ thuật dịch. Văn học là vấn đề của tâm hồn một dân tộc. Người ta có thể dễ dàng dịch tiếng nói nước này qua nước khác. Nhưng khó vô cùng nếu phải phiên dịch tâm hồn dân tộc này ra tâm hồn một dân tộc khác. Mỗi dân tộc có một tài sản quý giá vô cùng là ngôn ngữ của dân tộc ấy. Mà muốn nói đến văn chương là nghệ thuật của tâm hồn con người, tất nhiên phải nói đến ngôn ngữ khu biệt của từng dân tộc. Mỗi dân tộc chỉ có thể đóng góp cho nhân loại bằng chính cái độc đáo rất riêng biệt của mình vậy. Do đó, về bản chất, việc hội nhập kinh tế và hội nhập văn chương vào thế giới là hai vấn đề rất khác nhau. Ở chỗ này, có lẽ do nhiệt tình nóng vội hay do tự ti mặc cảm trước văn chương thế giới quá, Vương Trí Nhàn đã khá đơn giản và khá thô thiển khi toan biến văn chương thành công nghệ sản xuất như một mặt hàng xuất khẩu thuần túy vật chất.

Chúng ta hãy xem Vương Trí Nhàn viết: "Tôi xin phép trình bày rõ cái điều theo tôi nó là lý do làm nên sự tịch mịch nói trên: nếu ví von một cách thô thiển, xem văn học cũng là một ngành sản xuất, thì rõ ràng là văn học ta vẫn quanh quẩn trong khu vực sản xuất hàng nội địa, chứ chưa toan tính làm những thứ hàng xuất khẩu. Nói chung, ta vẫn đang "sản xuất" văn chương theo những quy trình công nghệ cũ kỹ, chứ chưa theo kịp quy trình tiên tiến của thế giới...".

Quả tình, bằng những tiêu chí công nghiệp hóa, tự động hóa, dây chuyền hóa chính xác, ông Vương chừng như đã trở thành nhà phát minh kinh hãi nhất sáng tạo ra những thuật ngữ văn học mang đầy tính công xã này. Chưa ai dám đặt tên cho văn học Việt Nam là "khu vực sản xuất hàng nội địa", rồi đánh giá chất lượng của nó bằng thứ văn chương xuất khẩu như nhà lý luận phê bình văn học tiên phong này. Rằng với văn học, thế nào là "những quy trình công nghệ cũ kỹ" và thế nào là "quy trình tiên tiến của thế giới" thì ông Vương Trí Nhàn không hề giải thích. Chả lẽ ở nước ngoài có những công xưởng viết văn chăng? Hay chúng ta còn sáng tác văn học theo "quy trình công nghệ cũ kỹ", vì chúng ta chưa có những nền thơ được công nghệ hóa bằng robot? Chúng tôi lấy làm tiếc, một người viết phê bình văn học gần 30 năm nay như ông Vương Trí Nhàn, sao lại quá lầm lẫn công nghệ nuôi gà công nghiệp và công việc viết văn? Nếu cứ thô thiển hóa mà gọi nghề viết văn là "quy trình sản xuất" đi, thì về bản chất nó khác xa với quy trình sản xuất hàng hóa khác. Bởi nó là nghệ thuật sáng tạo trong nỗi cô đơn, trong cảm xúc, trong trạng thái nhập thần hết sức cá nhân, hết sức đơn lẻ và mỏng manh của những cảm quan thiên giới, của cõi phiêu du và mơ mộng của tâm linh con người. Toan tính công nghệ hóa tâm hồn con người như thế, hóa ra ông Vương Trí Nhàn lại không nắm được bản chất văn chương ư? Hay là khi nói đến "quy trình sản xuất văn chương" ông Vương đã quên béng khâu quan trọng nhất là nhà văn - kẻ vượt cạn một mình để viết ra tác phẩm, để chỉ chú ý đến phương tiện dùng để viết như viết bằng bút trên giấy như từ nghìn xưa đến nay thì là "công nghệ cũ kỹ" rồi, còn viết trên máy vi tính mới gọi là "quy trình tiên tiến của thế giới"? Hay ông Vương lầm lẫn "quy trình sản xuất văn chương" ra chỉ ở khâu lưu thông phân phối, nghĩa là công việc in và phát hành? Chịu. Có thể vì chúng tôi ít được ra nước ngoài nên không thấy được "quy trình viết văn tiên tiến của thế giới" như ông Vương chăng? Mặc dù theo ông, thì có lẽ chúng tôi có thể cũng được xếp vào hàng thợ viết tiên tiến cỡ thế giới, vì chúng tôi cũng đang lụy cái máy vi tính cũ kỹ 386 mà cho ra những dòng này?

