ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 36 (5-9-1987)

 

 

CẦN CÓ SỰ TỔNG KẾT
DÂN CHỦ VÀ KHOA HỌC

VŨ TÚ NAM

Theo ý riêng tôi, đánh giá tình hình văn học của ta từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, có thể chia làm mấy thời kỳ:

1 - Thời kỳ 1945-1954, từ đầu Cách mạng cho đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

2 - Thời kỳ 1955-1964, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cả nước đấu tranh cho thống nhất tổ quốc.

3 - Thời kỳ 1965-1975, toàn dân khắp hai miền trực tiếp chống Mỹ xâm lược và đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

4 - Thời kỳ 1975-1985, đất nước đã thống nhất với những bước đi ban đầu tiến lên chủ nghĩa xã hội, những thắng lợi, khó khăn và sai lầm.

- Từ 1986 (Đại hội lần thứ VI của Đảng) tới nay và tiếp theo, những đổi mới quan trọng trong sinh hoạt chính trị và quản lý kinh tế, văn hóa.

Thật là ngẫu nhiên, bốn thời kỳ đầu đều dài ngang một thập kỷ, trong đó chứa đựng biết bao bài học thành công và thất bại, biết bao kinh nghiệm cần đúc kết một cách toàn diện, trung thực và khách quan. Nhất là đối với giai đoạn hiện tại, từ 1986 tới nay, việc đánh giá tình hình văn học càng cần phải được tiến hành với tính khoa học cao và tinh thần dân chủ rộng rãi.

Tôi xin phép chưa đi thẳng vào nội dung đánh giá tình hình văn học, vì suy nghĩ còn đang vỡ vạc, chỉ đề nghị cách chia thời kỳ như trên và có lẽ ta nên tổng kết các vấn đề sau đây:

1- Về tình hình sáng tác và lý luận, phê bình.

2 - Về đường lối và sự chỉ đạo cụ thể.

3 - Về sự phát triển tiếp nối của đội ngũ viết văn.

4 - Về tổ chức (các đại hội, cơ quan Hội Nhà văn và các ban chuyên môn, các công cụ báo chí và xuất bản v.v...).

5 - Các chính sách và chế độ để khuyến khích phát triển sáng tác và mở rộng đội ngũ.

Đánh giá tình hình cho đúng quả là rất khó. Chúng ta đã có lúc mắc bệnh phiến diện, cực đoan một chiều, khẳng định hết hoặc phủ định sạch. Trong lúc này, đánh giá tình hình cần hết sức bình tĩnh và công tâm. Có như vậy mới rút được những bài học thiết thực và bổ ích.

***

Bây giờ tôi xin nói đôi điều cụ thể hơn. Là người đã từng được Hội giao cho làm báo và xuất bản, tôi thấy tổ chức của ta cứ thay đổi xoành xoạch, đôi khi khá tùy tiện, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển văn học. Ví dụ: Trong khi các báo Lao động, Phụ nữ Việt Nam, Tiền phong... của các đoàn thể khác giữ nền nếp truyền thống từ mấy chục năm nay thì cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn đã thay đổi liên tục từ thể tài đến tên gọi và tổ chức. Chúng ta không nên quên rằng: cần phải chuyên môn hóa rất sâu các ban và các cơ quan báo chí xuất bản của Hội. Vì Ban Chấp hành, Ban Thư ký mấy năm bầu lại một lần, còn các tổ chức kia thì phải tồn tại và phát triển lâu dài, cần có cơ cấu ổn định và trình độ nghiệp vụ tiến dần lên hiện đại chính quy.

Đổi mới cần mạnh bạo nhưng nên gắn liền với kế thừa truyền thống, và nhất là phải nắm mục đích tối cao vì lợi ích của nhân dân, của công chúng độc giả đông đảo.

Kế thừa những gì và loại bỏ những gì sai lầm hoặc lạc hậu trong hoạt động của Hội Nhà văn ta mấy chục năm qua, chỉ có sự tổng kết dân chủ và khoa học mới giúp ta tìm ra đáp số.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 36 (5-9-1987)

Mục lục

12-5-08