ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 22 (28-5-1988)

SÁCH VĂN HỌC CHO THIẾU NHI

VÕ QUẢNG

Đang có nhiều dư luận không tốt về các em. Việc đó có cơ sở, chúng ta cũng thường gặp ngoài đường những em đi đứng nói năng rất lộn xộn. Chúng bắn ná, trèo tường, văng tục, chửi bới, nện nhau. Người lớn đứng nhìn lặng im. Một lần tôi nghe rõ một người lớn nói: cứ để chúng nện nhau, chết bớt càng tốt. Một lần khác, ban đêm ở nhà một người quen, tôi nghe tiếng la thét kéo dài. Hỏi ra mới biết đó là tiếng thét của các em phạm pháp bị bắt nhốt trong nhà giam. Tiếng thét la của tuổi còn non dại nghe rất ghê rợn. Vậy nguyên nhân gì đã đưa đến tình trạng trên đây? Từ lúc sinh ra cho đến khi khôn lớn các em chỉ sống trong ba môi trường: gia đình, nhà trường, và xã hội. Ba môi trường đó đã ảnh hưởng đến các em. Ra ngoài xã hội các em thấy nhiều sự lộn xộn, mất kỷ cương, trộm cắp, lừa đảo, tham ô xảy ra trước mắt. Các em từng nghe, hoặc từng thấy những "cường hào mới" đục khoét của cải của nhân dân vô tội. Lúc chiều xuống trăng lên, các em gặp những đôi trai gái ôm nhau hôn hít ở công viên, ở bãi cát. Nếu các em được xem tivi, được nhìn video cassette, những cảnh đánh nhau, những cảnh gái trai hôn hít càng hiện lên vô cùng sinh động, vô cùng hấp dẫn, làm các em không thể không bắt chước. Và ở lứa tuổi các em, các em không bắt chước kẻ đuổi trộm mà lại bắt chước kẻ trộm, nếu vai đóng kẻ trộm diễn xuất tốt.

Trong gia đình hiện nay những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội được đưa ra bàn tán thường xuyên. Nếu cha mẹ là những kẻ xấu, bênh vực cho cái xấu, xấu tốt đảo ngược, thì các em thấy có làm điều xấu cũng là việc bình thường, từ đó dần dần sa vào tội lỗi.

Hiện nay ở nhà trường, nhiều em không muốn học. Học mệt, đi phá phách thích hơn. Số các em biết yêu thầy mến bạn dần dần ít hẳn. Các em không thích những giờ dạy sử và giảng văn; cách diễn tả bằng tiếng mẹ đẻ, ngay cả các em cấp ba cũng còn nhiều thiếu sót v.v...

Tất cả những tình hình trên đây có nhiều nguyên nhân. Sự bàng quan, sự vô trách nhiệm, sự độc ác, ích kỷ của người lớn chưa phải là nguyên nhân. Theo ý tôi có một nguyên nhân chủ yếu hơn. Đó là sự đánh giá quá thấp về tác động của văn hóa, về những nếp sống có văn hóa, có ý nghĩa, chưa thấy cái đó là một động cơ chủ yếu thúc đẩy mọi tiến bộ của cuộc sống con người. Riêng đối với các em, bằng những hình tượng sinh động cần chỉ cho các em thấy muốn sống có hạnh phúc không phải là đánh nhau mà phải biết yêu thương đoàn kết, không phải là phá hoại mà phải biết xây dựng, không phải làm ngơ khi thấy người bị ngã mà phải biết chạy đến đỡ họ lên... nghĩa là phải biết sống một cách tốt đẹp, sống có lý tưởng, biết sống cho người khác, sống biết quên mình. Vì con người sinh ra, không chỉ là một cái sọt đựng mọi hiểu biết, mà còn phải có những tình cảm tốt, còn phải có con tim. Nếu con tim đó bị giá lạnh thì khối óc sẽ bị mù quáng. Chính những nhà khoa học lớn như Einstein, hoặc như Ochennicov đã cho biết những phát minh vĩ đại của họ chính là xuất phát từ lòng mong muốn đem lại những lợi ích cho con người. Họ biết quên mình, tình cảm quên mình đó đã đưa lại sáng suốt, nghị lực và thông minh.

Như vậy tình cảm tốt đẹp là động cơ chủ yếu làm nên mọi sự tốt đẹp. Vậy cái gì đã có thể làm nên những tình cảm tốt đẹp đó. Có nhiều. Nhưng chủ yếu là lời nói, trong đó lời nói của văn học đóng một vai trò quyết định - Nhà văn là kỹ sư của tâm hồn. Chân lý đó, trong văn học cho thiếu nhi càng rõ. Quyển Timua và đồng đội ở Nga đã gây được một phong trào rộng lớn ủng hộ thương binh. Ở ta cũng có những quyển sách đã làm các em trở nên tốt... Sách văn học cho các em có những tác động rất sâu xa.

 

***

 

Chỉ nay mai là các em phải gánh vác mọi hoạt động của xã hội. Cần tránh cho các em mọi hiện tượng tiêu cực như ta vừa thấy những năm qua. Phải làm cho các em hiểu được mình, hiểu được người, biết sống vì mọi người, sống có lý tưởng. Như vậy sách văn học dành cho các em cần có đủ hơn, nhiều loại hơn. Cần viết tốt hơn, hay hơn. Phải có nội dung tốt, đồng thời phải viết đúng đối tượng của mỗi lứa tuổi, và nói chung là phải có nhiều chất tưởng tượng, nhiều yếu tố vui tươi, sinh động hơn, chân thật hơn, có nghĩa là tùy mỗi chủ đề, mang được ngôn ngữ cá tính của mỗi tác giả. Những người sáng tác cho thiếu nhi cần được quý trọng. - Trước đây có một số nhà văn có tên tuổi, có những cây bút trẻ viết cho thiếu nhi, sau đó họ chỉ viết cho người lớn. Họ bảo sáng tác cho thiếu nhi là một việc rất khó. Con đường vào văn học thiếu nhi họ cảm thấy quạnh hiu, vì nó chẳng được ai quý trọng và lưu ý.

Văn học cho thiếu nhi, cũng như văn học cho người lớn, nếu được quý trọng và chú ý, thì nhất định sẽ nảy nở tốt đẹp.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 22 (28-5-1988)

 

Mục lục

9-1-12