Đưa ra khái niệm "công nghệ viết văn cũ kỹ" và "công nghệ viết văn tiên tiến của thế giới" để hù dọa nhà văn Việt Nam, hay ông Vương muốn rung chuông báo động về sự lạc hậu của kinh tế và văn học của chúng ta trước khu vực và thế giới? Ở chỗ này, ông Vương đã khá lầm lẫn khi đi theo một công thức: một đất nước có một nền kinh tế tiên tiến, cũng có nghĩa là sẽ có một nền văn học tiên tiến (!) Hãy nhìn năm con rồng châu Á ở quanh ta đang thăng tiến vượt bậc về kinh tế và kỹ thuật, nhưng nền văn học của các nước này liệu có tỷ lệ thuận với nền kinh tế phát triển của họ chăng? Đối với văn học thế giới, chừng như nền văn học của năm con rồng châu Á kia trong 50 năm qua, cũng chẳng có gì hơn nền văn học hiện đại của chúng ta mà ông Vương cho là đang quá "tịch mịch", trừ trường hợp Kim Dung của văn học Hồng Kông. Châu Âu trong 30 năm qua quá tiên tiến về kỹ thuật, quá phát triển về kinh tế, song văn học thì quả là "tịch mịch". Trong khi châu Mỹ Latinh trong 30 năm qua nằm trong khu vực thế giới thứ ba, là các nước chậm và đang phát triển, lại có nền văn học "hiện thực huyền ảo" khiến thế giới phải kinh ngạc. Do đó, lấy kinh tế, lấy kỹ thuật làm tiền đề, làm cơ sở cho sự phát triển văn học, văn hóa là sự ngộ nhận đáng tiếc. Với hạ tầng cơ sở còn lạc hậu và chậm tiến như thời cổ Hy Lạp, như thời bách gia chu tử của Trung Hoa cổ đại, làm sao hai dân tộc này lại tạo ra thời đại có một không hai về sự phát triển tột bực của tư tưởng, của văn hóa, của văn học rực rỡ đến thế? Chúng ta hãy xem ông Vương Trí Nhàn viết tiếp: "Các nhà Nho xưa chỉ làm thơ viết truyện theo lối chép tay đưa cho nhau đọc đấy là một loạt quy trình, quy trình sản xuất văn chương thời trung cổ. Còn với các nhà văn từ hồi chữ quốc ngữ được phổ biến, các nhà văn sống và viết trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX lại có một quy trình khác hẳn: viết theo đơn đặt hàng của thị trường, viết xong mang bán cho các tờ báo, các nhà xuất bản. Đến cụ Tản Đà thấm nhuần chất văn chương tài tử Hán học là thế, ngông nghênh là thế, cũng phải sản xuất văn chương theo lối com-măng, rồi "mang thơ bán phố phường", mở đường cho các thi sĩ chọn nghề làm thơ để kiếm sống như Xuân Diệu, như Nguyễn Bính thời sau...".

