VĂN HỒNG Trước nhà tôi là con đường đi về của học sinh một trường cơ sở. Các em học sinh trên dưới mười tuổi đã phì phèo thuốc lá, chửi thề nói tục, đánh nhau. Nhiều lần có người lớn chứng kiến nhưng các bậc phụ huynh cứ dửng dưng. Đôi khi ai có lời khuyên can các em thì họ bảo "Mặc kệ chúng nó!" hoặc "Chúng nó bây giờ thế cả!". Tôi không tin "chúng nó bây giờ thế cả". Có lẽ các em nói chung vẫn ngoan, vẫn tốt. Số hạnh kiểm kém không nhiều. Vả chăng ngay cả số có những thói quen xấu như trên thì cũng không phải là hư hỏng, không phải là không giáo dục được. Vậy tại sao lại "mặc kệ chúng nó". Nghe nói nhiều trường hợp kẻ cắp móc ví, rạch túi, có người thấy nhưng làm ngơ "mặc kệ nó" vì sợ trả thù. Điều đó còn có thể hiểu được. Còn đây là mấy cô, cậu học trò nghịch ngợm đấy, nhưng làm gì được ai mà các bậc phụ huynh lại sợ, lại trách một thái độ trách nhiệm. Chẳng qua cái thói quen thờ ơ, dửng dưng trước cái xấu đã nhiễm độc vào chúng ta!
***
Một người quen tôi làm nghề thầy giáo. Đồng lương không đủ sống nên phải mở thêm quán nhỏ bán trà lá, kẹo, bánh... Anh bảo: Nhờ cái quán mà có đồng ra đồng vào, yên tâm dạy dỗ học trò. Có một lần tôi thấy một em học sinh gái vào quán, tay chìa ra, tay nắm chặt, vẻ mặt sượng sùng nói lí nhí: "Thầy cho em xin tí lửa!". "Đây em!". Thầy giáo mỉm cười độ lượng đưa chiếc đóm cho học sinh. Em học sinh mở bàn tay lấy điếu thuốc lá châm lửa hút. Hết ngượng, mặt em học sinh trở lại bình thường, hơi phớt đời, còn thầy giáo cười, một nụ cười thật khó hiểu! "Em còn ít tuổi chưa nên, không nên hút thuốc lá!", tôi nói vậy rồi bỏ đi. Có thể những điếu thuốc lá các em ngày ngày kéo qua cửa nhà tôi phì phèo trên môi là mua ở đây. Còn tiền các em lấy ở đâu? Có ông bố, bà mẹ nào đó đã lấy tiền từ đồng lương ít ỏi của mình cho con hút thuốc! Hay là tiền từ những nguồn thu nhập bất chính của gia đình mà con cái đã có phần đóng góp. Tháng 7 năm 1987 vừa rồi, công an phường tôi ở cho biết số vụ mất cắp trong khu tập thể đã bằng cả sáu tháng đầu năm. Nhiều vụ tội phạm là vị thành niên. Có trường hợp khi bị đuổi bắt, một em đã nhảy từ tầng tư xuống, chết luôn. Từ điếu thuốc, chén trà, cốc cà phê... lúc đầu các em muốn nếm thử, muốn tỏ ra mình là người từng trải, dần dần trở thành thói quen tiêu xài rồi dẫn đến con đường tội lỗi thật chẳng bao xa! Còn anh giáo viên kiêm chủ quán quen biết, vì đồng tiền, anh đã chiều, đã phỉnh nịnh thói hư tật xấu của học sinh. Anh không còn là những người thờ ơ dửng dưng nữa! Anh đã là đồng lõa.
***
Nói cho công bằng thì mở quán trà lá với anh giáo viên là thế bất đắc dĩ. Quán của anh cũng chỉ bán mấy thứ lặt vặt mà những người xung quanh có nhu cầu. Lẽ ra anh nên treo một tấm biển đề: "Không bán thuốc lá cho những người dưới 15 tuổi". Nếu gặp em học sinh nào đó xin châm thuốc thì anh có lời khuyên can. Vậy là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên nhiều quán trà lá các trục giao thông, ven các công trường xây dựng... lại là tụ điểm của bọn buôn lậu, cờ bạc. Rượu "cuốc lủi", xi măng, sắt thép, xăng dầu... muốn gì có nấy. Mà không có cái gì qua được mắt trẻ con. Vì vậy về phương diện đạo đức một cái quán xấu có thể đánh bạt ảnh hưởng tốt của nhiều quán sách. Đó là nói về loại sách có ích. Còn thị trường sách hiện nay? Trên báo Văn nghệ đã có nhiều ý kiến xác đáng. Cũng cần nói thêm: Các loại truyện cổ, truyện phiêu lưu, tình báo... vốn hợp với thị hiếu của lớp trẻ. Nhiều tác phẩm văn nghệ thiếu nhi nổi tiếng trên thế giới là thuộc các thể loại này. Tuy nhiên, tác phẩm tốt, hay không nhiều. Vì vậy không nên lạm phát. Tôi có cảm giác hiện nay lớp trẻ ở một số thành phố đang bị những kích thích quá ngưỡng. Trên sách của các nhà xuất bản, trên các tuần báo, trên màn ảnh, trên các băng từ... là những hình ảnh đuổi bắt, đâm chém, lừa gạt... Đó là chưa nói đến những bộ phim "video đen" nội dung phản động và đồi trụy đang được chiếu nửa công khai, nửa lén lút tràn lan ở nhiều thành phố và thị xã.
***
Ở nước ta việc giáo dục thiếu nhi là trách nhiệm và sự nghiệp của toàn dân đồng thời cũng đã được giao cho một số cơ quan có tính chất chuyên trách như Đoàn Thanh niên, Bộ Giáo dục... Nội dung cũng như các đường lối, chủ trương nói chung là đúng đắn nhưng kết quả còn rất hạn chế. Có nhiều lý do nhưng có thể có hai nguyên nhân chính: Một là những tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội - tâm lý - tư tưởng nhất là tâm lý ích kỷ, vụ lợi và lối sống hai mặt, cơ hội, đạo đức giả đang lan tràn hiện nay đã ảnh hưởng xấu, làm xói mòn niềm tin của lớp trẻ. Vì vậy chúng ta phải tích cực hưởng ứng "Những việc cần làm ngay" dấy lên một phong trào rộng lớn chống tiêu cực, lên án lối sống hưởng lạc sa đọa... đề cao những tấm gương cần - kiệm - liêm - chính, sống theo hiến pháp, làm theo pháp luật. Đó chính là ngọn gió lành xua tan những ô nhiễm đang đầu độc lớp trẻ. Hai là ta có nhiều chủ trương hay nhưng thiếu biện pháp cụ thể. Vì vậy đi đôi với những chủ trương, các ngành, các cấp cần đề ra những biện pháp cụ thể. Chẳng hạn chủ trương "Mỗi giáo viên là một tấm gương sáng" phải đi đôi với những biện pháp bảo đảm đời sống tối thiểu cho giáo viên, quy định giáo viên có thể làm thêm những nghề gì và nghề gì không được làm v.v... Tình hình giai đoạn trẻ em hiện nay chưa phải đã đến mức tồi tệ nhưng nếu mỗi người đều "mặc kệ chúng nó" thì rồi đến lúc phải gào lên như Lỗ Tấn "Hãy cứu lấy trẻ em".
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 40 (3-10-1987)
10-6-08
|