DỰ BÁO VÀ CHUẨN BỊ TƯ TƯỞNG VÕ TRẦN CHÍ Ngày 24-10-1987, Hội những người viết văn thành phố Hồ Chí Minh đã họp Đại hội lần thứ II. Trên tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI và quán triệt những tư tưởng lớn trong bài nói của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tại cuộc gặp gỡ với văn nghệ sĩ ngày 6 và 7-10-1987, Đại hội lần thứ II những người viết văn thành phố Hồ Chí Minh đã nghiêm túc kiểm điểm lại hoạt động của mình trong thời gian qua và nghiên cứu bàn bạc sâu sắc về những nhiệm vụ nóng bỏng đang đặt ra cho văn học hiện nay. Đại hội cũng đã bầu ra Ban Chấp hành mới của Hội, gồm 21 ủy viên, và do nhà văn Nguyễn Quang Sáng làm Tổng thư ký. Tại Đại hội, đồng chí Võ Trần Chí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu quan trọng. Chúng tôi xin trân trọng trích giới thiệu cùng bạn đọc bài phát biểu nói trên của đồng chí Võ Trần Chí. ... Đại hội lần này của Hội những người viết văn thành phố được tổ chức trong một thời điểm đang có nhiều khó khăn nhưng cũng có những điều đặc biệt thuận lợi. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và các Nghị quyết 2, 3 của Trung ương gần đây, mà nội dung cơ bản là quyết tâm đổi mới, mở đường cho đất nước tiến lên, đang đi vào cuộc sống và sẽ trở thành hành động cách mạng của hàng chục triệu quần chúng. Với tư tưởng "Lấy dân làm gốc", với thái độ "nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ, nói đúng sự thật", cả nước ta đang dấy lên không khí dân chủ lành mạnh trước đây còn bị nhiều hạn chế để tấn công vào mọi biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu bao cấp, mọi thói quen bảo thủ trì trệ và mọi thói hư tật xấu đã và đang là lực cản chủ nghĩa xã hội, nhằm làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Không khí đó, quả là một thuận lợi để chúng ta đánh giá một cách nghiêm túc những gì đã làm và chưa làm được, chỉ ra phương hướng đúng đắn và chấn chỉnh lại lực lượng, nhằm đưa đội quân văn học hùng hậu của chúng ta tiếp tục xung trận, đóng góp một cách xứng đáng nhất vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Theo tôi nghĩ, đây cũng là một dịp để đảng bộ, chính quyền, các ban ngành thành phố tự xem xét về tinh thần trách nhiệm của mình đối với mặt trận văn nghệ, kiểm điểm lại việc thi hành các chủ trương, chính sách để đi đến có một nghị quyết mang tinh thần đổi mới thực sự của Đảng đối với văn nghệ. Vì vậy đây không chỉ là công việc của giới văn nghệ sĩ, mà còn là công việc của toàn Đảng, của toàn dân vì như người ta nói, nhà văn là thư ký của nhân dân, tác phẩm văn nghệ là sản phẩm xã hội, mà lại là loại sản phẩm cao cấp, loại sản phẩm ấy nếu có chất lượng cao, có thể dùng cho muôn thuở. Giữa lúc chúng ta đang trăn trở, suy nghĩ để mong có được những đóng góp tốt nhất vào Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ thì một niềm vui đã đến. Đó là cuộc gặp gỡ diễn ra trong hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987 giữa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ tiêu biểu trong cả nước, tại thủ đô Hà Nội. Đây là một sự kiện quan trọng trong đời sống văn học, được sự đồng tình và ủng hộ nhiệt liệt của giới văn học nghệ thuật, của đồng bào, đồng chí và những người yêu mến văn học trong cả nước. Chúng tôi rất chú ý đến những quan điểm quan trọng trong nội dung phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại cuộc gặp gỡ này. Tôi nghĩ, những nội dung ấy phải được chúng ta tổ chức sinh hoạt nghiên cứu một cách nghiêm túc. Không phải chỉ có giới văn nghệ sĩ nghiên cứu, mà hệ thống lãnh đạo của Đảng, các đoàn thể, ban ngành cũng cần liên hệ xem đã nhận thức, đã góp phần thế nào, có những sáng kiến gì nhằm đóng góp tốt hơn nữa vào sự nghiệp phát triển văn nghệ chung cho cả nước và riêng trên địa bàn thành phố chúng ta. Từ bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, bên cạnh nỗi mừng là sự thật đã được nói ra đúng với sự thật, ta có nỗi lo của người trong cuộc. Hơn 10 năm qua, văn học nghệ thuật của chúng ta chưa "giàu có" thêm, mà lại có phần "nghèo" đi. Cơ chế quan liêu bao cấp đã trùm phủ lên mọi lĩnh vực sáng tạo, phóng khoáng và đầy sức sống nhất. Những nhận thức lệch lạc về bản chất, vai trò, chức năng của văn học nghệ thuật, phương pháp lãnh đạo, quản lý xơ cứng và thô thiển, các chủ trương, chính sách, nhất là chính sách đãi ngộ, không tương xứng với giá trị lãnh đạo mang tính sáng tạo vào loại đặc biệt này đã đến mức phải bật