Ở đây cần phải công nhận một sự phát hiện khá lý thú của ông Vương Trí Nhàn, mặc dù là sự phát hiện đã quá cũ: phương thức sản xuất thị trường theo kiểu tư bản của com-măng rõ ràng là tiến bộ hơn phương thức tự cung tự cấp thời phong kiến. Nhưng trong lĩnh vực văn học thì không hẳn như vậy. Bởi vì ông chê các nhà nho xưa của Trung Quốc cũng như của Việt Nam là "phương thức sản xuất văn chương quá cũ kỹ", "quy trình sản xuất văn chương thời trung cổ", theo phương thức do ông đặt tên là "làm thơ viết truyện theo lối chép tay đưa cho nhau đọc". Các nhà văn thời nay của thế giới công nghệ văn chương tiên tiến của ông Vương Trí Nhàn, mặc dù được các nhà máy in hiện đại hỗ trợ, lại được phương pháp phát hành thị trường quảng bá, về bản chất, cũng chẳng khác gì sự sáng tạo văn học của người xưa, nghĩa là cũng vẫn "làm thơ viết truyện theo lối chép tay đưa cho nhau đọc". Nghệ thuật viết, dù bằng máy vi tính thì không là quá trình "chép tay" thì còn là gì nữa? Rồi cái công đoạn "đưa cho nhau đọc", dù đưa theo kiểu Phạm Quý Thích đưa bản duy nhất của Truyện Kiều cho bạn ông in khắc gỗ, hay cách làm của in ấn phát hành hiện nay, chỉ khác nhau về công cụ để truyền bá, chứ về thực chất có gì khác nhau mà ông Vương dám chê cổ nhân là lạc hậu, là trung cổ? Sự lầm lẫn giữa phương tiện và mục đích, giữa cứu cánh và phương pháp đã dẫn ông Vương đi từ ngộ nhận này đến ngộ nhận khác, khi ông đặt ra vấn đề quy trình cũ, mới của công nghệ sản xuất văn chương. Quy trình ấy dù đi từ công đoạn đầu tiên đến công đoạn cuối cùng, vai trò chủ chốt vẫn là cá nhân người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm có tài năng hay không tài năng, chứ không hề phụ thuộc vào công cụ phổ biến thô sơ hay hiện đại như ông Vương lầm tưởng. Có thể nghiên mực, bút lông, giấy bản, hoặc thanh trúc, mảnh lụa của Khuất Nguyên khi ngồi viết Ly Tao, khi Nguyễn Du ngồi trước tác Truyện Kiều là tối cổ, là trung cổ như ông Vương Trí Nhàn đã nói. Nhưng cái tâm thức, cái thiên tài của hai đại gia kia là cái cốt lõi làm nên hai tuyệt tác của hai dân tộc thì quả là không hề trung cổ, không hề lạc hậu cũ kỹ như ông Vương lầm tưởng. Ngày nay, dù có nhập cảng công nghệ viết văn robot tiên tiến nhất của phương Tây đi nữa, dân tộc chúng ta dễ gì đã vượt ra khỏi cái bóng tâm linh diệu vợi của Tố Như? Việc cho chung vào một rọ chủ thể sáng tạo là nhà nghệ sĩ sáng tác cùng với những công cụ, phương tiện khi ngồi viết và sau khi tác phẩm hoàn thành, rồi gắn cho nó một nhãn hiệu đơn giản, dung tục là "quy trình sản xuất văn chương", để từ đó phân ra quy trình này lạc hậu, quy trình kia tiên tiến là điều quá ấu trĩ của nhà phê bình văn học họ Vương vậy.

Việc ông Vương cho rằng Tản Đà, Xuân Diệu, Nguyễn Bính là "các thi sĩ chọn nghề làm thơ để kiếm sống" là điều không đúng với sự thật. Tản Đà sống bằng nghề làm báo, làm xuất bản, thậm chí có lúc cụ đã hành nghề thầy bói, hoặc nhờ các Mạnh Thường Quân bao bọc, như chủ báo Diệp Văn Kỳ ở Sài Gòn từng biếu cụ năm trăm đồng Đông Dương, chứ cụ có sống bằng nghề làm thơ bao giờ. Xuân Diệu và Nguyễn Bính cũng thế. Một người làm công chức nhà đoan Tây, một người sống lây lất quanh các tờ báo và nhờ bạn bè tốt bụng, đến nỗi phải dặn con: "Kiếp sau xin chớ làm thi sĩ / Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con". Vương Trí Nhàn đã đánh giá quá cao kỹ nghệ hàng hóa hóa văn chương đến nỗi ông đã viết: "Nếu so sánh vẻ tấp nập cái hối hả sôi nổi của văn chương Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX với văn chương các thế kỷ trước, thì có thể không ngần ngại gì mà khẳng định rằng mỗi lần thay đổi quy trình sản xuất là y như văn học có đột biến". Nghĩa là theo ông Vương, từ quy trình sản xuất văn chương kiểu bút lông qua bút sắt, văn học Việt Nam đã phát triển đột biến, đã mới mẻ, hay ho hơn cái "quy trình sản xuất văn chương thời trung cổ". Nói quy trình sản xuất quyết định nền văn học là không biện chứng vì nó bỏ qua yếu tố con người. Về văn hóa, văn minh, dân tộc chuyển từ bút lông qua bút sắt quả là một sự tiến bộ vượt bực của lịch sử, nhưng để xét nó trên bình diện văn học thì chưa chắc. Bởi vì, dù nền văn học trước năm 1945 với Tự lực văn đoàn Thơ Mới, theo ông Vương là "đột biến", là "hối hả và sôi nổi", thì thử hỏi có cây bút nào có thể dùng để so sánh, để đứng bên cạnh những tên tuổi vĩ đại của quá khứ, những đại biểu của "quy trình sản xuất văn chương thời trung cổ" như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khuyến, Tú Xương...?

Lấy phương cách hướng ngoại làm lối thoát duy nhất cho văn học hiện đại Việt Nam, Vương Trí Nhàn chê bai văn học ta "coi văn chương chỉ là thứ hàng nội địa". Nói như thế khác nào bảo tiếng Việt chỉ là thứ hàng nội địa, vì hì hục băn khoăn mãi để tìm cách xuất khẩu văn chương ra nước ngoài, cũng có khác gì quý vị toan xuất khẩu tiếng Việt, xuất khẩu ánh trăng và gió Việt Nam ra thế giới? Nhà văn Việt Nam dùng tiếng mẹ đẻ viết nên tác phẩm cốt để nhân dân mình đọc, chứ nào phải cứ ngồi xuống bàn là cắm cổ viết, cốt để được dịch ra tiếng nước ngoài như ông Vương Trí Nhàn khuyến khích: "Với tư cách người sản xuất, các nhà văn Việt Nam phải quan tâm mổ xẻ hiện tượng này, xem viết như thế nào thì họ sẽ dịch...". Ơ hay, sao lại xúi nhà văn trước khi viết, hãy họp lại với nhau, làm các cuộc hội thảo lớn nhỏ, bàn xem là chúng ta phải viết như thế nào cho đúng "gu", đúng đơn đặt hàng, đúng khẩu vị của mấy ông Tây bà đầm để mới đạt được vinh dự là được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp? Đánh giá văn học Việt Nam giá trị hay không giá trị ở chỗ có được nước ngoài dịch hay không là một sự đánh giá khá phiến diện, thậm chí sai lầm của Vương Trí Nhàn. Chúng tôi không hề vơ đũa cả nắm để cho rằng người nước ngoài muốn giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới đều với một ý đồ phi văn học như trường hợp ông lái buôn người Úc - Frank Palmos, kẻ không hề biết tiếng Việt, đã gần như tước đoạt bản dịch của người khác, để viết thêm vào, sửa chữa, cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh thành cuốn The Sorrow of war rồi đem cho nhà xuất bản Secker And Warner bên Anh quốc phát hành. Theo bà Phan Thanh Hảo khi trả lời phỏng vấn đài BBC, cuốn sách của Bảo Ninh khi qua tay phù thủy, đã trở thành một cuốn sách khác cơ bản với nguyên bản. Như vậy, tờ báo Independent quả thực đã trao giải thưởng cho một cuốn sách khác mang nhãn hiệu Bảo Ninh vậy. Những trường hợp như thế này, liệu nền văn học Việt Nam khi được dịch ra thế giới, phỏng có thêm được niềm vinh dự nào chăng?

Lấy ngoại để dìm nội, lấy thế giới để cổ lỗ hóa nền văn học hiện đại Việt Nam, Vương Trí Nhàn viết tiếp: "Sự năng động trong hoạt động của nhiều ngành nghề trong xã hội hiện nay đã bắt đầu bằng việc hội nhập và làm tốt như người". Điều này có thể chỉ đúng với kinh tế và các ngành khoa học tự nhiên, chứ với các ngành trong khoa học nhân văn, nhất là trong văn học thì việc hội nhập, việc bắt chước để "làm tốt như người" như ông Vương chỉ dẫn có nhiều điều không ổn. "Phải làm tốt như người" như lời ông Vương khuyên ư? Thế thì văn học chúng ta từ trước tới giờ chưa "làm tốt", hay chỉ mới biết làm xấu và làm dở thôi ư? Nói như thế, hóa ra, hàng trăm nhà văn miền Nam Việt Nam di tản 20 năm nay, từng sống ở trung tâm kinh tế, kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới là châu Âu và Bắc Mỹ, hẳn đều đã làm tốt, đều gặt hái được các giải thưởng văn học lớn trên thế giới, kể cả giải Nobel? Trong khi đó, theo nhiều nhà văn tên tuổi người Việt di tản như Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến, Du Tử Lê... từng trả lời trên đài RFI, đài BBC rằng 20 năm qua, văn học Việt Nam di tản quá đìu hiu, không có được những tác phẩm giá trị. Và họ đều cho là văn học quốc nội đang khởi sắc, đang có nhiều tác giả và tác phẩm thành công, gây được tiếng vang cả trong lẫn ngoài. Chỉ có nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn trong nước đánh giá văn học Việt Nam hiện đại là "văn chương chúng ta ngoài một ít chuyện nhộn nhạo vặt vãnh, căn bản vẫn có cái vẻ tịch mịch chậm rãi như mấy chục năm nay...". Thật là nghịch lý thay cho một đầu óc vọng ngoại quá quắt như ông Vương Trí Nhàn! Cứ đà này, người Việt Nam muốn có những tác phẩm văn học làm thế giới bổ ngửa, cần phải học tiếng Anh sao cho mỗi nhà văn viết ra khỏi phải dịch, cứ đưa sang bên Mỹ là OK. Chúng tôi chia sẻ với ông Vương ở nỗi lo là các nhà văn Việt Nam hiện nay ít có người thông thạo tiếng nước ngoài, ít có dịp tiếp xúc với thế giới nên phần nào ảnh hưởng đến cái nhìn toàn diện của bản thân. Song, điều đó không phải là một trong những yếu tố quyết định thành bại của cả nền văn học như ông Vương lầm tưởng. Có một số quý vị do biết qua loa được một vài sinh ngữ, đã hô hào lấy tiếng nước ngoài làm cứu cánh giải thoát cho dân tộc cả về văn hóa lẫn kinh tế. Quý vị ấy suốt 20 năm nay đang ra sức phấn đấu nằm mơ bằng tiếng nước ngoài, cốt để cảm được những hồn thơ các dân tộc ấy, mà dùng lý trí không sao tới được. Xin đừng bắt cả nền văn học Việt Nam cũng phải tư duy, phải nằm mơ bằng tiếng nước ngoài như quý vị vong ngữ, vong hồn kia!