ra tiếng kêu: "cần cởi trói cho văn nghệ". Thành phố chúng ta là một trong hai tụ điểm đông nhất và mạnh nhất của lực lượng văn học nghệ thuật cả nước, cũng là thành phố vừa trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc, và bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất vốn là trung tâm đầu não của giặc. Trong 12 năm qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm hoặc còn thả nổi, trong đó có văn nghệ. Những lo toan cho một thành phố với số dân gần bốn triệu người có việc làm, có cơm ăn, áo mặc, được học hành, bảo đảm an ninh trật tự v.v... đã thu hút gần như toàn bộ tinh lực, trí tuệ của những người có trách nhiệm ở thành phố này là một sự thật. Nhưng, việc đầu tư công sức, quan tâm, chăm sóc, kiểm tra, nhắc nhở để thực hiện những việc rất cần đối với giới văn nghệ vẫn còn bị xem nhẹ, có hiện tượng buông trôi, "khoán trắng"... cũng lại là một sự thật. Có lúc chúng ta đã cho rằng chỉ dồn sức đẩy kinh tế lên, đời sống và điều kiện làm việc của văn nghệ sĩ tất sẽ theo đó mà lên. Đó là một lối nhìn phiến diện, thực tiễn đã chứng minh không phải đơn giản và dễ dàng như thế. Ngược lại, việc chăm sóc mọi giá trị tinh thần trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn là cực kỳ cần thiết, nó không những góp phần để gìn giữ đạo đức, hạn chế các tệ nạn xã hội và mọi thói hư tật xấu mà còn từ một phía khác có khả năng góp phần đổi mới để đưa nền kinh tế đi lên. Hiện nay, cuộc đấu tranh đẩy lùi cái cũ, cái xấu để cho cái mới, cái tốt sinh sôi nảy nở và chiến thắng, thực sự chỉ mới bắt đầu. Trên tất cả các lĩnh vực đang diễn ra cuộc đụng độ gay gắt và quyết liệt giữa cái thiện với cái ác, giữa cao cả với thấp hèn, giữa cái tiên tiến với cái trì trệ, lạc hậu. Vốn trong sáng trong tâm hồn, say mê với sự nghiệp văn học và lý tưởng cao đẹp, đảng bộ và nhân dân thành phố tràn đầy tin tưởng ở sự nhập cuộc một cách kiên trì và dũng cảm của các nhà văn chúng ta trong cuộc chiến đấu mới này. Không có một thế lực nào có thể khiến chúng ta mất đi lòng trung thực và phải bẻ cong ngòi bút như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhắc nhở chúng ta... (Sau khi phân tích tầm quan trọng của nhiệm vụ tiếp tục sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, đồng chí Võ Trần Chí nói tiếp). Ngày nay, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, tuy đã bắt đầu sản sinh ra những tập thể lao động, những mẫu người và những việc làm tiên tiến, nhưng còn quá ít. Chúng ta phải thừa nhận rằng sự nghiệp mà chúng ta đang tiến hành đang gặp những cam go gian khổ và cực kỳ phức tạp. Lòng tin đang còn ít, hoài nghi hãy còn nhiều, lý tưởng và phẩm giá chưa được trân trọng v.v... Đó là một thử thách lớn đối với những người làm công tác tư tưởng nói chung và đối với những người làm công tác văn hóa nghệ thuật nói riêng. Cách mạng xã hội chủ nghĩa đã dành sẵn cho mặt trận văn học nghệ thuật một vai trò đặc biệt quan trọng. Trong tình hình như thế, phải làm sao trong tác phẩm của mình phản ánh được lòng tin về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và những con người mới xã hội chủ nghĩa mà ngày nay mới chỉ là những mầm mống; những mầm mống ấy cần được người ta trân trọng và ước mơ. Để làm tốt việc này, đảng bộ và nhân dân thành phố mong muốn các nhà văn chúng ta với vị trí người chiến sĩ xung kích, đi sâu vào cuộc sống với tất cả tình yêu, niềm tin và nhiệt huyết của mình để ra sức tìm kiếm, khám phá, và sáng tạo ra cho được những tác phẩm giàu tính tư tưởng và nghệ thuật, thôi thúc mọi người tiến mạnh về phía trước, tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Nhà văn, bằng độ nhạy cảm sâu sắc của mình, hãy hăng hái tham gia vào cuộc vận hành của cuộc sống, làm nhiệm vụ dự báo và chuẩn bị tư tưởng cho những đổi mới, những biến đổi xã hội rộng lớn và hiện thực. Thời gian qua, trong hoàn cảnh còn nhiều trói buộc, các nhà văn chúng ta đã có đủ ý chí vượt qua khó khăn của cuộc sống, vượt qua những vật cản đầy thế lực của quan liêu bao cấp, viết nên nhiều tác phẩm tốt, nhất là những tác phẩm cổ vũ cho công cuộc đổi mới một cách nhiệt tình. Ngày nay, cánh cửa của Đại hội VI đã mở để cho luồng gió đổi mới lộng thổi bốn phương. Tuy trước mắt còn phải trải qua bao chặng đường gập ghềnh, khúc khuỷu, nhưng cái đích đã rõ. Dù thế nào, chúng ta cũng phải chung sức chung lòng để đi cho bằng được tới đích.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 44 (31-10-1987)
21-6-08 |