Nói tóm lại, với một bài báo quá ngắn, nhưng Vương Trí Nhàn đã bộc lộ khá nhiều điều phiến diện, chủ quan, thậm chí ấu trĩ về bản chất văn học, về công việc sáng tạo của nhà văn, về phương diện và mục đích của văn học, về sự hướng ngoại mù quáng và óc tự ti dân tộc, coi thường văn học trong nước, lấy văn học bên ngoài làm tiêu chí, làm hướng đi cho văn học Việt Nam. Lần đầu tiên, có một nhà lý luận phê bình văn học khá nổi tiếng như Vương Trí Nhàn, đã quá liều mạng biến một nghệ thuật vi diệu, tinh tế của tâm hồn con người là văn chương thành xưởng máy, thành công nghệ hàng loạt theo "quy trình sản xuất văn chương", lại còn chia ra bên này là "quy trình công nghệ cũ kỹ", bên kia là "quy trình công nghệ tiên tiến" một cách cụ thể theo kiểu bút lông và bút sắt, viết bằng máy vi tính hay bằng ngón tay cầm bút cổ lỗ nghìn đời. Vương Trí Nhàn còn cho rằng, chỉ có thị trường hóa, hàng hóa hóa văn chương, theo kiểu hội họa vẫn được mời ra thế giới triển lãm, mới giúp văn chương Việt Nam hội nhập vào văn chương thế giới. Những dân tộc có nền văn học lớn như Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc... lại chủ trương hội nhập văn học thế giới vào nền văn học của nước họ, chứ không tìm cách quăng văn học của họ ra thế giới vô định này để thui thủi, tẽn tò đưa tình liếc mắt, bắt tay bắt chân với những nền văn học xa lạ như ông Vương đang cổ võ. Chỉ xin khuyên ông Vương Trí Nhàn hãy nhìn sang Nhật Bản và một số nước khác, để thấy một kinh nghiệm cốt tử rằng, kinh tế càng hướng ngoại bao nhiêu thì văn hóa càng phải hướng nội bấy nhiêu để cân bằng, nếu như không muốn đánh mất bản sắc dân tộc. Văn học chúng ta đang là một trong những mũi nhọn của văn hóa dân tộc, kể ra tìm cách hướng ngoại để chúng ta trở về hướng nội hơn nữa. Nó quả là mặt hàng nội địa thứ thiệt, một sản phẩm nội hóa của tiếng Việt, của tâm hồn Việt, chứ nào phải là một mặt hàng xuất khẩu như nhà phê bình văn học họ Vương chủ trương. Với lại, trong bản chất của mình, văn chương cao quý, thiêng liêng không phải là một món hàng tươi sống hoặc thiu thối trong tay bọn con buôn. Qua bài viết ngắn như một tuyên ngôn về nền văn học hướng ngoại của mình, cho phép tôi được quyền nghi ngờ khả năng nhận thức, trình độ và tư duy năng động của một trong những ngọn cờ đổi mới phê bình lý luận văn chương là ông Vương Trí Nhàn. Qua đây, chúng tôi mới hiểu hành động tự rút lui ra khỏi Hội đồng Lý luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam của ông Vương Trí Nhàn quả là quá sức sáng suốt...

 

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 30 (29-7-1995)

 

12-12-10